BizLab: Co-founder Tiến Phong – “ẤP Cafe cũng như tôi, đều biết giá trị của mình ở đâu”
LifestyleMF TVBusiness

BizLab: Co-founder Tiến Phong – “ẤP Cafe cũng như tôi, đều biết giá trị của mình ở đâu”

Mở cửa từ 5 giờ sáng, đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về ẤP bởi rất ít mô hình cà phê concept ở Sài Gòn làm điều này. Với “chấp niệm” về một Đà Lạt nên thơ, hoài cổ, những founder đã giữ nguyên vẹn cái chất đặc trưng ấy, đem về Sài Gòn và làm nên ngôi nhà mang tên ẤP. 

Xin chào Phong, anh đã bắt đầu với ẤP như thế nào? Những công việc cũ đem đến cho anh những lợi thế gì trong việc hình thành ẤP?

Trước khi mở ẤP, tôi theo học ngành Việt Nam học và sau đó chọn chuyên ngành F&B, nhà hàng – khách sạn. Sau khi tốt nghiệp, tôi đã có 7 năm kinh nghiệm làm ở một số nhà hàng Việt Nam, khách sạn 5 sao để biết được tiêu chuẩn của một mô hình kinh doanh là như thế nào. Ngoài ra, tôi còn làm các công việc khác như sản xuất, stylist,… Năm 2020, lúc dịch bệnh bùng lên, công việc của tôi bị ảnh hưởng khá nhiều nhưng tôi lại có cơ duyên gặp những co-founder hiện tại để cùng tạo nên ẤP. Những công việc trước đây như một cách để tôi kiểm tra bản thân mình, ẤP là một niềm đam mê lớn, nơi tôi gom và thể hiện tất cả kỹ năng vốn có. Tôi rất hào hứng vì bản thân luôn muốn thử sức với nhiều thứ để biết được mình có thể đi được bao xa.

ẤP đã được định vị trên bản đồ như thế nào để giờ đây tọa lạc tại một trong những con hẻm đẹp nhất quận 3?

Chị co-founder cùng tôi đã thuê một căn nhà để ở nhưng vì căn nhà ấy quá thơ, chỉ để ở thôi thì uổng cho nên mới nảy ra ý tưởng làm quán cà phê. Tôi nghĩ nếu không có căn nhà đó thì ẤP sẽ không ra đời.

Dù có nhiều ý tưởng nhưng “đất không dụng võ” thì mọi thứ sẽ không thể xảy ra đúng như ý muốn của mình. 

ẤP ra đời vào năm 2020, thời điểm mà ngành F&B đang đóng băng vì những ảnh hưởng của dịch bệnh. Sao anh lại chọn một khởi đầu đầy thách thức như thế?

Tôi chẳng sợ gì hết vì tôi chẳng có gì, mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0 nên tôi cứ chiến đấu hết mình thôi. Ngoài ra, cái duyên đến vừa đúng lúc và tôi gặp được những cộng sự hợp nhau, nhìn chung một hướng nên những khó khăn hiện hữu đều có cách giải quyết. Cùng với những kiến thức đã được học, kinh nghiệm đã tích lũy, tôi tự tin để bắt đầu một trang mới với sự ra đời của ẤP.  

Lúc định hình ẤP, Phong nghĩ đến những đối tượng nào và mong muốn đem đến điều gì cho khách hàng?

Chúng tôi đều là những người rất thích Đà Lạt, nên cũng muốn mang đến một không gian đậm chất Đà Lạt giữa lòng Sài Gòn. Nhưng điều đó không có nghĩa là ẤP đặt để, bắt buộc những vị khách khi đến đây phải công nhận ẤP “rất Đà Lạt”. Từng có một nhóm bạn trước khi ra sân bay về Hà Nội còn ghé qua ẤP và cảm thán rằng “Nhớ nhà quá!” vì họ thấy không gian rất Hà Nội.

Cho nên, điều chúng tôi mong muốn là thông qua thiết kế, bàn ghế, những món đồ được bày trí sẽ gợi nhắc cho các bạn một sự dễ chịu, gần gũi, thư thả, vậy thôi!

Chúng tôi cũng muốn không gian và cà phê nơi đây sẽ kết nối những bạn trẻ yêu nghệ thuật. Các bạn ngồi ở ban công tập đàn, hát, ngồi trong nhà đan len, vẽ vời, viết lách,… Đó là những hình ảnh mà chúng tôi đã chứng kiến trong ba năm qua và tôi cảm thấy rất vui vì ẤP như một phần trong hành trình sáng tạo của các bạn.

Trang trí nội thất bằng ghế da, âm nhạc được phát toàn bộ bằng đĩa than, băng cát-xét, băng cối với giọng ca của Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Hà Anh Tuấn, những bức ảnh trắng đen treo tường… đều là những chất liệu hoài niệm. Phải chăng ẤP đang tận dụng những chất liệu ngày xưa kết hợp với góc nhìn của người trẻ hiện đại?

Vì ẤP mang câu chuyện Đà Lạt nên từ tranh ảnh đến âm nhạc, tôi đều muốn nó đồng bộ với tinh thần chung. Những nghệ sĩ như Trịnh Công Sơn hay Khánh Ly đã là huyền thoại trong âm nhạc và gắn với Đà Lạt, nên ẤP muốn mình có thể làm cầu nối đưa điều ấy đến những người trẻ. Tôi còn nhớ thời điểm bộ phim “Em và Trịnh” công chiếu, mọi người tìm đến ẤP nhiều hơn bởi họ muốn nghe những ca khúc trong phim qua chính những chiếc đĩa than, CD tại đây. Có bạn còn chia sẻ ban đầu nghe thì không để tâm nhưng về nhà lại cứ vang trong đầu nên quay lại ẤP để nghe. Tôi nghĩ ẤP đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về nền âm nhạc hoàng kim của Việt Nam. 

Tôi tò mò về cách quản trị rủi ro của người trẻ. Thời điểm đầu, Phong và các co-founder của ẤP có gặp phải những thách thức nào không?

Ở thời điểm đầu, chúng tôi từng nghĩ về nhiều rủi ro, nghĩ đến những ngày ngồi nhìn nhau khi quán không có khách. Tuy nhiên, đó là một “cuộc chơi” mà mọi người đều cảm thấy thoải mái và không bị áp lực bởi những điều người khác hay e ngại trong kinh doanh. Không kỳ vọng nhiều thì sẽ không bị thất vọng. Bên cạnh đó, mỗi người đều có công việc riêng nên nếu lỗ thì vẫn có tiền bù qua để duy trì ẤP. 

Và tất nhiên, khó khăn là không thể tránh khỏi. Bởi vì đây là một dự án không phải của cá nhân tôi và nó vận hành bởi rất nhiều người. Đó đã là một vấn đề lớn, cộng thêm những yếu tố khách quan bên ngoài như dịch bệnh, suy thoái kinh tế,… Tuy nhiên, quan trọng là mình giải quyết như thế nào.Cách làm việc của tôi là xử lý ngay vấn đề để mọi thứ không bị chồng chất. 

Tôi nghĩ câu chuyện kinh doanh quán cà phê sẽ không chỉ dừng lại ở không gian, thức uống mà còn bộ máy bên trong nữa. Anh có thể chia sẻ về cách quản lý nhân sự của ẤP?

Những kinh nghiệm làm ở nhà hàng lâu năm cho tôi hiểu nếu chỉ chăm chút bề ngoài thì sẽ không đi đường dài được, mà bên trong, đặc biệt là nhân sự mới là yếu tố cần lưu tâm. Tôi luôn lựa chọn và đào tạo nhân sự kỹ càng bởi chính các bạn ấy mới là những người truyền thông đưa ẤP tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Quan điểm của tôi là muốn các bạn hiểu rằng đây không chỉ là công việc làm thêm bởi nó có thể là tiền đề cho những bước tiến sau này.

Trước đây, dù làm công việc bưng bê, pha chế nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình đang làm công việc tay chân. Thay vào đó, tôi làm bằng tất cả sự chỉn chu, tâm huyết và cầu tiến nên tôi cũng mong mọi người có thể đem điều đó vào trong từng món nước, cách cư xử với khách hàng. Mọi người dành lời khen cho các bạn nhân viên của mình là tôi thấy vui rồi!

Giữa rất nhiều quán cà phê đã và đang “mọc” lên ở mảnh đất Sài Gòn, ẤP làm sao để trở nên nổi bật và níu giữ được khách hàng của mình?

Tôi nghĩ đó là cảm xúc, chỉ có nó mới giữ được mọi thứ lâu dài. Dù ẤP rất đông khách nhưng tôi chưa từng nhận vì chúng tôi bán cà phê ngon nhất. Mọi người sẽ thấy cốc cà phê ấy ngon khi ngồi thưởng thức nó ở không gian của ẤP, cộng hưởng với âm nhạc, cái bàn, cái ghế, tranh ảnh,… thì sẽ thấy thoải mái và “chill”. Vì vậy, tôi nghĩ khách hàng vẫn luôn nhớ và tìm về ẤP bởi họ muốn có được cảm giác đó. 

Trong quá trình menu của ẤP thành hình, có câu chuyện nào khiến anh thấy thú vị không?

Thực ra, mô hình kinh doanh của ẤP không tập trung quá nhiều về phần thức uống. Tuy nhiên, có một câu chuyện vui, khá là thú vị mà tôi muốn kể. Trung thu hàng năm, ẤP đều ra một món nước mới, và năm ngoái là trà mãng cầu. Thời điểm đó, tôi chỉ biết có một quán bán món đó nhưng họ làm từ sirup nên rất ngọt. Sau đó, tôi mới nói anh quản lý giúp tôi tạo ra món mãng cầu tươi, sinh tố mãng cầu, thạch mãng cầu,… và mọi người rất thích. Nửa năm sau, tất cả các hàng quán đều theo “trend” trà mãng cầu và ẤP như “cá gặp nước” vậy. 

Phong có nghĩ đến sự ra đời của những ẤP tiếp theo không?

Tôi có nghĩ đến nhưng sẽ không có thêm ẤP nào ở Sài Gòn nữa vì chúng tôi tạo ra một cái “vibe” Đà Lạt để người Sài Gòn tận hưởng nó, nên không có lý do gì lại làm thêm một nơi tương tự.

Và chỉ có thể là ngôi nhà đó mới là ẤP một cách đúng nghĩa.

Trong tương lai, chúng tôi cũng muốn mang tình yêu và không gian Đà Lạt của mình đến những thành phố khác như Huế, Hội An, Hà Nội,… 

Qua hành trình tạo dựng nên ẤP, anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ đang nhen nhóm ý định khởi nghiệp?

Ở thời điểm này, khi nhiều người đã biết đến và yêu quý ẤP, có cơ hội chia sẻ với bạn, tôi biết ẤP thành công về mặt thương hiệu rồi. Cho nên từ những kinh nghiệm của mình, tôi luôn mong các bạn đi sâu vào nội tại để tìm thấy giá trị của bản thân, tôn trọng và biến nó thành vũ khí. Có được điều đó thì làm gì cũng dễ dàng và tâm thế sẽ sẵn sàng đối diện với khó khăn.

—–

VỀ BIZLAB VIDEO SERIES MÙA 3:

Khởi nghiệp dễ hay khó, người trẻ nên bắt đầu với mô hình kinh doanh trong mơ của họ từ đâu, việc vận dụng yếu tố văn hoá và sự kết nối giữa người với người nên được biểu đạt như thế nào… là nguồn cảm hứng lớn của chúng tôi trong việc tìm kiếm những hình mẫu doanh nghiệp giới thiệu đến bạn đọc.

Ở một thời đại mà cách vài bước chân, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các cửa hàng cà phê; và bản thân những quán cà phê đang là điểm đến làm việc phổ biến hiện nay cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ, sự đa dạng trong concept và ngày càng gia tăng với một mật độ chóng mặt, bất chấp sự cạnh tranh khắc nghiệt… thôi thúc chúng tôi chọn các cửa hàng cà phê khởi động cho mùa 3 – People in Cafe and Business Culture.

– Xem thêm những tập đã phát sóng trên kênh Youtube của Men’s Folio.

– Cập nhật thêm thông tin về video series từ hashtag #BizLab trên các nền tảng Facebook và Instagram của Men’s Folio.

Ảnh: NVCC
 

Related Article