Dialogue #1: A.I có hiểu ta hơn ta hiểu chính mình?
TechBusiness

Dialogue #1: A.I có hiểu ta hơn ta hiểu chính mình?

THÔNG ĐỖ 

Founder và CEO Palexy (startup chuyên về Thị giác máy tính và Trí tuệ nhân tạo)

Trong chúng ta, số người thực sự hiểu mình là người như thế nào, mình thực sự muốn gì, mình nên theo đuổi điều gì, có lẽ không nhiều đâu. Đó là lý do chúng ta cần sách “self-help”, chuyên gia tâm lý và các khóa học phát triển cá nhân. Tất cả những người ta gặp, công việc ta làm, bộ phim ta xem, bộ quần áo ta mặc, trả lời câu hỏi “Ta là ai?”.

Quá trình tự khám phá bản thân tưởng chừng mù mịt với con người, đối với AI lại rất đơn giản. “Tâm trí” của nó bao gồm thông tin từ hàng triệu triệu cá nhân, và nó đã phân tích hành vi của con người một cách sâu rộng. Khi chúng ta bắt tay vào việc tự phân tích, đó là một trải nghiệm mới lạ và duy nhất, nhưng AI đã làm ngàn vạn lần trước đó. Không có gì thuộc về con người mà lại xa lạ với AI.

Một ví dụ rất quen thuộc là dựa trên lịch sử truy cập của bạn, YouTube có thể gợi ý cho bạn một video âm nhạc. Trước đó bạn không hề biết đến sự tồn tại của ca sĩ này, thế nhưng bài hát này khiến bạn say mê, nghe đi nghe lại. Thuật toán của YouTube phân tích dữ liệu từ hàng triệu người dùng đã nghe bài hát đó, và nó biết là bạn có điểm chung với họ. Yuval Noah Harari, tác giả cuốn sách “Sapiens: Lược sử loài người”, có so sánh: “Nếu bạn coi tâm trí mình như một bàn cờ, và bạn cho là mình nắm rõ nước đi hoàn hảo để chơi thì thực ra bạn chỉ có thể nhìn thấy một vài nước đi thôi. Nhưng máy tính nói, ‘Không, tôi đã chơi ván cờ này hàng tỷ lần rồi, tôi biết hàng trăm nước đi’, và nó sẽ thắng”.

Tuy nhiên, dù AI có uy lực đến đâu, thì ý chí tự do của con người vẫn có một sức mạnh kỳ diệu. AI có thể dự đoán chính xác quá khứ và hiện tại của bạn đến 99%, nhưng tương lai thì vẫn nằm trong tay bạn.

VIỆT PHẠM

Founder và CEO Diaflow (nền tảng xử lý dữ liệu và tự động hóa với AI)

Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta cần hiểu được cách hoạt động của nhánh AI gần gũi nhất với người dùng cuối là AI tạo sinh (Generative AI) ở thời điểm hiện tại: AI tạo sinh hoạt động bằng cách sử dụng các mô hình học sâu để tạo ra nội dung mới như văn bản, hình ảnh, hoặc âm thanh. Nó được huấn luyện trên một lượng lớn dữ liệu mẫu, sau đó sử dụng những mẫu này để học cách tạo ra dữ liệu tương tự nhưng mới mẻ. Khi nhận đầu vào từ người dùng, AI dựa trên những gì đã học để tạo ra nội dung phù hợp, nhưng không sao chép nguyên vẹn mà tạo ra phiên bản sáng tạo mới. Chúng ta có thể thấy rằng Generative AI cũng chỉ mới dừng ở bước tổng hợp dữ liệu mẫu và tạo ra dữ liệu mới chứ không có khả năng nhận thức.

Vì vậy, AI không thể hiểu rõ về bản thân chúng ta như chúng ta vì nhiều lý do chính yếu. Thứ nhất, AI thiếu trải nghiệm chủ quan, tức là không có khả năng cảm nhận, cảm xúc hay ý thức về sự tồn tại của mình. Những trải nghiệm này rất quan trọng trong việc hiểu sâu sắc về con người, bởi vì chúng ta không chỉ dựa vào dữ liệu và logic để hiểu bản thân mà còn dựa trên cảm xúc, trực giác và những kinh nghiệm.

Thứ hai, con người có sự tự nhận thức, tức là khả năng nhìn lại và suy ngẫm về chính mình, về các quyết định và hành động của mình. Trong khi đó, AI chỉ có thể phân tích và dự đoán dựa trên các mô hình đã được lập trình và dữ liệu có sẵn, mà không có khả năng tự nhìn nhận hoặc điều chỉnh mục tiêu của mình ngoài các khuôn khổ đã được thiết lập.

Cuối cùng, con người có khả năng phản ứng với những điều phi logic, phi lý hay những cảm xúc phức tạp mà AI không thể xử lý hoàn toàn. Những yếu tố như tình yêu, nỗi đau, niềm vui hay sự tiếc nuối làm nên sự phức tạp và độc đáo của con người. Tuy nhiên, AI có thể giúp ta hiểu rõ hơn về bản thân vì khả năng tổng hợp và trích xuất dữ liệu nhanh chóng và tận dụng rất nhiều phương thức phân tích để đưa cho ta insights rõ hơn.

Bài viết được thực hiện trên ấn phẩm Men’s Folio Vietnam số tháng 9/2024 – The Fashion Blueprint. 

 

Related Article