Làm thế nào để bảo vệ “trái tim sự nghiệp” của bạn khỏi đổ vỡ?

  • by Huyền My Trương
  • July 1, 2025

Chúng ta ai cũng từng trải qua cảm giác tan vỡ trong tình yêu. Nhưng liệu bạn đã bao giờ tự hỏi: tan vỡ trong sự nghiệp thì như thế nào?

“Career heartbreak” – tan vỡ sự nghiệp – không chỉ đơn thuần là sự thất vọng về công việc hiện tại. Đó là khi ta đánh mất niềm tin vào chính con đường mình đã chọn, đã đầu tư cả thời gian, công sức và bản sắc cá nhân để gây dựng. Khi công việc không còn phản chiếu con người bạn hoặc giá trị bạn theo đuổi, cảm giác hụt hẫng ấy thực sự có thể chạm đến tận đáy lòng, đúng nghĩa là một trái tim tan vỡ.

Nghe có vẻ cường điệu nhưng đó là một trải nghiệm rất thật: Bạn có thể cảm thấy căng thẳng trong ngực, đau đầu mỏi vai, mất ngủ hay kiệt sức về tinh thần, trong đầu là hàng loạt câu hỏi và tâm trí mệt nhoài đi tìm câu trả lời thoả đáng… Những cảm xúc gắn liền với hành trình nghề nghiệp thường len lỏi sâu vào tâm trí và cơ thể chúng ta hơn ta tưởng.

4 giai đoạn cảm xúc trong giai đoạn nghề nghiệp

Một nghiên cứu năm 2023 từ Trường Kinh doanh Copenhagen đã phân tích hành trình cảm xúc của các luật sư đang trên lộ trình trở thành đối tác và phát hiện ra 4 giai đoạn cảm xúc chính mà nhiều người trong chúng ta cũng có thể thấy mình trong đó:

Khởi đầu – Hào hứng và kỳ vọng: Khi mới bắt đầu sự nghiệp, cảm xúc thường tràn đầy lạc quan, hoài bão và mong muốn cống hiến.

Áp lực thăng tiến – Lo âu và bất ổn: Khi được cân nhắc lên vị trí cao hơn, sự phấn khích dần nhường chỗ cho áp lực thành công, lo sợ thất bại và tự nghi ngờ bản thân.

Thành công – Tự hào và gắn bó: Được thăng tiến mang lại niềm vui và cảm giác tự hào. Người đi làm bắt đầu hình thành sự gắn bó cảm xúc với tổ chức, xem lợi ích công ty như lợi ích bản thân.

Vỡ mộng – Mất định hướng và chán nản: Sau những năm dài cống hiến, kỳ vọng không được đáp ứng, khối lượng công việc không giảm, sự đánh giá liên tục khiến niềm tin và động lực sụp đổ.

Giai đoạn thứ tư chính là lúc “trái tim nghề nghiệp” tan vỡ. Tất cả chúng ta, không thể tránh khỏi, có nhiều người rất có thể đang, đã hoặc sẽ đi qua những cảm xúc tương tự trong hành trình sự nghiệp của chính mình. Không riêng bất kỳ lĩnh vực nào, rất nhiều người ở các lĩnh vực khác cũng từng cảm thấy mình trưởng thành hơn, thay đổi nhận thức và rồi… nhận ra rằng họ đã không còn yêu công việc từng gắn bó nhiều năm trời.

Khi không còn yêu nghề của mình là một cảm xúc thật không dễ chịu, nhất là khi ta đã gắn bó với nó trong phần lớn thời gian. Càng tệ hơn khi bạn bè, đồng nghiệp bày tỏ sự ngưỡng mộ và trân trọng việc chúng ta đang làm… hơn cả bản thân chúng ta, phải không?

Làm sao để bảo vệ “trái tim sự nghiệp”?

Đừng đợi đến khi chán ghét công việc mới bắt đầu tìm lối thoát. Hãy chủ động tạo “bộ đệm cảm xúc” để bảo vệ trái tim sự nghiệp của bạn từ hôm nay:

Phát triển kỹ năng mới trước khi cần thiết

Đừng chỉ học khi công việc yêu cầu. Hãy tìm hiểu về AI chẳng hạn, ngay cả khi vai trò hiện tại chưa liên quan. Những kỹ năng này có thể mở ra cơ hội mới trong hoặc ngoài tổ chức.

Mang sở thích cá nhân vào công việc

Bạn yêu viết lách, nhiếp ảnh, thiết kế? Hãy tận dụng chúng. Trở thành người chụp ảnh cho sự kiện công ty, sáng tạo nội dung cho trang mạng xã hội,… những điều nhỏ này giúp bạn tìm thấy lại niềm vui và năng lượng trong công việc hàng ngày.

Đóng góp chuyên môn cho cộng đồng

Hãy thử dùng kiến thức nghề nghiệp (kế toán, marketing, tư vấn…) để đóng góp cho một tổ chức phi lợi nhuận. Tham gia ban điều hành, hội đồng tư vấn… là cách giúp bạn tìm thấy ý nghĩa lớn hơn và mở rộng góc nhìn nghề nghiệp.

Đừng ràng buộc bản thân vào chỉ một ngành hoặc một tổ chức

Đa dạng hóa hành trình nghề nghiệp sẽ giúp bạn tránh đặt toàn bộ kỳ vọng vào một nơi. Sự linh hoạt và mở rộng lựa chọn là “bảo hiểm tinh thần” tốt nhất cho “trái tim nghề nghiệp” của bạn.

Bạn biết đó, chắc chắn dù người viết đang cho bạn vài gợi ý hữu ích nhưng bạn không cần phải bảo vệ mù quáng. Tôi vẫn nghiêng về tự do ý chí và rằng mỗi một sự cố xảy đến là một lần cho ta cơ hội để nghĩ lại, để điều chỉnh tầm nhìn và mong muốn trong hiện tại và tương lai.

Nếu bạn đang ở trong giai đoạn “vỡ mộng”, đừng phớt lờ cảm xúc đó. Có thể bạn đang bước vào một khủng hoảng nghề nghiệp giữa sự nghiệp (career mid-life crisis) và đó không phải là dấu chấm hết.

Ngay từ phút giây bạn vỡ mộng, buộc thoát khỏi thực tại đã quá quen thuộc về chính mình và về môi trường xung quanh, cũng là lúc bên trong bạn đang dần chuyển hoá. Bạn đang bước những bước đầu tiên trong một giai đoạn đặc biệt, giúp bạn nhìn thấu những điều vẫn đang bị che mờ trước nay. Sẽ có chút sợ hãi và hoang mang nhưng có lẽ trạng thái này là cần để chúng ta “gạn đục khơi trong”, từ trong bóng tối tìm thấy ánh sáng, bước qua khe cửa hẹp để tiến đến một hành trình khám phá mới, với một tâm thế mới.

Ảnh: Tổng hợp

library