“Quiet cutting” đang trở thành một xu hướng trong điều chỉnh nhân sự của các công ty, doanh nghiệp.
Xu hướng “quiet quitting” – “nghỉ việc trong thầm lặng” từ lâu đã trở thành một làn sóng len lỏi trong chốn công sở. Thuật ngữ này được hiểu rằng một người không còn muốn cố gắng nữa, họ chỉ làm đúng công việc chính của mình, từ chối làm việc ngoài giờ hay các hoạt động nội bộ. Giờ đây, thái cực trái ngược của nó – “quiet cutting” đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
“Quiet cutting” là gì?
“Quiet cutting” – “cắt giảm trong im lặng” là cách mà các công ty giảm bớt nhân sự nhằm tiết kiệm tối đa chi phí lương thưởng hoặc sa thải. Thay vì đuổi việc một cách công khai và phải trả khoản tiền đền bù, các công ty sẽ dùng hình thức tái cơ cấu lao động, thay đổi vị trí và cách làm việc để khiến nhân viên tự thấy chán và chủ động thôi việc.
Xu hướng này đã xuất hiện trong 2-3 năm gần đây, nhưng hiện tại, nhiều công ty bắt đầu áp dụng chiến lược này, và vì thế “quiet cutting” được nói đến nhiều hơn. Nền tảng nghiên cứu tài chính AlphaSense nhận thấy rằng, trong năm qua, số lần tái bổ nhiệm như vậy đã tăng hơn gấp ba lần. Các công ty lớn như Adidas, Adobe, IBM và Salesforce cũng nằm trong số các nhà tuyển dụng đã cơ cấu lại lực lượng lao động của mình theo cách này trong năm qua.
Chiến lược đánh tâm lý “cao tay”
“Cắt giảm trong im lặng” sẽ đánh vào nỗi lo mất việc của người lao động trong bối cảnh kinh tế suy thoái và thị trường việc làm đang suy yếu. Đặt nhân viên vào vị trí thấp hơn, chức danh kém uy tín hơn, cắt giảm lương, không cho tham gia các cuộc họp, các cuộc trao đổi ý kiến,… là những dấu hiệu cho thấy đang có nguy cơ “cắt giảm trong im lặng”. Một phóng viên của Wall Street Journal sau khi phỏng vấn những người rơi vào trường hợp này, đã kể lại rằng: “Họ sẽ nhận được một cuộc điện thoại hoặc email từ người tuyển dụng nói công việc của bạn đã được phân công lại, bạn có quyền nhận hoặc thôi việc”.
Ban đầu, những nhân viên này cảm thấy khá nhẹ nhõm vì ít nhất, họ vẫn giữ được công việc của mình. Nhưng sau đó, họ bất mãn vì bị đặt để vào một vị trí mà tất cả mọi thứ đều ở mức thấp. Không những không thăng tiến mà còn bị giáng chức một cách “tính toán” như vậy, rất nhiều người cho biết sức khỏe tinh thần của họ bị ảnh hưởng bởi quyết định này của công ty.
Sẽ không một công ty nào tuyên bố rằng họ đang âm thầm cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên những nhân viên nằm trong “tầm ngắm” đó đều hiểu được rằng, hoặc họ sẽ tiếp tục công việc chán ngán này để duy trì thu nhập, hoặc sẽ nghỉ việc để giải thoát. Các công ty xem đây là một cách cắt giảm nhân sự tích cực thụ động. Dù những nhân viên này chọn ở lại hay rời đi thì vấn đề mấu chốt là các công ty vẫn tiết kiệm được nhiều chi phí đáng kể.
Những người bên ngoài “tầm ngắm”
Tác động của xu hướng điều chỉnh nhân sự đến những người nằm trong diện “quiet cutting” là quá rõ ràng. Trong khi đó, ít ai chú ý đến cảm xúc và suy nghĩ của những người “ở lại”. Mất động lực, căng thẳng, buông thả trong công việc và cảm giác tội lỗi là những gì mà những người không rơi vào “quiet cutting” trải qua, gọi là “hội chứng người sống sót”. Hội chứng này xuất hiện từ 1960, gán cho cảm xúc của những người sống sót sau Thế chiến Thứ hai. Giờ đây, môi trường công sở là nơi mà nhiều người rơi vào hội chứng này nhất.
Kết quả tái cơ cấu giống như một sự cảnh báo ngầm khiến cho các nhân viên “sống sót” sẽ phải thay đổi để gắn bó đường dài với công ty, đồng thời cũng là cơ hội để được đảm nhận công việc và vị trí mà bản thân mong muốn.
Nên làm gì để tránh bị liệt vào danh sách “quiet cutting”?
Giải pháp cho vấn đề này không còn nằm ở vấn đề năng lực, mà còn phụ thuộc vào sự chủ động và thái độ của bản thân. Một số cách có thể áp dụng như: Trao đổi với cấp trên để hiểu rõ hơn về dự định của họ và bày tỏ nguyện vọng của bản thân, đây còn là cơ hội để cấp trên thấy sự sẵn sàng và mong muốn được đóng góp vào công ty; Chuẩn bị kiến thức cơ bản về luật lao động, chế độ lương, thưởng, lộ trình thăng tiến cũng như thành quả công việc để làm căn cứ trao đổi với các quản lý;…
Nghỉ việc cũng là một giải pháp nên cân nhắc. “Cắt giảm trong im lặng” không chỉ là vấn đề liên quan đến công việc mà sâu xa hơn đó là sự quản lý của cấp trên. Khi cấp trên không cùng tiếng nói chung và đặt nhân viên của mình vào thế bị động, điều đó cũng được xem là một điểm không lành mạnh trong văn hóa công ty. Vì vậy, nghỉ việc và tìm một nơi mới là chuyện nên cân nhắc lúc này.
Sau cùng, “quiet quitting” và bây giờ là “quiet cutting” – hai xu hướng này đang vẽ nên một bức tranh về môi trường công sở hiện tại: luôn luôn thay đổi. Điều này cho thấy người lao động và người sử dụng lao động cần có những chính sách, thỏa thuận minh bạch hơn để tránh được nỗi lo lắng của đôi bên và sự đi xuống của cả một bộ máy tập thể.