16 tập phim là 16 nốt trầm bổng của cuộc đời – nơi những giấc mơ tan vỡ, những khó khăn không thể dập tắt ngọn lửa khát khao hạnh phúc, để ta nhận ra rằng: ngay cả trong các khoảnh khắc tăm tối nhất, ánh sáng vẫn luôn le lói.
Ngày từ lúc phát sóng, khán giả vô cùng tò mò và không ngừng đặt ra câu hỏi cho tựa phim “When Life Gives You Tangerines”. Liệu đây là một ẩn ý từ đội ngũ biên kịch, hay đơn thuần thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm đến khán giả?
Thực tế, tên tiếng Hàn của phim là “Pokssak Sogatsuda” (폭싹 속았수다), cụm từ phương ngữ đảo Jeju mang ý nghĩa “Cảm ơn vì đã vất vả”. Tuy nhiên, thay vì sử dụng nghĩa đen, đội ngũ làm phim và biên kịch đã đổi thành “When Life Gives You Tangerines”, nghĩa tiếng Việt là “Khi cuộc đời trao bạn quả quýt”. Cách đặt tên này được lấy cảm hứng từ câu nói nổi tiếng của triết gia người Mỹ – Elbert Hubbard (1856-1915), vốn được lưu truyền qua nhiều thế hệ: “When life gives you lemons, make lemonade” (tạm dịch: “Khi cuộc đời cho bạn những quả chanh, hãy pha chúng thành nước”), ngụ ý khuyên con người hãy chấp nhận và chuyển hóa nghịch cảnh thành điều tích cực.
Đáng chú ý, thay vì sử dụng hình ảnh quả chanh, đội ngũ biên kịch đã chọn quýt – một loại quả đặc trưng của đảo Jeju, vừa có vị chua nhưng cũng đầy hương sắc, tạo nên nhiều tầng ý nghĩa và sự liên kết cho bộ phim. Ở Jeju, cây quýt được xem như là một phần không thể tách rời khỏi cuộc sống người dân trên đảo, là nguồn thu nhập, là biểu tượng của sự kiên trì và là niềm tự hào trong văn hóa nơi đây.
Một điều thú vị, quýt Jeju mọng nước nhưng để có vị ngọt, người dân thường phải nắn, hấp nhẹ hoặc nướng lên. Cũng giống như con người, không ai được chọn nơi mình sinh ra, nhưng cách chúng ta nỗ lực, thích nghi với cuộc sống mới chính là điều quyết định vị ngọt cuộc đời. IU từng chia sẻ trong buổi họp báo phim:“Ngay khi cuộc sống mang đến cho chúng ta những quả quýt chua, hãy biến chúng thành mứt quýt ngọt ngào hoặc thưởng thức tách trà quýt ấm áp”.
Hơn nữa, quýt là loại trái cây đặc biệt – nó không chua gắt như chanh, nhưng cũng chẳng ngọt gắt như cam. Nó mang trong mình một sự trung hòa, nhẹ nhàng như chính những thăng trầm của cuộc sống. Trong phim, nữ chính Ae Sun (IU) không cam chịu số phận, cô dám vùng lên tìm kiếm cơ hội mới, dám trao gửi trái tim cho “trụ gang đúc” Gwan Sik (Park Bo Gum), thậm chí dám lật đổ bàn để bảo vệ con gái. Rõ ràng, cuộc đời không trao cho Ae Sun một quả cam ngọt lành, thay vào đó là “quả quýt” mang chút vị chua, vị đắng. Song, qua cách Ae Sun thể hiện, khán giả nhận ra rằng nỗ lực vươn lên, đối mặt với khó khăn và tìm kiếm cơ hội để nếm trải cuộc đời một cách trọn vẹn, đó mới là nghệ thuật sống đích thực.
Những cơn giông luôn ẩn mình trong ngày nắng đẹp. Sự yên bình và hạnh phúc của đêm hè đầy sao trong “When Life Gives You Tangerines” đã bị xé toạc bởi một cơn bão mùa hè nghiệt ngã ở đầu chương 2. Cơn bão ấy đã cướp đi sinh mạng của Dong Myeong – đứa con trai út bé bỏng của Ae Sun và Gwan Sik. Sự ra đi này đã giáng một đòn chí tử vào trái tim của Ae Sun và Gwan Sik, đẩy họ vào vực sâu của nỗi đau tột cùng. “Một cơn bão mùa hạ hung tàn ập đến, cuốn phăng tất cả, nhuộm đen cả thế giới của họ. Ae Sun chết lặng, ôm chặt đứa con nhỏ bé trong vòng tay, ánh mắt vô hồn lạc lối trong biển khổ đau vô tận. Gwan Sik quỳ gục trên bờ đá nhọn hoắt, đôi tay run rẩy bấu víu vào hư vô, gào thét trong tuyệt vọng tột cùng, nhưng chẳng còn gì để níu giữ”.
Nỗi đau tột cùng ấy được Geum Myeong diễn tả: “Suốt tang lễ, bà nội tôi không trách móc gì mẹ. Bà bảo một người mẹ mất con thì nước mắt còn nhiều hơn biển cả” . Câu nói này như một nhát dao xoáy sâu vào lòng người xem. Cuộc đời vốn dĩ đã mang trong mình những mất mát không thể bù đắp. Cha mẹ ra đi, ta thành mồ côi. Bạn đời khuất núi, ta thành góa bụa. Nhưng khi con trẻ vĩnh viễn rời xa vòng tay, không có từ ngữ nào đủ sức diễn tả nỗi đau này. Vì nỗi đau ấy quá lớn để có thể đặt được cho nó một cái tên. “Dù càng sống thì nỗi đau mất cha mẹ càng lớn, nhưng rốt cuộc, con cái mới là điều ta giữ sâu trong tim. Với ta, cha mẹ chết, tức là họ lên Thiên Đàng, còn khi con mình chết, thì mình giữ nó nơi đây”.
Dù cuộc sống có tàn nhẫn đến đâu, dòng chảy thời gian vẫn xoay vần, buộc họ phải tiếp tục hành trình của mình. Giữa bóng tối tuyệt vọng, Ae Sun hồi tưởng lại lời dặn dò của mẹ trước lúc qua đời. Nó như một ngọn lửa nhỏ nhoi thắp lên đêm đen: “Cứ sống, rồi sẽ sống. Khi con sống, sẽ có những ngày khó khăn. Rồi khi con sống, sẽ có những ngày con chỉ muốn chết. Ae Sun à, nếu có ngày con muốn chết thì hãy nghĩ đến đời hải nữ của mẹ.
Với ai kiếm sống trên mặt đất, khi có chút khó khăn, họ cứ than mãi rằng họ sẽ chết. Nhưng hải nữ dù muốn chết hay khổ sở tới đâu cũng không bao giờ nói mấy lời đó. Nơi biển cả, cứ trăm lần đối mặt với cái chết là mẹ đều có trăm lý do để muốn sống. Rồi khi con sống, sẽ có những ngày con chỉ muốn chết… Đừng chỉ nằm yên. Vùng vẫy mạnh vào. Vất chăn ra giẫm lên nó, bước ra mà cày ruộng, mà bán hàng. Mình sẽ không chết. Mình phải sống bằng mọi giá. Cứ lắc mạnh tay, chân vào. Vượt qua làn nước đen tối rồi, con chắc chắn sẽ thấy bầu trời”.
Quả thật, trong cuộc sống có những lúc rơi vào hố sâu của tuyệt vọng. Nhưng thay vì để nỗi đau nhấn chìm mình, họ có thể lựa chọn cách vùng vẫy, giành giật lại sự sống. Đừng nằm yên để cái lạnh của khổ đau gặm nhấm, chúng ta phải học cách vùng vẫy, bám víu vào hy vọng, tìm kiếm ánh sáng trong đêm đen. Chỉ cần tiếp tục tiến về phía trước, chỉ cần tiếp tục sống, cuối cùng, ánh sáng sẽ lại xuất hiện sau màn nước tối tăm.
Dưới lăng kính của con trẻ, mẹ thương mình nhiều hơn cha, mẹ gần gũi và hiểu bản thân mình hơn cha. Thực tế, tình yêu thương của bố mẹ dành cho con cái đều tương đương, chỉ khác nhau về cách thể hiện. Nếu tình yêu của mẹ là sự bao bọc ấm áp, dịu dàng như dòng nước ôm trọn lấy con. Ngược lại, cha yêu theo cách của riêng mình – ít nói, đôi khi có phần nghiêm khắc, nhưng tình cảm lại sâu nặng đến mức cả đời con cũng chưa chắc thấu hiểu hết. Cha có thể không hoàn hảo, nhưng sẽ yêu con theo cách hoàn hảo nhất.
Tình thương của Gwan Sik dành cho con cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Việc đặt tên cho ba người con là minh chứng rõ ràng nhất cho tình cảm và hy vọng mà ông gửi gắm. Con gái đầu lòng được đặt tên là Geum Myeong, trong đó “Geum” có nghĩa là vàng; con trai thứ hai là Eun Myeong, với “Eun” nghĩa là bạc; và con trai út là Dong Myeong, với “Dong” nghĩa là đồng. Những cái tên này không chỉ đơn thuần là danh xưng, mà còn thể hiện mong muốn của Gwan Sik rằng các con sẽ có một tương lai tươi sáng, giống như những tấm huy chương quý giá trong cuộc đời ông.
Sự dịu dàng và quan tâm của Gwan Sik đối với các con cũng được thể hiện qua những lời nói và hành động hàng ngày. Ông luôn dành cho các con những điều tốt đẹp nhất, chăm sóc và bảo vệ họ bằng tất cả tình yêu thương của một người cha. Trong một phân cảnh, Gwan Sik đã nói với con gái Geum Myeong những lời mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng khao khát được nghe: “Dù con có làm gì, dù con có vấp ngã, dù con có quay lưng bỏ cuộc. Bố vẫn ở đây. Luôn luôn ở đây, đợi con trở về”.
Suốt cả đời, Gwan Sik luôn đặt gia đình lên hàng đầu, không ngừng hy sinh vì vợ con. Ông chưa bao giờ than phiền về sự mệt mỏi hay kiệt sức của bản thân. Thay vào đó, ông luôn suy nghĩ làm thế nào để gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn. Câu nói:“Bố nghĩ nếu bố ngủ ít hơn một chút thì các con sẽ được ngủ nhiều hơn một chút”, thể hiện rõ sự hy sinh thầm lặng và tình yêu thương vô bờ bến của ông dành cho các con.
Gwan Sik cũng chẳng bao giờ nói rằng “Bố nhớ con”, thay vào đó ông hỏi những câu vụn vặt, bắt đầu từ những cuộc trò chuyện nhỏ bé. Theo lời Geum Myeong, ông chẳng hiểu gì về thế giới giải trí. Cô luôn bực dọc với bố, mỗi lần một nhóm nhạc nữ mới xuất hiện, ông lại ngây ngô hỏi, “Có phải Sung Yu-ri không?”. Những câu hỏi ngây ngô của Gwan Shik, đôi khi khiến con gái khó chịu. Nhưng ẩn sau sự vụng về ấy là cả một tấm lòng cha âm thầm quan tâm đến thế giới của con gái. Ông không cố gắng để hiểu về văn hóa đại chúng, mà chỉ muốn hiểu thêm về Geum Myeong, về những điều mà cô yêu thích.
Cha không hay nói lời hoa mỹ, cũng chẳng luôn kề bên con, nhưng tình yêu ông dành cho các con chưa bao giờ ít hơn. Chỉ là, cách ông yêu thương giống như bóng mát của một gốc cây cổ thụ – lặng lẽ chở che, âm thầm hy sinh, nhưng mãi mãi vững vàng.
Không chỉ mang đến câu chuyện gia đình đầy xúc động, “When Life Gives You Tangerines” còn là bức tranh tình yêu đầy lãng mạn và trắc trở giữa Yeong Beom và Geum Myeong. Cả hai đã trải qua bảy năm bên nhau, nhưng sự khác biệt về gia thế và quan điểm sống đã tạo ra những rào cản khó vượt qua.
Bà Bu Young – mẹ Yeong Beom, coi thường xuất thân bình thường của Geum Myeong và cho rằng cô không xứng đáng với con trai mình. Thậm chí, bà yêu cầu Geum Myeong nghỉ việc sau khi kết hôn để tập trung vào gia đình, điều này gây áp lực lớn cho Geum Myeong và gia đình cô. Mặc dù tình cảm giữa họ rất sâu đậm, nhưng Geum Myeong đã quyết định hủy hôn khi nhận ra rằng sự khác biệt này có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc tương lai của cả hai. “Em yêu anh rất nhiều nhưng em càng yêu em hơn. Nếu em cứ thế này kết hôn, bố mẹ em sẽ khóc mất”.
Quyết định của Geum Myeong không chỉ phản ánh sự trưởng thành và tự lập của cô, mà còn cho thấy tầm quan trọng của việc hiểu và tôn trọng lẫn nhau trong mối quan hệ. Cô nhận ra rằng, dù tình yêu có lớn đến đâu, nếu không có sự hòa hợp về giá trị và mục tiêu sống, thì mối quan hệ cũng khó có thể bền vững.
Câu chuyện của Geum Myeong khiến người xem gợi nhớ đến nhân vật Hoàng Diệc Mai ở “The Tale of Rose” (tựa Việt: “Câu chuyện của hoa hồng”), đặc biệt là khi đặt trong bối cảnh “môn đăng hộ đối”. Cả hai người phụ nữ đều phải đối mặt với những rào cản từ sự khác biệt về địa vị xã hội. Geum Myeong, xuất thân từ một gia đình nghèo khó trên đảo Jeju, phải vượt qua sự phản đối từ gia đình giàu có của Yeong Beom. Tương tự, Hoàng Diệc Mai cũng phải đối mặt với những định kiến và áp lực từ xã hội khi yêu một người đàn ông có hoàn cảnh gia đình khác biệt.
Thế nhưng, điểm chung lớn nhất giữa hai nhân vật là sự mạnh mẽ và độc lập của họ. Họ không chấp nhận sự ràng buộc của những định kiến lỗi thời, mà dám từ bỏ tình yêu khi nó không phù hợp với giá trị của bản thân. Geum Myeong quyết định hủy hôn với Yeong Beom, dù còn rất yêu anh, để bảo vệ danh dự của gia đình và khẳng định giá trị bản thân. Hoàng Diệc Mai cũng chọn cách kết thúc những mối quan hệ độc hại, để tìm kiếm hạnh phúc đích thực cho riêng mình.
Cả hai bộ phim đều truyền tải thông điệp về tình yêu đích thực không phụ thuộc vào “môn đăng hộ đối”. Tình yêu cần sự đồng điệu về tâm hồn, tôn trọng và bình đẳng giữa hai người. Do vậy, “môn đăng hộ đối” không phải là yếu tố quyết định hạnh phúc trong tình yêu, mà chính là sự thấu hiểu và sẻ chia giữa hai trái tim.
Trong “When Life Gives You Tangerines”, nhân vật Bu Sang Gil (Choi Dae-hoon) hiện lên như một hình ảnh đối lập với Gwan Sik. Bu Sang Gil ghen tỵ với Gwan Sik vì ông có được tình yêu đích thực với Ae Sun, một tình yêu chân thành và sâu sắc. Ông ghen tỵ với Gwan Sik vì ông có một gia đình hạnh phúc, một mái ấm bình yên, nơi tình yêu thương đong đầy. Trong khi đó, cuộc sống của Bu Sang Gil lại thiếu vắng những điều quý giá ấy. Câu nói của Bu Sang Gil: “Tôi ghen tị với anh từ lúc anh mang hộp cơm được gói trong túi hoa lên tàu” phản ánh sự ngưỡng mộ và khao khát có được những khoảnh khắc giản dị nhưng đầy ắp tình thương trong gia đình.
Trên thực tế, Bu Sang Gil không phải kẻ phản diện như khán giả nhìn nhận ở đầu phim. Sâu thẳm trong lòng, ông cũng khao khát có được hạnh phúc và sự bình yên như họ. Song, cách thể hiện của Sang Gil lại khiến khán giả cảm thấy vừa thương vừa giận. Phân cảnh, con gái Hyun Suk cầu xin ông cứu lấy Eun Myeong khỏi cảnh tù tội. Thay vì dang tay giúp đỡ, Bu Sang Gil lại trách mắng con gái, đặt những câu hỏi đầy cay nghiệt. Thậm chí, ông còn thản nhiên nói rằng, “Nếu nó vô tội sẽ được thả ra”, như thể sinh mạng và danh dự của con rể không đáng để ông bận tâm.
Trước sự vô tình của chồng, vợ ông đã không thể im lặng. Bà lên tiếng vạch trần sự ích kỷ và tàn nhẫn của Bu Sang Gil. “Sự tự trọng, lòng biết ơn, tình yêu thương dành cho bố mẹ, những cái đó có 10 tỷ won cũng không mua được đâu. Anh đã đóng đinh vào trái tim con anh. Có trăm triệu cũng không gỡ ra nổi. Con tàu chết tiệt anh coi hơn con của anh đó, làm xong thì mới được dán giá nhỉ. Giá của một con người được định ngay sau khi chết”.
Lời thoại này không chỉ là sự phản ứng của một người mẹ trước nỗi đau của con gái, mà còn là một lời cảnh tỉnh về sự lệch lạc trong giá trị quan của Bu Sang Gil. Ông đã đặt vật chất lên trên tình thân, xem con tàu như một thứ tài sản có thể định giá, trong khi con người lại không đáng một xu. Sự so sánh đầy chua xót này đã làm nổi bật sự vô cảm và lạnh lùng của ông, đồng thời nhấn mạnh giá trị thiêng liêng của tình thân, điều mà không tiền bạc nào có thể mua được.
Câu thoại “Giá của một con người được định ngay sau khi chết” mang một ý nghĩa sâu xa. Nó không chỉ ám chỉ cái giá phải trả cho những hành động sai trái, mà còn là sự thức tỉnh về giá trị thực sự của một con người. Khi còn sống, chúng ta thường bị cuốn vào vòng xoáy của vật chất và danh vọng, quên đi những giá trị tinh thần quý giá. Chỉ khi đứng trước ngưỡng cửa của sự sống và cái chết, chúng ta mới nhận ra rằng, những gì thực sự quan trọng là tình yêu thương, sự trân trọng và những mối quan hệ chân thành.
Đồng thời, lời thoại này như một lời nhắc nhở rằng, đừng để những giá trị vật chất chi phối giá trị tinh thần. Hãy trân trọng những người thân yêu, hãy sống một cuộc đời ý nghĩa, để khi nhìn lại, chúng ta không phải hối tiếc vì những gì đã bỏ lỡ.
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn