Đám giỗ truyền thống trên màn ảnh Việt

  • by Nhựt Chi
  • February 24, 2025

Với khán giả Việt, dấu ấn văn hóa trong các tác phẩm điện ảnh dường như giúp họ tìm thấy những điều thân quen trong tâm hồn mình, những giá trị tưởng chừng đã biến mất trong nhịp sống hiện đại. 

Từ xưa, bên cạnh việc thờ cúng các vị Thần, thờ Thành Hoàng, thờ Phật, thờ các vị anh hùng có công lao với đất nước, người Việt còn thờ cúng tổ tiên. Dù cho cuộc sống hiện đại có làm phai mờ hình ảnh lũy tre làng và những thói quen xưa cũ, nhưng cũng không dễ gì phá hủy được những nét đẹp trong văn hóa mà ngàn đời ông cha ta đã dày công vun đắp, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và đám giỗ truyền thống. 

Đối với quan niệm phần nhiều người Việt Nam thì chết chưa phải là hết, thể xác tuy chết đi nhưng linh hồn con người vẫn còn ở bên cạnh gia đình của mình. Tục ta cũng tin rằng “dương sao âm vậy”, người sống cần gì, muốn gì, sống thế nào thì người mất đi cũng y hệt và cũng có một “cuộc sống” ở cõi âm không khác gì cuộc sống của người dương thế. Nói theo nghĩa tương tự, người mất cũng cần ăn, uống, chi tiêu, nhà ở, trang phục,… như người sống. Vì tin như vậy nên nghi thức lễ giỗ trong tâm thức người Việt là cần thiết vô cùng. 

Lễ giỗ – theo định nghĩa trên những trang sách về phong tục đất nước là ngày kỷ niệm người chết đã qua đời, còn thường gọi là ngày “kỵ nhật”. Nhưng có lẽ ai trong chúng ta cũng nghĩ về ngày này theo một cách nhẹ nhàng và đơn giản hơn. 

Người chết sau khi được an táng theo đúng phong tục, con cháu sau đó lại quay về cuộc sống bình thường. Nhịp sống xoay vòng về đến ngày người thân qua đời vào những năm kế tiếp, con cháu lại tề tựu về làm đám giỗ. Trong ngày đó người ta chuẩn bị cỗ bàn, mời họ hàng thân thuộc và cả những bạn bè hàng xóm xung quanh đến dự. Ngày mà mọi người trong gia đình hội tụ ở căn bếp nấu các món ăn ưa thích của người đã khuất, mua giấy đốt, vàng mã, chuẩn bị từ dĩa muối gạo đến ấm trà nóng và rồi quây quần trò chuyện về cuộc sống trong năm vừa qua, đó mới là ngày giỗ. 

Nắm bắt trọn vẹn những ý nghĩa đó, Huỳnh Lập và Khương Ngọc là một trong số ít đạo diễn biến đám giỗ trở thành dấu ấn văn hóa trong tác phẩm điện ảnh của mình. Không xa rời với thực tế mà ngược lại, lễ giỗ ở “Chị dâu” (2024) và “Nhà Gia Tiên” (2025) gần gũi với khán giả bởi cách lồng ghép những yếu tố truyền thống quen thuộc. 

Với “Chị dâu”, bữa giỗ là thời điểm gia đình sum họp nhưng đôi khi cũng trở thành cuộc “mổ xẻ” những câu chuyện về đời tư, những tình huống căng thẳng do xung đột giữa các thế hệ. Cũng tại đám giỗ đó, nhiều câu chuyện muốn quên đi bị khơi lại, từ quá khứ tổn thương đến những mâu thuẫn khó nói giữa các nhân vật, làm dấy lên những cảm xúc không vui. Người xem hẳn đã tìm thấy sự đồng cảm với phân cảnh người già lẫn trẻ bị hỏi những câu nhạy cảm về tiền lương, thời điểm lập gia đình, sinh con…

Vậy còn với “Nhà Gia Tiên” thì sao? 

Về phía người xem, chúng ta quen với chiếc bàn thờ được đặt trong không gian trang trọng giữa nhà, trong tiềm thức vẫn luôn tồn tại thói quen thắp nén nhang xin ông bà phù hộ cho chuyến đi xa bình an, tất bật chuẩn bị món gà luộc, dĩa xôi nếp cho đám giỗ. Ngày nay nhiều người không tin rằng đốt vàng mã thì người âm sẽ nhận được, nhưng chắc rằng vẫn có nhiều số khác làm theo tục lệ bởi họ tin khi mình làm vậy, sẽ vơi đi nỗi xót xa của con người ở nơi trần thế và là cơ hội để báo ân với người đã khuất. 

 

Tổ tiên dù đã đi vào cõi vĩnh hằng thì vẫn có mối liên hệ mạnh mẽ với con cháu, phù hộ và đỡ đần cho họ trước những mối nguy hại trong cuộc sống. Người chết chỉ có thể an nghỉ nếu con cháu dâng cúng lễ vật theo nghi thức trang trọng, tôn kính. Ngược lại, cuộc đời người sống sẽ êm ấm hơn khi được bao bọc bởi ảnh hưởng tốt lành của người chết đang chở che cho họ, theo một cách bí ẩn nào đó. Niềm tin sâu xa về mối liên hệ thiêng liêng giữa người sống và người chết, giữa hiện tại và quá khứ đã trở thành nền tảng cho triết lý sống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt. 

Lễ giỗ ở “Nhà Gia Tiên” đã hiện lên rõ nét hơn với chuỗi hoạt động thân thuộc của các thành viên trong gia đình như thế. Và về cơ bản, dự án lần này của Huỳnh Lập đã thành công trong việc nhắc lại những giá trị thân quen đó để nó không phai nhạt đi trong bối cảnh sống hiện đại, một lần nữa khơi dậy tình yêu với văn hóa nước nhà, nhấn mạnh triết lý sống hướng về cội nguồn trong tâm thức của khán giả.

Tạm bỏ qua những nghi ngại về sự giống nhau khi lấy đám giỗ là dấu ấn văn hóa hay sự kết hợp yếu tố “drama” ồn ào, chúng ta cũng không thể phủ nhận được tinh thần muốn đưa truyền thống vào trong tác phẩm của các nhà làm phim. Cố gắng của các đạo diễn nằm ở chỗ, họ đã tìm về ý nghĩa của các phong tục tập quán được chắt lọc qua suốt chiều dài lịch sử, biểu tượng cho khát vọng về một cuộc sống vật chất phồn vinh và tinh thần hạnh phúc. Chính từ sự tìm hiểu đó, trong đời sống tinh thần của các nhân vật trong phim, quá khứ vẫn tồn tại trong hiện tại và tương lai là ngọn nguồn của sức sống cộng đồng, hình thành lối sống trọng tình trọng nghĩa, mà cụ thể ở đây đã được thể hiện qua hình ảnh lễ giỗ. Lồng ghép những nét đẹp trong đời sống văn hóa, nhà làm phim phải chấp nhận sự đánh giá khắt khe hơn, nhưng đồng thời cũng tiến gần hơn đến chiếc khóa để phim Việt có thể tự tin mở cửa bước ra, chinh phục bạn bè quốc tế.  

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nói chung và ngày giỗ nói riêng đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc thù của dân tộc Việt Nam, trong quá trình hình thành và phát triển đã làm nên nhiều giá trị đạo đức truyền thống cao cả khác như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng, cần cù, sáng tạo và dẫn đến lòng yêu nước sâu sắc. Đó cũng là những giá trị hết sức quý báu mà các nhà làm phim trẻ tuổi đã nghiên cứu, khai thác để phục vụ cho sự nghiệp phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Ảnh: Tổng hợp

library