Ẩn: “The Sword Of The Shaman” – Lan toả văn hoá Mo Mường đến với đại chúng 
Arts & CultureLifestyle

Ẩn: “The Sword Of The Shaman” – Lan toả văn hoá Mo Mường đến với đại chúng 

Có thể nói, mỹ thuật và văn hoá Việt Nam có một mối tương quan chặt chẽ với nhau. Không chỉ có vai trò phản ánh hiện thực, mỹ thuật còn góp phần hình thành và phát triển văn hoá, là một phương tiện đặc biệt giúp truyền đạt và lan toả văn hoá đến với đại chúng. “Ẩn mình” trong một năm đầy biến động đối với cả Việt Nam và thế giới, tác phẩm “The Sword of the Shaman” của hoạ sĩ Bùi Hoàng Dương như một mắt xích quan trọng giữa nét mỹ thuật và văn hóa dân tộc Mường. 

Di sản văn hoá dân tộc Mường qua ngôn ngữ mỹ thuật

Trong văn hóa Mo Mường, thanh kiếm có giá trị văn hóa và biểu tượng vô cùng quan trọng. Nó được các thầy Mo Mường sử dụng để thực hiện một số nghi thức nhất định, chẳng hạn như các lễ cúng, lễ cầu sức khoẻ, bình an. Nó được xem như một biểu tượng uy quyền và quyền lực của người tiến hành nghi lễ.

Ngoài vai trò tôn giáo, thanh kiếm trong văn hóa Mường còn thể hiện bản sắc và di sản văn hóa của họ. Thanh kiếm phục vụ như một lời nhắc nhở về mối quan hệ, giá trị và truyền thống lịch sử của cộng đồng Mường. Nó là một biểu tượng của sự kết nối giữa con người và tâm linh, cũng như giữa con người và tự nhiên.

Lấy chủ đề văn hoá Mo Mường làm chủ đạo, “The Sword of the Shaman” được thể hiện theo chủ nghĩa biểu hiện kết hợp chủ nghĩa siêu thực. Trong khi trường phái biểu hiện thường “bóp méo” sự vật nhằm khơi gợi lên những cảm xúc mà hoạ sĩ muốn truyền tải, nghệ thuật siêu thực lại giải phóng con người khỏi những tư duy lối mòn, để họ tự do thể hiện ý tưởng mà không phải tuân theo logic thông thường. 

Với phong cách nghệ thuật này, hoạ sĩ Bùi Hoàng Dương mong muốn quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo của người Mường, xoá bỏ đi định kiến rằng Mo Mường là mê tín dị đoan. Đối với dân tộc Mường, khấn Mường là những bài học về đạo lý, nhân sinh quan, giáo lý nhân sinh, về nhân cách tốt, ứng xử xã hội và đạo hiếu, được truyền từ đời này sang đời khác thông qua ngôn ngữ, văn học dân gian hay điệu múa làm phép. 

Mo Mường là một di sản văn hóa đặc sắc, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan độc đáo của dân tộc Mường, hàm chứa nhiều ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng. Không chỉ nổi bật với tính sử thi gắn liền những nội dung liên quan lịch sử dân tộc và nhân loại, Mo Mường còn truyền tải những giá trị sâu sắc về tâm linh, phong tục. Với những giá trị văn hoá độc đáo, Mo Mường hiện đang được xây dựng bộ hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Khi người con đất Mường đưa văn hoá vào nghệ thuật của mình

Là một người con đất Mường, hoạ sĩ Bùi Hoàng Dương muốn chuyển hoá những hình tượng văn hoá tốt đẹp ấy theo ngôn ngữ tạo hình riêng, với nhịp điệu và màu sắc bay nhảy theo cách mà anh mong muốn. Sau hơn 20 năm lang thang cùng nghệ thuật, vẽ đủ thứ, kinh qua đủ chất liệu, Bùi Hoàng Dương đã sống và theo đuổi thứ nghệ thuật của riêng mình một cách dũng cảm. Đối với anh, có lẽ việc đào sâu vào văn hoá của nguồn cội là một bước tiến trên hành trình đi tìm bản thân mình. 

Tranh của Bùi Hoàng Dương kén người xem, không dễ bán, khó nhận được sự đồng cảm của đại chúng, có lẽ vì màu sắc trầm, tối của nó không phù hợp với gu thẩm mỹ thời thượng. Thế nhưng đối với người nghệ sĩ này, việc vẽ cho đẹp để dễ bán tranh là điều không thể, bởi nó sẽ giết chết sự sáng tạo. Mất nhiều năm để có thể tìm ra được con đường nghệ thuật cho riêng mình, Bùi Hoàng Dương đã kiên quyết ​​sống vì nó và đi đến tận cùng với nó trong khả năng của mình. 

Anh dành toàn bộ quỹ thời gian của mình cho việc vẽ tranh và đi tìm những ý tưởng mới, phải luôn luôn làm việc và chịu sự “đày ải” của ông trời để có thể tìm thấy được cái đẹp, bởi lúc vẽ được mới là lúc anh cảm thấy hạnh phúc nhất. Tranh của anh tập trung đi sâu vào khai thác mảng văn hoá. Anh thích và tin vào việc tìm hiểu tâm linh thông qua trải nghiệm, lại càng hứng thú với những câu chuyện sử thi, thần thoại hay giấc mơ. 

Đa dạng ý tưởng và chủ đề, thế nhưng người xem tranh vẫn luôn cảm nhận được sự “đượm buồn, rất người và rất đời” trong các bức tranh của Bùi Hoàng Dương. Có lẽ đó là bởi chúng phản ánh được cuộc đời người hoạ sĩ, lặp đi lặp lại những điều sâu kín nhất mà anh chưa từng thoát ra.

Bài: Hà Đào
Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article