Có gì tại triển lãm “Hồi ký chiến trường qua tranh của Nguyễn Hiêm”?
LifestyleArts & Culture

Có gì tại triển lãm “Hồi ký chiến trường qua tranh của Nguyễn Hiêm”?

Để kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2023), Bảo tàng nghệ thuật Quang San đồng hành cùng gia đình cố hoạ sĩ Nguyễn Hiêm mang đến triển lãm cá nhân đầu tiên của ông mang tên “Hồi ký chiến trường qua tranh hoạ sĩ Nguyễn Hiêm”.

Đây là một sự kiện đặc biệt đánh dấu một cột mốc ý nghĩa cho những cống hiến cho nền hội hoạ của ông. Triển lãm trưng bày 48 tác phẩm như 48 câu chuyện được chọn lọc kỹ càng, cùng những kỷ vật đã theo cùng ông qua nhiều năm tháng của cuộc đời như một tư liệu hồi ký qua tranh đầy oanh liệt và nhiệt huyết của Nguyễn Hiêm.

Triển lãm “Hồi ký chiến trường qua tranh họa sỹ Nguyễn Hiêm”

Nguyễn Hiêm có hơn 30 năm sáng tác và cống hiến cho nền mỹ thuật Việt Nam với nhiều tác phẩm đa thể loại và chất liệu. Triển lãm “Hồi ký chiến trường qua tranh hoạ sĩ Nguyễn Hiêm” trưng bày 48 tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp của ông bao gồm tranh ký hoạ và các tác phẩm sơn mài, sơn dầu, bột màu, thuốc nước được ông vẽ qua nhiều thời kỳ và biến cố lịch sử bao gồm Kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) và kháng chiến chống Mỹ (1955 – 1975). Tuy sáng tác trong thời chiến, thiếu thốn về vật chất nhưng những nét vẽ của ông vẫn toát lên sự chân thật, tươi sáng, lạc quan cổ vũ đồng đội tiến lên với đa dạng hình ảnh từ phong cảnh quê hương, chân dung người mẹ Việt Nam, đến cảnh hành quân của các anh bộ đội, cảnh sinh hoạt của đồng bào ta thời bấy giờ. Ngắm qua tranh của Nguyễn Hiêm, ta dường như có một cảm giác khác về chiến tranh, tuy khốc liệt, khô khan nhưng đâu đó vẫn còn nét bình dị, hiền hoà của đất nước, con người Việt Nam.

Sau khi hoạ sĩ Nguyễn Hiêm qua đời vào năm 1976, toàn bộ tác phẩm còn lại, tài liệu, kỷ vật được con gái ông – hoạ sĩ Nguyễn Thị Mai Khanh – lưu lại và cất giữ trong căn nhà đầy kỷ niệm bên sông Sài Gòn tại quận 2. Rất may mắn, Bảo tàng nghệ thuật Quang San được kết nối với gia đình và tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên cho cố hoạ sĩ Nguyễn Hiêm – như một sự tri ân cho một thời để nhớ của người chiến sĩ – hoạ sĩ đã hết lòng vì đất nước và nghệ thuật.

Đi kèm với triển lãm lần này, Bảo tàng nghệ thuật Quang San cũng giới thiệu đến công chúng cuốn sách “Hoạ sĩ Nguyễn Hiêm” xuất bản bởi Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin vào năm 2013 với sự biên soạn của chính hoạ sĩ Nguyễn Thị Mai Khanh, kể về cuộc đời và các tác phẩm của danh hoạ.

Tiểu sử cố họa sỹ Nguyễn Hiêm

Nói về cố hoạ sĩ Nguyễn Hiêm, ông sinh năm 1917 tại Châu Đốc, An Giang trong một gia đình làm nông, không có ai theo nghệ thuật. Ông sớm bộc lộ lòng yêu thích hội hoạ từ bé khi tự tay tạo hình những con trâu trong nhà bằng đất sét. Lớn lên, Nguyễn Hiêm bằng tài năng của mình, thi đậu vào trường Mỹ thuật Gia Định – Sài Gòn và tốt nghiệp vào năm 1940, cùng thời với hoạ sĩ Nguyễn Siên, cũng là người bạn chí cốt của ông.

Sau khi tốt nghiệp tại trường, Nguyễn Hiêm sang Campuchia làm công việc vẽ kiến trúc, vẽ kiểu nhà. Trong thời gian rảnh, ông đã vẽ rất nhiều tranh về phong cảnh, đất nước, chùa chiền và con người Campuchia.

Một lần tình cờ sang thăm hoạ sĩ Nguyễn Hiêm, hoạ sĩ Lê Minh Hiền – nguyên là Giám đốc Xưởng phim hoạt hình Hà Nội sau này – đã khuyến khích ông mang tranh tham gia triển lãm mỹ thuật Đông Dương tổ chức tại Campuchia năm 1942, cùng tham gia triển lãm này còn có tranh của họa sỹ Tô Ngọc Vân. Nguyễn Hiêm, bản thân ông là người sống giản dị, không theo đuổi thứ xa hoa, cầu kì, tính cách cũng hay tự ti nên khi nhận lời mời đã từ chối. Không bỏ cuộc, hoạ sĩ Lê Minh Hiền quyết gửi những tác phẩm đó dự thi và cuối cùng tranh Nguyễn Hiêm đạt được huy chương vàng. Thay vì lấy huy chương, hoạ sĩ đã quyết định đổi lấy tiền để trang trải cho tình cảnh khó khăn của ông lúc bấy giờ. Thật đáng tiếc, toàn bộ số tranh vẽ lúc ở Campuchia đã bị thất lạc khi gửi tranh đi triển lãm ở Ấn Độ theo đường dây kháng chiến.

Năm 1945, kháng chiến Nam Bộ nổ ra, với lòng yêu nước sục sôi sẵn có, cố hoạ sĩ tham gia quân đội trực tiếp chiến đấu. Tuy trong chiến trường nhiều khó khăn, nhưng ông nhận thức sâu sắc cây cọ cũng là một loại “vũ khí” đắc lực tiếp sức cho quân dân ta, từ đó nhiều bảng kí hoạ nhanh hay những tác phẩm hoàn thiện ra đời tái hiện lại cuộc sống chiến đấu của quân dân Việt Nam những năm tháng hào hùng. Là người chiến sĩ, nhưng cũng là một người nghệ sĩ, ông đi đó đây mang theo trên mình một chiếc ống thiếc lớn được cắt ra từ súng tên lửa bazooka, chứa đầy những kí hoạ lớn nhỏ của ông. May mắn thay, ống thiếc này được gia đình lưu giữ đến ngày nay, và sẽ được mang ra trưng bày cùng các kỷ vật đặc biệt khác trong triển lãm lần này.

Tham gia kháng chiến, về đề tài chiến tranh ông đã vẽ rất nhiều tranh có giá trị, tiêu biểu một số tác phẩm như “Trận Tầm Vu”, “Qua cầu khỉ”,… Nguyễn Hiêm nhận được giải thưởng lớn tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1954 về toàn bộ sốtranh ký hoạ kháng chiến mang từ miền Nam ra. Sau triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958, Hội Mỹ thuật Việt Nam đưa triển lãm sang Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu. Những tác phẩm của Nguyễn Hiêm gây ấn tượng sâu sắc cho các nước bạn, đặc biệt là tác phẩm “Hành quân đêm” được nhà xuất bản Mỹ thuật Liên Xô in vào tập tuyển nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Hội đồng Nghệ thuật Liên Xô đã xếp Nguyễn Hiêm vào dạng bật danh nhân, in tên tuổi và tác phẩm của ông vào Bách khoa toàn thư Liên xô vào năm 1962.

Lúc còn sinh thời, Nguyễn Hiêm đi tham quan nhiều bảo tàng, ông đã có mơ ước khi đất nước đi vào thống nhất sẽ có nhiều bảo tàng mỹ thuật để treo nhiều tranh hoành tráng, vì thế, ông ra sức miệt mài vẽ ra những tác phẩm sơn dầu, sơn mài khổ lớn bên cạnh những tranh thuốc nước cỡ vừa. Sau này, đúng như mong ước thuở xưa, tranh của ông được lưu giữ tại nhiều bảo tàng: Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San và nhiều nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước. Họa sĩ Nguyễn Hiêm đã được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2000.

Tiếp nối cuộc đời cố hoạ sĩ Nguyễn Hiêm, sau này khi hoà bình lập lại, ông tiếp tục cống hiến cho mỹ thuật nước nhà với nhiều tác phẩm đa dạng chất liệu hơn, đặc biệt là sơn mài mang lại cho ông nhiều cảm hứng sáng tác. Nguyễn Hiêm qua đời vào ngày 30/12/1976 sau một cơn đau đột ngột khi còn đang sung sức, gây nhiều thương tiếc cho gia đình và công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam. Con gái ông, hoạ sĩ Nguyễn Thị Mai Khanh tiếp tục nối nghiệp cha cho đến ngày nay.

Triển lãm “Hồi ký chiến trường qua tranh hoạ sĩ Nguyễn Hiêm” sẽ mở cửa chào đón công chúng đến thưởng lãm từ ngày 7/12/2023 đến hết ngày 31/12/2023 tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San.

Ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Quang San
 

Related Article