“Ai mà không có nick ảo?”, một câu thoại nhỏ trong phim “Anne – Cô gái muôn mặt” khiến người xem sững lại vì nhận thấy bản thân trong muôn vàn hình dạng của Anne. Kể từ đó, tất cả dường như đã giải mã được câu hỏi chủ đề: Ai là Anne?
Phim kinh dị tâm lý “Anne – Cô gái muôn mặt” ra mắt từ ngày 25/11, đã thu hút lượng lớn khán giả ra rạp ngay từ tiêu đề ấn tượng của bộ phim. Dù vậy, một số khán giả cũng bình luận rằng phim khá “khó hiểu” bởi nhiều tình tiết và dụng ý chưa được sáng tỏ. Một số giải đáp từ đạo diễn Kongdej Jaturanrasamee phần nào giúp khán giả “vỡ lẽ” nhiều điều thú vị.
Cái tên gây ám ảnh xuyên suốt bộ phim: Anne
“Anne – Cô gái muôn mặt” là một bộ phim kinh dị tâm lý Thái Lan mang ngôn ngữ kể chuyện độc đáo. Tác phẩm kích thích trí tò mò của khán giả ngay từ tựa đề, ngụ ý rằng con người luôn có nhiều hơn một gương mặt. Điều này ẩn ý cho việc trong thực tế, con người chúng ta luôn dùng những “bộ mặt” khác nhau để “sống” trong từng hoàn cảnh khác nhau.
Đạo diễn Kongdej Jaturanrasamee tiết lộ rằng Anne là cái tên thông dụng nhất tại Thái Lan, việc chọn tên Anne cho tựa đề nhằm giúp bộ phim dễ tiếp cận đến số đông khán giả. Thông qua việc sử dụng một cái tên phổ biến để nói về chuyện nhiều người sẽ gặp trong cuộc sống, nhà làm phim muốn truyền đi thông điệp: “Ai cũng là Anne, kể cả bạn”.
Bối cảnh đối lập: Một thế giới đứt gãy về thời gian lẫn không gian
Khi xem phim, khán giả dễ nhận ra Anne là một cô gái có vấn đề về danh tính của bản thân và cố gắng che giấu thân phận thật dưới hàng loạt nick ảo trên mạng xã hội. Các Anne đóng vai trò là những nhân cách và hình dạng mà bản gốc Anne muốn trở thành. Họ đang đấu tranh, sinh tồn trong thế giới riêng của Anne để thoát khỏi thực tại kinh hoàng.
Bối cảnh phim diễn ra trên một con tàu du lịch khổng lồ lênh đênh trên biển, tượng trưng cho sự nổi trôi, vô định của Anne về hành trình tìm kiếm chính mình. Đối lập với bối cảnh mênh mông là sự ngột ngạt trong những căn phòng, dãy hành lang, cầu thang sâu hút,… như để nói về một thế giới đứt gãy, thời gian và không gian đang bị cầm tù trong chính tâm trí của Anne.
Trang phục màu vàng – Màu của sự bất an
Dụng ý của phim cũng được cài cắm khéo léo thông qua trang phục của Anne – màu sắc vàng mù tạt với thiết kế mang nhiều ẩn ý. Đạo diễn Kongdej Jaturanrasamee chia sẻ: “Chúng tôi tạo ra trang phục của Anne trông giống như quần áo của bệnh nhân trong bệnh viện. Nhưng thiết kế có phần độc đáo hơn bởi những sợi dây thừng được xâu ở nhiều điểm khác nhau trên trang phục, tạo nên sự tù túng, trói buộc. Màu vàng mù tạt của trang phục tạo cảm giác bất an, phù hợp với tâm lý nhân vật nhưng không loè loẹt như những gam màu nóng nói chung. Đồng thời màu sắc vàng làm nên sự nổi bật cho nhân vật giữa những bối cảnh u uất trên phim”.
Cầu thang hình tam giác – Vòng lặp vô định
Cảnh quay cầu thang hình tam giác lặp đi lặp lại mỗi khi các Anne toan tính trốn thoát nhằm nói đến những vòng lặp vô định. Biểu tượng này từng được khai thác triệt để trong “Tam Giác Quỷ” (Triangle) – một bộ phim về vòng lặp cực đánh đố người xem vào năm 2006.
Đặc trưng của hình tam giác là có 3 cạnh nối với nhau, con số 3 lại có nhiều liên kết với cốt truyện phim. Đạo diễn Kongdej Jaturanrasamee giải thích rằng: “Số 3 nói đến số phòng, số lượng Anne xuất hiện nhiều nhất trong mỗi vòng lặp, số lượng thành viên trong gia đình của cô ấy và cũng là số vòng lặp mà Anne phải đối mặt trước khi tìm ra sự thật”.
Quái hươu Wendigo: Nỗi ám ảnh tuổi thơ của Anne
Chất liệu kinh dị của phim trở nên sáng giá hơn khi khai thác hình tượng quỷ hươu ăn thịt người Wendigo. Theo truyền thuyết kể lại, Wendigo được biết đến như một nỗi kinh hoàng của những bộ lạc thổ dân khu vực Bắc Mỹ. Wendigo là sự kết hợp hoàn hảo giữa tính cách hung bạo, khát máu kèm với sự tính toán, gian xảo của một kẻ đi săn. Điều này càng được thể hiện rõ nét trong “Anne – Cô gái muôn mặt” .
Nói về phim, quái hươu tượng trưng cho những sang chấn tuổi thơ của Anne, khi lúc nhỏ cô từng chứng kiến bố mình đâm xe chết một con hươu trong rừng. Anne bị ám ảnh bởi cái chết của hươu và liên tiếp nhìn thấy nó trong những lần “mơ trong mơ” với nỗi sợ hãi bị đoạt mạng.
Bài hát chết chóc: Sự thức tỉnh của Anne
“Impossible” trở thành giai điệu chết chóc của “Anne – Cô gái muôn mặt”, bài hát vang lên mỗi lần các Anne muốn trốn thoát, báo hiệu cho sự xuất hiện của Wendigo. Nội dung trong bài hát nói về một chàng trai muốn có mười khuôn mặt giống như Ravana – một quỷ dữ trong truyền thuyết Ramayana của Ấn Độ giáo. Chàng trai này sẽ dùng 10 cái miệng để nói lời yêu thương người con gái, hai mươi vòng tay để ôm lấy người yêu dẫu biết rằng điều đó là không thể.
Và những điều Anne đang làm ở cuộc sống thực có thể không khác gì nội dung của bài hát này. Anne đang cố gắng trở thành người khác nhưng cô ấy không thể là ai ngoài chính mình. Như câu thoại của nữ bác sĩ tâm lý trong phim: “Gương mặt mà em đang nhìn thấy chính là em, dù cho em có thích nó hay không”.
Thông điệp ẩn từ đạo diễn
Có thể nói, Anne giống như tấm gương phản chiếu hình ảnh của những người trẻ ngày nay. Họ đang dần lãng quên giá trị thật của bản thân trong “thế giới ảo” – nơi họ được tự do bộc lộ những nhân cách khác nhau.
Đạo diễn Kongdej chia sẻ: “Điều đó đã trở thành một vấn đề đương đại đối với những người trẻ. Nhưng câu hỏi quan trọng nhất rằng đâu mới là con người thật? Hay đó chỉ là phần danh tính ẩn dưới tiềm thức của chúng ta? Giả sử nếu bạn đặt tên một người là Anne, tôi nghĩ sẽ có Anne theo cách cô ấy nghĩ, Anne theo cách người khác nhìn cô ấy, Anne theo cách cô ấy không muốn ai nhìn thấy mình. Điều đó cho thấy nhiều mặt khác nhau trong mỗi con người. Tuổi trẻ của thời đại này khó sống hơn nhiều so với thế hệ của tôi. Họ luôn ở trong trạng thái cần sự cứu rỗi, vô định với nhiều yếu tố tác động. Đó là lý do chúng tôi muốn thực hiện tác phẩm này để thế hệ mới trở nên mạnh mẽ và tin vào giá trị bản thân nhiều hơn”.