Elon Musk thâu tóm Twitter và đề cao tự do ngôn luận: Lợi bất cập hại?
Business

Elon Musk thâu tóm Twitter và đề cao tự do ngôn luận: Lợi bất cập hại?

Thương vụ trị giá lên đến 44 tỷ USD này đã đem đến tiềm năng mở rộng đế chế kinh doanh của tỷ phú Elon Musk, và đưa người đàn ông giàu nhất thế giới này trở thành tỷ phú nắm giữ một nền tảng mạng xã hội có ảnh hưởng nhất thế giới. Song song với việc cảm thán về bước ngoặc mới của Twitter, những lo ngại xung quanh về một số thay đổi mới cũng bắt đầu dấy lên.

Elon Musk là một người dùng Twitter nổi tiếng với hơn 83 triệu người theo dõi, thường xuyên gây tranh cãi với những phát ngôn trên trang mạng xã hội này. Musk thoải mái chia sẻ mọi thứ bao gồm các meme, thảo luận về công ty của mình, đưa ra các bình luận và quan điểm thẳng thắn về các chính trị gia, lan truyền những tuyên bố thiếu chính xác về Covid-19, thậm chí là những nhận xét gây tổn thưởng đến cộng đồng người chuyển giới.

Với niềm tin rằng các trang mạng xã hội không nên xóa bình luận dù chúng mang tính xúc phạm (nhưng vẫn hợp pháp), Musk nhiều lần nhấn mạnh, rằng tham vọng của mình là thúc đẩy tự do ngôn luận trên Twitter và tìm cách để “mở khóa” tiềm năng phi thường của Twitter. “Tôi cũng muốn làm cho Twitter tốt hơn bao giờ hết bằng cách nâng cao sản phẩm với các tính năng mới, làm cho các thuật toán trở thành mã nguồn mở để tăng độ tin cậy, chống lại chương trình thư rác (spam bots) và xác thực danh tính của mọi người dùng. Twitter có tiềm năng to lớn, tôi mong muốn hợp tác với công ty và cộng đồng người dùng để mở khóa nó”, Musk bày tỏ.

Mong muốn tưởng chừng như viễn vong của Musk đã trở thành sự thật khi anh hoàn tất thương vụ trị giá 44 tỷ USD với Twitter. Thỏa thuận này sẽ mở ra thời kỳ mới của Twitter với Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của nó khi sở hữu 9% cổ phần, tất cả quá trình diễn ra chưa đến một tháng. Elon Musk sẽ tham gia ban lãnh đạo cho đến năm 2024 và không được sở hữu hơn 14.9% cổ phần trong công ty theo thỏa thuận mới với Twitter. Điều khoản này đồng nghĩa hạn chế quyền lực của Musk lên Twitter.

Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành và cộng đồng người sử dụng Twitter cũng bắt đầu lo lắng về tầm quan trọng của “tự do ngôn luận” mà tỷ phú này luôn đề cập đến trong những phát ngôn của mình. Vì mong muốn này của Musk cũng đồng nghĩa với việc tạo ra một bước lùi đáng kể so với tầm nhìn và sứ mệnh mà nền tảng đã theo đuổi bấy lâu nay – đó là hạn chế lời nói căm thù, thông tin sai lệch, quấy rối và các nội dung có hại khác. Cụ thể, rất nhiều người cũng đặt câu hỏi liệu rằng Musk có dự định khôi phục tài khoản của cựu Tổng thống Donald Trump, tài khoản đã bị cấm vĩnh viễn vào đầu năm ngoái, vì vi phạm chính sách của Twitter về việc kích động bạo lực sau Cuộc bạo động ở Điện Capitol hay không. Động thái này của Musk có thể gây chia rẽ đáng kể cho cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 sắp tới.

Cú bắt tay của Elon Musk và Twitter không gói gọn trong tham vọng đem đến những đột phá táo bạo hay cải thiện doanh thu cho một ứng dụng mạng xã hội, mà còn liên quan rất nhiều và vô cùng phức tạp về chính trị, quyền con người, an toàn trên không gian mạng và tỷ ty những thứ khác.

Một kỷ nguyên mới cho “chú chim xanh” là điều mà cả thế giới đang dõi theo, song việc nới lỏng các quy tắc nội dung nhân danh quyền tự do ngôn luận của Musk cũng đang và sẽ là tâm điểm chú ý. Hơn bao giờ hết, Twitter đang đứng trước một tương lai mà tiềm năng vẫn còn là ẩn số và sự không chắc chắn thì đã ở ngay trước mắt. Đến cả Giám đốc điều hành Parag Agrawal của Twitter cũng nói, rằng một khi thỏa thuận kết thúc, ông cũng không biết nền tảng sẽ đi theo hướng nào.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article