Book Highlights: Những góc nhìn mới mẻ về dòng chảy văn hoá – nghệ thuật
LifestyleArts & Culture

Book Highlights: Những góc nhìn mới mẻ về dòng chảy văn hoá – nghệ thuật

Những chủ đề về văn hoá, nghệ thuật, hay lịch sự luôn có một sức hấp dẫn kỳ lạ nhưng thường sẽ tạo cảm giác… có chút hàn lâm. Chính vì vậy phần nào đó làm bạn đọc ngại tiếp cận, bởi không biết bắt đầu từ đâu. Trong dòng chảy cuồn cuộn của nguồn kiến thức vô tận này, Men’s Folio Vietnam gợi ý đến độc giả 5 tựa sách, không chỉ giúp bạn nắm bắt/khái quát hoá một cách có hệ thống, từ những ký hiệu, hình ảnh được nghiên cứu, tổng hợp kỹ lưỡng; mà còn giúp bạn tiếp thu dễ dàng những thông tin vốn được cho là rất khô khan.

Biểu tượng và hoa văn Mật Tạng

Tác giả: Robert Beer

Công trình nghiên cứu về nghệ thuật tâm linh Tây Tạng này là hoa trái của tám năm miệt mài vẽ tranh, của một đời chiêm nghiệm về nguồn gốc và ý nghĩa ẩn tàng trong từng đường nét, được hiển lộ từ một trong những truyền thống mỹ thuật vĩ đại nhất của nhân loại. Hàng nghìn chi tiết đơn lẻ bố cục thành 169 Minh Họa, thể hiện các pháp khí và hình thái cách điệu của chúng.

Nội dung cuốn sách như một tấm thảm rực rỡ, được dệt nên từ nguồn gốc, ý nghĩa và công dụng của các biểu tượng – bắt nguồn từ Ấn Độ, Tây Tạng và Trung Quốc – bằng khung cửi minh triết Phật giáo. Đây là tác phẩm kinh điển không chỉ cho những người quan tâm tới văn hóa Tây Tạng, mà còn dành cho giới họa sỹ, nhà thiết kế và bất cứ ai đang hướng về phương Đông để đi tìm ý nghĩa cuộc sống.

Mười hai chương sách được trình bày theo các chủ đề: (I) Yếu tố tự nhiên – hình khối núi đá, nước, lửa, mây và cầu vồng; (II) Thực vật – hoa sen, hoa, quả và cây cối; (III) Động vật- huyền thoại và thực tế; (IV) Tranh tường thuật; (V) Vũ trụ học – núi Tu Di, cúng dàng mandala, thiên văn học, thập âm thù thắng Thời Luân Kim Cương, bảo tháp và hệ thống kinh mạch luân xa Ấn Độ giáo, Phật giáo; (VI) Thủ ấn và các thế tay; (VII) Bảy bảo vật của Chuyển Luân Thánh Vương; (VIII) Những nhóm biểu tượng và phẩm vật cát tường; (IX) Phẩm vật an bình, ngọc báu và khí cụ nghi lễ; (X) Hình họa tổng hợp về pháp khí và vũ khí nghi lễ; (XI) Pháp khí, phẩm vật và trang sức phẫn nộ, torma, nội cúng dàng và thiết kế nền đốt hỏa cúng; (XII) Đường viền, hoa văn, chủ đề và thiết kế kỷ hà.

Tản mạn kiến trúc Nam bộ

Tác giả: Trương Trần Trung Hiếu, Nguyễn Trần Trọng Nghĩa, Vương An Nguyên, Trần Nguyễn Tuấn, Nguyễn Chí Thành, Nguyễn Duy Linh, Phạm Nhật Tiến

Các công trình đang phôi pha theo thời gian, gắn kết đời sống hôm nay với lịch sử ông cha thông qua tìm hiểu các di sản kiến trúc đang trở thành nhu cầu ngày càng phổ biến trong cộng đồng người Việt trẻ. Trong bối cảnh đó cuốn sách “Tản mạn kiến trúc Nam bộ” mang đến một hình dung tổng thể về lịch sử kiến trúc dân dụng miền Nam từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20, đồng thời cung cấp những tri thức cơ bản làm hành trang khám phá các công trình kiến trúc.

Không chỉ vậy, cuốn sách còn hé cánh cửa dẫn bạn đọc vào bên trong các công trình, để cùng lắng nghe những câu chuyện về lịch sử xây dựng, về tập quán, văn hóa của địa phương, và về cả những ước mơ, khát vọng của gia chủ in dấu trên từng đường nét của ngôi nhà. Với vốn tư liệu phong phú, cách diễn giải giàu tính kể chuyện, cùng những hình ảnh, bản vẽ được đầu tư kỳ lưỡng, cuốn sách chắc hẳn sẽ khơi gợi sự quan tâm và hiểu biết của cộng đồng về vốn di sản kiến trúc nước nhà.

Được thành lập vào tháng 4 năm 2019, tác phẩm là một dự án ra đời nhằm mục đích tìm hiểu và lưu trữ những tư liệu về các di sản kiến trúc tại Việt Nam. Thông qua các hoạt động nghiên cứu và truyền thông, dự án góp phần truyền cảm hứng và tình yêu các di sản đến với đông đảo bạn trẻ.

Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật

Tác giả: Neil MacGregor, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Anh (2003-2009)

“Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật” giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình phát triển của loài người bằng một góc nhìn mới lạ, đó là qua việc kể những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, độc đáo xoay quanh các hiện vật tiêu biểu được trưng bày tại Bảo tàng Anh.

Bảo tàng và đài BBC đã chọn ra 100 hiện vật từ bộ sưu tập của Bảo tàng Anh và sắp xếp theo niên đại từ khởi nguồn lịch sử nhân loại vào khoảng hai triệu năm trước cho đến tận ngày nay. Những hiện vật đó bao quát toàn bộ thế giới, phân bố đều hết mức có thể, cố gắng đề cập đến càng nhiều khía cạnh thực tiễn trong trải nghiệm của nhân loại càng tốt, và kể cho chúng ta nghe về muôn mặt đời sống xã hội, chứ không chỉ về giới giàu sang quyền quý trong lòng nó. Bởi thế, số hiện vật này tất yếu bao gồm cả những món đồ giản dị trong đời sống thường nhật lẫn những công trình nghệ thuật kỳ vĩ. Một số hiện vật như: một công cụ chặt 2 triệu năm tuổi, một chiếc áo choàng bằng vàng của xứ Wales, tàu chiến cơ khí, tượng Phật ở Pakistan hay chiếc đồng hồ hàng hải trên tàu HMS Beagle.

Khác với nhiều cuốn sách lịch sử thường thức khác, “Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật” không tập trung vào các sự kiện “ồn ào” trong tiến trình phát triển của loài người, mà sử dụng các hiện vật để kể chuyện về cuộc sống thường nhật và những thay đổi lớn đã xảy ra kể từ khi con người bắt đầu sử dụng công cụ. Đồng thời, qua “Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật”, tác giả mang đến sức sống mới cho nhiều nền văn minh trên thế giới mà đến nay tàn tích của chúng còn lại không nhiều, chẳng hạn như nền văn minh Moche – một nền văn minh phát triển ở Peru từ năm 200 TCN đến năm 650 nhưng giờ đây không còn lại gì ngoài các di tích khảo cổ.

Lịch sử Việt Nam bằng hình

“Lịch sử Việt Nam bằng hình” phác họa bức chân dung toàn cảnh về quá trình dựng nước và giữ nước, xuyên suốt từ thời xuất hiện các cư dân cổ xưa đầu tiên trên lãnh thổ cho đến khi hình thành một quốc gia hiện đại như ngày nay. Cuốn sách cũng trình hiện các lớp văn hóa của Việt Nam, được khơi nguồn từ buổi sơ khai đồ đá, đồ kim khí đến lúc định hình bản sắc riêng rực rỡ vào thời Lý – Trần, và không ngừng được bồi đắp, sản sinh vào những giai đoạn tiếp theo. Những trận đánh vang danh, những danh nhân nổi tiếng cũng được giới thiệu trong sách, qua đó lý giải nhiều bước ngoặt quan trọng của dòng chảy lịch sử nước nhà.

Bên cạnh lịch sử Việt Nam, cuối mỗi phần có thêm bài khái quát vắn tắt tình hình Trung Quốc và phương Tây ứng với từng giai đoạn lịch sử trong nước. Dựa vào đó, bạn đọc có thể nhìn rộng ra khung cảnh thế giới đương thời và hiểu biết thấu đáo hơn về lịch sử nước nhà.

Chiếm phần giá trị không nhỏ trong tác phẩm là kho tư liệu ảnh hiện vật phong phú, đa dạng, ứng với mỗi giai đoạn lịch sử, được sưu tập từ các bảo tàng trong nước, ngoài nước và các bộ sưu tập tư nhân. Các di tích, chùa, đền, tượng đài gắn liền với tên tuổi các danh nhân lịch sử cũng hiện diện trong cuốn sách này dưới dạng ảnh chụp để minh họa cho ngôn từ thêm phần sinh động. Toàn bộ cuốn sách có gần 2.000 tranh ảnh và bản đồ.

Cuốn sách được bố cục thành 14 phần chính:

Phần 1: Tiền sử và truyền thuyết 

Phần 2: Chống Bắc thuộc

Phần 3: Nhà Ngô – Đinh – Tiền Lê 

Phần 4: Nhà Lý

Phần 5: Nhà Trần

Phần 6: Nhà Hồ và thời thuộc Minh 

Phần 7: Nhà Hậu Lê (thời Lê sơ) 

Phần 8: Nhà Mạc

Phần 9: Thời Lê Trung hưng và chính quyền chúa Nguyễn

Phần 10: Nhà Tây Sơn 

Phần 11: Nhà Nguyễn (Sơ kỳ)

Phần 12: Chống Pháp và Pháp thuộc

Phần 13: Độc lập, thống nhất và phát triển

Phần 14: Nghìn năm văn hiến

Câu chuyện nghệ thuật

Tác giả: E.H. Gombrich 

Câu chuyện nghệ thuật (The Story of Art) được xem là một trong những cuốn sách nhập môn nghệ thuật thị giác quan trọng cho nhiều thế hệ độc giả trên khắp thế giới. Ra đời lần đầu năm 1950, cuốn sách đã được tác giả liên tục bổ sung, cập nhật và tái bản thêm 15 lần nữa (lần cuối vào năm 1995, sau 45 năm cuốn sách ra đời lần đầu). Việc được dịch ra gần 30 thứ tiếng trên thế giới cũng chứng tỏ độc giả toàn cầu quan tâm đến cuốn sách như thế nào.

Cái hay của cuốn sách là, thay vì bày ra vô vàn tiểu tiết và khiến những kẻ ngoại đạo cảm thấy mông lung, cuốn sách được viết để đưa độc giả đến một thế giới với những cái tên, thời kỳ và phong cách của các tác phẩm, theo thứ tự minh bạch và dễ hiểu.

Đây là một tác phẩm kể về lịch sử nghệ thuật châu Âu từ thời cổ đại đến hiện đại, được tác giả khảo sát và đánh giá trong các lĩnh vực khác nhau như hội họa, điêu khắc, kiến trúc… song hành với những chuyển biến và giao thoa của các nền văn hóa, chính trị, và tôn giáo. Nguồn tư liệu phong phú về các tác phẩm đáng chú ý, những tên tuổi tài năng, những trường phái, phong cách đặc sắc trong dòng chảy nghệ thuật.

Đặc biệt trong sách có hơn 400 các bức tranh, ảnh minh họa các tác phẩm nghệ thuật, được in màu toàn bộ trên 692 trang, bằng giấy Cmatt120, giúp người yêu nghệ thuật thưởng lãm các tác phẩm được đã mắt nhất.

Với châm ngôn “ngày tháng như những cái mốc để tấm thảm lịch sử được treo lên đó”, Gombrich đã đưa độc giả vào cuộc hành trình thú vị xuyên qua Lịch sử Nghệ thuật, từ những bức tranh hang động thời nguyên thuỷ cho đến nghệ thuật thử nghiệm của nửa đầu thế kỷ 20.

Cho tới cuối hành trình (chương 27 của sách), ông tổng kết rằng mình đã “cố gắng kể lại lịch sử nghệ thuật như một câu chuyện về sự đan xen và thay đổi liên tục của các truyền thống, trong đó mỗi tác phẩm đều dựa vào quá khứ và cùng lúc hướng tới tương lai“.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article