T-REDX: “Bầy thú tiền sử” của thời trang Việt
Local - Don't Miss

T-REDX: “Bầy thú tiền sử” của thời trang Việt

Năm 2019, thời trang nội địa Việt Nam đón chào sự có mặt của thương hiệu T-REDX với câu chuyện tiền sử dị biệt. Không dừng lại ở đó, sự đầu tư trong thiết kế và chỉn chu đến từng chi tiết của T-REDX còn góp phần tái định hình thời trang đường phố tại thị trường trong nước còn đang phát triển. Sau hai năm hoạt động, thương hiệu phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những cái tên sáng giá của giới local brand Việt Nam. Thế nhưng, đằng sau sự thành công thì là cả sự cố gắng của cả một tập thể, cùng nhau vượt qua những thất bại và khó khăn.

Bạn giới thiệu một chút về bản thân nhé!

Mình là Bùi Thanh Huyền, nhà sáng lập của thương hiệu thời trang T-REDX.

Huyền đã đến với thời trang như thế nào?

Trước khi đến với thời trang, Huyền đã yêu thích vẽ từ khi còn bé. Cùng với hội họa, mình còn có tình cảm đặc biệt dành cho văn hóa hip-hop. Thậm chí, mình còn từng là một dancer! Với rất nhiều niềm đam mê hỗ trợ cho nhau, cộng thêm bản tính thích ăn mặc đẹp, mình đã đặt mục tiêu theo đuổi ngành thiết kế thời trang từ thời cấp 2, cấp 3. Sau khi tốt nghiệp, mình nhập học tại Cao đẳng nghệ thuật LASALLE ở Singapore với học bổng đi kèm. Huyền tốt nghiệp sau 3 năm, và quay trở lại Việt Nam. Rất may là mình được làm đúng nghề! (cười)

Trở về Việt Nam với rất nhiều khác biệt so với môi trường học thuật ở Singapore, Huyền phải đối mặt với những khó khăn gì trong việc khởi nghiệp thời trang?

Chắc chắn là có. Ngày học tại Singapore, Huyền được rèn luyện trong một môi trường mang tính công nghiệp rất cao: đúng giờ, tỉ mỉ từng chi tiết một. Ngoài ra, Huyền có cơ hội cộng tác với nhiều thương hiệu tầm vóc như UNIQLO, hay các thương hiệu nội địa tại Singapore. Tuy nhiên, Việt Nam là một thế giới hoàn toàn khác. Huyền không biết một cái gì ở đây, và gần như phải bắt đầu học lại từ đầu. Đặc biệt là vấn đề thuật ngữ. Bay qua Singapore ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3, Huyền tiếp thu tất cả kiến thức thời trang bằng tiếng Anh. Nhưng ở Việt Nam, tất cả từ ngữ được dùng đều là thuần Việt, và Huyền hoàn toàn mù tịt. Sự thiếu sót khiến Huyền gặp nhiều khó khăn trong việc tìm chất liệu, và trao đổi với bên gia công. Không ít lần Huyền và xưởng gây gổ với nhau vì vấn đề này.

Không còn cách nào khác, Huyền tìm cách “nhập gia tùy tục”. Mỗi lần ra chợ, mình hỏi người dân cách gọi của các loại vải, và ghi chép vào một cuốn sổ. Thậm chí, mình còn tìm đến những bạn sinh viên thời trang để trau dôi vốn từ thời trang Việt Nam. Huyền mất một khoảng thời gian khá lâu để làm quen với chuyện đó.

Cái tên T-REDX từ đâu mà có nhỉ? Và tại sao là câu chuyện tiền sử?

Thực ra, Huyền là người có cái tôi rất cao, và thích làm những thứ thực sự thể hiện được bản thân. Từ nhỏ đến lớn, mình luôn có một sở thích là tìm hiểu về khủng long và thời kì tiền sử. Cho đến khi làm thương hiệu, mình liền tự hỏi “Tại sao không lấy ở thích này làm câu chuyện cho brand?” Mặt khác, câu chuyện tiền sử cũng là một chủ đề khá lạ và ít người khai thác trong thời trang. Nên là, tại sao không?

Với Huyền, câu chuyện gốc rễ của thương hiệu không quan trọng bằng việc nhà thiết kế thể hiện câu chuyện bằng ngôn ngữ thời trang ra sao. Do đó, chủ đề tiền sử và thế giới giả tưởng của loài khủng long sẽ là thử thách thú vị mà Huyền muốn chiến thắng. Còn về chữ “RED” trong “T-REDX”, đó là vì mình thích màu đỏ! Đơn giản vậy thôi.

Hiện tại, ngoài Huyền, nhóm sáng lập T-REDX của mình còn có anh Quang Trung và anh Paul Nguyễn. Mỗi người sẽ đóng một vai trò gì trong thương hiệu?

Trong T-REDX, Huyền nắm giữ vị trí Head Designer. Ngoài việc thiết kế thời trang, mình còn là người ra ý tưởng và quản lý tiến độ công việc của mọi người. Anh Paul Nguyễn là bạn thời sinh viên và nhà đồng sáng lập, cũng như chịu trách nhiệm chính về graphic . Và anh Quang Trung đóng vai trò Media Director của thương hiệu. Anh quản lý tất cả hình ảnh cũng như mảng truyền thông cho thương hiệu.

Từ trái sang phải: Quang Trung, Bùi Thanh Huyền, và Paul Nguyễn

Với một câu chuyện đặc thù và định hướng sản xuất với số lượng giới hạn, T-REDX có nghĩ đó có thể là giới hạn cho thương hiệu trong việc tiếp cận khách hàng?

Năm 2019, thị trường thời trang nội địa Việt Nam bước vào giai đoạn bão hòa. Ai cũng có thể in một vài họa tiết lên áo, và tự thành lập thương hiệu riêng. Do đó, một thương hiệu mới như T-REDX cần có sự khác biệt và chỉn chu. Nếu cứ chạy theo xu hướng, thì brand nhanh nở nhưng cũng sẽ chóng tàn. Huyền muốn T-REDX là bước đường dài cho mọi người trong nhóm.

Giai đoạn đầu, Huyền sẵn sàng đầu tư và chấp nhận không thu lãi cao. Tuy nhiên, với một sản phẩm chất lượng và chỉn chu như tại T-REDX, mình không thể để một cái giá quá rẻ. Với giá thành như vậy, T-REDX cũng muốn xác định đối tượng khách hàng, là những người sẵn sàng đầu tư cho các sản phẩm sáng tạo của nhà thiết kế. Nếu T-REDX có thể thành công với mô hình này, đó sẽ là tấm gương sáng để các thương hiệu sau noi theo, và không bị ám ảnh về chuyện giá cả. Rằng một sản phẩm Việt Nam hoàn toàn có thể sở hữu mức giá cao, khi được đầu tư đúng nghĩa.

Vậy theo quan sát của Huyền và nhóm, các khách hàng của T-REDX thường là những bạn như thế nào?

Trước khi mở của hàng, tụi mình thường giao tiếp với các bạn khách hàng qua mạng xã hội. Ấn tượng chung của nhóm về những bạn này, là các bạn đều biết cách ăn mặc. Sau này, khi đã có cửa hàng riêng, tụi mình gặp gỡ với đa dạng các tệp khách khác nhau. Học sinh-sinh viên có, người lớn có, dân săn đồ hype có, hay những bạn thích chụp hình khoe outfit cũng có. Đủ mọi cá tính khác nhau. Nhưng phần lớn vẫn là những bạn trẻ đam mê hip hop và định hình cá tính dựa trên nền văn hóa đường phố.

Được biết, trước khi thành lập T-REDX, Huyền đã từng mở một thương hiệu khác nhưng thất bại.

Năm 2017. Huyền về Việt Nam và bắt tay với thương hiệu đầu tiên. Khi ấy, mình chỉ biết chạy theo xu hướng và làm đồ đại trà và bán rẻ, với hy vọng có thể hút khách. Thế nhưng, chỉ sau vỏn vẹn 6 tháng, mình và người đồng sáng lập đành phải “dẹp tiệm” đầy chóng vánh. Thất bại ấy như một lời cảnh tỉnh kịp thời. Huyền có cho mình rất nhiều bài học đáng nhớ dành cho Huyền trong việc xây dựng thương hiệu thời trang. Cần có sự đầu tư chất xám đúng mực, một câu chuyện vững chắc, xuyên suốt, và cái tâm của người sáng lập. Nếu chỉ làm thời trang theo kiểu “ăn xổi ở thi”, sự thất bại là điều hiển nhiên trước mắt.

Ngay sau thất bại ấy, Huyền hợp tác cùng anh Paul và anh Trung, bắt đầu xây dựng thương hiệu T-REDX. Nhưng lần này, mình muốn chuẩn bị mọi thứ thật kỹ càng. Thương hiệu trước đây của Huyền nhanh chóng thất bại cũng chính vì mình thiếu đi quá trình xây dựng nề tảng, đường hướng vững chắc. Mình dành hết 2 năm để chuẩn bị, trước khi chính thức ra mát bộ sưu tập đầu tiên vào năm 2019. Đây không chỉ là sự chuẩn bị cho một bộ sưu tập, mà còn là hướng đi cho nhiều bộ sưu tập sau. Chúng sẽ phải đặc sắc hơn những cái cũ, và góp phần định hình tiếng nói của thương hiệu.

Có thể nói, thương hiệu T-REDX có sự phát triển cực kỳ nhanh chóng dù chỉ mới thành lập được 2 năm. Tốc độ phát triển quá nhanh như vậy có khiến mọi người gặp mâu thuẫn trong việc xác định hướng đi tiếp theo?

Mâu thuẫn là thường xuyên với T-REDX, và mình nghĩ tập thể nào cũng sẽ như vậy. Tuy nhiên, ở T-REDX, mọi người đặc biệt đề cao tinh thần hip-hop. “mất lòng trước-được lòng sau”. Khi bắ tay vào một công việc, Huyền tự nhận mình khá hách dịch, và muốn mọi người làm đúng theo brief một khi đã chốt. Do đó, mọi người trong nhóm, trước hết, cần phải tin Huyền và cho mình quyền hạn ấy. Khi bàn bạc cùng nhau, nếu không đồng tình, cả ba sẽ nói thẳng. “Tôi không thích như vậy, bây giờ phải thay đổi đi!” Cứ như thế cho đến khi mọi người đều hài lòng. Và một khi đã thống nhất và bắt đầu công việc, tuyệt đối không ai “bàn ra”.

Chắc tại vậy, khi nhìn vào T-REDX, ai cũng có ấn tượng là nhóm mình rất hay lớn tiếng và cãi vã với nhau. Tuy nhiên, với mình, đó là tranh cãi trong công việc, là điều cần thiết khi làm việc nhóm. Thật may, cả anh Paul và anh Trung cũng thích tinh thần này của Huyền, và làm việc với nhau khá suôn sẻ. Dù vậy, trong đa số các cuộc tranh cãi, Huyền đều là người lấn át! Hai anh thường đầm tính hơn và nghe theo Huyền. Ở T-REDX là theo chế độ mẫu hệ mà! (cười)

Trong 4 bộ sưu tập đã qua của T-REDX, đâu là bộ sưu tập Huyền cảm thấy “đã” nhất?

Rất khó để chọn đâu là bộ sưu tập mình thích nhất, vì tất cả đều là đứa con tinh thần của mình. Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể những món thời trang T-REDX, mọi người có thể thấy Huyền cực kỳ yêu thích outerwear. Những thiết kế outerwear tại T-REDX luôn được Huyền “thiên vị” về phần thiết kế và đầu tư chất liệu. Những sản phẩm outerwear luôn cho mình cảm giác “đã” nhất, và thể hiện đúng tinh thần của T-REDX nhất. Thực tế, outerwear cũng là  mảng sản phẩm viral nhất của thương hiệu, khi được rất nhiều bạn trẻ bàn tán, săn đón trên phương tiện truyền thông.

Huyền có nghĩ, một ngày mình sẽ cạn kiệt chất liệu tiền sử?

Đây là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra cho Huyền và thương hiệu. Mỗi năm, T-REDX sẽ phát hành định kỳ 2 bộ sưu tập – 1 Chapter và 1 Seasonal. Các sản phẩm Seasonal, thường phát hành vào hè, chỉ đơn thuần bao gồm các họa tiết, thiết kế liên quan đến thương hiệu. Trong khi đó, từng bộ sưu tập Chapter giống như một chương trong “cuốn sách” của T-REDX. Ở đó, mọi người không chỉ chiêm ngưỡng những thiết kế đẹp mắt mà còn chứa đựng câu chuyện rõ rệt về thương hiệu.

Chất liệu mà mình sử dụng cho các sản phẩm Chapter không đơn thuần là thời kỳ tiền sử mà còn có yếu tố fantasy. Giống như bộ sưu tập gần nhất Tái Sinh, tuy dùng hình ảnh là khủng long, thông điệp mà mình lồng ghép lại là một câu chuyện viễn tưởng về sự sinh tồn. Chất liệu và hình ảnh tiền sử đóng vai trò nền tảng, nhưng những câu chuyện fantasy phong phú sẽ là chủ đề quan trọng không kém mà Huyền muốn khai thác. Do đó, Huyền tự tin mình sẽ không bị cạn kiệt chất liệu sáng tạo cho T-REDX.

T-REDX là thương hiệu có sản phẩm rất hay được resell trên các diễn đàn mạng xã hội. Huyền nghĩ sao về điều này?

Giai đoạn mới thành lập, T-REDX đã nhận ngay sự chú ý của nhiều bạn trẻ và các reseller. Thoạt đầu, team cảm thấy rất vinh hạnh. Văn hóa resell trên thế giới là một phần văn hóa không thể tách rời trong giới thời trang, và điều này chứng tỏ mình đang khẳng định bản thân khá tốt. Nhưng dần dần, những hệ quả tiêu cực bắt đầu “tấn công” thương hiệu. Việc thổi phồng giá quá cao của các reseller khiến thương hiệu mang tiếng là “bán giá cắt cổ”, “chảnh chọe” với không ít khách hàng. Đôi lúc, có người còn nhắn tin chửi thẳng mặt, than phiền thương hiệu bán áo với giá trên trời. Mức giá resell là do các reseller đặt ra, không hề liên quan đến thương hiệu gốc, nhưng tụi mình phải là người hứng chịu sự chỉ trích.

Dần dần, T-REDX không còn ủng hộ việc resell các sản phẩm quần áo của thương hiệu nữa. Hơn nữa, tụi mình còn dùng biện pháp mạnh khi thẳng tay block các reseller này trên mạng xã hội, và công bố tên của họ trong một bài đăng để cảnh báo với các khách hàng khác. Tuy nhiên, tụi mình hiểu đó chỉ là biện pháp tạm thời, và văn hóa resell sẽ vẫn cứ tiếp diễn bằng cách này hay cách khác. Nhưng dù sao, tụi mình vẫn đang nỗ lực hết mình để vấn nạn này không diễn ra. Ít nhất là với T-REDX.

Sản phẩm của T-REDX được rất nhiều nghệ sĩ underground sử dụng, đặc biệt là rapper Datmaniac. Huyền nghĩ sao về điều này?

Cảm giác đầu tiên phải nói là mình cảm thấy rất biết ơn. Điều này chứng tỏ, các sản phẩm của T-REDX đủ đặc biệt để họ có thể đưa lên sản phẩm riêng. Ngoài ra, sự tin tưởng của các nghệ sĩ underground cũng có thấy T-REDX đang đi đúng hướng: đi sâu vào nền văn hóa hip-hop và hỗ trợ cộng đồng này. Đây là một điều quý cho cả hai bên. Hình ảnh T-REDX được xuất hiện dưới nhiều hình thức, và người nghệ sĩ cũng cảm thấy được giúp đỡ, nhằm hoàn toàn tốt sản phẩm của họ.

Datmaniac diện outfit từ bộ sưu tập Tái Sinh của T-REDX trong MV “Thiên Hà Trước Hiên Nhà”.

Thực sự, anh Datmaniac là một trong những vị khách hàng đầu tiên của T-REDX. Từ những ngày đầu tiên, anh luôn ủng hộ thương hiệu qua từng bộ sưu tập. Ở trên mạng xã hội, anh rất giản dị. Facebook của anh chỉ để tên thật “Trần Sơn Đạt”, cùng hình profile là cục cơm nắm khá trẻ con. Do đó, khi nhận đơn hàng từ anh, Huyền cũng không để ý. Đến khi tự tay giao hàng đến nhà anh, Huyền mới nhận ra đó là Datmaniac. Đến khi trở thành giám khảo cuộc thi King Of Rap, anh Datmaniac mới ngỏ lời mượn trang phục của T-REDX. Mà anh mua nhiều đến mức, mỗi lần stylist qua mượn đồ, tụi mình phải nói: “Đồ này nhà anh Đạt có rồi, em về hỏi ảnh là được à!” (cười)

Trên thế giới, việc nghệ sĩ kết hợp cùng thương hiệu để cho ra mắt một bộ sưu tập thời trang là điều không quá mới lạ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, điều này vẫn chưa xảy ra.

Trong âm nhạc, sức ảnh hưởng và cá tính của người nghệ sĩ có thể lan tỏa rất dễ dàng. Tuy nhiên, điều này khá khó khăn ở lĩnh vực thời trang. Người nghệ sĩ cần có một phong cách khác biệt và xuyên suốt, tạo dấu ấn sâu sắc cho người hâm mộ. Mỗi khi nhắc đến Travis Scott hay Pharrel Williams, ta đều có thể tưởng tượng được bộ trang phục mà anh ấy hay mặc là gì. Các nghệ sĩ ở Việt Nam thì vẫn chưa làm được điều này.

Ngoài ra, điều này còn phụ thuộc vào định hướng phát triển của nghệ sĩ tại Việt Nam. Hiện nay, các nghệ sĩ trẻ hoạt động thuộc quản lý của các công ty chủ quản, và họ muốn vươn ra các thương hiệu thế giới hơn là nội địa. Dù khá phát triển trong giai đoạn gần đây, thời trang nội địa Việt nam vẫn còn rất nhỏ bé. Cơ hội cộng tác cùng những nghệ sĩ lớn, do đó, cũng còn rất hạn chế, huống chi là thực hiện một bộ sưu tập thời trang riêng.

Táo trong chiếc áo vest T-REDX x Copper Denim
Thành Draw diện áo khoác T-REDX tại Rap Việt All-Star Live Concert
PJPO (góc trái-phía trên), một rapper lâu năm trong giới underground, cũng diện chiếc áo khoác T-REDX trong đợt casting Rap Việt mùa 2 tại TPHCM
Vậy nếu có hợp tác với một nghệ sĩ Việt Nam, T-REDX sẽ tìm kiếm một người như thế nào?

Chắc chắn phải là nghệ sĩ hip-hop với niềm đam mê thực sự. Ngoài ra, họ cũng cần sở hữu một phong cách hoặc góc nhìn thời trang hợp với T-REDX. Vì đối với Huyền, một sự kết hợp thành công là khi, khán giả có thể thấy rõ hình bóng của những nhân vật tham gia trên những sản phẩm ấy, chứ không đơn thuần cho đẹp mà vô nghĩa. Sự kết hợp không chỉ dừng lại ở bộ sưu tập, mà còn có thể giúp đỡ lẫn nhau, khai phá những hướng đi mới.

Huyền muốn thương hiệu nào sẽ xuất hiện trong bài phỏng vấn tiếp theo của chuyên mục Local – Don’t Miss?

Chắc chắn là không thể thiếu Môi Điên, một gương mặt rất nổi bật trong giới thời trang nội địa. Ngoài ra là các thương hiệu mới nổi như DEADEND, Vaegabond. Mình rất thích mindset thời trang của hai thương hiệu này. Còn nếu là thời trang nữ, thì mình đề cử Aeie Studios!

*Fun fact: Huyền và Quang Trung đã từng diện trang phục T-REDX tại Seoul Fashion Week 2019, và được Vogue đưa tin vào năm ấy với trang phục độc đáo và tỉ mỉ.

Xin cảm ơn Huyền và T-REDX với những chia sẻ cá tính và thẳng thắn!

Đặt ấn phẩm ???’? ????? ??????? – ??? ????? ????? chỉ với 99,000 VND, với sự xuất hiện của T-REDX, tại ĐÂY:

Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!

 

Related Article