Kính Lube: Chẳng có gì phức tạp bằng cách chúng ta yêu!
Lifestyle

Kính Lube: Chẳng có gì phức tạp bằng cách chúng ta yêu!

Nếu ai đó nói với bạn “yêu thì cứ yêu thôi! Lại còn phải cách này cách nọ!” thì họ đã nhầm to. Nếu yêu mà dễ thế, tôi tưởng tượng sẽ chẳng ai cần đến chị Thanh Tâm ngày xưa trên báo giải quyết các vấn đề tình cảm đôi lứa từ nhảm nhí cho đến nghiêm túc sướt mướt. Nhưng, cách người ta yêu có thể phức tạp đến thế nào?

Yêu không cùng cách

Tuần trước ở club, anh bạn tôi đang vui nhún nhảy với âm nhạc. Rồi đột nhiên anh chàng quay ra nhờ một người bạn chung đi mua nước hộ, dù quầy nước chỉ cách bạn tôi đứng vài bước chân. Hoá ra, lấp ló trong đám đông là cô người yêu cũ cũng đang đứng nhún nhảy với bạn mình. Và hoá ra, cô nàng đứng ngay giữa quãng đường vài bước chân từ chỗ bạn tôi đến quầy bar. Mối tình này chỉ vừa mới kết thúc vài tuần, và ai cũng ngầm đoán được lý do họ chia tay. “Họ yêu nhau nhưng lại không có cùng cách yêu!” ai đó nói với tôi. Và đây có lẽ là dẫn giải thông minh và súc tích nhất cho một câu chuyện đổ vỡ. 

Nó không giống với ngôn ngữ tình yêu, vì dù ngôn ngữ có khác nhau đi nữa, thì một khi hiểu được ngôn ngữ của đối phương, người ta cũng sẽ học cách thích ứng với nó và cảm kích khi ngôn ngữ tình yêu ấy được thể hiện theo cách rất cá nhân. Cách yêu của chúng ta không chỉ là cách thể hiện tình yêu, mà còn là cách mỗi người ứng xử và mưu cầu từ đối phương, hay đơn giản hoá lại: là cách bạn gắn bó với ai đó. 

Barney và Robin trong phim “How I Met Your Mother”

Nếu đã xem “How I Met Your Mother”, bạn chắc cũng chẳng còn lạ lẫm gì anh chàng Barney. Một anh chàng đẹp trai sát gái chỉ có bạn tình chứ chẳng bao giờ có bồ. Anh ta tiếp cận phụ nữ chỉ với mục đích là ngủ với họ. Lý do của anh ta là đời độc thân vui lắm, ai lại muốn ràng buộc mình với người khác để rồi chẳng chóng thì chầy cũng sẽ chán nhau. Xong rồi thế nào, anh ta lại phải lòng đúng cô bạn thân Robin, cũng lại là một người cứ động đến tình yêu là chạy thẳng cẳng. Hai anh chị giằng xé tâm can, thích nhau âm thầm, rồi cuối cùng cũng đến với nhau được gần một mùa phim. Ấy vậy mà, họ vẫn cảm thấy nhớ cuộc sống độc thân của mình, nhớ sự tự do không ràng buộc, và càng sâu đậm thì họ lại càng thấy sợ và lại càng kiếm cớ gây nhau. Mối tình này rốt cuộc dừng lại nút pause đến tận mùa cuối cùng. 

Cách yêu của cả hai nhân vật này về cơ bản giống hệt nhau, dù họ có những hoàn cảnh sống rất khác nhau. Một người không bao giờ biết mặt bố mình. Người kia dù là phụ nữ nhưng được ông bố nuôi dạy nghiêm khắc chẳng kém gì đàn ông. Cái hay của phim ảnh là chỉ bằng những khắc hoạ ngắn gọn về cuộc đời một ai đó cũng đủ để lý giải vì sao họ chọn một cách sống hay một kiểu yêu nhất định. Và cũng chỉ từ những chi tiết lẻ tẻ về mối quan hệ với cha mẹ của hai nhân vật này, người xem cũng có thể hiểu được phần nào cảm giác không cần tình yêu chỉ cần tự do này. 

Thuyết “gắn bó”

Cũng như bất cứ ai thuộc về loài người trên hành tinh này, Robin và Barney đều thuộc về một thuyết “gắn bó”. Sau một nghiên cứu kéo dài gần nửa thế kỷ, thuyết gắn bó ra đời như một tấm phao cứu sinh cho những người luôn trăn trở với câu hỏi mình yêu như thế nào và tại sao có những mối quan hệ tưởng rất tốt đẹp nhưng lại không thể lâu bền như cách họ kì vọng. Vì sao có những người tưởng rất hợp nhau, rất tuyệt vời khi ở bên nhau, nhưng họ vẫn cảm thấy không thoả mãn với đối phương? Vì sao môi trường sống trong gia đình có ảnh hưởng lớn như vậy đến cách chúng ta gắn bó với ai đó? Thuyết gắn bó bắt đầu được định nghĩa bởi nhà tâm lý học người Anh John Bowlby. Theo đó, có 4 kiểu gắn bó khác nhau: anxious (căng thẳng), disorganized (hỗn độn), né tránh (avoidant) và cách lành mạnh nhất là secure (an toàn). Dù “sự gắn bó nói chung là cảm giác kết nối sâu sắc về cảm xúc của một người với người khác bất chấp thời gian và không gian,” theo Bowlby từng định nghĩa, nó có cội nguồn từ lúc mỗi người chỉ là một đứa trẻ mới ra đời, cho đến khi chúng ta trưởng thành. Nó cấu thành trong não bộ của chúng ta tinh vi đến độ ảnh hưởng trực tiếp đến cách chúng ta tiếp nhận bất cứ người lạ nào khi bước vào cuộc đời chúng ta, cũng như những mối quan hệ dần thành hình trong đời mỗi người. 

Để hiểu một cách đơn giản, gắn bó quá (như anxious attachment) cũng chết, không gắn bó (như avoidant attachment) cũng chết. Nhưng kiểu gắn bó của người này khi tương tác với thể loại gắn bó của người khác lại thể hiện một đa tầng mới, đan trộn giữa nhiều tương tác, xập xình đan cài vào nhau. Ví dụ, một người thuộc kiểu gắn bó căng thẳng lúc nào cũng cần sự hiện diện hay bảo chứng của đối phương về tình cảm để cảm thấy an toàn khi kết đôi với một người thuộc thể loại gắn bó tránh né, thường sợ hãi sự thân mật và thích dành nhiều thời gian ở một mình. Bạn tưởng tượng ra rồi đấy, đây sẽ là mối quan hệ như hai thái cực của nam châm, và dù họ có hấp dẫn nhau về thể xác và chia sẻ nhiều giá trị tinh thần, phong cách gắn bó khác nhau vẫn sẽ là một rào cản đáng sợ đang giăng bẫy trước mắt họ. Một người thích sự thân mật và sự xuất hiện dày đặc của đối phương, còn người kia, lại sợ chính những điều ấy. Khác biệt này nhẹ thì dẫn đến cãi vã khi hai bên cảm thấy mình chẳng hiểu quái gì về nhau, nặng thì dẫn đến đổ vỡ, đổ lỗi cho nhau (dù thực ra cái họ cần đổ lỗi là tuổi thơ của họ kìa!). 

Cách “an toàn” nhất

Trong cuốn sách “The Woman Destroyed” của Simone de Beauvoir, nhân vật Monique hỏi con gái mình bà có lỗi sai gì dẫn tới việc chồng bà đi ngoại tình. Đứa con gái nhún vai nói, “lỗi sai duy nhất là mẹ luôn cần sự hiện diện của bố, với mẹ hạnh phúc là khi ở bên cạnh ai đó.” Mưu cầu hạnh phúc của Monique trở thành gánh nặng với ông chồng, khiến ông này dù yêu cũng thấy ngột ngạt. Và dù đến cuối cùng, bà vẫn nguầy nguâỵ lắc đầu không tin con gái mình, một cô gái Pháp chứng kiến chính cách bố mẹ mình tương tác với nhau, để quyết định cô thích sự tự do của mình hơn, hạnh phúc là thứ ảo vọng, bấu víu vào nó thì chỉ có sai lầm. “Cứ thấy tình cảm nghiêm túc một tí là con sẽ bỏ anh chàng này, tìm người mới!” Cô gái nói như vậy với mẹ mình, người rõ ràng không thể hiểu thực ra, cô con gái của mình chỉ đang có một kiểu gắn bó khác, kiểu niềm tin khác với tình yêu và với con người. Không chỉ với đàn ông, đây cũng là cách cô nàng tương tác với cha mẹ mình. 

Tất nhiên, cả bà mẹ và đứa con đều không có cách gắn bó lý tưởng nhất, họ sẽ còn phải dằn vặt xoay vần với câu chuyện đời mình. Nhưng trên thực tế, những nhà tâm lý học vẫn có thể chỉ cho bạn chi tiết, kiểu gắn bó nào là lý tưởng nhất để có mỗi quan hệ tình cảm lành mạnh và lâu dài. “Secure attachment” trong mối quan hệ tình cảm của người trưởng thành thường được thể hiện bằng việc: ai đó có khả năng tự điều phối cảm xúc của mình, có kĩ năng vượt qua những hoàn cảnh khó khăn cũng như có thể ở một mình mà không cảm thấy cô đơn hay khổ sở. Đây cũng là những người có thể giao tiếp và thể hiện cảm xúc của mình khi có một mong muốn cảm xúc nào đó, và cuối cùng, là biết cách kết thúc một mối quan hệ hay đặt ra những giới hạn khi người họ yêu thương không thể đáp trả cùng một mức độ tình cảm.

Tất nhiên, với một đứa trẻ, cải thiện cách gắn bó sẽ dễ dàng hơn một khi bố mẹ chúng biết điều này quan trọng thế nào tới tương lai của đứa trẻ. Nhưng nếu bạn đã là một ngưởi lớn, đã trải qua một vài mối tình, đã nghĩ rằng mình vượt qua đủ thứ để mà không phạm phải sai lầm trong tình yêu nữa, thay đổi phong cách gắn bó chắc chắn sẽ không phải điều dễ dàng. 

Nhưng cứ yên tâm, chẳng ai vô vọng đến như vậy! Quá trình này bắt đầu khi bạn nhận thức được cảm xúc của mình, khả năng yêu và được yêu cũng như khả năng để cảm thấy an toàn với ai đó. Chúng ta thường có xu hướng cảm thấy bị cuốn hút bởi những người có cùng cách gắn bó như mình, xuất phát từ cảm giác thân thuộc. Nhưng cũng có những ngoại lệ (như tôi vừa ví von phía trên). Dù cho bạn đang có sự kết hợp kì quặc đến đâu, mỗi người đều nên hướng đến cùng một điểm đích là rèn cho mình một cách gắn bó an toàn hơn bằng việc tìm hiểu về chính mình, tránh xa những mối quan hệ độc hại, xây dựng sự tự trọng và có thể diễn giải cảm xúc của mình theo cách lành mạnh. 

Tất nhiên, đừng nghĩ rằng đây sẽ là quá trình dài và dễ thở. Nếu bạn là một người có cách gắn bó “an toàn” thì chúc mừng bạn! Một ngày, chúng tôi sẽ giống bạn thôi!

Bài: Vân Anh
 

Related Article