Mang trong mình niềm khắc khoải về thiên nhiên và con người Tây Bắc trong công cuộc hiện đại hoá, hoạ sĩ Đoàn Xuân Tặng đã đi tìm những vẻ đẹp hoang sơ còn sót lại của vùng đất ấy để rồi khám phá ra một màu “vàng” đặc biệt – màu của “Vàng Sương”. Họa sỹ Đoàn Xuân Tặng sinh năm 1977 tại Nam Định. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2001, là thành viên CLB Họa sỹ Trẻ Việt Nam. Anh hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội, Việt Nam.
Đã 4 năm kể từ cuộc triển lãm cá nhân của anh vào năm 2019, không biết với lần quay trở lại này anh đã có sự thay đổi như thế nào trong phong cách sáng tác hay hình thức thể hiện?
Lần này, tôi mang đến nhiều sự thay đổi trong cách thể hiện cũng như sắp đặt tác phẩm trong triển lãm. Có một điểm không đổi chính là chất liệu và cảm hứng từ vùng núi phía Bắc, bao gồm thiên nhiên và con người, vẫn được tôi lấy làm chủ đạo cho các bức hoạ của mình.
Về nội tâm, có lẽ sự khác biệt nằm ở cảm nhận của cá nhân tôi với một niềm khắc khoải về cuộc sống và cảnh vật Tây Bắc. Tôi tập trung đưa vào tác phẩm nội tâm đó với những băn khoăn, trăn trở về cuộc sống, sự mất còn, tình yêu hay sự gắn bó với miền đất ấy trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển. Đó là lý do những bức tranh thuộc triển lãm “Vàng Sương” phần nhiều mang nhiều tính trừu tượng biểu hiện hơn trước.
Các bức tranh trưng bày trong triển lãm được anh lựa chọn như thế nào?
Có khoảng 30 bức tranh với chất liệu chủ yếu là sơn dầu và acrylic trên canvas được chọn lựa cho triển lãm lần này. Chúng hầu hết là những sáng tác mới của tôi trong vài năm gần đây. Có những tác phẩm sáng tác từ 2019 nhưng đều mang câu chuyện mà tôi muốn gửi gắm trong “Vàng Sương”.
Gắn bó đã lâu với Tây Bắc, liệu có bao giờ anh cảm thấy mình đã khai thác hết đề tài này hay nghĩ tới việc tìm kiếm một nguồn cảm hứng khác cho các tác phẩm của mình hay chưa?
Tây Bắc vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận với tôi cho đến thời điểm này. Tôi rất trân trọng cái duyên, sự gắn kết với miền đất ấy trong quá trình khám phá và thực hành nghệ thuật của mình. Tôi tin rằng cái duyên ấy vẫn chưa tận vì có những nơi bước chân tôi chưa đến và những điều thú vị tôi chưa khám phá ra tại vùng đất Tây Bắc.
Với người nghệ sĩ sáng tác, mạch nguồn cảm hứng không phải lúc nào cũng tuôn trào bất tận. Trong những khoảng ấy, anh đã làm gì để đưa cảm hứng trở lại?
Đúng là không chỉ cá nhân tôi mà hầu hết các hoạ sĩ không thể lúc nào cũng tràn đầy cảm hứng sáng tác được. Đó là cái đặc thù của nghề sáng tạo. Sẽ luôn có những khoảng mà nghệ sĩ cảm thấy bế tắc. Việc cố gắng sáng tác trong những khoảng đó sẽ chỉ tạo ra những tác phẩm không ưng ý mà thôi. Với tôi, quá trình tạo ra một bức vẽ hay phải là khi ta đầy ắp tinh thần và tình cảm, là khi nó diễn ra một cách tự nhiên nhất không cần ép buộc. Chính vì vậy mỗi lúc cần khơi gợi nguồn cảm hứng, tôi sẽ đi, giải phóng mình khỏi môi trường quen thuộc để tìm về những miền đất mới.
Có hình ảnh nào đặc biệt, luôn ám ảnh tâm trí anh xuyên suốt trong hành trình khám phá và vẽ những bức họa sẽ xuất hiện trong triển lãm “Vàng Sương” sắp tới hay không?
Được bao bọc bởi màn sương mờ ảo, Tây Bắc luôn mang đến cho tôi những khám phá bất ngờ với vẻ đẹp nguyên sơ, ma mị, và lẩn khuất của vùng đất ấy. Nhưng dường như dưới sự tác động không ngừng của công cuộc hiện đại hoá, vẻ đẹp hoang sơ ấy đang dần đổi thay giống như tấm vải thổ cẩm phai nhạt màu sắc qua thời gian.
Đứng trước tình cảnh đó, tôi tự hỏi còn sót lại những gì ngoài màn sương trắng đục. Trong quá trình hồi đáp những tự vấn ấy, tôi đã tìm thấy những khoảng trời còn lại, những thân cây nham nhở vết tích, những con người xoắn xuýt chuyển động để bấu víu giữa sống chết trên chính mảnh đất quê hương của họ. Họ vô định, chơi vơi trong nhịp sống hiện đại. Tôi nghĩ những điều ấy liệu có phải cái “vàng” trong “Vàng Sương” mà mình đang tìm kiếm. Đó là màu vàng của hoài niệm, ám ảnh và đầy tiếc nuối.
Đặc biệt trong bức tranh khổ lớn mang tên “Ta còn lại gì?”, tôi sử dụng màu nâu vàng để gợi tả sự hoang tàn của những khoảng đất, những ruộng bậc thang. Mà trong màu vàng ngả nâu đó, tôi lại thấy len lỏi mảng xanh của sự hồi sinh như hình bóng những con người còn bám trụ lại Tây Bắc. Đó là chuỗi hình ảnh đã để lại trong tôi nỗi ám ảnh, niềm khắc khoải với miền núi và tôi muốn người xem khi đối diện với tác phẩm sẽ có những suy tư, mộng mị cho riêng mình.
*Trưng bày cá nhân “Vàng Sương” với hơn 30 tác phẩm gần đây nhất của Đoàn Xuân Tặng diễn ra tại Indochine House gallery 32A Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội từ ngày 12.03.2023 đến hết ngày 18.03.2023.