Mùa 3 của BizLab Video Series đã kết thúc nhưng dư vị từ những câu chuyện trong kinh doanh cà phê được chia sẻ bởi các khách mời vẫn còn đọng lại với đội ngũ thực hiện.
BizLab Video Series là nơi Men’s Folio gặp gỡ các doanh nhân đa lĩnh vực, cùng họ chia sẻ câu chuyện kinh doanh nhằm đem đến cho độc giả những cái nhìn, kinh nghiệm liên quan đến việc xây dựng và vận hành doanh nghiệp. Mùa 3, chúng tôi được lắng nghe 4 khách mời là các nhà sáng lập, quản lý mô hình cà phê tại Sài Gòn, gồm: co-founder Every Half Coffee Roaster – Trần Lê Minh Trúc, CEO & founder S’mores Saigon Caffè – Nguyễn Hoàng Trung Hưng, general manager RedDoor Cafe – Nguyễn Thanh Đạo và co-founder ẤP Cafe – Nguyễn Tiến Phong.
Mặc dù là ý tưởng được đại đa số mọi người lựa chọn khi nghĩ đến khởi nghiệp nhưng kinh doanh cà phê chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là ở một nơi cứ 10 bước chân có một tiệm cà phê như Sài Gòn. Do đó, khai thác được những câu chuyện liên quan đến kinh doanh cà phê trong BizLab Series Video là một cách để chúng tôi khám phá ra nhiều kinh nghiệm hay ho về việc kinh doanh để truyền tải đến độc giả – khán giả của mình, hoặc những ai đang dành mối quan tâm đến vấn đề này. Giờ đây, khi một mùa phát sóng BizLab Video Series lại qua đi, vừa vặn thời điểm cuối năm, chúng tôi lại có dịp nhìn lại và tổng hợp một “tuyển tập những chia sẻ hay ho” liên quan đến những dấu ấn riêng của từng thương hiệu đã làm việc cùng.
ẤP Cafe – Chính căn nhà làm nên giá trị của thương hiệu
Trong 4 thương hiệu cà phê tham gia BizLab Video Series mùa 3 của Men’s Folio, ẤP là cửa hàng duy nhất chỉ có một chi nhánh, nằm nép mình trong con hẻm quận 3. ẤP không có ý định phát triển thêm một chi nhánh khác ở thành phố này, âu cũng có lý do và chính lý do ấy làm nên điểm độc đáo chỉ-có-thể-là-ẤP. Xoay quanh việc này, co-founder của ẤP – anh Tiến Phong đã kể cho chúng tôi nhiều câu chuyện hay ho về việc lựa chọn địa điểm và xây dựng giá trị cho ẤP.
“Chị co-founder cùng tôi đã thuê một căn nhà để ở nhưng vì căn nhà ấy quá thơ, chỉ để ở thôi thì uổng cho nên mới nảy ra ý tưởng làm quán cà phê. Tôi nghĩ nếu không có căn nhà đó thì ẤP sẽ không ra đời”.
“Tôi có nghĩ đến nhưng sẽ không có thêm ẤP nào ở Sài Gòn nữa vì chúng tôi tạo ra một cái “vibe” Đà Lạt để người Sài Gòn tận hưởng nó, nên không có lý do gì lại làm thêm một nơi tương tự. Và chỉ có thể là ngôi nhà đó mới là ẤP một cách đúng nghĩa”.
“Nhưng điều đó không có nghĩa là ẤP đặt để, bắt buộc những vị khách khi đến đây phải công nhận ẤP “rất Đà Lạt”. Từng có một nhóm bạn trước khi ra sân bay về Hà Nội còn ghé qua ẤP và cảm thán rằng “Nhớ nhà quá!” vì họ thấy không gian rất Hà Nội. Cho nên, điều chúng tôi mong muốn là thông qua thiết kế, bàn ghế, những món đồ được bày trí sẽ gợi nhắc cho các bạn một sự dễ chịu, gần gũi, thư thả, vậy thôi!”
S’mores Saigon Caffè – Quán cà phê như một bản giao hòa nhiều yếu tố
Khi đến S’mores, nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy mọi chi tiết, ngóc ngách làm nên mỗi quán cà phê đều được CEO & founder Nguyễn Hoàng Trung Hưng kết nối một cách chăm chút. Nói cách khác, S’mores như một bản giao hòa, kết hợp nhiều yếu tố liên quan đến trải nghiệm mọi giác quan của khách hàng. Từng ý tưởng cho mỗi trải nghiệm, chúng tôi đều được nghe anh Trung Hưng chia sẻ khá chi tiết.
“Nếu hay đi cà phê thì bạn sẽ biết trái tim của một quán nước chính là quầy bar. Do đó, mọi quầy bar của S’mores đều làm mở để khách hàng có thể cảm nhận được sự chân thành của tôi. Ví dụ như ở Cao Thắng, quầy bar được thiết kế bằng các thanh sắt lấy cảm hứng từ chiếc loa tôi yêu thích”.
“Lồng ghép trong không gian S’mores là những chi tiết rất nhỏ nồng đượm hơi thở Sài Gòn đến từ những vật liệu như gạch kính, đá mài, kính hạt lựu. Chúng ta có thể đã nhìn thấy những thứ đó tại nhà, hàng ngày nên không mấy để ý. Khi đến quán và vô tình thấy, bạn sẽ ồ lên thích thú rằng sao nó quen thế này!”
“Khi đi cà phê, ngoài tiếng nhạc, nếu ta lắng tai nghe thì sẽ còn những âm thanh khác như máy xay cà phê, tiếng các bạn barista thao tác dụng cụ với nhau, âm thanh trò chuyện… Chúng tạo thành một thứ thanh âm được gọi là ambient của một quán cà phê. Hợp âm đó khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu, khiến bạn cứ muốn đến mãi một quán nào đó”.
RedDoor Cafe – Khi kinh doanh không cần những công thức cứng nhắc
Kì thực, khi tìm hiểu về RedDoor Cafe trong quá trình chuẩn bị cho BizLab Video Series, biên tập chúng tôi cảm thấy có chút… “hack não”, bởi rất nhiều dấu chấm hỏi được đặt ra cho RedDoor, rằng: Tại sao một chi nhánh khác cũng của RedDoor nhưng lại không có tên là RedDoor mà lại là yellow and blue – a cafe by RedDoor, Cafe des Copains? Lý do gì mà tên thương hiệu toàn sử dụng màu sắc? Vì đâu mà menu, concept ở các chi nhánh RedDoor cũng khác nhau như vậy?… Đến khi được gặp gỡ chị Nguyễn Thanh Đạo – General Manager của RedDoor, chúng tôi mới hiểu được đây là một mô hình không đi theo khuôn khổ, quy tắc kinh doanh cứng nhắc nào.
“Việc Reddoor mở thêm một chi nhánh hay cửa hàng mới, không nhất thiết phải được hoạch định từ trước. Chỉ cần đúng thời gian, đúng thời điểm gặp một kết nối phù hợp thì chúng tôi sẵn sàng cho việc có thêm một cửa hàng”.
“Các quán cà phê của RedDoor có quy mô nhỏ và độc lập với nhau, nên không gian và menu sẽ không giống, trải nghiệm vì vậy cũng đa dạng hơn. Việc cung cấp dịch vụ với chúng tôi không gì nằm ngoài chuyện người đến sẽ muốn quay trở lại nhiều lần”.
“Ở RedDoor, không nhất thiết các bạn phải uống đúng công thức quán làm ra, mà có thể yêu cầu về định lượng hoặc tự tay pha chế. Tất cả đều chúng tôi quan tâm là sự trải nghiệm của khách hàng và thông qua đó, họ cũng hiểu được phần nào cách ra đời của một ly cà phê”.
Every Half Coffee Roaster – “Chấp niệm” kết nối cộng đồng
Ấn tượng về Every Half với chúng tôi đó là những nhà sáng lập của thương hiệu này luôn mang “chấp niệm” kết nối với cộng đồng bằng nhiều cách thức khác nhau. Như chính cái tên của mình, Every Half luôn đi tìm những “phần nửa” khác để gắn kết lại, tạo nên những “hạt cà” trọn vẹn và hoàn chỉnh, vừa để đem đến những cốc cà phê đậm đà giá trị, vừa để truyền tải những năng lượng tích cực cho cộng đồng chung đam mê. Điều này được thể hiện rõ ràng hơn qua những chia sẻ của co-founder Trần Lê Minh Trúc.
“Hầu như cà phê hiện tại bên tôi sử dụng đều là sản phẩm hợp tác với các nông hộ trong nước như Điện Biên, Gia Lai,… để sản xuất. Bởi vì Every Half muốn cùng nông hộ sản xuất cà phê bền vững nhất có thể, về cả mặt tài chính và môi trường. Khi kết hợp như vậy, những nông hộ sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật chế biến, chúng tôi sẽ đảm bảo được đầu ra cho họ, còn khách hàng sẽ được nghe và cảm nhận nhiều câu chuyện qua hạt cà hơn”.
“Về địa điểm, 3/4 cửa hàng, Every Half kết hợp cùng một cơ sở lưu trú khác để đưa cà phê tiếp cận nhiều khách hàng hơn”.
“‘Aeropress Movie’ là một bộ phim tài liệu do European Coffee làm để chia sẻ câu chuyện về dụng cụ pha cà phê này. Every Half đã mang bộ phim đến Hà Nội, Buôn Mê Thuột, Sài Gòn,… để trình chiếu, đồng thời pha cà phê mời mọi người nhằm kết nối cộng đồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng mua bản quyền cuộc thi “Aeropress Championship” để mọi người đến tham gia trong tâm thế kết nối, tương tác, uống cà phê, nghe nhạc, trò chuyện với nhau,…”.
Để định vị được thương hiệu của mình trên bản đồ cà phê Việt nói chung và Sài Gòn nói riêng, đòi hỏi phải có nét độc đáo, không hòa lẫn. Hy vọng với mỗi điểm hay ho ở 4 mô hình cà phê xuất hiện trong BizLab Series Video mùa 3 mà chúng tôi đã bóc tách ra, có thể truyền tải nhiều nguồn cảm hứng và kinh nghiệm cho những ai đang quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh này.
——
Khởi nghiệp dễ hay khó, người trẻ nên bắt đầu với mô hình kinh doanh trong mơ của họ từ đâu, việc vận dụng yếu tố văn hoá và sự kết nối giữa người với người nên được biểu đạt như thế nào… là nguồn cảm hứng lớn của chúng tôi trong việc tìm kiếm những hình mẫu doanh nghiệp giới thiệu đến bạn đọc.
Ở một thời đại mà cách vài bước chân, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các cửa hàng cà phê; và bản thân những quán cà phê đang là điểm đến làm việc phổ biến hiện nay cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ, sự đa dạng trong concept và ngày càng gia tăng với một mật độ chóng mặt, bất chấp sự cạnh tranh khắc nghiệt… thôi thúc chúng tôi chọn các cửa hàng cà phê khởi động cho mùa 3 – People in Cafe and Business Culture.
– Xem thêm những tập đã phát sóng trên kênh Youtube của Men’s Folio.
– Cập nhật thêm thông tin về video series từ hashtag #BizLab trên các nền tảng Facebook và Instagram của Men’s Folio.