Ngày trước khi nhìn thấy một cặp đôi chia tay, một cặp vợ chồng không còn đồng hành, ta thường thắc mắc lý do vì sao chứ ít khi quan sát thái độ hậu chia tay của họ. Ta nghĩ nhiều hơn về những vấn đề không hợp, tình yêu chưa đủ lớn hay đoán già đoán non xem một trong hai ai là người có lỗi và rồi suy luận ngược lại “À chắc mới bị cắm cho cái sừng nên mới khóc lóc thảm thiết như thế!”. Nhưng mọi chuyện vốn dĩ không phải như vậy.
Khi con người đắm chìm trong tình yêu, não bộ sẽ tiết ra các hormone hạnh phúc như dopamine và oxytocin tạo cảm giác vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng bạn có bao giờ thắc mắc, nếu bạn hay ai đó xung quanh mình phải đối mặt với bốn chữ “Mình chia tay đi”, họ sẽ phản ứng ra sao không?
Có phải điểm chung của phần lớn người nghe thấy lời nói kết thúc một mối quan hệ đều là sốc, bàng hoàng, không thể tin được vào sự thật trước mắt? (Hẳn bạn đã từng trải qua tình cảnh tương tự ít nhất một lần trong đời).
Lấy một ví dụ khoa học cho cách con người phản ứng với những điều mình không mong chờ bằng lý thuyết của nhà sinh lý học Walter Cannon. Qua nhiều nghiên cứu, ông nhận thấy có một chuỗi hoạt động được kích hoạt trong dây thần kinh và các tuyến nội tiết, để chuẩn bị cho cơ thể sống lựa chọn chiến đấu chống lại hoặc bỏ chạy để đến nơi an toàn bảo toàn tính mạng khi gặp nguy hại. Tại điểm trung tâm của phản ứng căng thẳng này là vùng dưới đồi có liên quan đến một loạt phản ứng cảm xúc. Vùng dưới đồi được hiểu một cách đơn giản là trung tâm căng thẳng bởi vì chức năng kép của nó trong những tình huống khẩn cấp: kiểm soát hệ thần kinh tự trị và kích hoạt tuyến yên.
Đến hiện tại, ta vẫn hay gọi đây là phản ứng “chiến hoặc chạy” (fight or flight) – một phản ứng xuất hiện khi có mặt một thứ gì đó gây khiếp sợ cho chủ thể, cả về tinh thần và thể xác. Dù là tình huống nào thì phản ứng sinh lý và tâm lý đối với căng thẳng cũng giúp cơ thể chuẩn bị để phản ứng lại mối nguy hiểm đó. Phản ứng này có thể xảy ra trong nhiều trường hợp, ví như một mối hiểm họa sắp xảy đến (chạm trán với một con chó lạ sủa và gầm gừ liên tục) hoặc là kết quả của một đe dọa thiên về tâm lý (chuẩn bị có một buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp trước hội đồng trường đại học). Bạn có thể bị đặt vào tình huống buộc lựa chọn hoặc hít thở thật sâu, gom đủ dũng khí để bước vào phòng họp, hoặc bạn quá sợ hãi để đối diện với áp lực vô hình đó nên chọn cách bỏ mặc rồi chạy vào một góc nào khác. Đây chính là cách mà cơ chế “chiến hoặc chạy” hoạt động.
Khi trải qua cuộc chia tay, đặc biệt là một cuộc chia tay bất ngờ, cơ thể bạn có thể xem đây là một tình huống khẩn cấp và chuyển sang chế độ “chiến hoặc chạy”. Khác với sự tự nhận thức, khi con người luôn tìm cách lý giải cho cảm xúc và hành vi của mình thì ở thời điểm đối mặt với chuyện tan vỡ, ta thường có hành vi chất vấn ngược lại, tò mò vì sao đối phương lại làm vậy. “Mình vẫn đang rất ổn mà?”, “Tại sao anh/em lại làm vậy?”, “Không, em không đồng ý chuyện ta chấm dứt”, “Em chỉ đang giận dỗi thử anh thôi đúng không?”,… Những câu này bạn nghe có quen không? Đối với những điều không mong chờ, ta thường có xu hướng lựa chọn “chiến” với hàm ý chối bỏ, không muốn chấp nhận sự thật đó.
Nhưng liệu lựa chọn “chiến” kia chỉ có từng đó ý nghĩa? Hành động và kết cục được tạo nên bởi mối quan hệ nhân quả. Sẽ không có một khuôn mẫu kết quả cho những người lựa chọn “chiến” vì hành động, suy nghĩ, lời nói của mỗi người trong mối quan hệ là khác nhau. Có cả ngàn lý do để chúng ta chọn phương án “chiến” khi đối mặt với lời chia tay hoặc những cảm xúc ngổn ngang hậu chia tay, đồng nghĩa với việc có thêm hàng ngàn hàm ý, dẫn đến hàng ngàn kết quả khác nhau cho lựa chọn đó.
Những thái cực của lựa chọn này có thể đi theo nhiều ngã rẽ nhưng đích đến cuối cùng của “chiến” nên là sự đối mặt với cảm xúc của mỗi người, để nhận biết được hiện thực, để biết mình đang ở đâu trong giai đoạn chia tay đó để vỗ về cho nỗi đau. Tuy nhiên, với nhiều người, những hỗn loạn trong cảm xúc có thể dẫn đến định nghĩa sai về chiến đấu trong cơ chế “chiến hoặc chạy”. Họ vô tình hoặc cố tình biến “chiến” trở thành cái khiên bảo vệ cho những hành động và xúc cảm tiêu cực của mình.
Quay trở lại với ví dụ đầu bài, ta không khẳng định ai đúng ai sai nhưng ta lại dễ dàng nhìn thấy một điều: Có một người sau cuộc chia tay đã lựa chọn phương án “chiến” với cộng đồng mạng, và có lẽ là với cả người mình từng yêu thương theo một chiều hướng tiêu cực. Chỉ sau một giờ đăng tải tin xác nhận chia tay sau 12 năm yêu nhau, anh chàng này đã nhanh chóng đăng tải hình ảnh hẹn hò với đối tượng mới, có chăng là để ngầm khẳng định mình sẽ không bao giờ là người bị bỏ lại trong mối quan hệ kéo dài hơn cả thập kỷ đó.
Chúng ta không thể phủ nhận được rằng một số người lựa chọn cách “chiến” bằng cách lạm dụng mối quan hệ thay thế (rebound), với mong muốn cho mọi người biết rằng họ đang vui vẻ với một ai khác chứ không bi lụy sau lần chia tay đó.
Con người là một sinh vật khó hiểu vô cùng. Khi người ta còn yêu thì có quan niệm kết hôn và ở với nhau đến đầu bạc răng long mới là hạnh phúc, đặt yếu tố gia đình cũng như gắn kết lên hàng đầu và cho rằng việc dang dở là thất bại. Đến khi chuyện tình của mình tan vỡ thì họ lại vội vàng tìm kiếm sự gắn kết ở một nơi khác để chứng minh mình vẫn hạnh phúc vẹn nguyên như thế, mình không cho phép cái dang dở nào len lỏi vào cuộc sống hoàn hảo này.
Chính vì mang quan điểm và mắc kẹt trong quan điểm đó nên người ta sẽ không hiểu được hạnh phúc của người khác và lầm tưởng trong việc định nghĩa hạnh phúc của chính mình. Cái lầm tưởng này được quy chung về một nghĩa là đàm tiếu khi thấy người khác dang dở, nhưng đồng thời lại không muốn người khác thấy mình bị “đứt gánh giữa đường”.
Đây chẳng phải là nguồn cơn lớn nhất của lựa chọn “chiến” với nỗi đau hậu chia tay bằng các mối quan hệ thay thế sao?
Đâu chỉ có vậy, con người từ quan điểm trên lại nảy ra xu hướng muốn cho người khác thấy tất thảy hình ảnh tốt đẹp về mình. Nhìn lại câu chuyện về cặp đôi người Thái, sẽ chẳng có gì rầm rộ nếu cả hai chọn cách kết thúc đoạn tình cảm trong hòa bình, nhưng anh chàng kia lại không nghĩ được điều tương tự. Tôi sẽ vui vẻ một cách công khai bên người khác dù chỉ mới gặp gỡ vài tháng. Đó là suy nghĩ của một người đang trốn tránh việc họ đã định nghĩa sai lựa chọn “chiến” với cảm xúc hậu chia tay. Có thể trong phút giây nào đó họ biết mình sai, nhưng họ chọn lờ đi. Và đương nhiên trong mọi trường hợp, trốn tránh vấn đề chưa bao giờ là cách giải quyết vấn đề cả.
Hậu quả của việc “chiến” vội vàng rất dễ lường trước. Họ có thể làm tổn thương người khác và đôi khi là tổn thương chính mình. Tất cả những điều họ ngỡ rằng đó là một phần của chuyện bước tiếp nhưng tất cả chỉ là chút vương vấn còn lại, và ai đó sẽ là chỗ để chút vương vấn đấy được thể hiện ra, đơn giản hơn là một bóng hình thay thế người yêu cũ. Và phần lớn cái kết dành cho những ai tìm đến hình bóng thay thế đó, luôn luôn là sự trống rỗng.
Trải qua một cuộc tình, còn lại với ta chỉ là những cảm xúc ngổn ngang. Khi lạc đường, ta thường để cảm xúc tiêu cực dẫn lối đưa ta khỏi mê cung đó mà không hề biết rằng mình đang lún sâu hơn. Ta đã bàn phần nhiều về những lý do chủ quan khiến chúng ta định nghĩa và làm chệch hướng mục đích của “chiến” – vốn là sự đối mặt trực tiếp với cảm xúc của mình, nhưng phần lớn trong ta không tự nhận thức được điều đó.
Sau tất cả, không có một công thức nào để áp dụng cho phản ứng bạn nên có hậu chia tay. Ai cũng có hai lựa chọn, hoặc đối diện trực tiếp, hoặc lảng tránh nỗi đau.
Nỗi đau sau chia tay tuy có huỷ hoại phần lớn tế bào thần kinh của chúng ta, nhưng cũng giúp mỗi người hiểu bản thân mình hơn. Có một sự đồng thuận là ai cũng cần thời gian tự chữa lành bản thân và nhận ra mình là ai khi đứng độc lập như một cá thể riêng biệt. Từ đó, ta sẽ gột bỏ tất cả, không lặp lại sai lầm cũ và có những lựa chọn đúng đắn.
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn