Lặn SCUBA – Đi tìm nhịp thở của đại dương
GroomingHealth & Fitness

Lặn SCUBA – Đi tìm nhịp thở của đại dương

Nếu đã từng thử hoặc tò mò về thiền thì môi trường dưới đáy biển là một “lối tắt” để giữ bạn thực sự sống với hiện tại và hiểu được tầm quan trọng của từng hơi thở.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất khi thiền đó là hơi thở. Tưởng như rất đơn giản nhưng khi toạ thiền với lượng không khí không-giới-hạn xung quanh thì rất khó để có thể quán niệm được hết giá trị của hơi thở. Thế nên tôi mời bạn đem theo 200 bar (lượng không khí trong một bình khí lặn, tương đương khoảng 2.000 lít) cùng du ngoạn đáy đại dương.

Dọn mình và đến một thế giới khác

Bảy năm trước, bị thuyết phục bởi mặt biển xanh biếc và những bức ảnh đầy màu sắc của những rặng san hô, tôi đã dấn thân lặn thử. Để rồi từ đó phải lòng với thế giới không trọng lực còn nhiều bí ẩn này. Môn lặn SCUBA (viết tắt của Self-Contained Underwater Breathing Apparatus – tạm dịch: thiết bị thở khép kín dưới nước) này đã trở thành người bạn đồng hành lý tưởng với tôi trong các chuyến du lịch một mình.

Ở bất cứ thành phố biển hay hòn đảo nào, môn lặn bình khí luôn là hoạt động ưu tiên trong check-list của tôi. Tôi yêu cả khoảng thời gian tĩnh lặng trên tàu để ra điểm lặn. Tôi thực hành chánh niệm khi bình tĩnh kiểm tra thiết bị. Dù đã lặn hơn một trăm lần, tôi vẫn luôn rạo rực khi thực hiện bước nhảy khỏi tàu và từ từ chìm vào lòng biển xanh thẳm.

Không trọng lực, hầu như không có tiếng động và… không có màu đỏ, đại dương là một thế giới hoàn toàn khác biệt với những gì tôi từng biết. Những tác động vật lý của nước cũng gây nên những thay đổi khác nhau cho cơ thể. Khi thở hết không khí từ phổi ra, để làn nước biển ôm trọn lấy cơ thể đang chìm xuống thật chậm và cảm nhận áp lực nước ép vào màng nhĩ tai, bạn hãy thật bình tĩnh để cân bằng trước khi tai bị đau. Làn nước mát lạnh ngấm dần vào bộ wetsuit khiến nhịp tim dần chậm lại. Và khi bạn đạt được kỹ năng điều hoà độ nổi trung tính (neutral buoyancy) sẽ là khi bạn thấy mình như hoà vào làm một với đại dương.

Đối diện với nỗi sợ, sống trọn từng hơi thở và nới rộng giới hạn bản thân

Trong lòng biển cả, sợi dây liên kết duy nhất của bản thể đối với sự sống là hơi thở, điều này buộc tôi phải sống với những giây phút hiện tại. Môi trường này rèn luyện cho tôi sự tập trung, tĩnh lặng và cả sự tỉnh thức như trong những buổi thiền hành. Tập trung điều hoà hơi thở để cân đối độ nổi của cơ thể. Tỉnh thức để nghe nhịp tim của mình vẫn đập đều và để quan sát những người bạn lặn. Hoà vào làm một với sự diệu kỳ của thế giới dưới lòng nước cùng rất nhiều sinh vật từ nhỏ xíu đến khổng lồ. Đáy biển không chỉ có những sinh vật nhiều màu sắc mà còn có nhiều thách thức kỳ thú như hang đá, hải lưu, những loài động vật khổng lồ như mola mola, những đàn cá khổng lồ, cá mập hay xác tàu, máy bay đắm…

Lặn bình khí được liệt vào dạng thể thao mạo hiểm có xác xuất rủi ro khá thấp nếu bạn tuân thủ theo quy định. Để có bằng lặn chuyên nghiệp, bạn sẽ phải học khá nhiều lý thuyết và các quy tắc an toàn trước khi có thể điều khiển thiết bị để tự lặn. Nếu muốn lặn thử, bạn có thể đăng ký với các trung tâm lặn được cấp phép bởi SSI hoặc PADI (hai liên đoàn lặn quốc tế), một huấn luyện viên chuyên nghiệp sẽ đồng hành cùng bạn xuống độ sâu khoảng 7m dưới mực nước biển. Điều quan trọng nhất là bạn có thể đối mặt với sự thay đổi, nỗi sợ để tin tưởng vào người đồng hành cũng như thiết bị lặn của mình. Vượt qua được những điều trên là bạn đã có thể mở cửa cả một thế giới mới với vô vàn sinh vật, khung cảnh cũng như cảm nhận mới cho chính mình.

Bài: SLN
Ảnh: Đan Kibb – Viet Divers
 

Related Article