Giản lược những cột mốc đáng nhớ của Raf Simons
StyleNews

Giản lược những cột mốc đáng nhớ của Raf Simons

Sở hữu phong cách thiết kế đầy bản năng với những cảm xúc mới lạ, nhà thiết kế người Bỉ Raf Simons được giới mộ điệu ví như “ông vua” của ngành thời trang.

Mới đây, nhà thiết kế Raf Simons vừa thông báo về việc “chia tay” với thương hiệu cá nhân cùng tên sau gần ba thập kỷ gắn bó. Ông cho biết, bộ sưu tập Xuân Hè 2023 được trình diễn vào tháng 10 là chặng cuối đánh dấu sự kết thúc trong hành trình 27 năm tuyệt vời của thương hiệu. 

“Tôi không biết dùng từ gì để bày tỏ rằng tôi tự hào thế nào về tất cả những gì mình đạt được,” Raf Simons viết. “Cảm ơn tất cả mọi người đã trở thành tầm nhìn của thương hiệu, cảm ơn sự tin tưởng vô điều kiện với tôi. Tôi không biết phải nói gì hơn để bày tỏ rằng tôi tự hào như thế nào về tất cả những gì chúng ta đã đạt được,” – Thông báo được ông tuyên bố ngắn gọn trên Instagram. 

Trước thông báo này, nhiều người phỏng đoán rằng, việc tạm dừng thương hiệu có thể do sự hỗn loạn của mà ngành công nghiệp thời trang đang phải đối mặt. Một số khác lại cho rằng, Raf Simones chỉ đang “tàn nhẫn” hơn để gìn giữ những gì trọn vẹn nhất về thương hiệu. Như Kris Van Assche, Raf Simons chỉ là “công chúa ngủ trong rừng” chờ ngày được đánh thức. 

Ngược dòng quá khứ, năm 1995, Raf Simons ra mắt thương hiệu mang tên mình sau thời gian dài hoạt động dưới tư cách một nhà thiết kế nội thất tại xưởng Walter Van Beirendonck. Về mảng thời trang, ông hoàn toàn không được đào tạo qua trường lớp chính chuyên nào mà chọn cách tự mày mò và học hỏi không ngừng. 

Lấy cảm hứng từ đồng phục học sinh nước Anh và các outerwear truyền thống, bộ sưu tập đầu tiên của hãng nhanh chóng gây ấn tượng bởi thiết kế độc đáo, hiện đại. Đến cuối thập niên 90, Raf nhanh chóng đạt được những thành công đầu tiên trong ngành mốt với các bộ sưu tập mới lạ. Cụ thể, bỏ lại những bộ suit chật hẹp, người đàn ông mà Raf tạo nên cực kỳ lịch lãm trong bộ suit tươi mới, mang phong cách punk. 

Raf Simons tổ chức show diễn đầu tiên của mình tại Impasse de Mont-Louis, Paris 

Tiếp tục phát triển ổn định đến tháng 3/2000, Raf Simons lần đầu bị đóng cửa do những khó khăn về tài chính và những áp lực mà Raf cảm nhận được từ khía cạnh kinh doanh thời trang. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của những người đứng đầu chuỗi cung ứng, các nhà bán lẻ, thương hiệu đã quay lại với ngành mốt trong mùa Đông 2001. 

Năm 2005 được xem là cột mốc lớn, đánh dấu thời đại của Raf Simons tại Jil Sander dưới tư cách là Giám đốc sáng tạo. Đây cũng là năm “Raf by Raf Simons” được công bố với mức giá thấp hơn dòng chính. 

Bộ sưu tập mùa Thu năm 2005 của Raf Simons

Vào năm 2008, hai cửa hàng flagship độc lập của thương hiệu chính thức được mở ở Tokyo và Osaka, Nhật Bản với sự hợp tác của Sterling Ruby và Roger Hiorns. Từ thời điểm này, chuỗi hợp tác của ông bắt đầu với hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi như Fred Perry, Asics, adidas và Linda Farrow. 

Đến năm 2011, “Raf by Raf Simons” đã được thay thế bằng “Raf Simons 1995”, sự kết hợp đặc biệt từ các yếu tố trong bộ sưu tập thuở ban đầu của ông. 

Không thể không nhắc đến cột mốc ấn tượng vào năm 2012 khi Raf Simons được mời làm giám đốc sáng tạo cho nhà mốt danh tiếng Christian Dior. Bỏ lại những nghi ngại của giới chuyên môn về sự đối lập giữa phong cách thời trang của nhà sáng lập Christian Dior và gu thiết kế tối giản của mình, Raf đã thổi hồn vào những ý tưởng cũ để làm sống lại biểu tượng New Look kinh điển của Dior những năm 90. Sau hơn ba năm đảm nhiệm vị trí giám đốc sáng tạo, ông đã giúp doanh số dòng ứng dụng của nhà mốt tăng lên 60% và dòng haute couture tăng 18%. 

Thiết kế của Raf cho Dior năm 2012

Nhờ tư duy thẩm mỹ cá tính, Raf Simons được mời làm việc cho nhiều thương hiệu nổi tiếng như Jil Sander, Dior, Prada và Calvin Klein. Ông có khả năng kiểm soát việc sáng tạo đáng kinh ngạc nhưng lại nhanh chóng rời khỏi các nhà mốt trong thời gian ngắn. 

Tính đến nay, thương hiệu cá nhân của ông đã tồn tại và phát triển gần ba thập kỷ và tạo nên sức ảnh hưởng đáng kể trong ngành thời trang. Sau thông báo “chia tay” thương hiệu cá nhân mới đây, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục được chiêm ngưỡng “ngôn ngữ thiết kế” độc đáo của Raf Simons vào tháng 1/2023 tại buổi trình diễn của Prada ở Milan, Ý. Cụ thể, Raf là đồng giám đốc sáng tạo của Prada từ đầu năm 2020. 

Khi đã nắm trong tay thương hiệu mang tên mình cùng hàng loạt giải thưởng danh giá về thời trang, nhiều người thắc mắc, Raf Simons liệu đã thoả mãn hay vẫn đang tiếp tục mơ về một “di sản thời trang” to lớn hơn. Tuy nhiên, với xuất thân bình dị, Raf Simons chọn cách sống giản đơn với những “tuyệt tác” được kiến tạo nên từ đam mê. 

Bài: Phương Uyên
Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article