Khi tinh thần nam giới cũng cần được chữa lành
GroomingHealth & Fitness

Khi tinh thần nam giới cũng cần được chữa lành

Một yếu tố cơ bản nhất nắm giữ mọi quy luật thành công trong cuộc sống, ngay cả việc chinh phục vẻ ngoài tự tin, đó chính là sự cân bằng giữa tinh thần và thể xác, giữa cảm xúc và năng lượng, để chúng ta có được sự khoẻ mạnh thật sự từ trong ra ngoài.

Có rất nhiều người cho rằng “gentlement don’t need treatments” – đàn ông thì cần gì trị liệu! Vì hai chữ “trị liệu” thường dễ mang đến cảm giác nhạy cảm, yếu đuối và có chút gì đó ốm đau. Đây dường như là một cụm từ không hề quen thuộc trong từ điển nhân sinh quan của phái mạnh nói chung. Nhất là khi đàn ông hiện đại xem việc tập luyện hoặc chơi thể thao để đạt được vóc dáng lý tưởng là ưu tiên hàng đầu trong thói quen sinh hoạt. Chính điều này thường khiến cho các anh tập trung thể hiện sức mạnh ở bên ngoài và bỏ qua khâu điều hoà, nuôi dưỡng và phục hồi năng lượng từ bên trong. Cơ thể lại là một kẻ rất giỏi chịu đựng và đánh lừa. Thế nên, những cơn đau “còn trong ngưỡng chịu đựng”, những giấc ngủ nông “rồi mai sẽ hết” hay trạng thái mệt mỏi “rồi cũng sẽ qua” rất dễ trở thành nguyên nhân khiến bất kì ai trong chúng ta kiệt quệ (burn-out) về mặt thể chất, tinh thần và cảm xúc trong thời gian dài.

Chúng ta đều biết, gốc rễ cho mọi vẻ ngoài cuốn hút và phong thái tự tin đều đến từ một sức khoẻ tốt và một trạng thái tinh thần minh mẫn. Vì thế, bên cạnh những quá trình tập luyện và chăm sóc để nâng cao ngoại hình, trong series “Essentials for Men”, Men’s Folio sẽ mang đến cho các quý ông bốn liệu pháp cơ bản nhưng hiệu quả để giúp chàng lấy lại sự cân bằng năng lượng nhằm đạt được trạng thái khoẻ mạnh đích thực để duy trì phong độ đỉnh cao bền vững.

Phục hồi cơ thể

Nếu như việc khởi động trước khi tập sẽ giúp các cơ vào trạng thái sẵn sàng thì việc giãn cơ sau khi tập cũng mang tới những lợi ích quan trọng khác. Các hoạt động thả lỏng có tác dụng thúc đẩy quá trình lưu thông máu đến cơ bắp, giúp giảm các cơn đau do chấn thương (nếu có), đồng thời cải thiện trạng thái tinh thần. Vì khi stress mức độ cao có thể khiến cho cơ bắp của bạn căng lên nên nếu giãn cơ hoặc xoa dịu đúng cách, không chỉ cơ thể của bạn được lợi mà còn gián tiếp mang đến một sự giải toả nhất định cho tâm trí. Dưới đây là một số liệu pháp (treatment) đơn giản mà các quý ông có thể tham khảo để giúp cơ bắp phục hồi một cách nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện:

1. Sport Recover Massage: Trong tất cả các phương pháp điều trị mà chúng ta đang thảo luận, xoa bóp vẫn là phương thức phục hồi dễ tiếp cận nhất cho mọi đối tượng. Kể từ thuở ban đầu ra đời với mục đích sử dụng chủ yếu như một liệu pháp spa hoặc kỹ thuật thư giãn thì hay massage đã có thêm những bước tiến mới với các bài xoa bóp được nghiên cứu dành riêng cho việc hỗ trợ phục hồi các nhóm cơ sau vận động. Sport Recover Massage sử dụng các kỹ thuật cụ thể liên quan đến thúc đẩy lưu thông máu đến các nhóm cơ cần chất dinh dưỡng và oxy phục vụ cho nhu cầu chữa lành. Bằng cách tập trung tác động vào các vùng có vấn đề, Sport Recover Massage có thể phá vỡ các mô thương tổn, làm sạch hệ thống bạch huyết và giúp bạn phục hồi sau cơn đau nhức do tập luyện và sử dụng cơ bắp.

2. Áp lạnh (Cryotherapy): Là một trong những sự lựa chọn được các vận động viên chuyên nghiệp ưa chuộng sử dụng sau những giờ thi đấu căng thẳng để xoa dịu chấn thương và giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi, áp lạnh là kỹ thuật khiến cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ cực lạnh trong vài phút (khoảng -110 độ đến -180 độ). Điều này sẽ kích hoạt cơ chế sinh tồn của cơ thể, khiến gia tăng lưu lượng máu lưu thông, trao đổi chất tại vùng được áp lạnh để giảm sưng viêm và thúc đẩy quá trình phục hồi. Bạn có thể lựa chọn phương áp lạnh toàn thân (whole body cryotherapy) hoặc cục bộ (localised cryotherapy) cho vùng có tổn thương để đạt được hiệu quả xoa dịu hoặc điều trị như mong muốn.

Xoa dịu tâm hồn

Trong tất cả các nội dung về chữa lành, chắc hẳn bạn sẽ quen thuộc với chữ “thiền chánh niệm” (mindfulness). Khái niệm này không hẳn chỉ là sản phẩm của truyền thông trong giai đoạn làn sóng quay về với bản thân đang phát triển rầm rộ dưới ảnh hưởng của hiện tượng burn-out đang diễn ra ngày một nghiêm trọng trong xã hội hiện đại. Thiền định là phương pháp giúp người luyện tập tôi rèn tâm trí lẫn thể xác để đạt được sự thảnh thơi viên mãn trong cuộc sống. Vì không đòi hỏi quá nhiều ở không gian và máy móc, nên dần dà thiền đáp ứng được nhu cầu về một bộ môn home-sport (luyện tập tại nhà) được nhiều người ưa chuộng. Có rất nhiều loại thiền và phương pháp thiền chánh niệm, nhưng cơ bản và dễ tiếp cận cho người mới bắt đầu nhất, bạn có thể luyện tập từ việc hít thở và ăn uống để giúp bản thân điềm tĩnh lại, bớt lo âu, biết cách làm bạn với chính mình và có khả năng xử lý nguồn cơn gây ra suy sụp tinh thần.

1. Thiền niệm hơi thở (Mindful breathing): Khởi nguyên của vạn vật bắt nguồn từ một hơi thở. Vì thế nếu ta kiểm soát được hơi thở thì bản thân sẽ không còn phải lâm vào tình trạng hỗn loạn và mất khống chế. Thiền niệm hơi thở bắt đầu với việc tìm một vị trí ngồi ngay ngắn, chân bắt chéo, giữ cổ và lưng thẳng nhưng không quá căng, tay thả lỏng đặt lên đùi, mắt nhắm hoặc nhìn xuống 1 mét về phía trước và bắt đầu dõi theo điều hoà hơi thở theo nhịp đếm “Hít vào…1, thở ra…2”. Bất cứ khi nào có một suy nghĩ cắt ngang và khiến bạn mất tập trung, hãy bắt đầu đếm từ 1 đến 10 và lặp lại cho tới khi tâm trí không bị chi phối.

Quá trình này nên được luyện tập đều đặn trong vài tuần hoặc vài tháng cho đến khi việc đếm đến 10 không còn cần quá nhiều cố gắng. Đến khi thành thục, bạn có thể gộp cả hít và thở thành 1 nhịp, khi đã quen dần, bạn thậm chí có thể bỏ đi phần đếm nhịp mà cơ thể vẫn tự động điều hoà được hơi thở. Trong quá trình luyện tập việc cảm xúc và và những suy nghĩ bất chợt nảy sinh trong đầu khiến hơi thở bị gián đoạn là điều không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, khi đã luyện tập thành thục phương pháp thiền định hơi thở này – tức là có thể hoàn toàn giúp tâm trí tập trung mà không gián đoạn, lúc đó bạn sẽ hưởng được quả ngọt của việc định tâm mà phương pháp này mang lại cho cơ thể lẫn tâm hồn.

2. Ăn chánh niệm (Mindful Eating): Cũng giống như các phương pháp thiền định khác, việc thực hành kỹ thuật ăn chánh niệm cũng đòi hỏi ở bạn sự kiên nhẫn, tĩnh tâm và phải trải qua một quá trình rèn luyện bền bỉ. Thay vì tập trung vào hơi thở như phương pháp ở trên, đối tượng mà bạn cần chú ý lại xoay quanh hành động nhai và cảm nhận đồ ăn có ý thức. Trước khi bắt đầu ăn, bạn dành ra vài phút để quan sát và cảm nhận màu sắc, kết cấu của món ăn trước khi đưa vào miệng. Khi ăn tập trung ý thức nhai chậm để cảm nhận hương vị của đồ ăn. Nếu có bất kỳ suy nghĩ nào hiện lên trong đầu trong lúc bạn tập trung ăn thì hãy cứ để chúng nhẹ nhàng trôi qua. Hãy lặp lại quá trình trên từ 2-4 lần và duy trì như một thói quen càng lâu càng tốt để giúp tập luyện khả năng tập trung cho tâm trí, đồng thời cải thiện sức khoẻ qua việc ăn chậm nhai kỹ.

Khi cơ thể và tinh thần được xoa dịu, quá trình tái tạo năng lượng cũng từ đó bắt đầu. Men’s Folio mong bạn luôn tìm được sự an yên, tự tại và kiên định trong cả thân – tâm – trí để có đủ tự tin chinh phục mọi mục tiêu mà bạn khao khát.

Bài: Linh Bùi
Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article