BizLab Talks SS4.EP5: Kết nối những nền văn hoá qua bia thủ công – Trương Thế Lộc, Founder & CEO East West Brewing Co.
Wine & DineMF TVBusiness

BizLab Talks SS4.EP5: Kết nối những nền văn hoá qua bia thủ công – Trương Thế Lộc, Founder & CEO East West Brewing Co.

Lắng nghe anh Lộc chia sẻ về hành trình 7 năm của East West, tôi nghĩ đến cụm từ “dám nghĩ lớn”. Bởi dám nghĩ lớn là điều cần đối với một doanh nhân muốn khởi nghiệp, chỉ có như thế, họ mới khai phá hết tiềm năng của mình và tạo nên sự khác biệt. BizLab tập 5 mở ra câu chuyện vô cùng mới mẻ và tràn đầy tinh thần xông pha của anh Lộc, người dù từng có một công việc rất tốt tại xứ người nhưng vẫn ấp ủ giấc mơ tạo nên một loại bia thủ công đầy tự hào và mang đậm văn hóa của người Việt.

“Bia thủ công Việt Nam có thể đi khắp thế giới được không?” có lẽ là suy nghĩ đầu tiên đưa anh đến ý tưởng khởi nghiệp với East West Brewing Co. Quá trình đó đã diễn ra thế nào và tới nay, điều gì vẫn là khó khăn mà anh đang tìm cách giải quyết?

Tôi muốn khởi nghiệp với một ngành nghề mà mình đã có kinh nghiệm, những hiểu biết nhất định về sản phẩm và thị trường. Tất cả những thương hiệu bia lúc bấy giờ quá lớn nên nếu “chân ướt chân ráo” bước vào khởi nghiệp thì biết đến bao giờ mình mới bắt nhịp được, chứ chưa nói đến thành công. Trước khi bắt đầu khởi nghiệp với East West, tôi từng là một trong những người đầu tiên làm cho một công ty bia lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, tôi cũng có kinh nghiệm làm cho một số thương hiệu bia nổi tiếng như Corona, Hoegaarden, Budweiser…

Trong thời gian East West đi những bước đầu tiên, Việt Nam cũng chưa có nhiều thương hiệu bia thủ công. Trong khi đó tại Mỹ, 30% sản lượng bia mà người dùng tiêu thụ là bia thủ công, chiếm 30% trong thị trường 100 tỷ đô. Thị trường Việt Nam đâu đó khoảng 8 tỷ đô, mà thị phần của bia thủ công vẫn dưới 1%, tức là chúng ta vẫn có cơ hội tiến vào thị trường này.

Tôi xin chia sẻ một chút sự khác biệt của bia thủ công so với bia công nghiệp. Bia công nghiệp thường là những dòng bia dễ uống và uống được nhiều, các hãng sẽ chọn đánh về số lượng. Ngược lại, bia thủ công không quá dễ uống vì thường chú trọng đến trải nghiệm thưởng thức nhiều hơn, bằng cách đào sâu và đa dạng những thành phần làm nên thức uống. Do đó, bạn sẽ cảm nhận được hương vị nó phong phú hơn những gì trước nay mình biết. Bài toán mà chúng tôi phải suy nghĩ và điều chỉnh thường xuyên đó là làm sao để cung cấp đủ bia cho thị trường và có đủ kho để bảo quản bia.

Đánh giá của anh về thị trường bia tại Việt Nam như thế nào?

Nếu đánh giá ở tầm vĩ mô, tôi thấy người Việt Nam tiêu thụ bia rất nhiều, phải nói là một thị trường rất hấp dẫn; nhưng Việt Nam cũng là thị trường bán bia rẻ thứ hai trên thế giới, tức là lợi nhuận thu về sẽ không cao. Nên khi kinh doanh thì mình buộc phải tiêu thụ được sản lượng lớn, thì mới vừa đáp ứng được nhu cầu vừa đảm bảo cho doanh nghiệp được vận hành suôn sẻ. Do đó, nhìn thì thấy hấp dẫn nhưng nhảy vào sâu mới thấy gian nan. Có thể bạn thấy giá của bia thủ công cao hơn các loại bia khác tại Việt Nam, nhưng nếu so với bia thủ công trên thế giới, từ khâu phân phối đến sản xuất, giá luôn thấp hơn.

Anh cho rằng những yếu tố nào mang tính thành – bại đối với East West Brewing Co.?

Tại thời điểm bắt đầu lập nghiệp vào năm 2017, Việt Nam không có nhiều bia thủ công, nên cơ hội tạo lập vùng trời riêng là có. Hiện tại, trên thị trường có đâu đó khoảng 40 hãng bia lớn nhỏ. Tôi nghĩ ai cũng có mong muốn khám phá nhiều hương vị bia khác nhau và với một nhu cầu luôn tồn tại như vậy, mình phải mạnh dạn nắm bắt để tạo một sân chơi riêng. Từ lúc bắt đầu đến nay, tôi thấy ngày càng nhiều người bị hấp dẫn bởi thức bia này.

Bí quyết thành công của East West là không làm gì quá đột phá với thị trường thủ công, nhưng đột phá với thị trường Việt Nam.

Điều khác biệt của East West là vẫn giữ những dòng bia truyền thống của Mỹ và châu Âu như các sản phẩm cốt lõi, nhưng từ trong quy trình tạo ra sản phẩm, đội ngũ của East West sẽ sáng tạo bằng cách thêm vào những “gia vị” độc đáo và mới lạ. Cho đến hiện tại, mọi thứ vẫn đi đúng hướng mà tôi kỳ vọng.

Tôi rất ấn tượng với thiết kế của East West, từ màu sắc đến phông chữ, đều mang một tinh thần trẻ trung, năng động và cởi mở. Có phải ngay từ đầu, tệp khách hàng anh hướng đến là người trẻ?

Tôi cũng không cố định và phân loại khách hàng của mình theo độ tuổi, bởi như thế nào là “trẻ”, cũng khó phân định rạch ròi lắm (cười). Thực tế, ai đã bắt đầu đi làm hoặc có những trải nghiệm, quan sát nhất định về các loại bia nội địa nói riêng và thế giới nói chung thì rất phù hợp với East West. Tôi cố gắng cho những khách hàng như vậy thấy, rằng Việt Nam cũng có một loại bia thủ công hảo hạng đáng để thử. Song song đó, thiết kế bao bì phải bắt mắt một chút để East West trở nên thu hút hơn trong một thế giới rộng lớn với vô vàn những loại bia khác nhau.

Chất lượng của East West đang dần được sự công nhận trên thế giới, nhận được những lời khen từ CNN, từ VICE Munchies, các tờ báo ở Đan Mạch, New Zealand… Ngay từ khởi đầu, giấc mơ của anh với East West là một giấc mơ lớn nhưng anh đã chứng minh nó không hề hão huyền.

Tôi có một người chú, và ông ấy đang lèo lái một doanh nghiệp hơn 100 tỷ đô. Trong một lần hai chú cháu ăn tối cùng nhau, chú nói một câu mà tôi nhớ mãi, rằng chúng ta sẽ tiêu tốn cùng một mức năng lượng để suy nghĩ nhỏ hoặc suy nghĩ những điều lớn lao hơn, vậy tại sao mình lại không dám nghĩ lớn?! Trong quá trình làm việc với đội ngũ East West, tôi cũng đem tinh thần này lan toả đến các bạn.

So với những hãng bia nổi tiếng tại Việt Nam đã có tuổi đời hơn trăm năm, doanh thu phải tính từ ngàn tỷ, chúng ta vẫn còn quá nhỏ bé; vậy nếu mình đang có một giấc mơ, thì phải mơ lớn thôi.

Để hiện thực hoá giấc mơ đó, chúng tôi hướng đến kinh doanh bền vững. Chúng tôi luôn cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày, không dễ hài lòng với kết quả đã có. Chúng tôi có thể chúc mừng nhau vì những cột mốc đã đạt được nhưng cũng từ đó nỗ lực hơn, khao khát nhiều hơn trong hành trình tiếp theo. Ngay từ những ngày đầu, đối với mỗi nhân sự đồng hành, tôi đều chia sẽ rất rõ sứ mệnh của doanh nghiệp là gì, hay những gì mà tôi muốn người ta nhắc đến khi nghĩ về East West. Tôi nghĩ chỉ có khi vạch rõ bức tranh cho nhau thấy, chúng tôi mới đạt được sự đồng lòng cao nhất.

Tôi nghĩ điều làm nên diện mạo và thành công của East West Bewing Co. sau 7 năm, không chỉ đến từ sản phẩm mà còn ở văn hoá của doanh nghiệp. Bởi như anh vừa chia sẻ, rất dễ thấy mọi người là một khối gắn kết bền chặt. Làm sao để đạt được điều đó?

Có thể nói, chúng tôi gắn kết bằng tầm nhìn và sứ mệnh, trước hết là chúng tôi sẽ tạo ra một dòng bia thủ công Việt Nam hảo hạng nhất có thể, chỉ bằng hoặc tốt hơn bia thủ công nước ngoài, và thứ hai là kết nối các nền văn hoá qua bia thủ công.

Và với mỗi người chúng tôi mà nói, đó là một cuộc phiêu lưu hấp dẫn và mang nhiều hoài bão. Nhưng để thành công thì động lực thôi là chưa đủ, mỗi nhân sự cần phải kiên trì và cam kết với mục tiêu cụ thể, có vậy sau quá trình dài nhìn lại, họ mới thực sự có những tiến bộ đáng tự hào.

Do đó, văn hóa định hướng và thúc đẩy nhân sự vươn đến thành công chung cũng là điều mà tôi đề cao, phải làm tốt hơn mỗi ngày vì thị trường này rất cạnh tranh. Mỗi một nhân sự mới vào cũng sẽ dễ dàng cảm nhận được quyết tâm và sự nghiêm túc của East West.

Lợi và hại như thế nào khi East West Bewing Co. đang được mở rộng và phát triển đáng kể, thưa anh?

Để phát triển nhanh thì mình phải tập trung vào một điểm để dốc hết sức, nhưng cũng còn tuỳ thuộc vào nền tảng của mình có đủ lực để phát triển nhanh hay không. Tất nhiên, trong một thị trường ở thời điểm 2017-1018-2019, dường như tất cả các ngành nghề đều phát triển nhanh, nhưng đồng thời, nhiều lĩnh vực trong thời gian đó cũng biến mất. Bởi khi phát triển nhanh, ta chỉ tập trung vào những con số mà quên đi những điều quan trọng khác. Nên ưu tiên hàng đầu của một doanh nghiệp là phải xây dựng nền móng vững chắc nhất có thể. Nếu có bất kỳ sự cố nào xảy đến thì công ty cũng sẽ không sụp đổ.

Với tôi, mỗi năm tăng trường đều đặn khoảng 20%-30% là quá lý tưởng. Điều quan trọng nhất vẫn là làm sao để thương hiệu của mình tồn tại lâu đời nhất có thể.

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Sponsors: Aristino
Guest Speaker: Lộc Trương
Host: Khuất Năng Vĩnh
Content Direction | Script: Trương Huyền My
Project Coordinator | Communication: Trân Nguyễn
Production: Văn Minh Thư, Tiểu My, Khang Nguyễn, Lộc Phạm, Nam Nguyễn, Long Nguyễn, Bách Khoa
Venue: Ô Cocktail & Art Bar
Design: Kỳ Nam

——-

VỀ CHỦ ĐỀ BEYOND LEADERSHIP

BizLab Video Series trở lại mùa 4 (BizLab SS4) lấy chủ đề “Beyond Leadership” sẽ tập trung khai thác thế hệ lãnh đạo mới, thế hệ lãnh đạo tiếp nối xoay quanh cách họ phá vỡ những chuẩn mực truyền thống, tiếp cận khái niệm lãnh đạo ở thời kỳ này để tạo ra một “hệ điều hành” riêng của doanh nghiệp (tư duy lãnh đạo mới), cách họ trao quyền và tạo cơ hội cho những người cộng sự dẫn đến tiềm năng hợp tác ở mọi cấp độ (sức mạnh sự kết nối), sự hợp tác và chiến lược giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để cùng tạo nên những mô hình kinh doanh/dự án có độ phủ và tầm ảnh hưởng rộng hơn (tối đa hóa khả năng thành công).

Đồng hành cùng Men’s Folio Vietnam trong hành trình “dám nghĩ lớn” là thương hiệu thời trang cao cấp mang đậm cảm hứng từ di sản văn hóa Việt Nam – Aristino. Cùng với câu chuyện khởi nghiệp, vận hành doanh nghiệp của các doanh nhân, chúng ta cũng sẽ thấy yếu tố “văn hóa”, “di sản” và “niềm tự hào của người Việt Nam” được thể hiện rõ nét trong hành trình phát triển tự thân của họ.

VỀ SERIES VIDEO BIZLAB

Series video “BizLab” – nơi dành cho các thế hệ lãnh đạo, đặc biệt là các bạn start-up trẻ, chia sẻ những công thức thử nghiệm táo bạo, góc nhìn mới, cách tư duy mới mà họ đã chọn để hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp và vận hành mô hình kinh doanh của mình.

“BizLab – Thu công thức, nghiệm thành công, không có chi!”

Theo dõi các tập của BizLab trên các kênh truyền thông của Men’s Folio Vietnam:

– Website: mensfolio.vn

– Instagram: @mensfoliovietnam

– Youtube: Men’s Folio Vietnam

– TikTok: @mensfoliovietnam

Liên hệ hợp tác, tài trợ qua email: info@mensfolio.vn

 

Related Article