Kinh doanh F&B: Sự chân thành làm nên giá trị thương hiệu
Wine & DineBusiness

Kinh doanh F&B: Sự chân thành làm nên giá trị thương hiệu

Khi vị thế của F&B ngày càng được chú trọng và nâng tầm, đó cũng lúc Men’s Folio mong muốn đưa những câu chuyện kinh doanh thú vị về lĩnh vực này lan tỏa đến độc giả của mình. Đó cũng là lý do Hospitality & FnB trở thành một trong 3 lĩnh vực được chia sẻ trong chuỗi tọa đàm “The Joy of Business Conference” do Men’s Folio tổ chức tại Hà Nội vào ngày 29/11.

Với chủ đề “New Generation: Journey to Build Brand Identity for Vietnamese F&B Brands”, chúng tôi chào đón những câu chuyện từ những diễn giả đều là người đã có kinh nghiệm kinh doanh không chỉ với một mô hình, và hiện tại, họ đang dẫn dắt những thương hiệu F&B có tiếng tại Hà Nội và TP.HCM. Trong đó có anh Lê Anh Vũ – Người đồng sáng lập 2 nhà hàng tại Hà Nội là Masu Japanese và Classé, chị Nguyễn Thanh Đạo – Giám đốc điều hành RedDoor Café. Thật vui khi trước thềm tọa đàm chính thức diễn ra, chúng tôi đã có cơ hội ngồi xuống trò chuyện để hiểu hơn về câu chuyện xây dựng thương hiệu ngành F&B.

Anh, chị đều là những người đã dày dạn kinh nghiệm chinh chiến thương trường F&B. Do đó, tôi lại muốn biết bước đầu tiên trên hành trình đó của anh, chị diễn ra như thế nào?

Lê Anh Vũ: Khi còn nhỏ, các bạn hay gọi tôi với cái tên “Vũ Béo” bởi khả năng ăn nhiều (cười). Mỗi chuyến du lịch của tôi cũng không khác nào chuyến “food tour” cả, nhưng quan trọng là sau mỗi chuyến đó, tôi lại thích mày mò, nghiên cứu làm những món đã từng ăn. Lúc đầu chỉ đơn giản là muốn nấu cho gia đình, bạn bè, sau này thì bắt đầu nhen nhóm ý định mở nhà hàng và mang những gì mình đã trải nghiệm ở nước ngoài về Việt Nam. Ngoài ra, làm F&B cũng xem là một cách để tôi tìm mua được nguồn nguyên liệu chuẩn, xịn với giá cả hợp lý để nấu ăn cho gia đình và bạn bè.

Lê Anh Vũ – Nhà sáng lập nhà hàng Masu Japanese và Classé.

Nguyễn Thanh Đạo: Tôi nghĩ mình đã có sẵn máu buôn bán trong người từ khi nhỏ. Hồi đó, tôi đã thích bán hàng đồ chơi, đến năm 18-19 tuổi là cùng bạn bè mở shop kinh doanh đầu tiên. Từ lúc đó, bên cạnh việc đi học, đi làm văn phòng, thì tôi luôn duy trì việc kinh doanh của mình song song.

Nguyễn Thanh Đạo – General Manager RedDoor Cafe.

Xây dựng thương hiệu lĩnh vực F&B, anh, chị định nghĩa như thế nào về cụm từ này với kinh nghiệm cá nhân?

Lê Anh Vũ: Xây dựng thương hiệu lĩnh vực F&B với tôi cũng giống như việc đi tìm chính mình trong quá trình trưởng thành: Tôi là ai, muốn làm gì, muốn mọi người nhìn nhận mình như thế nào?… Tôi và những người cộng sự cũng đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ để đi tìm điều mình muốn làm, phù hợp với thế mạnh, hướng phát triển và cách xây dựng hình ảnh cho thương hiệu trong mắt khách hàng.

Nguyễn Thanh Đạo: Với tôi, “thương hiệu là hiệu được thương”. Để xây dựng nó, chắc không gì ngoài việc làm sao để được mọi người thương. Cũng giống như tình yêu, muốn người khác yêu mình thì ngay từ bề ngoài đã phải xinh đẹp, ấn tượng, khiến người ta có hứng thú tìm hiểu, yêu quý thì mới thương được.

Không gian RedDoor Đồng Khởi.

Đối với mô hình kinh doanh hiện tại của mình, anh, chị đặt ra những nguyên tắc “bất biến” nào? 

Lê Anh Vũ: Điều tôi quan tâm nhất là chất lượng nguyên vật liệu thực phẩm đầu vào và việc vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi muốn những gì mình đang kinh doanh đủ chất lượng, đủ ngon để chính chúng tôi cảm thấy tự tin, còn khách hàng an tâm thưởng thức.

Nguyễn Thanh Đạo: Có mấy câu thơ tôi rất thích trong bài “Lời mẹ dạy” của Phùng Quán: “…yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, dù ai ngon ngọt đủ điều cũng không nói thương thành ghét, dù ai cầm dao doạ giết cũng không nói ghét thành thương…”. Cho nên với tôi, điều “bất biến” là sự chân thật của sản phẩm. Một con người chân thật bán những sản phẩm chân thật.

Nhà hàng Classé mang phong cách châu Âu lãng mạn của Lê Anh Vũ.

So với việc kinh doanh ở những lĩnh vực khác như thời trang, công nghệ, giải trí,… anh cảm thấy điều thú vị nhất khi kinh doanh F&B là gì? 

Lê Anh Vũ: Tôi nghĩ là tôi vui vì được sống với đam mê ăn uống mỗi ngày. Kinh doanh F&B còn là sự tổng hòa của các lĩnh vực khác như tính thẩm mỹ của thời trang trong việc thiết kế menu, sự tiên tiến của công nghệ để duy trì chất lượng món ăn đồng đều, hay tính giải trí qua những câu chuyện mà chúng tôi truyền tải đến khách hàng,… Tất cả đều nhằm tạo ra trải nghiệm vui vẻ khi mọi người đến nhà hàng.

Nguyễn Thanh Đạo: Đúng như nghĩa của từ “thú vị”, đó là cảm giác vui thích của vị, luôn được tiếp xúc với những thứ đa dạng về hương và vị. Đặc biệt là cà phê ngon, một thức uống luôn có tầng tầng hương, vị. Chưa kể, ngày ngày cuộc sống của mình đều được làm việc đầu tiên trong “tứ khoái” – ăn uống – thì quá sướng, đúng không?

Khẩu vị là chìa khóa quan trọng đối với việc kinh doanh F&B. Mất bao lâu và làm cách nào anh chị có được sự tự tin với chiếc menu của mình, để mở bán? 

Lê Anh Vũ: Tôi không có hoạch định thời gian cụ thể cho việc tạo nên tasting menu. Chúng tôi sẽ thử cho đến khi nào đạt được 90% sự yên tâm từ đầu bếp, các bạn nhân viên, bạn bè, gia đình rồi mới dám đưa đến thực khách. Sự tự tin về khẩu vị của chính mình chỉ giúp chúng tôi một phần rất nhỏ ở giai đoạn đầu hình thành món ăn còn sau cùng, vẫn là phụ thuộc vào trải nghiệm và đóng góp của khách hàng. Làm nhà hàng là để phục vụ khách hàng, không phải phục vụ bản thân.

Nhà hàng Masu Japanese do Lê Anh Vũ sáng lập.

Nguyễn Thanh Đạo: Bạn dùng từ “chìa khoá” tôi thấy phù hợp quá, mỗi cá nhân là một ổ khoá, nên khẩu vị và chìa khoá kia rất riêng biệt. Tôi không mất quá lâu để biết mình muốn bán cái gì, tôi còn đi trên con đường “xúi người thay ổ khoá” (cười). Ngoài ra, khi có đủ kiến thức cả về khoa học, kỹ năng ngửi nếm thì tôi có thể xác định được định hướng của menu. Tôi cũng biết chấp nhận rằng khẩu vị của mình không phải là của số đông và mỗi người sẽ có một gu riêng. Do đó, mọi người khi đến tiệm chúng tôi không nhất thiết phải bám vào menu, các bạn hoàn toàn có thể bày tỏ hương vị mình mong muốn. Chỉ cần cho tôi chút thời gian, tôi có thể tạo ra chúng.

Như tinh thần chung của diễn đàn “The Joy of Business Conference”. Tôi nghĩ niềm vui trong công việc (và cuộc sống) là chất xúc tác cần thiết trong cả quá trình dài lập nghiệp và lèo lái doanh nghiệp. Niềm vui trong công việc của anh được nuôi dưỡng thế nào? Và khó hơn là làm sao anh duy trì và giữ được nguồn năng lượng tích cực ấy mỗi ngày?

Lê Anh Vũ: Niềm vui của tôi được nuôi dưỡng bởi 2 yếu tố chính: được làm đúng việc mình đam mê và có những cộng sự tuyệt vời. Nhờ đó, mọi người trong công ty luôn coi tôi là nguồn năng lượng vô biên vì tôi luôn vui vẻ, tươi cười và đầy nhiệt huyết. Cách duy trì điều ấy có lẽ là do tôi thích quan tâm, chăm sóc, làm người khác vui, để ý đến môi trường làm việc, cuộc sống của nhân viên. Đặc biệt là khi công việc càng phát triển, số lượng nhân viên càng nhiều mà ai cũng có gia đình riêng, nên phần nào tôi cũng phải có trách nhiệm với cả gia đình của mọi người nữa.

Một bí quyết nhỏ nữa để cân bằng niềm vui cuộc sống đó là tôi luôn bắt đầu ngày mới bằng việc thiền mỗi sáng và tập thể dục như gym đan xen chạy bộ, để làm mới tâm trí mỗi ngày. Với tôi, mọi chuyện trong cuộc sống đều do mình chọn lựa, vậy nên tại sao phải chọn sự buồn bã, tiêu cực trong khi có rất nhiều điều tươi sáng, vui vẻ phía trước. Và tôi cũng tin rằng chỉ khi tích cực thì những điều tốt đẹp và may mắn mới đến với mình.

Nguyễn Thanh Đạo: Bản thân tôi không coi niềm vui là chất xúc tác trong công việc, mà là sản phẩm phụ của việc đi làm. Từ nhỏ đến giờ, chưa có ngày nào tôi không làm việc, bởi tôi thấy vui, thấy thích khi làm chúng. Và tôi duy trì điều này bằng cách dành thời gian để tận hưởng những gì mình thích và chăm sóc sức khoẻ bản thân. Tôi luôn cố gắng ăn ngủ điều độ, tập thể dục, yoga, dưỡng sinh để làm việc với một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh, như vậy ắt sẽ thấy vui.

Sau một thời gian điều hành, quản lý mô hình kinh doanh của mình, bài học lớn nhất mà anh, chị muốn nhắn gửi đến gen Z – những người đang có xu hướng kinh doanh F&B là gì?

Lê Anh Vũ: Gen Z là thế hệ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn thế hệ trước rất nhiều, nhưng F&B là ngành có tỉ lệ đào thải nhanh, 3 tháng đầu tiên là đủ để đánh giá mô hình thành hay bại. Do đó, đừng ngại chấp nhận thất bại mà hãy luôn là trang giấy trắng để sẵn sàng đón nhận mọi kiến thức, mọi kinh nghiệm mà những người đi trước chia sẻ.

Nguyễn Thanh Đạo: Tôi nghĩ vốn liếng mà ai cũng có chính là thời gian của bản thân. Và sự đầu tư không bao giờ lỗ là đầu tư vào bản thân. Do đó, bạn hãy nỗ lực để sử dụng vốn đầu tư và thời gian hiệu quả nhất mà bạn có để làm điều mình mong muốn. Ngoài ra, không cái gì mình cũng cần biết nhưng việc mình muốn biết và muốn làm đều cần tinh thần học hỏi.

Cảm ơn những chia sẻ của anh, chị. 

THE JOY OF BUSINESS CONFERENCE

Diễn đàn dành cho các CEO/nhà sáng lập thảo luận sâu hơn về các chủ đề Entrepreneur, Art & Creativity, Hospitality & FnB, diễn ra 2 ngày 28-19/11 tại Hà Nội, cụ thể lần lượt:

1. The New Generation: Why Do Entrepreneurs Become More Active? (9:30 – 11:00, ngày 28/11)

2. The Formula for Artists to Start a Successful Business (15:30 – 17:00, ngày 28/11)

3. New Generation: Journey to Build Brand Identity for Vietnamese FnB Brands (16:30 – 18:00, ngày 29/11)

– Khép lại diễn đàn là đêm tiệc Party Launching Male Icon Clubhouse (19:00-21:00, ngày 29/11)

– Địa điểm: Showroom Land Rover, 467 Nguyễn Văn Linh, Long Biên, Hà Nội

*Link đăng ký tham dự diễn đàn: TẠI ĐÂY.

“The Joy of Business Conference” được thực hiện bởi Men’s Folio Vietnam với sự đồng hành của thương hiệu whisky Singleton, cùng hai nhà tài trợ: thương hiệu xe hơi hạng sang của Anh Land Rover  Garmin – thương hiệu đã tạo nên một cuộc cách mạng cho nền công nghiệp sức khỏe bằng cách liên tục cải tiến các thiết bị đeo, công cụ đo lường sức khỏe với chất lượng hoàn hảo cùng độ tin cậy cao nhằm mang lại những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho các nhà thám hiểm, vận động viên, những người đam mê hoạt động ngoài trời.

Ảnh: NVCC
 

Related Article