Ở thời Ai Cập cổ đại, Grooming được xem là nghi thức tôn giáo và thể hiện địa vị của một người. Nam giới thường hay cạo đầu và đeo tóc giả, dùng râu giả bằng vàng hoặc bạc để thể hiện quyền lực thần thánh như các Pharaoh. Việc sử dụng các loại tinh dầu thơm, kem dưỡng chiết xuất từ tinh dầu tự nhiên từ nhựa cây, hoa cỏ được xem là nghi thức thanh lọc cơ thể.
Tại Hy Lạp cổ đại, râu rậm được cho là biểu tượng thông thái như triết gia Socrastes. Tuy nhiên dưới thời La Mã, Julius Caesar là người tiên phong cho triết học hình thể, ông dùng đá bọt để triệt lông toàn thân, cạo râu vì cho rằng vẻ ngoài sáng sủa biểu hiện cho trí tuệ và văn minh. Một hình thức giao lưu cộng đồng khá thú vị ở thời điểm này, khi nhà tắm công cộng là nơi giao lưu xã hội, chính trị và cũng là trung tâm chăm sóc cơ thể. Grooming thời kỳ này là minh chứng cho vị thế của nam giới trong xã hội như một hình thức định danh cá nhân.
Triết gia Socrastes
Tại Châu Âu do ảnh hưởng bởi Kitô giáo, khiến Grooming mang tính “đạo đức” – đơn giản, tiết chế, tránh phô trương, đề cao sự khiêm nhường nên việc chăm sóc ngoại hình phải kín đáo. Tuy nhiên, các hiệp sĩ và giới quý tộc vẫn giữ thói quen cạo râu, dùng nước hoa và gội đầu bằng thảo mộc để thể hiện giai cấp và phẩm chất của một vị “quân tử” đúng nghĩa, đặc biệt là khi diễn ra các buổi lễ lớn.
Nhắc tới thời kỳ này, vua Louis XIV là biểu tượng của sự xa hoa. Nam giới thuộc tầng lớp quý tộc châu Âu cầu kỳ trong việc chăm sóc ngoại hình và làm đẹp bằng cách đội tóc giả, dùng nước hoa, mặt nạ dưỡng da, lông mày vẽ, son môi. Sau khi hoàng đế Louis XIV băng hà, con trai ông – Hoàng đế Louis XV – khuyến khích nam giới để râu cạo sạch, dùng bột trắng để phủ tóc và mặt thể hiện sự trẻ trung, đẳng cấp quý tộc trong triều đình Châu Âu. Grooming mang yếu tố trình diễn, phô bày văn hóa, đồng thời là nỗi lo sợ về bệnh tật, sự mục rỗng nên dùng mỹ phẩm để che đậy. Đây cũng phản ánh quan điểm về cái đẹp không chỉ để ngắm mà thể hiện đẳng cấp, vị thế thời đại.
Louis XIV – Vị Hoàng đế đầu tiên đội tóc giả xoăn dài
Sự phát triển của ngành hóa mỹ phẩm công nghiệp giúp các sản phẩm Grooming đến tay tầng lớp trung lưu. Sự ra đời của dao cạo an toàn (Gillette 1901) biến Grooming thành thói quen hàng ngày của nam giới thuộc mọi tầng lớp xã hội. Bột tóc, keo vuốt tóc, nước hoa dạng lọ được sản xuất hàng loạt. Tại thời Victoria ở Anh, râu quay nón và ria mép cong là biểu tượng của sự nam tính thời thượng, tóc partside gọn gàng cổ điển của tầng lớp trung lưu đô thị. Các “barbershop” trở thành nơi hội tụ của các quý ông vừa phục vụ nhu cầu làm đẹp, vừa tạo nên những cuộc bàn luận về chính trị. Grooming trở thành điểm khởi đầu của một công dân hiện đại bước vào thế giới công nghiệp, sự chỉnh tề trong lao động và khẳng định bản thân.
Truefitt & Hill (1805) – Barber shop lâu đời nhất thế giới, phục vụ hoàng gia tại London
Thời kỳ Hollywood đỉnh cao ở thập niên 1920-1940 là chuẩn mực của sự lịch lãm khi các minh tinh hàng đầu như Clark Gable, Cary Grant nổi tiếng với hình tượng quý ông đúng điệu, tóc vuốt pomade bóng loáng, râu cạo sát.
Nam giới thập niên 1940-1950
Clark Gable
Grooming ở các thập kỷ kế tiếp phản ánh sự chuyển động tâm lý xã hội của nam giới về chăm sóc ngoại hình. Với phong trào Hippie và Rock’n’roll thập niên 1950- 1970 đề cao triết lý tự do và nổi loạn. Văn hóa Hippe là tuyên ngôn về lối sống tôn trọng sự tự nhiên, tự do trái ngược với tiêu chuẩn gọn gàng, sạch sẽ của thập kỉ trước. Chính vì thế, rooming ở thời đại Hippie không phải là xuề xòa, không chăm sóc cơ thể mà chủ đích của việc để tóc, râu dài thể hiện được sự tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên và ít lạm dụng hóa chất cho cơ thể. Bên cạnh đó, nam giới để tóc dài còn xóa nhòa ranh giới về giới tính. Trào lưu clean beauty, natural grooming, chăm sóc da bằng thảo mộc và grooming phi giới tính của thế kỷ 21 cũng xuất phát từ chủ nghĩa hippie.
Ông hoàng nhạc Rock’n’roll – Elvis Presley luôn xuất hiện với mái tóc đen bóng bẩy, dùng pomade vuốt ngược kiểu “quiff” mới mẻ và cực kỳ quyến rũ. Lông mày tỉa gọn, da sạch sẽ, râu cạo kỹ là một điều không phổ biến với nam giới Mỹ thời bấy giờ. Elvis đưa grooming thành một phần bản sắc nam giới hiện đại, nhấn mạnh rằng đàn ông cũng có quyền quan tâm đến vẻ ngoài của mình. Thời điểm này, nam giới cũng bắt đầu chú trọng đến việc chăm sóc tóc và râu để thể hiện cá tính sâu sắc.
Grooming trở nên chuyên nghiệp hơn vào thập niên 1980-1990, khi văn hóa giới trẻ thành đạt nổi lên. Grooming đầy kỷ luật với kiểu tóc chải “power hair”, cạo râu mỗi ngày, dùng nước hoa có nồng độ mạnh khẳng định đẳng cấp cho giới doanh nhân. Nơi thời kỳ đầu của nam giới bước chân vào skincare như Clinique (1976), Biotherm Homme (1985) nhưng chưa thật sự bùng nổ tại thời điểm này. Nhìn chung, Grooming dường như đã trở thành một lời tuyên ngôn mạnh mẽ về cách xây dựng hình ảnh và phong cách cá nhân không chỉ sạch sẽ tươm tất mà còn là lối sống, phong cách sống ở thế kỷ 20.
Elvis Presley
Văn hóa hình ảnh cá nhân và tự do giới tính (metrosexuals) xuất hiện vào cuối thập niên 1990-2000 do nhà báo người Anh Mark Simpson đặt ra trong tờ The Independent mô tả những người đàn ông thành thị quan tâm đến ngoại hình, thời trang và chăm sóc cá nhân. Thuật ngữ này còn chỉ việc giới tính không liên quan đến cách mỗi người chăm chút ngoại hình.
David Beckham
Hai biểu tượng của nền văn hóa này có thể nhắc tới David Beckham, Cristiano Ronaldo là mẫu hình tượng nam giới hiện đại chú trọng vào skincare, tạo kiểu tóc và sử dụng nước hoa riêng. Beckham là một trong những người đàn ông đầu tiên công khai sử dụng mỹ phẩm, dưỡng da, tạo kiểu tóc mà vẫn duy trì hình ảnh nam tính mạnh mẽ khi râu tóc được cắt tỉa gọn gàng, có phong cách – không xuề xòa nhưng cũng không quá trau chuốt. Beckham giúp hợp thức hóa việc Grooming cho nam giới ở đại chúng, đặc biệt tại Anh và châu Âu.
Ronaldo đại diện cho việc chăm chút ngoại hình một cách chuẩn nam tính, không đáng xấu hổ. Không chỉ ghi bàn đẹp mắt, Ronaldo còn gây chú ý với vẻ ngoài bóng bẩy, kiểu tóc cầu kỳ, cơ thể săn chắc. Ronaldo luôn cạo râu sạch sẽ, dưỡng da mặt, sử dụng kem chống nắng và chăm sóc da sau tập luyện.
Tựu trung lại, lịch sử Grooming của nam giới qua từng thời kỳ nhấn mạnh vào khía cạnh văn hóa, thời trang và tâm lý xã hội lý giải về việc chỉn chu ngoại hình ở nam giới luôn bị hiểu lầm và xem nhẹ qua nhiều thế kỷ. Grooming không chỉ là một hình thức “vệ sinh cơ thể” mà là một hình thức tự chăm sóc tâm lý giúp nam giới tự tin kiểm soát hình ảnh cá nhân tốt hơn. Nó còn là một hành vi văn hóa hòa vào chuẩn mực xã hội nhưng không đánh mất bản sắc cá nhân. Grooming ở nam giới còn là cách tái định nghĩa về vẻ đẹp nam tính, xóa bỏ lằn ranh về giới tính.
Timothée Chalamet là Đại sứ cho dòng Nước hoa BLEU DE CHANEL, đại diện thế hệ gen Z nam biết chăm sóc và làm đẹp
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn