Trong những năm gần đây, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển và ứng dụng rầm rộ của Trí tuệ Nhân tạo (AI) mang tính cách mạng đến những bước đột phá trong máy tính lượng tử, năng lượng xanh và Thực tế Mở rộng (XR). Công nghệ đang và sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ, định hình rõ rệt cuộc sống, xã hội và kinh tế loài người hiện tại và tương lai.
1. Trí tuệ nhân tạo (AI)
Trong những năm gần đây, Trí tuệ Nhân tạo (AI) đã chuyển từ giai đoạn thử nghiệm sang trở thành thành phần cốt lõi của các doanh nghiệp. Mức độ áp dụng AI đã tăng 2,5 lần kể từ năm 2017, với 65% tổ chức doanh nghiệp tích hợp ít nhất một chức năng AI vào trong các hoạt động vận hành. Các giải pháp AI mã nguồn mở như Llama của Meta đang cho phép cả các doanh nghiệp nhỏ tận dụng sức mạnh của các mô hình AI tiên tiến. Dự kiến đến năm 2025, 77% tổ chức doanh nghiệp sẽ vận hành AI như một phần quan trọng trong việc đưa ra các quyết định chiến lược.
Các lĩnh vực đang ứng dụng mạnh mẽ AI:
Sáng tạo và cá nhân hóa nội dung: Các công cụ như ChatGPT của OpenAI giúp hỗ trợ sáng tạo nội dung và cá nhân hóa nội dung rất hữu hiệu. ChatGPT đạt hơn 100 triệu người dùng chỉ trong hai tháng sau khi ra mắt vào tháng 11/2022, đang tái định nghĩa tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng.
Đột phá trong y tế: Ứng dụng AI được ứng dụng trong việc hỗ trợ phát hiện bệnh sớm, chẳng hạn như các hệ thống hình ảnh do AI hỗ trợ có thể phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm hơn.
Tác động kinh doanh: PwC báo cáo rằng các công ty sử dụng AI cải thiện năng suất, đưa ra quyết định hiệu quả hơn và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Các ngành như sản xuất hiện dựa vào AI để bảo trì dự đoán và giảm thiểu lãng phí, thay đổi cách làm việc truyền thống.
2. Công nghệ Thực tế Mở rộng (XR)
Thực tế Mở rộng (XR), bao gồm Thực tế ảo (VR) và Thực tế tăng cường (AR), đang chuyển từ ứng dụng đặc thù sang sử dụng phổ biến. Tiềm năng của XR trong việc kết hợp thế giới thực và kỹ thuật số đang định hình lại các ngành công nghiệp như sản xuất, y tế và giáo dục. Theo McKinsey ước tính đến năm 2030, metaverse – xây dựng trên nền tảng XR – có thể tạo ra giá trị lên đến 5 nghìn tỷ USD. Bên cạnh đó, theo dự báo thị trường thì các ứng dụng XR sẽ ngày càng hướng tới người tiêu dùng (chẳng hạn như kính AR) có thể thay thế một số chức năng của điện thoại thông minh.
Một vài ứng dụng thực tiễn của XR trong hiện tại và tương lai:
Sản xuất: Hãng xe BMW đã giảm thời gian lập kế hoạch sản xuất xuống 30% nhờ sử dụng các công cụ XR để bố trí nhà máy ảo.
Y tế: Thị trường AR/VR trong lĩnh vực y tế được dự đoán đạt 13,74 tỷ USD vào năm 2032, hỗ trợ lập kế hoạch phẫu thuật ảo và đào tạo y khoa nhập vai.
Giáo dục: Theo báo cáo của PwC (một trong big4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới) người học qua VR nhanh gấp 4 lần trong việc tiếp thu thông tin và tự tin áp dụng kỹ năng mới hơn 275% so với phương pháp đào tạo truyền thống.
3. Internet vạn vật (IoT) và Điện toán biên (Edge Computing)
Internet vạn vật hay còn có tên Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT) và điện toán biên đang cách mạng hóa khả năng kết nối, thay đổi cách các thiết bị tương tác với nhau và với con người. Sự kết hợp của IoT và điện toán biên đảm bảo xử lý dữ liệu theo thời gian thực với độ trễ thấp, rất quan trọng cho các ứng dụng như xe tự hành và tự động hóa công nghiệp. Sự kết nối mạnh mẽ này là trung tâm của các ngôi nhà, thành phố và ngành công nghiệp thông minh. Theo những thống kê và dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường IoT được dự đoán đạt 947,5 tỷ USD vào kết năm 2024 và lưới điện thông minh hỗ trợ IoT có thể giảm 2,2 gigaton CO2 vào năm 2050.
Những ứng dụng sẽ được đẩy mạnh trong tương lai:
Thành phố thông minh: Điện toán biên trong hệ thống quản lý giao thông có thể giảm tắc nghẽn và thời gian di chuyển tới 30%. Đèn đường kết nối tối ưu hóa năng lượng, cải thiện tính bền vững.
Y tế: Các thiết bị IoT như máy đo nhịp tim đeo tay được dự đoán sẽ thúc đẩy thị trường IoT y tế đạt 305,55 tỷ USD vào năm 2032.
4. Mạng 5G và sự trỗi dậy của mạng 6G
Mạng 5G đã thay đổi sự kết nối và đổi mới trong nhiều ngành, như xe tự hành, phẫu thuật từ xa và giải trí nhập vai. Đến hết năm 2024, việc triển khai 5G tại hơn 70 quốc gia dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng mới, đặc biệt ở các khu vực đô thị. Với tốc độ nhanh gấp 100 lần so với 4G, 5G hỗ trợ các ứng dụng thời gian thực trong AR/VR, y tế từ xa, giúp xe tự hành giao tiếp với cơ sở hạ tầng, tăng cường an toàn và giảm tai nạn tới 80%.
Và trong tương lai, sự trỗi dậy của mạng 6G hứa hẹn mang đến tốc độ lên tới 1 terabit mỗi giây (nhanh hơn 1.000 lần so với 5G). Từ đó dẫn đến sự phát triển của các ứng dụng tiềm năng như truyền thông hologram và môi trường ảo hoàn toàn nhập vai.
5. Máy tính lượng tử
Máy tính lượng tử đang chuyển từ lý thuyết sang ứng dụng thực tế, với khả năng xử lý mạnh mẽ chưa từng có, mở khóa giải pháp cho các vấn đề phức tạp. Không giống như máy tính truyền thống, hệ thống lượng tử sử dụng các qubit để thực hiện tính toán với tốc độ theo cấp số nhân.
IBM, Google và các công ty hàng đầu khác đã đạt được cột mốc về “ưu thế lượng tử”. Đến năm 2030, lĩnh vực này dự kiến sẽ trị giá hơn 125 tỷ USD, với việc được ứng dụng đa ngành từ y học đến an ninh mạng.
Ứng dụng tiềm năng của máy tính lượng tử :
Dược phẩm: Máy tính lượng tử có thể mô phỏng phân tử phức tạp, rút ngắn thời gian phát triển thuốc từ hàng thập kỷ xuống vài năm.
Tài chính: Các ngân hàng và tổ chức tài chính như JPMorgan Chase đang đầu tư vào máy tính lượng tử để tối ưu hóa danh mục đầu tư và dự đoán rủi ro tốt hơn.
Ngành cung ứng: FedEx đã triển khai các thuật toán lượng tử để tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển, giúp tiết kiệm chi phí và năng lượng.
6. Công nghệ xanh và bền vững
Nhu cầu giảm thiểu biến đổi khí hậu đang thúc đẩy sự đổi mới trong công nghệ xanh. Từ năng lượng tái tạo đến vật liệu sinh học đang định nghĩa lại nền kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo của Deloitte – một trong big4 kiểm toán toàn cầu, việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo có thể tạo ra hơn 10 triệu việc làm trên thế giới vào năm 2030. Sự đổi mới trong vật liệu xây dựng bền vững, như xi măng không phát thải carbon, cũng đang thúc đẩy ngành xây dựng tái cấu trúc.
Những tiến bộ quan trọng của công nghệ xanh bền vững hiện nay:
Năng lượng tái tạo: Các công nghệ pin tiên tiến đang làm cho năng lượng mặt trời và năng lượng gió trở nên hiệu quả hơn. Ví dụ, Tesla đã đầu tư vào pin lithium-silicon, giúp kéo dài thời gian lưu trữ năng lượng.
Công nghệ thu giữ carbon (CCS): CCS có thể thu giữ tới 90% lượng khí CO2 từ các nguồn công nghiệp, giảm đáng kể khí thải nhà kính.
Nông nghiệp bền vững: Máy bay không người lái (drone) và cảm biến IoT được sử dụng để giám sát đất đai và cây trồng, tối ưu hóa việc sử dụng nước và phân bón.
7. Công nghệ sinh học (Biotechnology)
Trong nhiều năm qua, công nghệ sinh học tiếp tục mang lại các giải pháp đột phá và thay đổi cho các vấn đề toàn trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp và môi trường… Thị trường công nghệ sinh học dự kiến sẽ đạt 2,44 nghìn tỷ USD vào năm 2028, với sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi đầu tư của chính phủ và tư nhân.
Những ứng dụng nổi bật:
Liệu pháp gen: Liệu pháp chỉnh sửa gen như CRISPR đang cách mạng hóa y học, cung cấp giải pháp điều trị cho các bệnh di truyền như bệnh hồng cầu hình liềm.
Thực phẩm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm: Các công ty như Memphis Meats đang tạo ra thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, giảm áp lực lên nông nghiệp truyền thống và giảm phát thải khí nhà kính.
Chống biến đổi khí hậu: Các vi sinh vật kỹ thuật sinh học được sử dụng để loại bỏ carbon từ khí quyển, với những ứng dụng trong tái chế chất thải và xử lý nước.
8. An ninh mạng
Với sự gia tăng của các cuộc tấn công mạng và dữ liệu bị rò rỉ, an ninh mạng tiếp tục là một lĩnh vực được ưu tiên cao. Từ các mã độc tống tiền (ransomware) đến mối đe dọa về AI, việc bảo vệ thông tin đã trở thành yếu tố sống còn cho mọi tổ chức. Báo cáo của Cybersecurity Ventures dự đoán tội phạm mạng sẽ gây thiệt hại tới 10,5 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2025. Song hành với đó, ngân sách đầu tư vào an ninh mạng toàn cầu dự kiến đạt 300 tỷ USD vào năm 2026.
Những vấn đề an ninh mạng tương lai
AI trong an ninh mạng: Các giải pháp an ninh mạng được hỗ trợ bởi AI, chẳng hạn như Darktrace, có thể phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa trong thời gian thực.
Blockchain: Blockchain không chỉ được sử dụng trong tiền điện tử mà còn trong bảo vệ dữ liệu, giúp giảm thiểu rủi ro gian lận.
Xác thực không mật khẩu: Nhiều tổ chức đang áp dụng sinh trắc học và mã OTP để giảm phụ thuộc vào mật khẩu, vốn dễ bị tấn công.