Quấy rối tình dục, #MeToo và lời xin lỗi xấu xí của thế kỷ 21
Lifestyle

Quấy rối tình dục, #MeToo và lời xin lỗi xấu xí của thế kỷ 21

Đúng vậy, tôi đang muốn nói đến lời xin lỗi của anh chàng nọ, cựu học sinh trường chuyên có tiếng bậc nhất Sài Gòn, một gương mặt trẻ tuổi đầy triển vọng với công trình của anh ta. Sau những ngày ngắn ngủi sóng gió vì lời cáo buộc quấy rối tình dục nhưng vẫn chễm chệ trong danh sách Forbes Under 30, anh chàng cuối cùng cũng đã rút tên và xin lỗi. Nhưng đó lại là một lời xin lỗi chẳng thuyết phục được thời cuộc.

Vượt khỏi drama mạng xã hội

Tôi không cần nói chắc bạn cũng biết “anh chàng nọ” là ai. Nhiều người nghe đến cái tên Ngô Hoàng Anh bây giờ sẽ thấy tiếc cho một gương mặt tuổi trẻ tài cao, dù sao thì ở tuổi 22 mà đã là “Trưởng đơn vị nhóm chuyên gia công nghệ thông tin phòng chống dịch COVID-19”. Đây chẳng phải là thứ rất “con nhà người ta” hay sao? Nhiều người vẫn còn tin vào luận điểm của anh chàng có vẻ rất thông minh này (để mà có công trình và được đề cử), rằng nếu anh chàng mà không chình ình lên trên mặt báo với một đề cử có ý nghĩa lớn với rất nhiều người trẻ Việt Nam, thì chắc cũng chẳng có bạn gái nào lên tiếng để mà dư luận được dịp xì xầm lên án. Như vậy có nghĩa, thực ra những lời nói ám chỉ tình dục (thực chất là bị cáo buộc “quấy rối tình dục), những lời mời gọi thiết tha chat sex của anh chàng cũng chẳng ảnh hưởng lắm tới những cô gái trẻ đã lên tiếng, nếu anh chàng chỉ là một gã sinh viên bình thường như bất cứ ai. Phải công nhận là luận điểm của anh chàng không phải không có cơ sở, nếu tôi chẳng biết anh chàng này là ai, thì anh ta có là một kẻ dâm đãng chuyên đi dụ dỗ người khác, chắc đó cũng chỉ là chuyện của anh ta và những người liên quan. Chẳng ai biết, ít ai quan tâm. Nhưng may quá anh ta lại được đề cử, để người ta bắt đầu biết, và quan tâm, và suy ngẫm về những chuyện vượt qua khỏi giới hạn của một drama mạng xã hội.

Kính Lube - quấy rối tình dục trực tuyến

Những ngày ngắn ngủi khi Ngô Hoàng Anh khăng khăng giữ tên trong danh sách Forbes Under 30 là những ngày thú vị với tôi, khi chứng kiến một phong trào #MeToo phiên bản Việt đích thực theo cái cách chẳng khác mấy so với những sự kiện tương tự ở một xã hội phương Tây. Nạn nhân đầu tiên châm ngòi, những cô gái khác nhận ra họ không đơn độc trong cuộc chiến mềm này, họ tìm thấy động lực để tiếp tục lên tiếng, lên tiếng thẳng thắn, lên tiếng công khai, lên tiếng về tất cả những gì chỉ vài dòng chat sex một chiều có thể tác động đến tinh thần và khiến nhân phẩm họ tổn thương. Họ lên tiếng vào thời điểm này chỉ bởi một “người bạn thân thiết” thông thường nào đó khi biến thái tán tỉnh rồi đòi chat sex với họ có thể chỉ cần bị đưa thẳng vào danh sách blocked, “bai bai” không hẹn ngày gặp lại. Nhưng nếu kẻ đó lại chễm chệ xuất hiện trên mặt báo như một hình mẫu đáng để xã hội vinh danh và tán dương, thì đó lại là câu chuyện khó có thể chấp nhận.

Ở thế kỷ 21, đó là một câu chuyện sai, quá sai.

Đã đến lúc chúng ta thực sự hiểu #MeToo

Trước đó, đây chỉ là một hashtag gắn liền với làn sóng nữ quyền, nơi phái nữ đồng loạt lên tiếng chống lại những gã đàn ông đang từng ngày từng giờ tấn công tình dục họ bằng cách này hay cách khác. #MeToo được giới thiệu với xã hội Việt Nam như thể một gã Tây chẳng ăn được trứng vịt lộn. Rõ ràng anh ta hiểu trứng vịt lộn là cái gì, nghe kể thì cũng thấy nó ngon, nhưng anh ta lớn lên ở xã hội nơi quả trứng vịt lộn thậm chí không phải một danh từ có trong từ điển, và tất nhiên chẳng đời nào anh ta bỏ con vịt nhỏ lông lá đó vào miệng. Tương tự, #MeToo hợp với những xã hội phương Tây nơi đấu tranh là chuyện thường ngày ở huyện, nơi lúc nào cũng có kẽ hở của xã hội để người ta nhận ra và tìm cách sửa chữa, chắp vá. Nhưng nhập cảnh #MeToo vào những xã hội tư tưởng gia trưởng đã thấm vào máu thịt thì chẳng khác nào tìm cách vá cả cái mùng toàn những cái lỗ. Nên thà không vá còn hơn.

Kính Lube - quấy rối tình dục trực tuyến

Tôi còn nhớ ngày học ở trường, có hai môn tôi rất ghét, là đạo đức và giáo dục giới tính. Tôi ghét học đạo đức là vì tôi ghét phải học thuộc những thứ quá cơ bản, lặp đi lặp lại, học để thi, và thi đỗ là coi như bạn đã có đạo đức. Tôi ghét giáo dục giới tính vì đó chỉ là những buổi học ngoại khoá dạy cách sử dụng bao cao su đầy những tiếng cười đùa khúc khích của đám học sinh. Với giáo dục phổ thông, đạo đức và tình dục là hai khái niệm khác hẳn nhau. Nhưng hoá ra, ranh giới ở đây lại quá mong manh. Và #MeToo, là điểm giữa của hai khái niệm ấy, không có ngoại lệ ở bất cứ xã hội nào. Khái niệm quấy rối tình dục, tấn công tình dục ngày càng rõ ràng và chi tiết, thậm chí đã được đưa vào luật lệ của rất nhiều quốc gia, người lớn lục đục đi học lại đạo đức để liệu mà tránh vi phạm những quy tắc ứng xử. Về cơ bản, có ba kiểu tấn công tình dục: Thông qua lời nói (bàn luận hay ám chỉ về tình dục khi không được sự đồng thuận với đôi phương), Thông qua hành động (từ những hành động nhỏ như chạm vào ai đó khi không được đồng ý), và Thông qua ngôn ngữ ánh mắt (một cái nhìn, gửi hình ảnh nhạy cảm…)

Kính Lube - quấy rối tình dục trực tuyến

Đột nhiên người ta nhận ra không phải chỉ tấn công hùng hồn, ép buộc, cưỡng hiếp… mới là quấy rối tình dục, tấn công tình dục. Đột nhiên họ nhận ra rằng, những lời nói bông đùa của anh đồng nghiệp này, cái chạm vô tư của ông sếp nọ, tiếng huýt sáo trêu trọc của một thanh niên vu vơ trên phố, ánh mắt xoáy sâu đầy hàm ý của ai đó khi họ đi ngang qua… tất cả đều là một kiểu tấn công tình dục. Hoá ra từ trước đến nay, họ vẫn là nạn nhân bị tấn công tình dục, thậm chí khi chỉ còn là những đứa trẻ. Tấm mùng có đầy khe hở dần trở thành một vấn đề ai ai cũng phải đối diện. Theo nghiên cứu của ActionAid Vietnam, 87% phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam được phỏng vấn chia sẻ họ từng bị tấn công tình dục bằng những cách khác nhau, 89% đàn ông được phỏng vấn thừa nhận họ đã từng chứng kiến cảnh phụ nữ bị tấn công tình dục dưới hình thức trêu trọc, huýt sáo, nhận xét về vẻ ngoài, nhìn chằm chằm vào bộ phận cơ thể và thậm chí động chạm vật lý. Vậy là bạn đã hiểu những biểu hiện tấn công tình dục này gần với phạm trù đạo đức đến thế nào. Những cô bé cậu bé khi còn ngồi trên ghế nhà trường chưa từng được dạy rằng, việc trêu trọc, huýt sáo, bình luận về vẻ ngoài của bạn bè cũng chẳng khác nào họ đang vi phạm nguyên tắc ứng xử, một chuẩn mực đạo đức. Thế nên mới có những cô gái lên tiếng về Ngô Hoàng Anh đã phải mất một thời gian dài để hiểu ra cảm giác tệ hại họ có khi phải tiếp chuyện anh chàng này đến từ đâu. Nó sai đến đâu. Nó xấu xí và xúc phạm đến đâu. Thế nên mới có chuyện một người trẻ sáng láng và tiếp cận những nền giáo dục tốt nhất trên thế giới nhưng lại không thể nhận ra sự thiển cận của những câu nói anh chàng miêu tả “ngôn ngữ để trò chuyện với những người bạn thân thiết” để mà đến khi miễn cưỡng nói lời xin lỗi cũng chỉ để biện hộ cho sự ngây thơ vô tâm của mình. Thế nên mới có chuyện nhiều người coi những câu nói của Ngô Hoàng Anh chỉ “bình thường thôi mà!”, “Có cần phải làm quá nên như vậy không?” “ Nếu cảm thấy không thoải mái thì còn tiếp chuyện làm gì?”

Còn tôi thì nghĩ, “Đúng là #MeToo!” Nó ở đó để chỉ thẳng vào thực tế rằng nhận thức của nhiều người với những vấn đề của thời đại nghèo nàn đến thế nào. Tôi đổ lỗi cho bộ môn giáo dục giới tính chán chết vô nghĩa được dạy và học cho có ở nhà trường. Tôi đổ lỗi cho văn hoá im lặng tôi đã và đang hít thở trong nó. Tôi đổ lỗi cho tất cả những ai tin rằng vài lời xin lỗi là có thể đại diện cho cái kết êm đẹp của một câu chuyện ai đó quấy rối tình dục, tấn công tình dục ai đó. Tôi đổ lỗi cho những biện hộ rằng họ cảm thấy có lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến số đông mà gạt phắt đi những cô gái – những nạn nhân trực tiếp, những phẩm giá bị thương tổn và những tiếng nói bị tảng lờ trong câu chuyện đó.

Bài: Vân Anh
 

Related Article