Kính Lube: Dirty Talk – “Yêu ai, thì nói khẽ vào tai…”
Lifestyle

Kính Lube: Dirty Talk – “Yêu ai, thì nói khẽ vào tai…”

Từ những thành phố La Mã cổ đại, thơ ca Trung Đại cho đến chiếc giường thời hiện đại, “dirty talk” có lịch sử lâu dài hơn bạn tưởng tượng rất nhiều.

Pompeii có điều bí mật

Trớ trêu là không biết từ lúc nào, tình dục trở thành một kiểu chủ đề cấm kị để người ta dè chừng; chứ cái thời Hy Lạp – La Mã cổ đại toàn triết gia với đại đế, ai mà nghĩ họ cũng là những người bàn luận về tình dục như kể chuyện mua bánh mì ăn sáng, đi tản bộ ban chiều? Bạn không tin thì cứ thử tìm cách ghé thăm Pompeii một lần để biết người họ có nhu cầu giãi bày về quan điểm tình dục của mình thế nào, Pompeii (Campania, Ý) là một bi kịch của quá khứ, nhưng cũng vì sự sống của nó bị hủy diệt bởi núi lửa Vesuvius phun trào vào năm 79 sau CN, người hiện đại mới có dịp diện kiến một thành phố cổ toàn vẹn đến thế: quán bar, nhà chứa, trường học, vỉa hè, những nhà tắm công cộng, lò nướng bánh mì, những hầm ủ bia… và, rất nhiều dòng nhật ký tình dục viết lên tường của cư dân Pompeii xưa kia.

Hàng triệu du khách đổ đến Pompeii mỗi năm, và có một nơi trong những tàn tích này lúc nào cũng đông nghẹt người. Họ muốn nhìn thấy cổ nhân ghi lên tường một dòng tâm đắc về việc họ đã tận hưởng cuộc ân ái của mình thế nào, cơ thể người phụ nữ của họ đẹp thế nào, thậm chí miêu tả chi tiết đến độ những cái đầu truyền nhân vốn đã quen với lề thói xã hội sẽ phải mắt chữ O miệng chữ A … Không phải vì người La Mã mê sắc dục hơn những tộc người khác, chỉ đơn giản họ là những người thích thể hiện quan điểm, họ muốn tiếng nói của mình được nghe, quan điểm của mình được tận thu, cảm xúc của mình được lưu giữ. Và cầu được ước thấy, nhờ tro bụi núi lửa chôn vùi mà những thông điệp khẩu dâm cổ đại vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay. Tất nhiên ở thời điểm đó, các nhà tâm lý học thì chưa có, triết gia như Platon hay Aristotle thì còn bận nói về chủ nghĩa khắc kỷ hay một nhà nước cộng hòa… người dân thường thì chỉ việc tận hưởng những lạc thú tự nhiên và cơ bản nhất mà chẳng cần thăm dò định nghĩa “dirty talk” là gì? Và để làm gì?

Loài người đã và vẫn đang tiến hóa, và “dirty talk” thì cũng chẳng thể nằm ngoài dòng chảy ấy. Theo từ điển Cambridge, “’dirty talk’ đơn giản chỉ hành động miêu tả những biểu hiện tình dục với người khác bằng từ ngữ thô lỗ.” Nhưng chỉ riêng trong ngôn ngữ Anh, người ta đã có gần 10 danh từ để cùng nói về mỗi cái việc “phát ngôn” trước và trong lúc làm tình: Erotic talk, gross talk, love talk, naughty talk, sexting, sexy talk, talking dirty, hay talking gross…  càng nhiều tên thì phạm vi và ý nghĩa của “dirty talk” cũng biến hóa từ chỗ không chỉ có từ ngữ thô và nhắm thẳng đến tình dục mà người ta có thể loằng ngoằng dài dòng, gợi hình và gợi cảm, nói đùa cũng có mà ra lệnh cũng được, nó có thể được người ta thì thầm vào tai đối phương, nói qua điện thoại hay thậm chí nhắn tin… bất cứ điều gì miễn có thể đẩy sự hưng phấn lên cao trào. Vậy là, tóm gọn lại, không biết ai là người phát minh ra “dirty talk” đầu tiên, nhưng tôi cá mục đích duy nhất của họ cũng chỉ là muốn nâng cấp trải nghiệm tình dục của mình lên một tầm khác mà thôi.

Mọi con đường đều dẫn đến cái tai (và miệng)

Người La Mã trước kia không có cái điện thoại nên họ dùng bức tường, đến năm 1958 Hollywood có bộ phim noir như Touch of Evil của đạo diễn Orson Welles. Giữa những hoạt cảnh tâm lý tội phạm kinh điển đến mức chẳng khó để gọi tên Touch of Evil là một trong những bộ phim hay nhất của thế kỷ 20, chẳng ai xem phim mà có thể quên được trường đoạn “dirty talk” cũng kinh điển chẳng kém trong lịch sử điện ảnh khi gã cảnh sát trưởng trong phim nói với nhân vật Marlene Dietrich: “Khi kết thúc vụ án này, tôi sẽ ghé thăm cô và ăn thử những trái ớt của cô nhé.” Cô gái trẻ trả lời: “Anh cẩn thận vẫn hơn – có khi nó cay lắm đấy!”

Rõ ràng là họ đang nói về thức ăn, và nếu không nhìn vào phản ứng hóa học trên màn ảnh giữa hai nhân vật thì chẳng ai nghĩ chàng và nàng đang ám chỉ chuyện tình dục: người thì khơi gợi, kẻ thì kích thích bằng lời dọa dẫm bóng gió. Xem tiếp phim thì bạn sẽ biết chẳng phải do bạn có đầu óc đen tối quá mà thấy họ có ý gì với nhau, nhưng không cần xem phim thì bạn cũng nhận ra một điều, rằng “dirty talk” có khi chẳng “dirty” đến như thế. Đến những trái ớt mà cũng có thể đủ sức kéo hai người lên giường với nhau, thử tưởng tượng trong hàng tỷ cái đầu là những “huyễn hoặc” gì, khi họ nghĩ về tình dục.

Chưa từng có một cuộc khảo sát chi tiết như vậy, nhưng bù lại, ít nhất khảo sát của các nhà tâm lý học cũng cho ta một vài con số thú vị về việc công dân hiện đại tiếp cận “dirty talk” thế nào. Trong số 990 người được khảo sát, 90% thừa nhận cảm thấy hưng phấn khi “talk dirty” với đối phương; nhiều hơn 50% thích nghe đối phương “talk dirty” hơn chính mình tự lên tiếng, 29% “talk dirty” bất cứ khi nào họ làm tình. Kết luận của khảo sát này, là hầu hết những người được khảo sát thừa nhận họ cảm thấy thỏa mãn hơn khi “talk dirty” khi đang làm tình.

Thỏa mãn, cũng chính là khoái cảm, không đơn thuần chỉ là “Boom, Boom, Boom” như một bài hát ám chỉ tình dục nổi tiếng vào những năm 90 thế kỷ trước, và cũng không có chuyện cái tai chỉ là “vật trang trí cầu kì cho cái đầu con người” như nhà văn Charles Lamb từ thời Shakaespeare từng hứng lên tuyên bố. Những lời rót vào tai như vậy có thể kích hoạt vùng erogenous (vùng nhạy kích thích tình dục) trong não, bao gồm hai vùng Hypothalamus (vùng điều khiển thân nhiệt và nhu cầu con người) và amygdala (vùng kích hoạt cơ chế sợ hãi). Phức tạp như khoa học thần kinh, và cũng thú vị như khoa học thần kinh. Trong khi não bộ được kích thích thông qua những lời nói từ hoa mỹ đến thô thiển như vậy, và buồn cười là càng thô tục, thì não bộ lại càng nhạy cảm hơn. Thế nên mới có chuyện đùa trong giới tâm lý học, là những người phụ nữ có quyền lực trong cuộc sống và công việc hóa ra lại thích nghe đối phương “ra lệnh” trên giường hơn cả. Thế nên mới có chuyện, người ta thường cho rằng “dirty talk” cũng chính là một sự giãi bày trơn tuột về những “sự tưởng tượng” và ham muốn tình dục kì quặc nhất.

Tôi thấy nó giống với một tấm màn trên sân khấu. Người ta kéo nó lên để thấy những cơ chế tâm lý thầm kín, tối tăm, hoang dại nhất của đối phương. Nếu đồng điệu thì cảm xúc tình dục thăng hoa, không chấp nhận được hay sợ quá thì vơ lấy áo quần ra đi không ngày gặp lại sau khi “xong chuyện”. Thế nên cái tai (và cái miệng) quan trọng lắm, Charles Lamb! Có chúng thì người ta mới biết đối phương muốn gì để mà thỏa mãn họ. Có chúng thì sự giao tiếp mới có thể vượt khỏi ranh giới “trái cấm” để tiến sâu hơn vào việc thỏa mãn mưu cầu kết nối trừu tượng giữa các cặp đôi, vì càng thoải mái bao nhiêu khi nói về tình dục thì đời sống tình dục của họ sẽ càng thỏa mãn, như kết luận của nhiên cứu đăng trên Journal of Social and Personal Relationship (2012).

Bi hài như “dirty talk”

Quan trọng là thế, nhưng vài người bạn của tôi thú nhận, chẳng phải lúc nào “dirty talk” cũng khiến họ hưng phấn hơn được. Tưởng tượng một cặp đôi khác quốc tịch, khác ngôn ngữ như anh bạn tôi, vì anh chàng này mỗi lần nghe bạn gái “dirty talk” bằng một thứ ngôn ngữ khác, với ngữ điệu khác đều bật cười. Cảm xúc đang đến hồi cao trào đột nhiên có đoạn “flop” bi hài như vậy, đến mức anh chàng phải yêu cầu cô gái có lẽ nên dừng việc thì thầm mà tập trung vào chuyên môn.

Một người bạn khác nửa Pháp nửa Anh thì chẳng bao giờ nghĩ về thứ tiếng Pháp anh nói như một “điểm nhấn” gợi cảm của mình, cho đến lúc cứ gặp cô nào là y như rằng cô nấy yêu cầu anh ta nói tiếng Pháp với cô khi làm tình. Mới đầu thì anh chàng rất nghiêm túc với chuyện này, nói toàn những từ hoa mỹ bóng bẩy. Nhưng ngay sau đó anh chàng nhận ra “ủa, những cô ấy có hiểu mình nói cái gì đâu?” nên có một quyết định (mà tôi cho rằng khá lố bịch) là anh ta bắt đầu nói bất cứ thứ gì xuất hiện trong cái đầu nhảm nhí của mình. Từ chuyện anh ta thích ăn hạnh nhân cho đến chuyện thời tiết hôm nay âm u vậy, có lần anh chàng còn kéo chuyện mình bực tức thế nào với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lên giường… kết luận chung là chẳng quan trọng việc anh ta nói cái khỉ gió gì, những âm thanh phát ra từ miệng anh chàng vẫn khiến những cô gái trót say mê “thứ tiếng Pháp quyến rũ” đầy hưng phấn ấy.

Đây, có lẽ là một trong những chuyện kì khôi nhất tôi từng được nghe kể về “dirty talk”, ngoài chuyện tất nhiên anh chàng này rõ ràng chẳng coi “dirty talk” là thứ gì đó quá nghiêm túc, anh ta cũng là dẫn chứng quá hùng hồn của việc nhiều khi, nội dung cũng chưa chắc quan trọng bằng kiểu nói. Nói bằng thứ tiếng gì (nếu bạn muốn biết khi những câu “dirty talk” kinh điển được dịch ra tiếng Việt sẽ nghe như thế nào, thì video dưới đây sẽ là câu trả lời);

thì thầm vào tai hay quát mắng nhau; nói bao nhiêu thì đủ và nói thế nào thì hay; khi nhắn tin liệu bạn có nên chỉ dùng emoji thay cho câu chữ, hay cứ thêm cho chắc ăn; rồi chẳng may bạn đang nói chuyện nghiêm túc những lại dùng phải emoji người ta mặc định “dirty” thì phải làm sao? … Hàng tỷ câu hỏi, nhiều người sẽ chỉ ngậm ngùi giữ cho riêng mình còn hơn mạo hiểm khơi mào, vì suy cho cùng chẳng phải ai cũng thích “dirty talk” và thích cởi mở ngoài bốn bức tường phòng ngủ. Nhưng có người như cô bạn của Céline trong cuốn phim Before Sunset (2004) của đạo diễn Richard Linklater, trước khi hẹn hò ai đó, cô sẽ đề nghị người kia cùng trả lời một bộ câu hỏi. Chi tiết như đề thi trắc nghiệm, tất cả đều chỉ để tìm hiểu cặn kẽ về xu hướng tình dục của người còn lại. Một trong những câu hỏi đó, là họ có thích “dirty talk” không? Và nếu có thì họ có thể điền vào dòng ghi chú những từ cụ thể họ muốn nghe khi làm tình là gì. Lập luận của Céline là như vậy để tránh phiền phức về sau, vì một mối quan hệ chỉ tốt đẹp khi đời sống tình dục thỏa mãn cả hai. Jesse có tin điều đó không? Tôi không rõ. Nhưng khi anh chàng thấy Céline nhảy theo bài hát cũ của Nina Simone với điệu bộ nhái theo nữ ca sĩ trễ nải duyên dáng nhất thế kỷ 20, thì có lẽ đó cũng là cách Céline thực hành kiểu “dirty talk” của chính mình.

Bài: Vân Anh
 

Related Article