BizLab: Khi câu chuyện kinh doanh cà phê được “kể” bằng màu sắc
LifestyleBusiness

BizLab: Khi câu chuyện kinh doanh cà phê được “kể” bằng màu sắc

Hiện nay, hầu như những nhà khởi nghiệp đều nhìn nhận được giá trị đến từ màu sắc chủ đạo và xây dựng những câu chuyện đặc biệt, thú vị, truyền tải đến khách hàng của mình thông qua những màu sắc thương hiệu đặc trưng. 

Hơn cả giá trị thẩm mỹ, màu sắc giờ đây là yếu tố truyền tải câu chuyện, phong cách, mong muốn mà thương hiệu gửi gắm đến khách hàng. Có đến 80% người tiêu dùng nhanh chóng đưa ra đánh giá hoặc cảm nhận ban đầu về thương hiệu chỉ dựa trên màu sắc chủ đạo, theo khảo sát từ Hubspot – một phần mềm tiếp thị. Do đó, đây là yếu tố mà các founder rất quan tâm để đưa thương hiệu của mình nổi bật và thu hút khách hàng hơn. 

Mỗi ngành hàng thường có bộ màu sắc đặc trưng, ví dụ các hãng đồ ăn nhanh mang màu đỏ hoặc vàng như McDonald’s, KFC; các hãng công nghệ tập trung vào xanh dương như Facebook, Intel; tông hồng hoặc trắng được sử dụng bởi các thương hiệu mỹ phẩm như L’ORÉAL, M.A.C;… Tuy nhiên, mỗi thương hiệu lại có một câu chuyện riêng muốn kể qua màu sắc và không nhất định phải đi theo những quy tắc màu sắc kể trên. 

Đặc biệt, tại “địa hạt” kinh doanh đang phát triển nhanh chóng – cà phê nói riêng và đồ uống nói chung, chuyện xây dựng thương hiệu làm sao để thu hút được khách hàng trong vô số những quán “mọc lên như nấm” là thử thách của hầu hết những founder. Do đó, không thể đi theo một lối mòn chung rằng kinh doanh cà phê thì thương hiệu phải có tông nâu, đen, hoặc trắng. Hiện nay, hầu như những nhà khởi nghiệp đều nhìn nhận được giá trị đến từ màu sắc chủ đạo và xây dựng những câu chuyện đặc biệt, thú vị truyền tải đến những nhóm đối tượng của mình thông qua những sắc màu kì diệu đó.  

Đơn cử như S’mores Saigon Caffè, một thương hiệu nổi bật với tông màu xanh lá đậm. Khi nhìn vào cái tên này, người ta dễ dàng hình dung được một không gian với nhiều mảng xanh bên trong quán. Thật vậy, màu sắc này được S’mores sử dụng như một lời tuyên ngôn cho tất cả mọi ngóc ngách tại nơi đây. Đồng thời, “green lovers” – những người yêu màu xanh lá cũng là điểm chạm đầu tiên trong số 6 điểm mà S’mores xây dựng cho khách hàng của mình. 

Bên cạnh đó, S’mores chú trọng đến việc sống xanh, bảo vệ môi trường. “Chúng tôi chọn cách sử dụng những giải pháp hiện tại đã tối ưu như ống hút, dao, muỗng, nĩa dùng một lần bằng bã cà phê (100% phân huỷ), túi mang đi với chất liệu nhựa sinh học phân huỷ, tối ưu hoá việc ‘phủ xanh’ không gian trải nghiệm và tiết kiệm tối đa một cách hợp lý nhất trong việc sử dụng nước sinh hoạt cũng như hoá chất vệ sinh,… – S’mores chia sẻ. 

Một số cửa hàng khác cũng truyền tải concept của quán mình thông qua màu sắc thương hiệu như: ẤP Cà phê với tông nâu trầm ấm, hoài niệm, thể hiện không gian Đà Lạt đặc trưng của quán; Rang Rang Coffee với tông màu trắng đen thể hiện cho phong cách tối giản và sáng sủa; KAMKAM Saigon nổi bật với tông màu tím và cam đặc trưng của Thái Lan, đem đến cảm giác trẻ trung, hiện đại và sôi nổi;…

Đôi khi những màu sắc thương hiệu cũng không hẳn ẩn chứa một câu chuyện quá đặc biệt hay sâu xa, chỉ đơn giản là một màu yêu thích, phù hợp với con người của những founder. Anh Trần Lê Minh Trúc – co-founder của Every Half Coffee Roaster cũng từng chia sẻ trong series video BizLab được thực hiện bởi Men’s Folio rằng, anh lựa chọn tông màu tím cho thương hiệu vì cảm thấy nó phù hợp với bản thân và đó là màu sắc anh thích.

Nhiều quán cà phê lựa chọn đem yếu tố màu sắc vào ngay cái tên thương hiệu, RedDoor Cafe là một ví dụ. Chị Nguyễn Thanh Đạo – General Manager của RedDoor cũng từng chia sẻ với Men’s Folio rằng: “RedDoor có nghĩa là “cửa đỏ”, xuất phát từ việc có một cái cửa màu đỏ ở căn nhà đó. Sau này, mở những chi nhánh tiếp theo thì chúng tôi lại sơn một cánh cửa đỏ”. Chi tiết này đã tạo nên nét đặc trưng riêng cho RedDoor, để mỗi lần nghe đến, khách hàng có thể hình dung được rằng sẽ bước qua một cánh cửa đỏ trước khi vào không gian quán.

Câu chuyện màu sắc của RedDoor chưa dừng lại ở đó. Điều đặc biệt là thương hiệu này đã kết hợp màu xanh dương “true blue” vào trong logo của mình. Sự tươi mới của màu đỏ kết hợp với sự rực rỡ của màu xanh là điều mà RedDoor mong muốn mang đến cho những khách hàng khi bước chân vào không gian này. 

Tuy nhiên, cách các founder RedDoor sử dụng màu sắc trong việc kinh doanh của mình không chỉ dừng lại ở “cánh cửa đỏ”. Sau này, khi tìm được một căn nhà nữa để mở chi nhánh khác, họ lại muốn giữ lấy sắc vàng cổ xưa của căn nhà. Cùng với đó, màu xanh bầu trời vào những ngày cải tạo đã cho họ nguồn cảm hứng để đặt cho quán cà phê mới của mình là Yellow and Blue – a cafe by RedDoor.

Chưa hết, vàng và xanh dương khi kết hợp với nhau cho ra màu xanh lá, và đó là lý do mà logo thương hiệu này có màu xanh lá. Chính màu xanh của lá cây cũng tạo điểm nhấn cho nơi đây. Yellow and Blue Cafe mong muốn khách hàng tới chơi căn nhà vàng rực này, ngồi ở khoảng sân có nhiều cây xanh, ngắm bầu trời xanh trên đầu, kể câu chuyện đầy sắc màu của cuộc sống. 

Ở một nơi khác, Blue Lemon Cafe – chiếc quán theo phong cách Hàn Quốc mới ra đời vào năm ngoái cũng tạo độ nhận diện bằng một cái tên lồng ghép màu sắc có phần hơi khó hiểu của mình. “Blue” – màu xanh dương, còn có nghĩa là nỗi buồn và “Lemon” – quả chanh vàng tươi có mối liên hệ như thế nào? Hóa ra, “quả chanh màu xanh” này chính là một sự kết hợp giữa vui và buồn, mang đến cảm giác lửng lơ, lưng chừng và không rõ ràng. “Quả-chanh-màu-xanh hy vọng sẽ trở thành một nơi mà mọi người có thể đến cả khi vui, khi buồn, hay khi lửng lơ trong cuộc sống. Chúng mình luôn sẵn sàng cùng rung cảm, trân trọng trước những khoảnh khắc, thay đổi nhỏ của cuộc sống cùng các bạn” – Blue Lemon chia sẻ. 

Câu chuyện màu sắc của những thương hiệu cà phê chắc chắn sẽ còn nhiều điều hay ho bởi hiện nay có hàng ngàn cửa hàng. Nhưng đến đây cũng đủ để ta nhìn thấy một thế giới với những câu chuyện kinh doanh đa sắc màu và vô cùng độc đáo từ những nhà khởi nghiệp. Qua đó, càng cho thấy tầm quan trọng của màu sắc trong việc khẳng định thương hiệu và ghi dấu trong lòng khách hàng.

—–

VỀ BIZLAB VIDEO SERIES MÙA 3:

Khởi nghiệp dễ hay khó, người trẻ nên bắt đầu với mô hình kinh doanh trong mơ của họ từ đâu, việc vận dụng yếu tố văn hoá và sự kết nối giữa người với người nên được biểu đạt như thế nào… là nguồn cảm hứng lớn của chúng tôi trong việc tìm kiếm những hình mẫu doanh nghiệp giới thiệu đến bạn đọc.

Ở một thời đại mà cách vài bước chân, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các cửa hàng cà phê; và bản thân những quán cà phê đang là điểm đến làm việc phổ biến hiện nay cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ, sự đa dạng trong concept và ngày càng gia tăng với một mật độ chóng mặt, bất chấp sự cạnh tranh khắc nghiệt… thôi thúc chúng tôi chọn các cửa hàng cà phê khởi động cho mùa 3 – People in Cafe and Business Culture.

– Xem thêm những tập đã phát sóng trên kênh Youtube của Men’s Folio.

– Cập nhật thêm thông tin về video series từ hashtag #BizLab trên các nền tảng FacebookInstagram của Men’s Folio.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article