Từ Hiếu Văn Ngư đến Bạch Hoa Bộ Hành: Xây dựng cộng đồng, lan toả giá trị văn hoá

  • by Huyền My Trương
  • April 16, 2025

Câu nói bất hủ của nhà văn Anne Frank vang vọng qua thời gian, như một lời khẳng định về sức mạnh của lòng nhân ái: “Chưa có ai trở nên nghèo hơn vì cho đi”. Giữa guồng quay cuộc sống đầy lo toan vẫn có những người âm thầm gieo mầm yêu thương và xây cầu hy vọng, tạo nên những cộng đồng đầy ý nghĩa.

Hiếu Văn Ngư – “Cá nhỏ” mang văn hóa Việt vươn xa

Văn hóa truyền thống đôi khi được trình bày một cách khô khan, khó hiểu, khiến cho giới trẻ cảm thấy e ngại. Chính vì vậy, Hiếu Văn Ngư ra đời như một làn gió mới, mang đến một cách tiếp cận văn hóa hoàn toàn khác biệt.

Được thành lập từ năm 2020, Hiếu Văn Ngư (Cultura Fish) – tên của một nhóm bạn trẻ hoạt động về nghệ thuật giữa Sài Gòn, chuyên nghiên cứu, ứng dụng và sáng tạo với di sản văn hóa và nghệ thuật. Theo trưởng nhóm Lục Phạm Quỳnh Nhi tiết lộ, “Hiếu” nghĩa là hiếu thảo, hiếu học; “Văn” là văn hóa, văn chương; và “Ngư” là con cá. Tên gọi “Hiếu Văn Ngư” mang ý nghĩa “con cá ham tìm hiểu về văn hóa”, thể hiện khát vọng của nhóm là người Việt Nam nên hiểu rõ văn hóa Việt Nam để có thể tự tin đi ra thế giới. 

Dẫu xuất thân từ nhiều lĩnh vực khác nhau (sư phạm, truyền thông, IT, kế toán, hội họa), nhưng các bạn trẻ Hiếu Văn Ngư biết cách tận dụng những thế mạnh riêng để cùng nhau khám phá, tìm hiểu di sản văn hóa phi vật thể, nhất là ở khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Từ đó, nhóm đã biến tấu thành những “món ăn tinh thần” phù hợp với nhịp sống hiện đại. 

Trên hành trình ấy, nhóm đã nhận được đông đảo sự quan tâm, ủng hộ từ các bạn trẻ đồng trang lứa cũng như thế hệ đi trước. Sau hơn 3 năm miệt mài hoạt động, “chú cá nhỏ” đã mang đến những dự án ý nghĩa được đầu tư bài bản. Trong đó, “Hát bội 101” là workshop giúp bạn trẻ và giới mộ điệu hiểu, nắm bắt và thực hành các hoạt động của của ca diễn trong hát bội. Tiếp đến, “Phong hoa vịnh” là dự án lưu trữ, truyền dạy và ứng dụng chất liệu ru, hò, lý hướng đến khán giả trẻ mong muốn “ôn cố tri tân”. Sau cùng, “Ca biện phấn hành” là chuỗi talkshow kết hợp biểu diễn nghệ thuật hát bội trong dịp hè 2024 gồm 5 kỳ với nội dung đặc sắc về hát bội. 

Zám – Thổi hồn sống cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Không riêng Hiếu Văn Ngư, Zám cũng là một trong những nhóm cộng đồng nổi bật trong thời gian qua. Đây là một studio sáng tạo gồm khoảng 10 bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z tại TP.HCM, được thành lập vào năm 2022 bởi hai cựu sinh viên RMIT Việt Nam là Phạm Quang Vinh và Nguyễn Ngọc Thùy Vy (sinh năm 2000) . Tên gọi “Zám” là sự kết hợp độc đáo giữa “Gen Z” và tinh thần “dám nghĩ dám làm”, thể hiện khát vọng đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực truyền thông văn hóa.​

Zám được biết đến rộng rãi qua màn “thay áo mới” cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vào cuối tháng 8/2024. Nhóm đã thiết kế bộ nhận diện thương hiệu mới cho bảo tàng, lấy cảm hứng từ họa tiết hoa chanh trên các ô cửa sổ, kết hợp màu đỏ son và sắc ngọc để tạo nên hình ảnh hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Ngoài ra, Zám còn nhân hóa bảo tàng thành nhân vật “ông Bảo”, phát triển các sản phẩm merchandise và thực hiện bộ sưu tập nghệ thuật “Mừng Lộc Rồng Tiên Tết 2024”, được giới thiệu trên tạp chí sáng tạo quốc tế Lürzer’s Archive. 

Vietnam Centre – Tiếp nối truyền thống văn hóa Việt

Cùng với Hiếu Văn Ngư và Zám, Vietnam Center (VNC) là một trong những dự án văn hóa nổi bật, góp phần lan tỏa tình yêu và niềm tự hào về di sản Việt Nam đến cộng đồng. Theo đó, VNC là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận và độc lập, được thành lập với sứ mệnh quảng bá văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới. Tổ chức này tin rằng văn hóa Việt Nam là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa toàn cầu và thời điểm hiện tại để thể hiện hết tiềm năng và sức sống của nó.​ 

Vietnam Center tập trung vào việc nghiên cứu, sưu tầm và giới thiệu các khía cạnh khác nhau của văn hóa Việt Nam, từ lịch sử, nghệ thuật, văn học đến phong tục tập quán và ẩm thực. Họ tổ chức các buổi triển lãm, hội thảo, tọa đàm và các hoạt động văn hóa khác nhằm nâng cao nhận thức và tình yêu văn hóa trong cộng đồng. Nổi bật phải kể đến là cuốn sách ảnh trang phục thời Lê sơ – “Dệt Nên Triều Đại” đã được đưa vào các thư viện của Đại học Quốc gia Úc.

Bên cạnh đó, VNC cũng chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ và các phương tiện truyền thông hiện đại để lan tỏa văn hóa Việt Nam đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Họ tạo ra các nội dung số hấp dẫn, các ứng dụng tương tác và các dự án trực tuyến nhằm mang đến những trải nghiệm văn hóa độc đáo và thú vị.

Vietales – Sắc màu Việt Nam qua những câu chuyện 

Vietales là một dự án truyền thông và giải trí sáng tạo được thành lập vào năm 2022, do Phạm Vĩnh Lộc (sinh năm 1990) sáng lập. Đồng thời, Vietales truyền tải nét đẹp về văn hóa, lịch sử, địa lý một cách sinh động và công phu, mang đến những thông tin độc đáo trải khắp kim cổ đông tây. Tại đây, người đam mê lịch sử có thể khám phá những câu chuyện hấp dẫn, đầy bất ngờ, được kể lại theo một cách hoàn toàn mới như: “Cuộc phiêu lưu của Đại Thừa Đăng”, “Đại Việt thắng Nguyên Mông: Chiến thắng kiểu Pyrros”, “Kỷ Hiểu Lam và Quốc hiệu Việt Nam”, “Quân đội hùng mạnh nhà Tây Sơn được tổ chức ra sao”…

Bách Hoa Bộ Hành – Tôn vinh vẻ đẹp cổ phục Việt

Không kể những câu chuyện về một thời lẫm liệt, “Bách Hoa Bộ Hành” là hành trình tìm về cội nguồn, nơi những giá trị văn hóa truyền thống được tái hiện một cách sống động và đầy cảm xúc. Đây là một sự kiện diễu hành nghệ thuật độc đáo, nơi những bộ cổ phục Việt truyền thống được tái hiện một cách sống động. Sự kiện này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2022 và đã trở thành một hoạt động thường niên, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, nhằm quảng bá và tôn vinh vẻ đẹp của trang phục dân tộc, đồng thời truyền tải những thông điệp văn hóa ý nghĩa đến với công chúng thông qua hoạt động đi bộ biểu diễn Việt phục. 

Được biết, tên gọi “Bách Hoa Bộ Hành” xuất phát từ mong muốn kết nối với phong cách và văn hóa truyền thống của người Việt. Trong bối cảnh hiện nay, khái niệm “cổ phong” thường được sử dụng để diễn tả những giá trị thẩm mỹ mang đậm dấu ấn quá khứ. Để hòa quyện với tinh thần đó và gợi nhớ về một giai đoạn lịch sử văn hóa chữ vuông đặc sắc của Việt Nam, nhóm tác giả đã quyết định đặt tên cho sự kiện là “Bách Hoa Bộ Hành”. 

A Way To Green – Hướng đến giá trị bền vững

Năm 2022, A Way To Green đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong hành trình lan tỏa lối sống xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam. Bằng việc kiến tạo một không gian nghiên cứu và sáng tạo đầy cảm hứng, tổ chức đã thành công trong việc truyền tải những thông điệp ý nghĩa, thúc đẩy cộng đồng hướng tới những giá trị bền vững thông qua các không gian bao gồm: A Way To Green Gallery, A Way To Green E-Commerce, A Way To Green Society và A Way To Green Training…

Song song đó, các dự án hội thảo chuyên sâu, hoạt động trải nghiệm thực tế cùng chuỗi workshop đào tạo bài bản do A Way To Green thực hiện trong năm qua đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng. Những phản hồi tích cực này không chỉ khẳng định sức lan tỏa của tinh thần “Sống xanh” và “Bền vững”, mà còn cho thấy những giá trị thiết thực mà A Way To Green đã mang lại cho cộng đồng. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của A Way To Green đã góp phần tạo nên một cộng đồng ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nhóm môi trường xanh Đại Lãnh – Nỗ lực kiến tạo “lá phổi xanh”

Nhóm “Môi trường xanh” là một nhóm tình nguyện hoạt động tại xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Được thành lập vào tháng 9/2022 dưới sự dẫn dắt của thầy Nguyễn Thanh Phong – một giáo viên tâm huyết của Trường Tiểu học Đại Lãnh. Với thông điệp giản dị mà sâu sắc:“Thêm một người nhặt rác, bớt đi một người xả rác”, nhóm Môi Trường Xanh Đại Lãnh đã trở thành biểu tượng cho tinh thần tình nguyện bảo vệ môi trường tại địa phương. Những hành động tưởng chừng nhỏ bé của họ, từ việc thu gom rác thải trên bãi biển đến việc tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn vẻ đẹp hoang sơ của Đại Lãnh.

Không chỉ vậy, nhóm còn lan tỏa nguồn cảm hứng mạnh mẽ về lối sống xanh và bền vững, thúc đẩy mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường. Qua đó, nhóm đã chứng minh rằng với sự chung tay của mỗi cá nhân, những thay đổi tích cực hoàn toàn có thể được tạo ra, mang lại một môi trường sống trong lành và tươi đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Nhà nhiều lá – Lan tỏa tinh thần sống xanh

“Nhà nhiều lá” là một dự án cộng đồng được thành lập vào cuối năm 2020, do Hoàng Quý Bình và nhóm bạn trẻ đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM xây dựng, nhằm lan tỏa cách sống xanh qua thông qua các sự kiện gom, tái chế rác, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. 

Tại đây, một không gian thư viện ấm cúng với hơn 3.000 đầu sách đa dạng thể loại được thiết lập, tạo điều kiện lý tưởng cho các bạn trẻ tìm kiếm tri thức và thư giãn. Đặc biệt, “Nhà Nhiều Lá” còn xây dựng một hình thức mượn sách độc đáo, dựa trên sự tin tưởng và tinh thần tự giác của người đọc. Thay vì các thủ tục phức tạp, sinh viên có thể mượn sách miễn phí, “đặt cọc bằng niềm tin”, thể hiện sự trân trọng đối với văn hóa đọc và xây dựng một cộng đồng văn minh. Những năm qua, “Nhà nhiều lá” đã duy trì và phát triển nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa. 

Ngoài ra, địa điểm này còn trở thành điểm hẹn cuối tuần quen thuộc với chuỗi hoạt động thu gom rác thải tái chế khác như: thu gom pin, vỏ hộp sữa, chai nhựa, giấy, thủy tinh, quần áo cũ và nhiều loại rác thải khác.

Limloop – Sáng tạo từ sự tử tế

Giữa guồng quay của ngành công nghiệp thời trang nhanh, Limloop nổi lên như một điểm sáng, chuyên sản xuất các sản phẩm túi xách và phụ kiện từ vật liệu tái chế, đặc biệt là nylon. Thành lập từ năm 2017, Limloop không chỉ tập trung vào thiết kế sáng tạo mà còn hướng đến việc giảm thiểu rác thải và tạo cơ hội việc làm cho cộng đồng kém may mắn.

Limloop đã tạo ra một mô hình kinh doanh độc đáo khi xây dựng một hệ sinh thái thu gom nylon hiệu quả, tạo ra một vòng tuần hoàn khép kín. Họ thu gom nilon đã qua sử dụng từ cộng đồng và các doanh nghiệp đối tác uy tín như Thế Giới Di Động, Vietnam Airlines, Vincom… để tái chế thành các sản phẩm thời trang độc đáo và bền vững như túi tote, túi đeo chéo, ví. Sau đó, biến chúng thành những sản phẩm thời trang độc đáo và bền vững.

Đáng chú ý, quy trình sản xuất của Limloop còn là sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và kỹ thuật thủ công truyền thống. Họ sử dụng các phương pháp như ép nhiệt và dệt thủ công để tạo ra chất liệu mới từ nilon tái chế, đảm bảo tỷ lệ thành phần tái chế trên mỗi sản phẩm đều trên 60%. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa, mà còn tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, mang đậm dấu ấn sáng tạo và tinh thần bảo vệ môi trường.

Bài: Khánh Duyên
Ảnh: Tổng hợp

library