Những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ luôn phải chịu áp lực từ việc công khai xu hướng tính dục. Theo báo cáo khoa học từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, người đồng giới chiếm khoảng 3-5%, và Việt Nam có khoảng 2.5 triệu người là người đồng tính, song tính, chuyển giới. Song, các số liệu thống kê hiện tại về số lượng người LGBTQ+ có thể chưa phản ánh đúng thực tế. Tâm lý e ngại công khai giới tính thật, cùng với định kiến và kỳ thị từ xã hội, khiến nhiều người phải sống trong bóng tối. Họ không dám sống thật với bản thân, và thậm chí, nhiều người còn tự nghi ngờ bản thân cho rằng mình đang “bệnh”.
Nói cách khác, một số người LGBTQ+ có thể trải qua hiện tượng “ghê sợ đồng tính của chính mình” (internalized homophobia), tức là cảm giác ác cảm, sợ hãi hoặc xấu hổ về xu hướng tính dục của bản thân do ảnh hưởng của định kiến xã hội. Điều này gây ra mâu thuẫn nội tâm và khiến họ khó chấp nhận chính mình. “Trước đây, khi nhận thức của xã hội về LGBT không đầy đủ, nhiều người vẫn xem LGBT là ‘bệnh’. Nhưng bắt đầu từ những năm 1990, tổ chức Y tế Thế giới WHO đã loại LGBT ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Như vậy, người LGBTQ+ cũng có những nhu cầu và quyền lợi cơ bản như mọi công dân khác”, Th.S Nguyễn Thị Thanh Tùng – Giảng viên Khoa Công tác xã hội – Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM cho biết.
Người thuộc cộng đồng LGBTQ+ thường giấu đi xu hướng tính dục của mình qua lớp “mặt nạ” để tránh sự kỳ thị, phân biệt đối xử và những hậu quả tiêu cực từ xã hội. Sự phân biệt và kỳ thị có thể xuất phát từ những người xung quanh trong cuộc sống của họ. Đôi khi đến từ chính hàng xóm, người thân trong gia đình, đẩy những người thuộc cộng đồng LGBT vào tình trạng cô lập và tổn thương tinh thần sâu sắc.
Trong một kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Xã hội kinh tế và Môi trường (iSEE) cho thấy, việc công khai xu hướng tính dục đồng tính khiến 20% người tham gia khảo sát mất đi tình bạn, 15% phải chịu đựng sự lăng mạ hoặc bạo hành từ gia đình. Đáng báo động hơn, 4.5% từng là nạn nhân của các cuộc tấn công bạo lực, 1.5% bị đuổi học, 4.1% mất nơi ở và 6.5% mất việc làm vì là người đồng tính. Bức tranh toàn cảnh này đã cho thấy định kiến và sự kỳ thị sâu sắc của xã hội vẫn còn ăn sâu, gây ra những tổn thương sâu sắc về thể chất và tinh thần cho cộng đồng LGBTQ+. “Trước đây, khi xã hội chưa có cái nhìn cởi mở về LGBTQ+, việc sống thật với bản thân là một điều xa xỉ. Những người thuộc cộng đồng này thường phải lựa chọn giữa việc chôn giấu con người thật và đối mặt với sự ruồng bỏ, kỳ thị. Họ khó lòng tìm được bình yên trong một xã hội còn đầy rẫy những định kiến”, Th.S Thanh Tùng bày tỏ.
Trong những năm gần đây, cộng đồng LGBTQ+ đã có những bước tiến đáng kể trong công cuộc giành quyền bình đẳng. Thực tế, cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng của cộng đồng LGBTQ+ xuất phát từ nhu cầu được công nhận bản sắc cá nhân. “Sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với cộng đồng LGBTQ+, xuất phát từ chủ nghĩa độc tôn dị tính, gây ra những hậu quả xã hội nghiêm trọng và không thể chấp nhận được. Điều quan trọng là xã hội cần nhận thức rõ ràng rằng xu hướng tính dục của người LGBTQ+ là một phần tự nhiên của con người, không khác biệt so với người dị tính. Chỉ khi loại bỏ hoàn toàn quan niệm sai lầm này, chúng ta mới có thể ngăn chặn những tổn thương và tạo ra một xã hội công bằng và bình đẳng”, Th.S Nguyễn Thị Thanh Tùng nói.
Mặt khác, nhà kinh tế chính trị học Francis Fukuyama nhận định, động lực thúc đẩy con người tìm kiếm sự công nhận và bình đẳng bắt nguồn từ hai yếu tố cốt lõi: “thymos” – khát vọng được tôn trọng phẩm giá và bản sắc, và “isothymia” – nhu cầu được xã hội đối xử bình đẳng. Khi một cá nhân cảm thấy phẩm giá của mình bị phớt lờ, coi thường hoặc thách thức, “isothymia” sẽ thôi thúc họ đòi hỏi sự công nhận bình đẳng. Do vậy, quyền được công khai thừa nhận và tôn trọng một cách bình đẳng là nhu cầu cơ bản và tối quan trọng của cộng đồng LGBT.
Chính vì thế, cộng đồng LGBTQ+ trên toàn thế giới đã không ngừng đấu tranh và đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong việc giành quyền bình đẳng và sự công nhận từ xã hội. Năm 2011 đánh dấu một bước tiến lịch sử khi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua nghị quyết đầu tiên công nhận quyền của cộng đồng LGBT. Tiếp nối thành tựu này, tại cuộc họp tháng 3/2012, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi toàn thể các quốc gia trên thế giới chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực đối với người LGBT. Và vào ngày 26/6/2014, Liên hợp quốc chính thức công nhận hôn nhân đồng giới và các hình thức kết hợp dân sự của nhân viên trên toàn cầu, thể hiện sự tôn trọng đối với sự đa dạng của các mối quan hệ tình cảm.
Tính đến năm 2025, 38 quốc gia đã công nhận hôn nhân đồng giới. Đáng chú ý, Thái Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á và thứ ba ở châu Á (sau Đài Loan và Nepal) hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào tháng 1/2025. Luật mới này cho phép các cặp đôi đồng giới có quyền thừa kế, nhận con nuôi và đưa ra các quyết định y tế cho bạn đời của mình. Cùng với đó, nhiều quốc gia đã sửa đổi luật pháp để bảo vệ quyền của người LGBTQ+. Ví dụ, Phần Lan được đánh giá là một trong những quốc gia có luật pháp tiến bộ nhất đối với cộng đồng LGBTQ+, với việc công nhận hôn nhân đồng giới và cho phép các cặp đôi đồng tính nhận con nuôi từ năm 2017.
Riêng tại Việt Nam, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, cho phép cá nhân thay đổi giấy tờ hộ tịch sau khi chuyển đổi giới tính. Đây là cơ sở quan trọng để người chuyển giới thực hiện các quyền cơ bản trong đời sống. Ngoài ra, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, mặc dù vẫn chưa chính thức công nhận hôn nhân đồng giới. Sự thay đổi này được coi là tín hiệu tích cực trong việc tiến tới bình đẳng hôn nhân.
Đặc biệt, nhiều tổ chức xã hội dân sự đã được thành lập, trong đó có Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng và giúp đỡ người LGBTQ+ chống lại những định kiến xã hội.
Về mặt nhận thức, nhờ sự phát triển của Internet và các phong trào xã hội, nhận thức của xã hội về cộng đồng LGBTQ+ đã dần thay đổi. Tại Đài Loan, theo khảo sát của tổ chức Taiwan Equality Campaign vào tháng 5 năm 2024, có 56.5% người được hỏi ủng hộ hôn nhân đồng giới, tăng so với 41% vào năm 2020; và 60.63% người được khảo sát chấp nhận con mình là người đồng tính. Chưa dừng lại ở đó, họ cũng đã tổ chức nhiều sự kiện mang tính bước ngoặt, góp phần quan trọng vào quá trình nâng cao nhận thức của xã hội đối với cộng đồng đồng giới, trong đó nổi bật như “Yêu là yêu”, “Yêu là cưới” (2012) và chuỗi sự kiện “Tôi đồng ý”, nhằm thúc đẩy quyền bình đẳng và hôn nhân cho người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Các chương trình thực tế và gameshow về cộng đồng LGBTQ+ cũng được thực hiện. Nổi bật phải kể đến là: “Comeout”, “Miss International Queen”, “Người ấy là ai”… đều là những chương trình góp phần thay đổi nhận thức cho xã hội, phá vỡ những định kiến và tạo ra sự đồng cảm cho cộng đồng. Bên cạnh gameshow, những dự án phim như “Thưa Mẹ Con Đi”, “Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng”, “Call Me By Your Name”… đã chạm đến trái tim của khán giả, giúp họ hiểu rõ hơn về những khó khăn, thách thức và cả những niềm vui, hạnh phúc của người LGBTQ+. Ngoài ra, để cung cấp thêm những thông tin kiến thức thiết yếu về cộng đồng LGBTQ+, một số ứng dụng chăm sóc sức khỏe đã ra đời gồm: Dr.Psy, AiHealth,…
Sự dũng cảm sống thật và đấu tranh cho quyền bình đẳng của cộng đồng LGBTQ+ đang góp phần kiến tạo một xã hội cởi mở và bao dung hơn. Họ không còn đơn độc trong cuộc chiến chống lại định kiến, thay vào đó nhận được sự đồng hành và ủng hộ từ một xã hội ngày càng văn minh và thấu hiểu.
Mặc dù nhiều quốc gia đã đạt được các bước tiến đáng kể, nhưng cộng đồng LGBTQ+ vẫn phải đối mặt với những ranh giới vô hình. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng bất bình đẳng giới gây ra những hậu quả tiêu cực cho tất cả mọi người, không chỉ phụ nữ mà cả nam giới và cộng đồng LGBT. Những định kiến về vai trò giới, áp lực phải thành công và gánh vác trách nhiệm trụ cột gia đình khiến cả nam giới và phụ nữ đều cảm thấy bị hạn chế. Ví dụ, khi phụ nữ không có địa vị cao trong gia đình và xã hội, họ sẽ ít có cơ hội phát triển bản thân, không thể độc lập về tài chính và sự nghiệp. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiếng nói và vai trò của người LGBT trong gia đình và xã hội.
Ở môi trường giáo dục, người LGBT thường xuyên trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, bao gồm bạo lực thể chất, xúc phạm bằng lời nói và quấy rối tình dục, chỉ vì xu hướng tính dục của họ khác biệt so với số đông. Trong môi trường làm việc, họ có thể bị từ chối cơ hội hoặc mất việc vì lý do tương tự.
Theo khảo sát của IPSOS 2023, 45% người đồng tính và chặng giới vẫn đối mặt với sự phân biệt trong công việc, trong đó hơn 30% cho biết họ khó tiếp cận các cơ hội thăng tiến. Một số nhà tuyển dụng hoặc đồng nghiệp có thể có cái nhìn thiếu thiện cảm hoặc cho rằng người thuộc cộng đồng LGBTQ+ không phù hợp với môi trường công ty. Sự phân biệt này không chỉ thể hiện qua việc thiếu cơ hội thăng tiến mà còn qua những hành vi như lời nói miệt thị, trêu chọc, hoặc thậm chí là quấy rối. Điều này tạo ra một môi trường làm việc độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất và tinh thần của người lao động LGBTQ+.
Hơn nữa, việc không tạo ra một môi trường làm việc hòa nhập có thể khiến các công ty bỏ lỡ những tài năng và đóng góp quý giá từ cộng đồng LGBTQ+. Một số công ty có thể thiếu các chính sách bảo vệ và hỗ trợ người lao động LGBTQ+, chẳng hạn như các điều khoản chống phân biệt đối xử trong nội quy công ty hoặc các chương trình đào tạo về đa dạng và hòa nhập.
Để giải quyết vấn đề này, các công ty cần thực hiện các biện pháp cụ thể, chẳng hạn như xây dựng các chính sách chống phân biệt đối xử rõ ràng, tổ chức các buổi đào tạo về đa dạng và hòa nhập, và tạo ra các không gian an toàn để người lao động LGBTQ+ có thể chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời, công ty cần có một môi trường làm việc mà tất cả mọi người được đối xử công bằng, được tôn trọng và được tạo điều kiện để phát huy hết tiềm năng của mình, bất kể xu hướng tính dục hay bản dạng giới của họ. Song đó, chính phủ cũng cần đóng vai trò quan trọng trong việc ban hành các luật bảo vệ quyền của người lao động LGBTQ+ và thúc đẩy sự bình đẳng trong môi trường làm việc.
Đáng nói, cảm giác bị phân biệt và bị nhìn nhận bằng đôi mắt thiếu công bằng vẫn tồn tại trong các gia đình truyền thống. Nhiều bố mẹ vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận con cái là LGBTQ+ và sự kỳ thị vẫn hiện diện trên nhiều phương diện. Nó xuất phát từ những giá trị lâu đời về hôn nhân và giới tính, vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng Á Đông. Nhiều bậc cha mẹ lớn lên trong môi trường mà hôn nhân đồng giới hay sự đa dạng giới tính không được đề cập hoặc bị xem là đi ngược lại chuẩn mực. Điều này dẫn đến sự hoài nghi, dè dặt, thậm chí là phản đối khi con cái công khai xu hướng tính dục của mình.
Ngoài ra, áp lực từ họ hàng, cộng đồng xung quanh cũng khiến nhiều gia đình khó lòng chấp nhận, bởi họ lo sợ con mình sẽ đối diện với sự kỳ thị xã hội. Hệ quả là nhiều người LGBTQ+ vẫn che giấu bản thân hoặc chịu đựng sự áp đặt nhằm thay đổi xu hướng. Hơn thế nữa, sự thiếu dũng cảm trong việc công khai xu hướng tính dục đã khiến nhiều người tìm đến các cuộc thi như Miss International Queen (MIQ)… như một cách để thể hiện bản thân. Đối với họ, đây không chỉ là một cuộc thi nhan sắc, mà còn là một sân khấu để họ được sống thật với chính mình, được khẳng định bản dạng giới và tìm kiếm sự công nhận từ xã hội.
Nhằm khắc phục tình trạng này, cần có sự thay đổi từ cả hai phía. Các bậc cha mẹ cần mở lòng, tìm hiểu và chấp nhận sự đa dạng của xu hướng tính dục và bản dạng giới. Các tổ chức xã hội và chuyên gia tâm lý có thể hỗ trợ thông qua các buổi tư vấn, hội thảo, cung cấp thông tin chính xác và khoa học. Cạnh đó, việc xây dựng một môi trường xã hội cởi mở, nơi mọi người được tôn trọng và yêu thương cũng là yếu tố then chốt. Cộng đồng LGBTQ+ cũng cần sự kiên nhẫn, giao tiếp cởi mở với gia đình, chia sẻ những khó khăn và mong muốn của mình. Chỉ khi có sự thấu hiểu và đồng hành từ cả hai phía, chúng ta mới có thể xây dựng những gia đình hạnh phúc và hòa nhập, nơi mọi thành viên đều được sống thật với chính mình.
Quyền được sống bình đẳng và tôn trọng là quyền cơ bản của mỗi con người. Dù hành trình tìm kiếm tiếng nói cho sự bình đẳng của cộng đồng LGBTQ+ vẫn còn nhiều chông gai nhưng ánh sáng của hy vọng vẫn luôn rực rỡ. Với sự kiên trì và đoàn kết, cộng đồng LGBTQ+ sẽ tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, xây dựng một xã hội – nơi mọi người được tự do sống thật với chính mình.
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn