Cộng đồng LGBTQ+, Tháng Tự hào & một Stonewall đâu thể bị lãng quên
Lifestyle

Cộng đồng LGBTQ+, Tháng Tự hào & một Stonewall đâu thể bị lãng quên

Một buổi tối tháng 6 năm 1960, cảnh sát tràn vào quán gay bar Stonewall Inn ở Greenwich Village (New York), và cũng buổi tối hôm đó, những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ ở đây quyết định chống trả, khởi đầu cho truyền thống Pride Month mỗi tháng 6 hàng năm.

MF Online - Kính Lube - cộng đồng LGBTQ+

Đấu tranh “mềm” ở Berlin

Ở thập niên 60, những quán bar hay câu lạc bộ dành cho người đồng tính hay chuyển giới đều do mafia điều hành, đơn giản chỉ vì cộng đồng LGBTQ+ ở thời điểm đó vẫn bị coi là bất hợp pháp. Vì thế nên chuyện cảnh sát xông vào những gay bar đột ngột để kiểm tra, bỏ tù người đến đó đã chẳng phải chuyện lạ với những người thuộc bản dạng giới thiểu số ở New York. Nhưng Stonewall tối đó chứng kiến một chuyện lạ lùng, khi chính họ, những khách quen thường xuyên xuất hiện ở Stonewall quyết định nổi dậy, bắt đầu cuộc tiểu cách mạng của mình. Họ cũng là những người vô gia cư hay xuất thân từ đường phố, và Stonewall chẳng khác nào một nơi trú chân an toàn, nơi họ gặp những người giống mình, nơi họ chẳng còn thấy cô đơn, nơi họ tạm vắng khỏi cái mác “bất hợp pháp” khi sống đúng với bản dạng giới của mình. Nói tóm lại, Stonewall chính là mái nhà của họ. Và khi ngôi nhà bị tấn công, họ chống trả.

MF Online - Kính Lube - cộng đồng LGBTQ+

Hình ảnh quán bar The Stonewall Inn.

Ngày hôm sau, người người kéo đến Stonewall, những nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi cộng đồng LGBTQ+, những người thuộc chính cộng đồng này, sẵn tiện Stonewall đang nổi danh khắp ngõ ngách New York, tất cả những gì họ cần chỉ là tụ lại với nhau, hô hào những biểu ngữ, đấu trả với cảnh sát khi cần phải làm vậy. Cuộc đấu tranh từ quán gay bar nhỏ bé trở thành cuộc diễu hành trên những con phố trung tâm thành phố, rồi lan ra những bang lớn khác rải khắp nước Mỹ, rồi đến những quốc gia phương Tây trong suất thập niên 60. Từ thập niên 70, diễu hành khắp các con phố lớn trên thế giới trở thành một thông lệ, hoặc để ăn mừng, hoặc để đấu tranh, mỗi người sẽ có một động lực riêng để sát nhập vào hàng trăm hàng ngàn người trên phố, tuỳ vào thực tế về quyền lợi của cộng đồng LGBTQ+ ở quốc gia họ sống. Họ có thể chẳng phải là người thuộc cộng đồng ấy nữa, họ có thể chỉ đơn giản là những người quan tâm đến quyền bình đẳng nói chung, hay có một người bạn thân thuộc cộng đồng LGBTQ+. Vậy là ai cũng có phần trong những buổi diễu hành màu mè đầy năng lượng ấy.

Hồi còn sống ở Berlin, tôi chẳng bỏ lỡ bất cứ buổi diễu hành nào trên phố mỗi tháng 6. Đây là chuyện lạ với những người bạn tôi ở đó, vì diễu hành trên phố cứ như là một truyền thống đương đại của cư dân thành phố này: từ biến đổi khí hậu cho đến phản đối chiến tranh, cuối tuần nào cũng là dịp để người trẻ đổ ra đường, trừ tôi ra. Tôi thà đến bảo tàng lang thang cả giờ ở đó còn hơn chen chúc gào thét chỉ để chuyện sao vẫn vậy, tác động của nó ra sao có trời mới biết. Nhưng tháng 6 hàng năm, tôi sẽ ra đường cùng chúng bạn, đơn giản vì… vui. Âm nhạc, cười nói, thiện chí và màu mè, vui quá đi chứ! Ấn tượng của tôi với những cuộc đấu tranh cho cộng đồng bản dạng giới thiểu số định dạng từ những ngày tháng 6 Berlin như vậy: sôi nổi, mềm mỏng, hoà bình, ai cũng được chào đón. Khó để nhớ ra rằng Pride Month bắt đầu từ bạo lực nếu chỉ nhìn vào những cuộc diễu hành ở Berlin, nhưng lịch sử ở đó để người ta học từ nó. Rằng cuộc đấu tranh nào cũng sẽ chỉ kết thúc khi mục đích tiền đề của nó được thoả mãn. Và rõ ràng, một thế giới hoàn toàn bình đẳng và chào đón cộng đồng LGBTQ+ vẫn còn là viễn vọng quá xa xôi. Và có lẽ những con số thống kê và những điều luật được ban hành nhỏ giọt nhằm bảo vệ quyền lợi của cộng đồng này ở nhiều nơi trên thế giới vẫn là không đủ để chúng ta nhìn được nó xa đến đâu, và xa như thế nào.

MF Online - Kính Lube - cộng đồng LGBTQ+

Hình ảnh quán bar The Stonewall Inn. ngày nay

Gào thét hay thầm thì?

Tháng 3 vừa rồi, tôi dành liền tù tì 3 ngày để đọc cuốn tiểu luận “White” của tác giả Bret Easton Ellis. Chủ nhân cuốn best-seller suốt thập niên 1990 “American Psycho” là một nhà văn đồng tính mà CQ chẳng ngại ngần miêu tả bằng cụm từ “đanh đá bậc nhất trong văn chương hậu hiện đại nước Mỹ”. “White” không phải tiểu thuyết, và thú thực tôi không thích cách ông này lúc nào cũng cứ phải lên gân lên cót về những thứ tự ông coi là vớ vẩn, chẳng đáng bận tâm. Vì nếu đã không bận tâm, chẳng ai hơi đâu viết những bài tiểu luận dài như sớ văn chỉ để phản bác về chúng. Là một người đồng tính công khai, tất nhiên Bret không thể bỏ qua chủ đề về cộng đồng LGBTQ+, và về cách xã hội nói chung cũng như Hollywood nói riêng tiếp cận về nó. Dù gần như phản bác hầu hết những ý kiến của gã nhà văn đanh đá này, không thể phủ nhận Bret có lý khi nói rằng, có nhiều phim hay về cộng đồng LGBTQ+, nhưng không phải cách tiếp cận nào về mặt khái niệm cũng đúng.

Bret Easton Ellis, nhà văn

Bret lấy dẫn chứng về hai bộ phim, một là “Moonlight” đoạt giải Oscar của đạo diễn Barry Jenkins, một là “Weekend” của đạo diễn người Anh Andrew Haigh. Trong khi nhân vật đồng tính da màu trong “Moonlight” phải trải qua tất tần tật những thứ drama bạo lực tinh thần và tình dục kinh điển, rập khuôn mà người ta có thể hình dung, thì hai nhân vật nam chính của “Weekend” chỉ đơn giản gặp nhau ở một câu lạc bộ như bất kì câu chuyện lãng mạn hiện đại nào. Cả hai phim đều kể về câu chuyện của những người đồng tính, nhưng bằng cách tiếp cận hoàn toàn đối lập. Một bi thương, một nhẹ nhàng. Một tham vọng với quá nhiều kịch bản để kể về một cuộc đời, một là câu chuyện đơn giản giữa hai con người khi chìm vào tình yêu.

MF Online - Kính Lube - cộng đồng LGBTQ+

Hình ảnh trong phim “Moonlight”

Bret thích “Weekend” hơn, và tôi cũng thế, nó gợi cho tôi nhớ về câu chuyện của hai người bạn, giờ đã là cặp chồng – chồng. Lần đầu tiên trò chuyện cùng họ, hai anh chàng đẹp đôi này kể cho tôi nghe về lần họ gặp gỡ ở một gay bar giữa London, một mối tình chỉ toàn âm nhạc và những chuyến đi, một mối tình mà nếu ẩn danh, thì đó có thể là câu chuyện của bất cứ ai, ai cũng có thể kết nối, chẳng cứ họ có phải là một người thuộc bản dạng giới thiểu số hay không. Và, cũng như Bret, tôi nhận ra tất cả những hình ảnh bạo lực, khổ sở chống trả một xã hội đầy định kiến, bi đát như thể không có lối thoát, một màu như thể thành viên nào của cộng đồng LGBTQ+ cũng khớp với cái mác gắn vào họ. Lesbian thì phải tomboy, Gay nam thì phải đanh đá, người chuyển giới thì phải phấn son loè loẹt… tóm lại, ai cũng phải luôn luôn đấu tranh và luôn luôn kích động. Phim ảnh là tội đồ số một của những cái hộp đóng khung cộng đồng LGBTQ+, thứ Bret miêu tả “như một nền tảng cổ xuý cảm giác nạn nhân” để mà phải kêu gào và mưu cầu sự đồng cảm.

MF Online - Kính Lube - cộng đồng LGBTQ+

Hình ảnh trong phim “Weekend”

“Moonlight” là gào thét. “Weekend” là thầm thì. “Moonlight” biến một người đồng tính trở thành nạn nhân của phần đen tối nhất, ngu ngốc nhất của xã hội. “Weekend” coi người đồng tính là những người bình thường, như bất cứ ai, chẳng có một quả bong bóng nào bao quanh họ và cách trở họ với phần còn lại của thế giới. Họ yêu cùng một kiểu tình yêu, hôn như bất cứ ai hôn, cứng rắn và nhạy cảm như bất cứ con người nào, mặc kệ giới tính của họ là gì, mặc kệ quốc tịch của họ ở đâu. Với một người thuộc cộng đồng LGBTQ+ như Bret, ông muốn nhìn chính mình như cái cách khán giả nhìn Russell và Glen của “Weekend” hơn là cách họ xót thương Chiron trong “Moonlight”, bởi nếu chính những người mang bản dạng giới thiểu số không thể coi mình là một người bình thường với những quyền lợi cơ bản như bất cứ ai, sao họ có thể đòi hỏi những con người dị tính ngoài kia nhìn họ bằng chính cái cách như vậy?

Hình ảnh trong phim “Weekend”

“Một thứ gì đó tích cực, một thứ gì đó cổ vũ tình yêu”

Đó là cảm giác của Gilbert Baker khi nhìn những toà nhà có kiến trúc tân cổ điển ở gần rạp chiếu bóng Strand Theater (Boston) khi một người bạn ông đề nghị hãy nghĩ ra một biểu tượng mới cho cộng đồng bản dạng giới thiểu số thay cho biểu tượng tam giác hồng trước đó. Baker nhìn những lá cờ Mỹ tung bay trên những toà nhà thị chính, ông nghĩ về ý nghĩa của những lá cờ này, cách nó ứng với những sự khởi đầu, những cuộc nổi loạn, và rốt cục, là những cuộc cách mạng. Rồi Baker đến Winterland Ballroom để nhảy cùng bạn mình vài ngày sau đó. Ông nhìn đám đông xung quanh mình, không ai giống ai, mỗi người một màu sắc, mỗi người một cá tính, đồng tính có mà dị tính cũng có. Ông nhảy cùng họ, ông thấy xung quanh mình chỉ có những chuyển động. “Thần thánh và gột rửa.” Ông xoay mòng mòng trong bữa tiệc của màu sắc và ánh sáng. “Như cầu vồng vậy. Một ánh cầu vòng. Đó chính là khoảnh khắc tôi biết lá cờ biểu tượng sẽ trông như thế nào. Một lá cờ cầu vồng là lựa chọn duy lý, tự nhiên và cần thiết. Cầu vồng luôn luôn là biểu tượng của hi vọng… và tự do.”

Nhà hát Winterland Ballroom năm 1978

Theo Baker, mỗi sắc màu trên lá cờ tượng trưng cho một tinh thần riêng, cũng chẳng khác gì đám đông bủa vây ông ở Winterland Ballroom. Màu đỏ của cuộc sống, màu cam của sự hàn gắn, màu vàng của mặt trời, xanh lá của tự nhiên, xanh dương của hoà hợp, tím của tinh thần. Lá cờ ấy theo những con người thuộc về hay ủng hộ cộng đồng LGBTQ+ xuống phố mỗi tháng 6, phủ trùm lên đám đông một sự sống mơi, một bản dạng chung và rất đẹp. Lá cờ ấy xuất hiện ở Việt Nam lần đầu tiên trong sự kiện diễu hành Gay Pride vào tháng 5/2012, và cho đến 2017, sự kiện này diễn ra ở khắp 35 tỉnh thành. Nhưng cho đến ngày nay, vẫn chưa có bộ luật nào bảo vệ cộng đồng LGBTQ+ khỏi sự kì thị. Đó có lẽ là lý do xứng đáng để cuộc đấu tranh khởi đầu ở Stonewall chưa thể nguội lạnh. Câu chuyện tình rất đẹp của hai người bạn tôi cũng là lý do xứng đáng để đấu tranh là cần thiết. Câu hỏi đặt ra, bạn chọn đấu tranh thế nào, gào thét hay thì thầm?

Bởi ngoài súng ống, vẫn còn hoa hồng. Một thứ tích cực, một thứ để cổ vũ tình yêu.

MF Online - Kính Lube - cộng đồng LGBTQ+

Gilbert Baker, nhà hoạt động nhân quyền cho cộng đồng LGBTQ+, người sáng chế ra lá cờ ngũ sắc

Bài: Vân Anh
Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article