Hoạ sĩ Nguyễn Trần Trung Tín: Tối đa hay tối giản cũng là như nhau
LifestyleArts & Culture

Hoạ sĩ Nguyễn Trần Trung Tín: Tối đa hay tối giản cũng là như nhau

Trần Nguyễn Trung Tín là một trong những hoạ sĩ trẻ nổi bật hiện nay với phong cách mỹ thuật Tối Đa (maximalism) gây ấn tượng thị giác cực mạnh. Thế nhưng, khi được hỏi vì sao anh lại chọn một lối đi có vẻ ngược xu hướng, thì nghệ sĩ trẻ nói rằng: “Tối đa hay tối giản thực chất cũng là như nhau”.

Chân dung tự hoạ của hoạ sĩ Trần Nguyễn Trung Tín

Men’s Folio Vietnam ngồi xuống trò chuyện cùng hoạ sĩ Trần Nguyễn Trung Tín khi trời đã ngả về tối tại studio riêng của anh. Bên cạnh vai trò là một người thực hành sáng tạo, anh Tín còn tham gia hoạt động giáo dục, nên lịch trình của anh kín cả. Khi độc giả đọc bài viết này cũng đã có thể thưởng thức một vài tác phẩm điển hình của hoạ sĩ, với phong cách Tối Đa đầy ấn tượng mang các hình hoạ, chi tiết, màu sắc đầy chặt, chen chúc như nêm.

Tác phẩm Võ Tam Tư Trảm Cáo nằm trong sự kiện nghệ thuật Vẽ Về Hát Bội

Hiện nay, người trẻ Việt nói chung đang có xu hướng yêu thích Tối giản, có thể do sự ảnh hưởng từ làn gió văn hoá Nhật Bản, nhưng Trần Nguyễn Trung Tín lại càng lúc càng đi ngược lại. Khi đi hỏi về điều này, hoạ sĩ chia sẻ rằng, nếu nhìn rộng ra, Tối Đa (Maximalism) hay Tối Giản (Minimalism) cũng là như nhau, có khác chăng nằm ở ấn tượng của người xem, còn mục tiêu xuất phát và hướng tiếp cận trong lối thực hành sáng tạo vẫn chung một con đường. Xét cho cùng, ngôn ngữ hình ảnh mà một người hoạ sĩ trải ra trên tác phẩm của mình là một phương thức thay thế chữ nghĩa/tiếng nói, có những người nói ít, có người lại muốn nói nhiều hơn, và có lẽ Tín là người có nhiều điều để nói.

Cách tiếp cận Tối Giản là gia giảm mọi thứ đến tối thiểu, thì Tối Đa là gia tăng đến cùng cực. Cái tinh thần chung là kể đủ câu chuyện mình muốn, đủ các yếu tố cả nội dung lẫn hình thức, không bỏ đi được cái gì cả. Hơn thế nữa, trong hoạt động sáng tác, tiềm thức của mình trỗi dậy và mong muốn được phô bày thông qua tác phẩm. Anh Tín tự nhận mình không thích sự tối thiểu, có thể đơn giản do đời sống, tâm hồn của mình đầy chặt như vậy nên những gì mình tạo ra cũng thế. Khi mình kiểm soát tự gia tăng tối đa của hình hoạ, màu sắc, cấu trúc…trong tác phẩm, nó cũng là cách để mình học sự kiểm soát cuộc sống của mình.

Thêm vào đó, hoạ sĩ thích làm với những idea đối lập, khó đứng chung cùng nhau, nhưng đặt những thứ không có điểm chung vào với nhau mới tạo nên sự hứng thú; mỗi cuộc gắn kết hai cái đối lập, một cái mới sẽ nảy sinh với tầng nghĩa mới được phát ra. “Có lẽ với sự chuyển động của mỹ thuật thế giới và bùng nổ công nghệ hiện nay, cái gọi là nguyên bản (original) không còn thực sự nguyên bản nữa, và tổ hợp sẽ mở ra những khả năng bản nguyên vô tận. Đó là sự nỗ lực cá nhân của mình” – Trần Nguyễn Trung Tín chia sẻ.

Gần đây Tín hay suy nghĩ về lối tiếp cận mới cho tinh thần Tối Đa, cụ thể đó là lối phân lớp. Làm mọi chuyện “phức tạp” thì đúng là sở trường của mình, nhưng suy nghĩ phức tạp thì không hẳn, nên anh thường lọc ra những tầng lớp khác nhau về các tầng ý nghĩa, lớp hình ảnh, lớp màu sắc rồi phân lập và hệ thống hoá nó. Sự phân lớp đến phần nhiều từ chất liệu Lụa mà Tín theo đuổi, với sự mảnh mai của Lụa, hoạt động chồng lớp vốn rất tự nhiên nhưng không hiểu sao không mấy ai làm. Điều đó giúp tạo nên vẻ đẹp đa lớp, như tranh của Tín thường chồng 3 lớp lụa khác nhau, khiến dù là hội hoạ Lụa nhưng màu sắc đậm nét và rực rỡ. Phương thức đó còn giúp cho sở thích chơi màu tươi, mạnh, có độ điều tiết mắt cao của Trần Nguyễn Trung Tín được thoả mãn, từ đó tìm ra hướng màu mới cho chính mình.

Bức tranh hoạ sĩ Trần Nguyễn Trung Tín thực hiện cho bìa tập thơ Cô Độc Nên Thơ của Nam Thi (NXB Tao Đàn, 2021)

Khi bàn về lối tiếp nhận thẩm mỹ của Việt Nam hiện tại, hoạ sĩ Trần Nguyễn Trung Tín đặt ra một niềm kỳ vọng vào thế hệ tiếp theo. Vì rõ ràng thị trường tranh tại Việt Nam vẫn còn ở những bước sơ khai, hoạt động giáo dục mỹ thuật cũng vậy, nên thế hệ trước đó có thể thấy tranh Tín lạ lẫm, nhưng nó sẽ trở nên thân quen với những bạn trẻ được tiếp cận sớm trong thời đại phẳng này. Từ đó, đại chúng Việt Nam sẽ thấy rằng dòng chảy mỹ thuật đa chiều, đa dạng như chính lối tranh Tối Đa của Trần Nguyễn Trung Tín vậy.

Bài: Nam Thi
Tranh: Nguyễn Trần Trung Tín
 

Related Article