Dòng chảy nghệ thuật thế kỷ XX: Bóng hình loang loáng
LifestyleArts & Culture

Dòng chảy nghệ thuật thế kỷ XX: Bóng hình loang loáng

Như khi ta soi bóng xuống một dòng sông, ta thấy những hình ảnh ký ức và hiện thực hiện lên mơ hồ. Thế kỷ XX là một thể kỷ biến động và vụn vỡ, nhưng vì thế mà sản sinh ra biết bao dấu ấn nghệ thuật quan trọng của nhân loại. Mời quý độc giả cùng “soi bóng” và loang loáng nhìn về chuyển động của một thời đại.

1900 – 1910

Khi nhân loại bước vào Thế kỷ 20, chiến tranh và những cuộc cách mạng làm thay đổi bối cảnh xã hội ở phương Tây nói riêng và toàn thế giới nói chung. Những diễn biến phức tạp của sự tương quan giữa hai nền văn hoá Tư sản và Vô sản tạo nên loạt biến động về kinh tế, chính trị; vì lẽ đó mà Văn hoá Nghệ thuật cũng không nằm ngoài sự chuyển mình mang tính thời cuộc. Giai đoạn này, Nghệ thuật hiện thực phát triển theo tinh thần đấu tranh cho tiến bộ xã hội, cải tạo thế giới trên cơ sở chính nghĩa, đòi hỏi các phương thức tạo hình và thoả mãn thẩm mỹ mới ra đời.

Nếu như ở nửa cuối thế kỷ 19, trường phái Ấn tượng (Impressionism) đang chiếm ưu thế cao độ không chỉ trong Hội hoạ mà cả các lĩnh vực nghệ thuật khác, thì nổi bật trong thập niên 1900 – 1910 là trường phái Dã thú (Fauvism) như một sự chống lại sự mất mát không gian do dùng quá nhiều ánh sáng như Ấn tượng. Sự cần thiết của hoạ sĩ Dã thú là màu sắc, sáng tạo sắc độ, ở đó bức tranh là một bố cục nhiều màu chứ không phải sự sao chép thiên nhiên; liên tục tạo hình sống động, chối bỏ cảnh sắc vụn vặt hay tình cờ đẹp mắt. Những cái tên tiêu biểu ở thời kỳ này vẫn còn tác động mạnh đến nền mỹ thuật hôm nay như Henri Matisse hay André Derain.

Sự cần thiết của hoạ sĩ Dã thú là màu sắc, sáng tạo sắc độ, ở đó bức tranh là một bố cục nhiều màu chứ không phải sự sao chép thiên nhiên

1910 – 1920

Đây là thập niên khởi đầu cho những tan vỡ của nhân loại khi Thế chiến thứ nhất nổ ra vào năm 1914. Sự vụn vỡ ấy được thể hiện đâu đó thông qua cách nhìn hiện thực phân mảnh như trong Lập Thể, mà người tiên phong là danh hoạ Picasso. Chủ nghĩa Biểu hiện (Expressionism) với lối bày tỏ tâm tư, cảm xúc của chủ thể tác phẩm và của chính người nghệ sĩ một cách bạo liệt năm 1915 cho thấy nhen nhóm sự khước từ thực tiễn, người hoạ sĩ thu mình trong thế giới riêng và biểu hiện nó bằng tác phẩm nghệ thuật, như cách ta đã thấy và đã yêu ở Vincent van Gogh. Thậm chí, ở thập niên này, chiến tranh tạo ra một sự bối rối với xã hội. Câu hỏi về tính chính nghĩa, sự tồn tại và cái đẹp được khơi lên đầy vẻ phân vân. Chủ nghĩa Dada (Dadaism) ra đời từ mớ hỗn loạn ấy, với đầy vẻ giễu nhại, mỉa mai khi cái bồn tiểu của Marcel Duchamp xuất hiện. Sự mất niềm tin sau chiến tranh đã khiến thế giới định nghĩa lại văn hóa và văn minh, mà tiên phong là những người nghệ sĩ. Chủ nghĩa Dada chính là một lời chỉ trích lớn để phỉ báng thời đại bấy giờ và mở ra cơ hội để con người nhìn thấy chân lý.

Chiếc bồn tiểu danh tiếng của Marcel Duchamp

Trong Văn học thời kỳ này, do sự ảnh hưởng tiêu cực của thế chiến thứ nhất đã sản sinh ra Franz Kafka với các tác phẩm sâu, sắc và cứng, thể hiện sự bất lực của con người khi phải đối mặt với sự phi lý của hiện thực, mà đến nay người ta vẫn nhận định ông là người mở đầu chủ nghĩa hiện sinh trong môn nghệ thuật ngôn ngữ này.

Nhà văn danh tiếng bậc nhất thế kỷ XX Franz Kafka

1920 – 1930

Nối tiếp sự khước từ hiện thực ở các chủ nghĩa văn hoá nghệ thuật trong thập niên trước, đỉnh điểm của thập niên này chính là Siêu Thực (Surrealism). Xuất hiện vào năm 1920 tại Pháp với nền tảng Phân tâm học của Sigmund Freud, lúc này người nghệ sĩ ở tất cả các lĩnh vực mang động thái đi sâu vào nội hàm vô thức và rồi hữu thức được tìm thấy trong các giấc mơ, sau đó tìm cách diễn đạt bằng tác phẩm vật thể như một cách thoát ly. Siêu thực là một khuynh hướng nghệ thuật lớn bao trùm nhiều loại hình nghệ thuật. Bắt đầu từ thơ với tuyên ngôn của André Breton, lan tới hội họa rồi tiếp đến điện ảnh, tiểu thuyết.

Trong lĩnh vực điện ảnh, phim câm hài hước là đại diện tiêu biểu cho văn hóa nghệ thuật của nửa đầu của thế kỷ 20. Trên thực tế, buổi chiếu phim của anh em nhà Lumière ngày 28 tháng 12 năm 1895 tại Paris với các đoạn phim ngắn như La Sortie de l’usine Lumière à Lyon (Buổi tan ca của nhà máy Lumière ở Lyon) hay l’Arroseur arrosé (Tưới cây) đã đánh dấu sự ra đời của nền điện ảnh. Ý nghĩa của phim câm là chuyển thông tin thông qua phong trào và nét mặt của các diễn viên.

Năm 1927 đánh dấu mốc lần đầu tiên có phim người nói với đầy đủ âm thanh mang tên The Jazz Singer của Mỹ. Các rạp chiếu phim Nga cũng không chịu thua khi ra mắt thành công tác phẩm “Don Cossacks”. Một giai đoạn đặc biệt trong sự phát triển của điện ảnh quốc gia bắt đầu sau khi những người Bolshevik lên nắm quyền. Những người đồng chí nhanh chóng nhận ra rằng điện ảnh có thể làm được nhiều điều hơn chỉ là giải trí, để rồi nhanh chóng trở thành một vũ khí tuyên truyền quan trọng.

Năm 1927 đánh dấu mốc lần đầu tiên có phim người nói với đầy đủ âm thanh mang tên The Jazz Singer của Mỹ

1930 – 1950

Năm 1939, nỗi đau của thế giới được đẩy lên đến độ cùng cực vì Đệ nhị Thế chiến, một lần nữa văn hoá nghệ thuật bị đẩy vào con đường vụn vỡ, niềm tin hoàn toàn đã mất. Không phải cho đến lúc bấy giờ nền nghệ thuật mới có Trừu Tượng, nhưng ở thập niên này, Trừu Tượng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong giai đoạn này, bức tranh của của Piet Mondrian mang tên Sáng tác số 10 như một đại diện tiêu biểu, khoảng năm 1939-1942, được đặc trưng bởi các màu cơ bản, nền trắng và các đường lưới màu đen rõ ràng xác định cách tiếp cận đột phá nhưng cổ điển của ông đối với hình chữ nhật và mỹ thuật trừu tượng nói chung.

Sáng tác số 10 của Piet Mondrian là một trong những tác phẩm tiêu biểu của trường phái Trừu tượng trong Hội hoạ

Trong giai đoạn này, âm nhạc chào đón sự ra đời của Rock. Nguồn gốc trực tiếp của nó là từ việc ghép nối các thể loại nhạc đen lại với nhau, bao gồm cả rhythm and blues và nhạc phúc âm, cùng đồng quê và viễn tây. Trên thực tế, phải đến thập niên sau, Rock mới xuất hiện một cách đúng nghĩa, nhưng nhiều nghiên cứu xã hội chỉ ra rằng, giai đoạn này Rock đã nhem nhóm hình thành. Sự đen tối, gào thét, đập phá của Rock như một sự phản kháng với bối cảnh chiến tranh. Khi mà tất cả các thế lực đều nhân danh đạo đức và lý tưởng để sử dụng vũ lực khẳng định mình, thì còn có thể tin ai được đây? Rock như một tiếng thét từ địa ngục, và tiếng thét ấy phải chăng còn đẹp một cách chân thành hơn những học thuyết giả dối mà đau thương.

1950 – 1960

Chiến tranh thế giới rồi cũng qua đi. Trật tự mới của thế giới hình thành. Vào thời kỳ hậu chiến, các quốc gia tập trung phát triển kinh tế – xã hội, toàn nhân loại bước vào thời kỳ đại công nghiệp. Trong nghệ thuật, ta có Pop-Art mà Andy Warhol là danh hoạ nổi bật. Đây là hình thức nghệ thuật phản ánh hiện thực vật chất trong cuộc sống hàng ngày của đại chúng (mà ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là xã hội Mỹ). Pop Art coi trọng nền văn hóa pop – nền văn hóa “phổ biến” cùng nguồn cảm hứng được tìm thấy trên sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, truyền thông quảng cáo, phim ảnh, hoạt họa, biểu tượng… Chính bởi thế, nó mang đặc điểm phong cách dễ nhận biết, chịu ảnh hưởng của tranh ảnh báo chí hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng; dạng hình ảnh phẳng, phân chia theo mảng; ngôn ngữ hình ảnh trẻ trung có cách thể hiện táo bạo; màu sắc đặc biệt rực rỡ, có tính tương phản mạnh.

1960 – 1980

Chiến tranh thế giới tạm gác lại, nhưng Chủ nghĩa Đế quốc vẫn còn đó. Đây là thời kỳ hàng loạt các cuộc đấu tranh của các nước thuộc địa giành lại độc lập. Trong văn học nghệ thuật, các tác phẩm của nhiều quốc gia trên thế giới đồng loạt ra đời nhằm hướng đến sự bình đẳng, tự do của con người.

Trong thập niên này, chủ nghĩa Tối giản (minimalism) bỗng trở nên phát triển trong nhiều loại hình nghệ thuật như hội hoạ, âm nhạc, văn chương… Phong cách tối giản có nguồn gốc bắt rễ từ sự thuần khiết và cô đọng của chủ nghĩa Hiện đại, được kết hợp với chủ nghĩa Hậu hiện đại và được xem như phản ứng đối ngược lại với chủ nghĩa Biểu hiện trong nội dung cũng như trong bố cục tác phẩm. Tuy nhiên, về cuối, Tối giản định hình mình rõ rệt nhất ở nghệ thuật thị giác, đặc biệt là trong kiến trúc và hội hoạ. Bên cạnh đó, vào năm 1964, trường phái Op Art (Optical Art/Nghệ thuật quang học) ra đời gắn liền với tạp chí Time với bài viết nói về làn sóng nghệ thuật mới liên quan đến ảo giác.

Giai đoạn 1970 – 1980 là thập niên cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của Nghệ thuật Ý Niệm, Nhiếp ảnh hiện thực và Trình diễn/Sắp đặt. Một cuộc thay đổi tư duy thẩm mỹ diễn ra, khi mà giá trị tạo nên tác phẩm nằm ở trong quá trình người nghệ sĩ thực hiện nó. Các chủ nghĩa nghệ thuật này tạo ra một phương thức tiếp nhận đa phương, tức người xem/công chúng cũng tham gia vào quá trình sáng tác và khiến tác phẩm trở thành tác phẩm, chứ không còn chỉ đơn phương chịu sự áp đặt của tác giả như trước đây nữa.

1980 – 2000

Đây là giai đoạn của sự thay đổi to lớn về xã hội, chính trị và kinh tế. Sự kiện quan trọng của thời kỳ này được cho là cuộc cách mạng kỹ thuật số, đã thay đổi mọi thứ, từ giao tiếp hàng ngày, thương mại quốc tế đến địa chính trị toàn cầu. Chu kỳ tin tức 24 giờ sơ khai đã phóng đại mọi chuỗi sự kiện làm rung chuyển nước Mỹ trong những năm này, bao gồm cuộc suy thoái kinh tế từ năm 1987 đến giữa những năm 90; sự sụp đổ của Liên Xô bắt đầu từ năm 1989; Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (1990); sự trỗi dậy của quyền chính trị và hiệp ước NAFTA năm 1994; và cả cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Các nghệ sĩ phải vật lộn với những sự kiện này, giải quyết chúng trực tiếp và cũng đặt chúng trong bối cảnh những thay đổi cụ thể đối với thế giới nghệ thuật, bao gồm cả “cuộc chiến văn hóa” xung quanh tự do nghệ thuật, tác động của công nghệ với nghệ thuật và phương thức mở rộng thị trường nghệ thuật toàn cầu.

Các cuộc triển lãm được tổ chức xoay quanh ba chủ đề chính (theo thứ tự thời gian): Bản sắc và sự khác biệt, cuộc cách mạng kỹ thuật số và tính toàn cầu hóa. Đầu những năm 1990 bị chi phối bởi các cuộc tranh luận về chủ nghĩa đa văn hóa và “chính trị bản sắc”, một cách viết tắt không hoàn hảo cho các vấn đề chủng tộc, giai cấp, giới tính và tình dục. Giữa những năm 1990 chứng kiến ​​sự phát triển vượt bậc của công nghệ kỹ thuật số. Được báo trước bởi sự ra mắt của trình duyệt Internet thương mại đầu tiên, vào năm 1993, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã biến đổi tất cả các khía cạnh của cuộc sống đương đại, bao gồm sản xuất, diễn thuyết xã hội và thị trường cho nghệ thuật. Nó cũng dẫn đến sự phát triển của nghệ thuật Internet, một thể loại có tuổi thọ về cơ bản chỉ giới hạn trong những năm 90.

Trong thế giới nghệ thuật, toàn cầu hóa dẫn đến sự tăng tốc nhanh chóng của thị trường và sự gia tăng của “hệ thống ngôi sao” cho các nghệ sĩ. Tuy nhiên, nó cũng thúc đẩy một “bước ngoặt hậu thuộc địa, trong đó các nghệ sĩ từ các quốc gia trước đây bị các cường quốc thuộc địa lớn ở châu Âu cai trị” và thường bị gạt ra ngoài lề trong thế giới nghệ thuật đã có được tầm nhìn mới trên trường quốc tế.

Bài: Nam Thi
Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article