DTAP: “Tối giản quá trình làm nhạc để tối đa tư duy âm nhạc”
Talent HubLifestyleArts & Culture

DTAP: “Tối giản quá trình làm nhạc để tối đa tư duy âm nhạc”

Trước DTAP, chưa có mô hình nhóm producer (sản xuất nhạc) nào hoạt động thành công tại thị trường Vpop, đó là chưa kể giai đoạn này của nhạc Việt cần rất nhiều sự sáng tạo và đột phá để tạo độ nhận diện. DTAP là tổ hợp ba màu sắc âm nhạc tạo nên một cá tính âm nhạc độc đáo. Minh chứng cho điều này là sự thành công trên cả tuyệt vời của album “Hoàng” (2019) và album “LINK” (2022) của Hoàng Thùy Linh. Nhưng bấy nhiêu là chưa đủ để ta hiểu về tầm nhìn, tư duy và bí thuật làm nên những ca khúc “hot hit” của DTAP.

Thế giới phẳng giúp DTAP phát huy tối đa tư duy âm nhạc

Hành trình phát triển với vai trò sản xuất âm nhạc từ con số 0 đến ngày hôm nay của DTAP, đâu là khác biệt lớn nhất?

Mình nghĩ sẽ gói gọn trong 3 cụm từ: may mắn, nỗ lực và cầu thị. Khó khăn có rất nhiều nhưng ở thời điểm hiện tại, chúng mình học được cách bình tĩnh đối diện, tìm cách giải quyết thay vì xoáy sâu vào để tự làm khổ mình.

Có những bước đi dù rất nhỏ vẫn sẽ trở thành bước ngoặc của đời mình. Đâu là bước đi mang tính bước ngoặc đó của DTAP?

Từng bài hát nhóm sản xuất là những gạch nối mang tính bước ngoặc trong hành trình làm nhạc của DTAP. Bạn  có thể thấy rõ nhất từ bài hát đầu tiên – “Để Mị nói cho mà nghe” đến bài hát gần đây nhất – “Trưởng nữ chạy trốn”. Nếu ban đầu chất liệu văn hóa được nhóm ứng dụng như màu sắc chính của bài hát, nay chúng được sử dụng thành thục hơn và chỉ là một phần bổ trợ cho việc sáng tác. Nhóm vận dụng yếu tố văn hóa từ đời sống, ví dụ như cách chơi chữ hay nói láy, chứ không phải là những điều đao to búa lớn, nặng về học thuật hoặc những hình ảnh mang tính biểu tượng như đàn bầu chẳng hạn. Mình là người Việt phải sáng tác âm nhạc có bản sắc của người Việt là kim chỉ nam làm nghề của nhóm, chứ không dừng lại ở album “Hoàng” hay album “LINK” hợp tác cùng chị Hoàng Thùy Linh.

Thành công đến khi các bạn chưa có đủ sự chuẩn bị để đón nhận và khiến các bạn rơi vào trầm cảm, còn hiện nay các bạn đã tận hưởng nó thế nào?

Giai đoạn trầm cảm không làm nhạc được giúp nhóm nhận ra được tầm quan trọng của việc không ngừng học hỏi những điều mới. Cho đến nay, nó đã trở thành thói quen và giúp nhóm hóa giải rất nhiều trở ngại. Hiện tại, trạng thái cảm xúc của DTAP khá cân bằng, không có nhiều xung động như trước đây. Chúng mình đón nhận thành công của album “LINK” khác so với album “Hoàng”, hồi xưa vui là sẽ vui mất ăn mất ngủ rồi trăn trở nhiều lắm, còn giờ cũng vui nhưng không dừng lại quá lâu để đắm chìm, mà lên dây cót tinh thần, chuẩn bị chinh phục những ngọn núi khác.

Thành công lớn của các bạn gắn liền với Hoàng Thùy Linh, nó giúp cái tên DTAP tăng độ nhận diện nhưng cũng có thể là cái bóng quá lớn cho những nỗ lực sau này. Các bạn nghĩ thế nào?

Hào quang của DTAP không nằm ở bản thân nhóm mà nằm ở những bài hát nhóm viết ra. Tác phẩm mới là giá trị cốt lõi, định hình thương hiệu DTAP. Chúng mình không kiếm tiền trực tiếp từ khán giả hay người hâm mộ nên chưa bao giờ thấy tủi thân khi là “người đứng sau”, trái lại còn vô cùng thoải mái khi có nhiều tự do trong cuộc sống riêng. Phải nói thêm, người nghệ sĩ mà nhóm chọn hợp tác cũng không dựa trên tiêu chí như độ chịu chi hay danh tiếng của họ, điều mà nhóm quan tâm là sự đồng điệu. Liệu rằng người đó có khác gì so với họ của album trước không? Họ có dám thử thách bản thân cùng DTAP không?

Nhân nói về thành công, các bạn cảm thấy như thế nào là một nhà sản xuất âm nhạc thành công?

Bài hát được đón nhận theo nhiều nghĩa, không riêng những bảng thành tích sáng chói về mặt số liệu trên các nền tảng, mà còn là về tuổi thọ, mức độ đi sâu vào đời sống và ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người nghe của ca khúc đó. Lúc nhóm được xướng tên cho một giải thưởng tất nhiên là rất hào hứng nhưng khoảnh khắc cầm giải thưởng trên tay không vui bằng quá trình sáng tác.

Làm nhạc ở thời đại công nghệ bùng nổ, các bạn đã xoay sở thế nào để tận dụng ưu điểm của thời đại số trong các sản phẩm âm nhạc của mình?

Thế giới phẳng giúp DTAP dễ nâng cao “tay nghề” hơn, đa dạng ý tưởng, biết cách triển khai một bài hát… khi có cơ hội học các khóa học từ các nhà sản xuất âm nhạc trên thế giới. Đó còn là quá trình nghiên cứu và nâng cấp bản thân mỗi ngày vì công nghệ đổi mới liên tục. Khác với hầu hết các phòng thu, trừ những thiết bị cơ bản phải có như loa hay mic, toàn bộ thiết bị của nhóm đều là các ứng dụng kỹ thuật số. Chúng ta sẽ không nhất thiết phải đánh những cây violin thật, mà có thể dùng công cụ được lập trình như thật. Quá trình làm nhạc của DTAP tối giản nhất có thể để tối đa phần tư duy âm nhạc. Càng không có công thức cụ thể nào cho độ lan tỏa của một bài hát từ DTAP, từ trong chính quá trình làm nhạc đã biến những tính toán thuộc về lý trí trở thành bản năng.

Tan rã? Không bao giờ là điều đáng để băn khoăn!

Làm nhạc với tư cách là một nhóm, tại sao vậy?

Tùng Cedrus: Từng thành viên của DTAP chỉ mạnh ở một lĩnh vực nhất định nên khi đứng cùng nhau, nhóm sẽ trở thành một tổng thể toàn diện, như mình mạnh về phối khí, anh Khánh chuyên về nội dung, còn anh Thịnh giỏi về sản xuất và giai điệu.

Kata Trần: Mình là người hướng nội, suy nghĩ nhiều, do đó rất khó kết nối và bày tỏ suy nghĩ cho mọi người cùng hiểu. Hai người bạn đồng hành này giúp mình thoải mái chia sẻ ý tưởng và bộc lộ hết nội lực của mình ra bên ngoài.

Thịnh Kainz: Sau hai năm mình làm thực tập sinh thì hai bạn kia vào. Chúng mình bắt đầu làm chung với nhau một bài, thấy hợp gout và cùng chí hướng nên quyết định đi cùng nhau. Mình là người luôn tin vào những cuộc gặp gỡ đầy duyên phận như vậy.

Trong hành trình đi cùng nhau như một nhóm, các bạn phát triển hoặc đầu tư bản thân mình như thế nào?

Tùng Cedrus: Hiện tại, mình đầu tư nhiều hơn nữa cho phòng thu vì mình thấy chưa đủ.

Kata Trần: Vì căn bản mình là một người suy nghĩ quá nhiều nên mình đang đầu tư cho cuộc đời mình. Cuộc sống là “người thầy” giỏi nhất, mình đã thu về rất nhiều bài học và cách để vượt qua những lo lắng thường trực trong lòng.

Thịnh Kainz: Thời điểm hiện tại, cá nhân mình nói riêng và DTAP nói chung đang dành thời gian cho việc chia sẻ kinh nghiệm với lứa thực tập sinh. Không phải là lớp học, càng không có danh xưng thầy – trò, điều chúng mình làm là truyền cảm hứng cho các bạn có cùng niềm đam mê, cũng như giúp họ tránh được những “ổ gà” mà ba ông anh đã vấp phải.

Nếu một mai “liên minh” ba thành viên tan rã?

Tùng Cedrus: Mình biết rõ điều mình thích và cảm thấy may mắn khi tìm thấy những người đồng đội rất tuyệt vời, vậy nên cứ bắt tay vào làm, tạm không có lý do gì để nghĩ đến viễn cảnh đó.

Kata Trần: Mình cũng sợ nhiều thứ nhưng nếu có chăng một suy nghĩ tiêu cực xuất hiện trong tâm trí, mình sẽ nhớ lại lý do bắt đầu cùng nhau.

Thịnh Kainz: Với mình, tan rã không bao giờ là điều đáng để băn khoăn, nhóm sẽ chỉ thật sự “tan rã” nếu một trong ba không còn tồn tại nữa. Còn chuyện một mai nhỡ ba anh em không còn làm chung hay “bo xì” nghỉ chơi nhau, buồn là có nhưng suy sụp thì không đến mức đấy.

Khi nói về đam mê, ta chỉ nên “theo đuổi” hay cần phải có “tham vọng”? Vì sao?

Tùng Cedrus: Cả hai. Vì đam mê là chắc chắn phải theo tới cùng nhưng nếu thiếu tham vọng, bạn sẽ không thể tạo ra giá trị từ đam mê đó.

Kata Trần: Đúng vậy. Đam mê là động lực giúp mình đỡ mệt nhọc khi xử lý một vấn đề nào đó, còn tham vọng là mong muốn DTAP có thể đặt dấu chân của nhóm trên bản đồ âm nhạc thế giới.

Thịnh Kainz: Nếu chỉ đam mê, bạn sẽ không có nhiều nỗ lực để không ngừng vươn lên. Tham vọng có thể giúp bạn theo đuổi đam mê của mình tới nơi tới chốn, cụ thể bằng thu nhập và cả giá trị bạn tạo ra có ảnh hưởng thế nào với xã hội.

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của DTAP.

Producer: Huyền My
Photographer: Anh Quan Nguyen
Lighting & Retouch: Nam Nguyen
Stylist: Phạm Minh Trí
Location: labels
Outfit: labels, ARM Gallery
 

Related Article