Thời trang là gì? (P.2): Khuếch đại “bộ gene” của thế hệ tiếp nối
StyleEditor's PickFeature

Thời trang là gì? (P.2): Khuếch đại “bộ gene” của thế hệ tiếp nối

Bước sang các thế hệ tiếp nối là Hedi Slimane, Phoebe Philo hay cả Iris Van Herpen,  giới mộ điệu được nhìn thấy sự chuyển giao ngày một rõ rệt và cấp tiến, nhờ sức mạnh công nghệ, của các di sản thời trang mới được tạo ra bởi chính tài năng xuất chúng.

Hedi Slimane & mã di truyền của nhà thiết kế

Nhắc tới Hedi Slimane thì không thể không nói đến cuộc cách mạng nổ ra ở Saint Laurent Paris và hiện tại là Celine.  Có rất nhiều minh chứng cụ thể để không thể phủ nhận được sự ảnh hưởng của Hedi Slimane, một trong những nhà thiết kế quyền lực bậc nhất ở kỉ nguyên thời trang trong 10 năm đổ lại đây.

Dẫu rằng Hedi Slimane không có thương hiệu thời trang riêng của mình, dù ông chỉ làm việc vỏn vẹn trong 3 thương hiệu là Yves Saint Laurent (2 giai đoạn: 1996-2000, 2012-2016), Dior Men (2000-2007) và Celine (2018 cho tới nay) nhưng cứ xuất hiện ở đâu, Hedi Slimane lại khiến giới phê bình cũng như mộ điệu thời trang trầm trồ những món thời trang đậm tính cách của nhà thiết kếgười Pháp. Từ thiết kế, kiểu cách cho tới việc những người mẫu gầy gò xuất hiện trên các buổi trình diễn.

Câu chuyện của Hedi Slimane cũng là một ví dụ cụ thể trong việc các nhà thiết kế thời trang lấy cảm hứng, ứng dụng cũng như truyền tải những bộ mã di truyền của chính mình.

Vào những năm tháng đầu của sự nghiệp, chàng thanh niên gầy gò Hedi Slimane bắt đầu sự sáng tạo không phải từ thời trang mà  từ nhiếp ảnh. Điều này giải thích lí do vì sao Hedi Slimane rất “nghiêm khắc” trong việc chọn và hoàn thành các lookbook sau này. Được đào tạo tại Ecole Du Louvre – một tổ chức giáo dục nằm trong cung điện Lourve ở Paris, Slimane tìm thấy cơ duyên đầu tiên sau khi được làm việc cùng Jean – Jacques Picart, một trong những nhà tư vấn có ảnh hưởng nhát trong lĩnh vực thời trang và thời trang cao cấp. Slimane và Jean – Jacques Picart là một trong những tác nhân khiến Louis Vuitton từ một thương hiệu chuyên sản xuất đồ da cao cấp thành một ngôi nhà thời trang quyền lực (đặcbiệt dưới thời của Marc Jacobs).

Saint Laurent Paris không phải là nơi mà nhiều người tại Việt Nam vẫn thường thầm nghĩ rằng đó là nơi xuất phát của Hedi Slimane. Thực chất, ông đã nhúng tay vào nhà Yves Saint Laurent từ trước đó. Nhưng không phải là với tư cách là một nhà thiết kế thời trang. Vào khoảng thập niên 1990, Hedi Slimane là trợ lý Marketing cho thương hiệu. Xuyên suốt thời gian làm việc, ông thừa hưởng kinh nghiệm từ Jean-Jacques Piccart cộng thêm khả năng sáng tạo và tầm nhìn thời trang của mình, Hedi Slimane nhanh chóng có những quyết định quan trọng và thể hiện bản thân trong việc đưa sản phẩm của YSL tiếp cận với thị trường hơn. Và bởi tính cách đó mà Hedi đã lọt vào mắt xanh của Pierre Berge – nhà đồng sáng lập của YSL và cho tới năm 1996 – Hedi đã được bổ nhiệm là giám đốc của nhánh thời trang nam may sẵn. Show diễn debut của Hedi Slimane với tư cách là giám đốc mảng thời trang nam may sẵn của YSL có sự góp mặt của huyền thoại Yves Saint Laurent và quý ngài đây đã vô cùng hưởng ứng một Hedi Slimane trẻ trung, táo bạo và chính thức bắt đầu kỉ nguyên và bộ mã di truyền mang tên Hedi Slimane.

Yves Saint Laurent Homme Fall Winter 2000/2001 được đánh giá là một trong những bộ sưu tập gây tiếng tăm và có ảnh hưởng nhất của Hedi Slimane tới thương hiệu này. Collection được đặt tên là “Black Tie/Cà vạt đen”  đã cho cả thế giới thấy một trong những điểm đặc trưng nhất của Hedi Slimane. Đó là những dáng hình siêu gầy, mảnh khảnh (Super-skinny silhouette)  – tương phản với những trang phục có phần rộng, baggy với chất liệu thoải mái. Nên nhớ lúc đó tiêu chuẩn thời trang nam là “Đúng size – đúng kích thước – đo ni đóng vải”. Collection này đã đưa Hedi Slimane chính thức trở thành tâm điểm của giới thời trang và.. năm 2000, Hedi Slimane tiếp tục “gieo” DNA của mình tới DIOR sau khi rời YSL.

Tại DIOR, Hedi Slimane ngày càng “điên cuồng” hơn với tư tưởng “Gầy đến bá đạo” của mình. 28/1/2001, Hedi bắt đầu công cuộc cải tổ lại Dior khi giới thiệu lại với thế giới thời trang một Dior Homme như 1 nhánh mới và cho người mộ điệu một quy tắc mới cho cách ăn mặc của nam giới:“Extremely Thin” – Siêu mỏng, siêu gầy & “Androgynous” – Lưỡng tính. (để dễ hiểu hơn cho người đọc thì có thể được xem là Unisex tại thời điểm hiện tại).

Không chỉ là Hedi Slimane mà rất nhiều nhà thiết kế thời trang nổi tiếng từ xưa tới hiện nay đều lấy cảm hứng từ những thứ quay xung quanh họ – từ âm nhạc, phim ảnh, văn thơ và biến từ một khái niệm “vô định hình” thành một sản phẩm quần, sản phẩm áo có thể sờ được, có thể nắm được và tất nhiên – có thể mặc được. Hedi Slimane sau này bị ảnh hưởng rất nhiều từ những nền văn hóa phụ luân chuyển một cách đầy bí ẩn của hai trung tâm văn hóa ngầm của châu Âu lúc đó là Berlin và London. Những thứ âm nhạc của thế hệ trẻ đầy lôi cuối, những sự nổi loạn của phong cách hậu punk và không rào cản về giới tính được diễn ra ngay dưới mặt đất của những kinh đô thời trang và văn hóa – Hedi Slimane cho thế giới một khái niệm hoàn toàn khác về Menswear. Những bộ quần áo skin-tight, bó sát đến nghẹt thở, những đường cắt táo bạo đã gây shock cho rất nhiều người. Trong đó phải kể đến huyền thoại của Chanel nói riêng và thế giới nói chung, quý ông Karl Lagerfeld. Vì quá ám ảnh bởi cái hình bóng “gầy gò” mà Hedi Slimane xây dựng tại thời điểm đó, Karl Lagerfeld đã từng chia sẻ rằng sẵn sàng giảm cân để làm gì? Để có thể mặc được đồ do Hedi Slimane làm. Vốn là một người có tiếng nói trong làng thời trang và cũng nổi tiếng về độ khó tính của mình, phát ngôn của ông cũng đủ thấy kỉ nguyên và bộ mã DNA của Hedi Slimane tác động tới nhiều như thế nào.

Dior Men, Show diễn thời trang nam mùa Xuân 2006

Xin được trích nguyên văn của Karl Lagerfeld:

“I had got along fine with my excess weight and I had no health problems. But I suddenly wanted to wear clothes designed by Hedi, which required me to lose at least six of my 16 stone (khoảng 100 pounds ~ 45kg)”.

“Tôi ổn với cái sự dư cân nặng của mình và tôi không có vấn đề gì về sức khỏe. Nhưng tự dưng tôi muốn mặc những món đồ được thiết kế bởi Hedi, thứ sẽ yêu cầu tôi phải giảm ít nhất là 45kg”.

Gây tiếng vang cho thị trường, được những người khác công nhận và một tay thay đổi cả nền công nghiệp thời trang nam lúc đó. Hedi Slimane thừa thắng xông lên với nhà DIOR. Năm 2001, Slimane mở rộng sang nhánh nước hoa khi công bố chai nước hoa đầu tiên của DIOR Homme, “Higher”. 2002, CFDA – Hiệp hội Thiết kế thời trang của Mỹ vinh danh Hedi Slimane là “Fashion Designer of the Year” – Nhà thiết kế của năm. Hàng loạt các ngôi sao lớn nhỏ đều mong muốn mình xuất hiện trước sân khấu dưới sự chắp tay trang phục của Hedi Slimane, đặc biệt là các huyền thoại nhạc Rock.

Nhưng cuộc tình với Dior tưởng sẽ tiếp tục bay xa thì 2006, Hedi quyết định rời DIOR vì không đàm phán được với các ông chủ về việc sẽ tung ra một nhãn hàng thời trang đồng tên của mình. Sau một khoảng thời gian làm việc căng thẳng, Hedi Slimane nghỉ ngơi trước khi tiếp tục những câu chuyện “Kinh thiên động địa” sau này.

Quay trở lại nhà xưa rồi… “hủy diệt” nó

Như một đứa con lạc lối, Hedi Slimane trở về ngôi nhà Yves Saint Laurent. Với những gì mà Hedi đã chứng tỏ vào những năm 2000, YSL tin tưởng về việc Hedi Slimane sẽ tiếp tục thể hiện mình và tăng sức cạnh tranh của một thương hiệu “Có tuổi nhưng dần mất tên” với thị trường ngày càng được trẻ hóa. Nhưng, Hedi Slimane bây giờ đâu phải là cậu chàng thư sinh với nụ cười e thẹn của những ngày đầu nữa. Hedi Slimane giờ đã là một gã “Hít-le” của thế giới thời trang rồi.

Saint Laurent, Show diễn thời trang nữ Xuân 2013

Tháng 3 năm 2012, Hedi trở về căn nhà xưa với tư cách là giám đốc sáng tạo, tổng điều hành cả hai nhánh thời trang nam và thời trang nữ. Đại tổng quản đã ra điều kiện “Muốn tôi trở về, các người phải theo luật chơi của tôi” và sắc lệnh đầu tiên được ban ra đó là gạch chữ “Yves” ra khỏi Yves Saint Laurent để thành Saint Laurent Paris. Sốc, tất cả các báo chí truyền thông về thời trang đều chĩa mũi nhọn vào người đàn ông gầy gò này. Nào là Thiếu tôn trọng, nào là Hedi đang phá hủy một tượng đài. Điều này báo hiệu cho chu kì 4 năm đầy căng thẳng – Liệu Saint Laurent Paris của Hedi Slimane có đáp ứng được sự kì vọng hay đây chỉ là cái ngông của một gã điên.

Saint Laurent, Show diễn thời trang nam mùa Thu 2014

Và kết quả sao – thì hẳn sự thành công của Saint Laurent Paris và độ phổ rộng thương hiệu lên thị trường đã là câu trả lời rõ ràng nhất.

Slimane tiếp tục DNA của mình tại Saint Laurent Paris. Những hình dáng “Skinny” lại rảo bước trên các sàn runway sau một thời gian vắng mặt, nhưng lần này thì thời trang đã khác – trẻ trung hơn, ứng dụng tốt hơn, “Mỹ” hơn. So với người tiền nhiệm Stefano Pitati trung thành với kiểu châu Âu cũ thì Hedi nhắm thẳng tới thị phần mới, khách hàng mới và châu lục mới – Châu Mỹ. Tính thương mại được chứng minh khi màn debut của Saint Laurent vào mùa Xuân Hè 2013 mặc dù không được giới chuyên môn đánh giá cao, người ta ngờ vực nhưng tổng kết – doanh thu của Saint Laurent Paris tăng trưởng 20%, một con số vượt trội so với các nhãn hàng cao cấp khác mặc dù Saint Laurent Paris rất hạn chế về kênh phân phối.

Saint Laurent, Show diễn thời trang nữ mùa Thu 2015

Với Saint Laurent Paris, Hedi Slimane “Tái sinh” lại những kiểu thiết kế xưa cũ và biến nó thành “DNA” của mình với những sự lắp ghép hoàn hảo quanh trục Thời trang – Hình ảnh – Sao – Mặc hàng ngày để tạo riêng hệ sinh thái SLP. Những nào áo Teddy Jacket (Varsity Jacket), những Hyatt boot.. đều không phải là những thiết kế nguyên bản original by Hedi Slimane nhưng cách Hedi sử dụng các bản mẫu truyền thống, áp dụng tính chất của mình và mang tới người trẻ là điều mà ai cũng có thể thấy. Hedi biến thứ “bình thường” thành thứ “sang trọng” với ngôn ngữ thời trang của mình, thuyết phục khách hàng sẵn sàng móc hầu bao để mua những thứ giá mấy ngàn đến chục ngàn dollars Nên nhớ, xuất thân và công việc đầu tiên của Hedi Slimane đó là trong marketing. Am hiểu về thị trường, am hiểu về những gì mà khách hàng nghĩ – Giám đốc toàn năng của chúng ta đang đảm nhận rất nhiều vai trò “Fashion Designer” “Fashion Consultant” “Art Director” – một nhạc trưởng thực thụ.

Saint Laurent, Show diễn thời trang nam Thu Đông 2016, cũng là show diễn cuối cùng của Hedi Slimane tại thương hiệu

Và khi Saint Laurent Paris đang hưởng quả ngọt từ Hedi mang tới, Hedi Slimane lại muốn bành trướng và thể hiện tham vọng rõ rệt của mình từ việc tổ chức lại marketing, tổ chức lại visual concept store, phân phối và hệ thống lại dòng nước hoa của Yves Saint Laurent. Làm việc với Hedi Slimane như đang cưỡi một con ngựa bất kham, không biết là con ngựa chứng này sẽ nổi cơn lên một lần nào nữa. Không đạt được những thỏa thuận cần thiết, Hedi lại rời khỏi ngôi nhà thân thương một  lần nữa để cho Anthony Vaccarello đứng lên vị trí và tiếp tục những thành công hiện có của Saint Laurent Paris và duy trì những di sản “Sang trọng – Quý phái” dành cho phái nữ mà Yves Saint Laurent đã xây dựng trước đó.

Tân thế giới Của CELINE

Đích đến mới của Hedi Slimane lại là một thương hiệu khác của Pháp và có bề dày lịch sử nghiêng về phần nữ hơn. The Old Céline của quý bà Phoebe Philo đã bị “Gột rửa” hoàn toàn, không 1 chút gợi nhớ, không 1 chút hoài niệm hay hình ảnh của người phụ nữ này tại “CELINE tân thời”. Hedi Slimane với cái tôi của bản thân, với thành tích và kinh nghiệm rõ ràng được thể hiện bằng những con số doanh thu – những báo cáo ấn tượng đã đủ thuyết phục về việc biến Céline thành CELINE. Cái Mã di truyền đầy “khó chịu” của Hedi Slimane tiếp tục được ghép vào cùng một CELINE đầy sức sống mới. Bộ sưu tập đầu tiên “nặng DNA” đến mức người ta tưởng đó là Saint Laurent Paris chứ không phải là CELINE. Nhưng dần dần, dần dần – Hedi Slimane tiếp tục thể hiện 1 CELINE hoàn toàn tươi trẻ và nhắm thẳng tới lượng khách hàng dồi dào và sẵn sàng chi tiền nhất hiện nay – Gen Z.

Mà nhắc tới CELINE, không thể nào không nhắc tới Phoebe Philo.

Trong năm 2022 đây, điều mà rất nhiều người mong đợi nhất đó chính là sự trở lại của Phobe Philo, một trong những nhà thiết thời trang có tầm ảnh hưởng riêng tới cách ăn mặc của nhiều người phụ nữ thế kỉ 21. Đã 4 năm từ ngày mà Phoebe Philo rời khỏi thương hiệu mà bà hết mực cống hiến là Céline để nhường chỗ cho Hedi Slimane, nhưng những gì bà làm được với thời trang luôn vẫn luôn là gì đó thu hút với ai đã từng là tín đồ của The Old Céline.

Một điều oái ăm rằng, dù hai hình ảnh CELINE và Céline của Hedi Slimane và Phoebe Philo xây dựng “Celine Lady” khác nhau (Một cho đối tượng trẻ hơn, một nhắm tới đối tượng có tuổi hơn – thành đạt hơn). Nhưng họ đều là những cột mốc, những nhân tố tạo nên lịch sử và thay đổi cả thương hiệu trong suốt thời gian cống hiến và làm việc. Tại sao người ta – hay đúng hơn là những người yêu thời trang của thập niên trước luôn yêu thương, tiếc nuối và bảo vệ Phoebe Philo tại Céline. Vì suốt 10 năm tại thương hiệu, Phoebe Philo đã hồi sinh một thương hiệu thời trang tại Paris đã quá già nua và mệt mỏi với những công thức, những kiểu quần áo cũ kĩ không lối thoát của thế kỉ trước. Phoebe Philo mang tới một khái niệm về thời trang cho những người phụ nữ, hiện đại và tối giản – màu sắc thu hút nhưng vẫn đảm bảo được sự sang trọng. Phoebe đã vận hành thời trang hay đúng hơn là xây dựng một người phụ nữ thể hiện tinh tế, thích phô trương cái đẹp sang trọng mà thanh cao. Tuy các sản phẩm được thiết kế theo phong cách tối giản, nhưng với những silhouettes, textures/kết cấu và chất liệu đã luôn làm Céline nổi bật. Là phụ nữ làm đồ cho phụ nữ mặc, Phoebe Philo có đủ độ nhạy cảm và thấu hiểu về sự nữ tính khi các bộ sưu tập mà bà tung ra luôn đảm bảo được tính thoải mái, tự do và tính cách của phụ nữ thế hệ mới. Cái hay của Phoebe Philo là tạo ra những thứ không có định nghĩa xu hướng và thời gian.

Năm 2009 khi ra mắt tại show của Céline, Phoebe Philo đã nói với cánh báo chí và truyền thông rằng:

“Tôi muốn xây dựng một tủ đồ vượt qua xu hướng. Tôi muốn tạo ra những thứ có thể đứng vững trước sự thử thách của thời gian.”

Và thật vậy, những sản phẩm của Céline dưới thời Phoebe Philo vẫn còn giá trị tới thời điểm hiện tại. Tại các diễn đàn thời trang hay những sàn mua bán đồ cũ, fashion items của Phoebe vẫn có một lượng cầu nhất định và giá trị của chúng tùy theo năm và mùa mà tăng lên khác nhau. Điều đó chứng tỏ dù ở thời điểm nào, đồ của Phoebe Philo vẫn có thể ứng dụng được. Mà cái hay của một người thiết kế thời trang giỏi không chỉ là những bộ sưu tập đình đám mà còn là “Thế hệ kế cận”. Đó là tính “Di truyền”đến các thế hệ sau. Trong một thế giới bùng nổ thời trang và sự xuất hiện như mưa của những tay ngang làm thiết kế thời trang, trong thời cuộc của xu hướng và sức mua không bờ bến của thị trường mới thì liệu sự tối giản của Phoebe Philo liệu còn hiệu quả? Thực tế đã chứng minh bởi thế hệ kế cận của bà, những người đã từng là thực tập sinh/Trợ lí và học trò đều rất thành công và có chỗ đứng nhất định trong nền công nghiệp thời trang hiện tại. Nó thể hiện rõ triết lí thời trang của Phoebe Philo hay đúng hơn là vòng lặp này luôn xảy ra định kì.

Đó là ai?

Đó là Daniel Lee, người đã mang Bottega Veneta ra ánh sáng lại. Cựu Creative Director của Bottega Veneta.

Đó là Peter Do, rất thành công với runway đầu tiên của mình và được sự hưởng ứng của nhiều người.

Đó là Rok Hwang và Iilaria Iccardi…

Câu chuyện hiện tại & tương lai

Sức tưởng tượng của con người là không bao giờ có giới hạn. Nghệ thuật thì càng hơn thế vì tại đó những viễn cảnh tương lai, những suy nghĩ thầm kín được bay bổng hơn mà không gặp bất kì một rào cản nào. Tranh, phim ảnh, âm nhạc, nội thất, kiến trúc và cả thời trang nữa. Tuy nhiên từ sự tưởng tượng trong trí não để biến thành một sản phẩm thực tế, sử dụng được và có ích cho đời sống của con người – vốn là tiêu chí quan trọng của thời trang. Thì gặp một vấn đề nan giải đó chính là “How to make it?” – “Làm thế nào để tạo ra nó?”. Nhiều khi những ý tưởng về thiết kế, về trang phục thế hệ trước đã có nhưng những khoảng trống về chất liệu, về công nghệ tại thời điểm đó không thể nào hiện thức hóa hay đáp ứng được những kì vọng của con người. Chẳng thế mà những gì tương lai làm được chưa chắc là một thứ mới mẻ, nó đã ẩn dấu trong suy nghĩ của nhiều người thế hệ trước. Chỉ là với văn minh và phát triển vượt bậc của loài người mới có thể biến nó thành điều thực tế mà thôi.

“Back to the Future”. Một bộ phim viễn tưởng được ra mắt vào năm 1985 bởi Robert Zemeckis, miêu tả về cậu thiếu niên Marty McFly thực hiện một cú nhảy vượt thời gian để rồi gặp những rắc rối trong câu chuyện “Quá khứ ảnh hưởng tới tương lai” và ngược lại. Trong series “Back to the Future” (Cụ thể là phần 2) có đề cập tới sự tưởng tượng của nhà sản xuất phim về  đôi giày là nguyên nhân chính cho sự xuất hiện của một trong những đôi sneakers có giá trị cao nhất mọi thời đại Nike Air Mag. Tinker Hatfield, huyền thoại của Nike – nhà thiết kế giày lỗi lạc với những design đã đi vào sách vở của nhiều người có niềm đam mê với sneakers.

Khi ông nhận lời thiết kế model giày dành cho bộ phim “Back to the Future II” với bối cảnh tương lai là năm 2015 (Lúc đó là năm 1989) thì Hatfield đã có ý tưởng về một đôi giày phát sáng và có thể “auto-laced’ (tự thắt dây giày) cũng như hoover board. Tuy nhiên, bởi hạn chế công nghệ nên đồng năm – đôi giày được nhìn thấy trong bộ phim chỉ là một phiên bản “thô” khi mà Michael J.Fox thủ vai Marty Mcfly phải mang một cặp pin khổng lồ quấn quanh chân. Suốt khoảng thời gian sau đó, Tinker Hatfield luôn đau đáu về một hiện thực có thể tạo ra một đôi giày giống như trong bộ phim. Không chỉ có ông, mà fan của bộ phim – hơn 30.000 người đã cùng kí lên một bản kiến nghị để hiện thực hóa đôi giày mà họ bị mê hoặc.

Dự án “Nike Mag” được thành lập với hoài bão to lớn không chỉ của Tinker Hatfield mà còn là của Nike vì một thứ công nghệ thay đổi cách sử dụng giày của loài người. Suốt bao nhiêu năm nghiên cứu và tìm hiểu mà dự án cũng chỉ dừng ở mức về việc một đôi giày có thể phát sáng nhưng bắt buộc phải sạc bằng điện và chức năng tự thắt dây chưa hoàn chỉnh. 2011, Nike Mag có đèn được ra mắt nhưng chưa có auto-laced. 1500 đôi giày được tung ra với giá trung bình là $3500/đôi. Nhưng điều đó chưa thỏa mãn được người hâm mộ cũng như cả chính Tinker Hatfield. Công cuộc nghiên cứu và phát triển lại được tiếp tục dù gặp nhiều lần bế tắc vì hạn chế công nghệ. 2015, có một công ty giấu tên phát minh ra được 1 dạng động cơ mini có thể áp dụng lên đôi giày của Nike. Sau nhiều lần làm việc và thuyết phục, 21/10/2015 phiên bản Nike Air Mag tự động buộc dây đầu tiên được tặng cho Tinker Hatfield như 1 lời tri ân và kỉ niệm cho đúng năm 2015 – tương lai của bộ phim “Back to the Future II” nhắc tới. 1 năm sau, thế giới đón nhận phiên bản giới hạn của Nike Air Mag tự động thắt dây với 85 đôi được bán kiểu bóc thăm và 4 đôi được đấu giá cho quỹ từ thiện với số tiền thu được lên tới hàng triệu đô la.

Và đó chỉ là khởi đầu cho những đôi giày tự động sau này của Nike như HyperAdapt 1.0, 2.0.. Quãng thời gian từ 1989 đến năm 2015, 26 năm cho thấy câu chuyện của hiện tại hay xa hơn là tương lai chưa chắc là mới mà nhiều khi nó đã nhen nhóm từ các thập niên trước.

Về thời trang

Vòng lặp của thời trang luôn diệu kì và xoay vòng. Có những xu hướng tưởng chừng đã mất, rồi lại hồi sinh và được ứng dụng những thứ tân thời, những thứ hợp với hơi thở của đại chúng hơn. Sự biến chuyển về thiết kế, những công nghệ mới, những loại vải mới, những chất liệu mới sẽ “hiện thực hóa” được các ấp ủ, hoài bão của nhà thiết kế thời trang.

Kĩ thuật thời trang của thế giới đương thời đã lên một tầm cao mới.

 

Nhu cầu của con người càng ngày càng cao thì mức độ sử dụng thời trang càng nhiều, đa môi trường hơn – đa mục đích hơn. Massimo Osti – nhà sáng lập của Stone Island và C.P Company biết rõ điều đó cũng như nắm được giá trị cốt lõi của thương hiệu hay thời trang là mang tới sự tiện dụng cho con người. Massimo Osti đầu tư rất nhiều tiền cho phòng lab nhằm nghiên cứu và đưa ra các chất liệu mới nhất, những kĩ thuật xử lí cao cấp và ứng dụng được trên thời trang. Stone Island luôn mang tới được cho thị trường những kiểu vải mới, những công nghệ giữ nhiệt hay bảo vệ cơ thể người mặc trước nhiều yếu tố khắc nghiệt khác nhau. Dù rằng tính thiết kế đa phần vẫn bám sát những giá trị truyền thống (Bomber jacket, fleece, windbreaker..)

Lại nói về công nghệ – công nghệ ứng dụng trong thời trang không chỉ dừng lại ở việc auto-lace của đôi giày, hay những chất liệu phản quang, chất liệu chống đạn/chống nước. Đó đã là chuyện quá khứ, những điều mà con người đã đạt được ở thập niên trước  – cùng với các kĩ thuật tiên tiến, xử lí chất liệu và biến “Những thứ không thể thành có thể” đã có thể đưa những ý tưởng điên rồ của các fashion designer thành hiện thực. Thứ mà ngày xưa không có đó chính là công nghệ. Ngày xưa dù một người nào có trí tưởng tượng bay xa đi nữa, tốt đi nữa cũng không phải là 100% ideas của họ cũng trở thành hiện thực trên bề mặt vải được. Có thể lấy 1 ví dụ tương đồng mà các bạn dễ hiểu hơn đó là đạo diễn nổi tiếng James Cameron với bộ phim huyền thoại “Avatar”. Ý tưởng của Avatar đã được ông lên đó trước khoảng 10 năm, nhưng không thực hiện vì kĩ thuật 3D và VFX lúc đó không đảm bảo cho việc hiện thực nó. Và chỉ khi mọi thứ đáp ứng được, Cameron mới cho tiến hành bộ phim 3D đầu tiên Avatar.

Tương tự với quần áo, có những thiết kế mà không chất liệu nào có thể chịu được hay có đủ độ cứng/mềm để dựng phom của thiết kế đó. Iris Van Herpen và Yuima Nakazato Spring summer 2021 đã cho những người yêu thời trang phải kinh ngạc về vẻ đẹp mà thời trang của họ mang lại. Và đó chính là đỉnh cao của công nghệ trong thời trang Haute Couture thời đại mới.

Iris Van Herpen , Show diễn thời trang Thu Đông 2020

Iris Van Herpen sử dụng công nghệ in 3D trình mắt người xem với sự hợp tác cùng Parley sử dụng loại vải độc quyền mang tên là Oceans Oceans Plastic Fabric được làm từ các mảnh vụn của chất thải trên biển (Thường là nhựa). Để cân bằng việc khách hàng Haute Couture nếu không mang lại chất lượng quý tộc cao cấp bậc nhất thì phải chiều lòng họ bằng chiêu bài mang tên “Sustainable Fashion”. Nhưng nó lại toàn hợp lí trong dịch bệnh và khí hậu Trái Đất đang thay đổi mạnh mẽ, khách hàng bây giờ đã nhận thức được việc sử dụng chất liệu hữu cơ cao cấp và chất liệu tái chế cũng nằm ở việc nhà thiết kế và thương hiệu sản xuất như thế nào.

Iris Van Herpen muốn dạy dỗ và thay đổi tư duy của khách hàng họ về việc sử dụng recycle material. Bộ sưu tập lấy rất nhiều cảm hứng về sự sinh tồn trên Trái Đất. Nấm bào tử – sinh vật đơn bào – sinh vật hữu cơ hoặc những hình dáng tương đồng với sứa. Nó là những tiền nhân của sự tiến hóa và I.V.H đã thể hiện nó trên sản phẩm của mình với độ chi tiết đến kinh ngạc mà người xem vẫn không hiểu sao những đường cong, những nhánh vải lại có thể làm được. À – đó là kĩ thuật của công nghệ và chất liệu.

Yuima Nakazato – người đã hợp tác cùng Iris Van Herpen để áp dụng công nghệ này. Theo nguyên bản là công nghệ xử lí kỹ thuật số độc quyền (Biosmocking) để tổng hợp 1 dạng chất liệu protein (Brewed protein) cho phép designer tạo ra các hình dạng ba chiều trong chất liệu và từ đó có một độ thể hiện  chi tiết vật lí không tưởng.

Thế đấy, thời trang – quá khứ, hiện tại và tương lai luôn kết nối mật thiết với nhau.

Bài: Trí Minh Lê
Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article