Trao quà ngày Tết: Từ nghệ thuật sống Á Đông đến chiến lược marketing của các nhãn hàng xa xỉ 
LifestyleWine & Dine

Trao quà ngày Tết: Từ nghệ thuật sống Á Đông đến chiến lược marketing của các nhãn hàng xa xỉ 

Khoảnh khắc năm cũ giao năm mới, cũng là lúc chúng ta nhìn lại những mối quan hệ của bản thân và trao nhau những gì quý giá nhất. Tặng quà vừa là một nét đặc trưng văn hóa, vừa là nghệ thuật cũng lắm công phu, bởi nó thể hiện sự chu đáo và tấm lòng của người tặng. Nhân thời khắc giao năm này, mời bạn cùng chúng tôi nhìn lại vẻ đẹp của một văn hóa lâu đời tại Việt Nam: trao tặng quà ngày Tết. 

Trao tặng quà ngày Tết – Nét đẹp ngàn đời của người Á Đông

Nếu như ở các nước châu Âu, việc tặng quà nhau trong ngày đầu năm mới kéo dài từ Giáng sinh đến Tết Dương lịch với hoa tươi, chocolate,… thì với Tết của người châu Á, việc trao tặng chủ yếu tập trung vào những ngày giáp Tết, với những thức quà hấp dẫn như bánh trái, rượu, trà thuốc,… hay vật phẩm thủ công thể hiện sự chăm chút, tỉ mỉ của các nghệ nhân. Những món quà Tết này chứa đựng những thông điệp nhằm thắt chặt sự gắn bó, mong an lành hạnh phúc. Đây chính là những tục lệ, nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc, biểu trưng cho sự quan tâm, lòng thành kính và biết ơn với những người thương yêu.

Trên thực tế, mỗi dân tộc, tôn giáo lại ghi chép những nguồn gốc khác nhau về sự ra đời của giỏ quà Tết. Theo truyền thuyết Hy Lạp, một trong những giỏ quà được biết đến sớm nhất là giỏ quà đựng cây non do nữ thần Eostre mang theo như một món quà tế thần trong dịp lễ cuối năm. Còn ở Nhật Bản, người dân ăn bánh dày ozoni với ước mong được nhận giỏ quà do các vị thần trong truyền thuyết ban tặng cho mình. Nhưng có một điều mà bất cứ ai cũng có thể khẳng định: đó là dù ở bất cứ nơi đâu, giỏ quà Tết vẫn hiện diện trong những truyền thuyết, thần thoại cổ xưa của từng dân tộc. 

Ngày xưa, quà tặng của người Việt khá giản dị nhưng được chọn lựa rất tinh tế. Chỉ qua một món quà nhỏ, mà ta có thể thấy ở trong đó tình cảm cũng như sự hiểu biết của người tặng quà. Chẳng hạn, mọi người thường tặng nhau áo hay mảnh vải mới. Những người phụ nữ khéo léo trong gia đình, họ thường tự tay làm quà Tết để đem biếu. Đó có thể là bánh chưng, bánh tét, cân giò, kẹo lạc hoặc các loại bánh đặc trưng khác của vùng miền. Mỗi món quà mang một hàm nghĩa đặc biệt, mà không áp lực về giá trị, nhưng chúng vẫn được người nhận trân quý và cất giữ cẩn thận.

Thời đại 4.0, nhu cầu vật chất được nâng cao, giá trị quà tặng cũng được nhiều người chú tâm hơn, một món quà được đầu tư kỹ lưỡng từ mục đích, ý nghĩa, đối tượng nhận quà hay tính thiết thực của món quà. Thêm vào đó, mỗi món quà còn lưu ý về hình thức, cách trang trí, gói ghém, món quà cần tinh tế, theo đúng cung cách, lễ nghĩa trao và nhận quà của người Việt Nam. Đó cũng là thời điểm mà các thương hiệu xa xỉ tập trung vào một phân khúc sản phẩm độc đáo chỉ xuất hiện một lần trong năm: quà Tết. 

Quà Tết – Cách tiếp cận khách hàng độc đáo của các nhãn hiệu xa xỉ 

Nắm bắt được thị hiếu này của người châu Á, giờ đây, ngày càng nhiều nhãn hàng xa xỉ đã bắt đầu tập trung vào dòng sản phẩm đặc biệt dành riêng cho việc trao tặng ngày Tết. Lý giải cho nguyên nhân này chính là sự chuyển dịch của ngành hàng xa xỉ đến thị trường châu Á, diễn ra trước hết tại Nhật Bản, đến Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, và gần đây là Việt Nam. 

Ông Sebastien Vilmot – Managing director của thương hiệu Hennessy khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cho biết: “Đông Nam Á vẫn là khu vực đang phát triển và có rất nhiều tiềm năng du lịch, đặc biệt là ở Việt Nam hay Thái Lan. Bên cạnh lượng dân số trẻ, giàu có sẵn tại mỗi đất nước, chúng ta cũng không thể bỏ qua lượng khách du lịch ngày càng tăng. Với những lý do đó, tôi nghĩ rằng việc hướng đến khu vực Đông Nam Á chính là bước đi đúng đắn của rất nhiều thương hiệu xa xỉ”

Để tiếp cận những khách hàng nội địa, một trong những yếu tố quan trọng chính là việc bản địa hóa sản phẩm hay dịch vụ để đáp ứng được thị hiếu khách hàng. Vào năm ngoái, hàng loạt thương hiệu thời trang lớn đều đồng loạt ăn mừng Tết Nguyên đán theo cách riêng của mình, với những bộ sưu tập giới hạn đắm trong sắc đỏ may mắn theo truyền thống Á Đông. 

Trong đó, đội ngũ chế tác đồng hồ của Dior đã tham gia lễ kỷ niệm với phiên bản giới hạn 88 chiếc. Được đặt tên là “Grand Soir Year of the Rabbit”, chiếc đồng hồ này có đặc điểm là hình ảnh con vật bằng vàng nhảy trong bối cảnh chạm nổi “Toile de Jouy” thần thoại. Nhà mốt Fendi thiết kế lại logo của thương hiệu cho bộ sưu tập tên “Tết Nguyên đán” mang sắc đỏ chủ đạo. Tương tự như vậy, sắc đỏ huyền thoại của Valentino cũng lần nữa được tôn vinh trong bộ sưu tập “Valentino Rosso Toile Iconographe” – dòng sản phẩm chào đón Tết Nguyên đán với các sản phẩm may mặc và phụ kiện độc quyền. Và Gucci, thương hiệu nổi bật đến từ Ý cũng đã tạo ra cả một bộ sưu tập thay đổi logo chữ lồng thành hình con thỏ trên quần áo và phụ kiện.

Cũng theo ông Sebastien Vilmot, khi đến với một thị trường nào đó, một thương hiệu xa xỉ sẽ hướng đến việc điều chỉnh linh hoạt tùy theo văn hóa sở tại của nơi đó. “Ở Indonesia và Philippines, gần như không có truyền thống trao tặng nhưng khi đến Việt Nam, chúng tôi nhận ra rằng văn hóa này ở đây rất được chú trọng. Hennessy chính là một trong những thương hiệu đầu tiên thật sự tập trung vào văn hóa này của Việt Nam, khi ra mắt những bao bì sản phẩm màu đỏ tươi ngụ ý một năm mới thịnh vượng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn cho ra mắt giỏ quà tặng với rượu và kẹo – là thứ không giống với những nước khác và thú thật là tôi cũng chưa từng thấy trước đây. Đó là ví dụ mà chúng tôi đã quan sát được. Việt Nam có nền văn hóa riêng, chúng tôi tôn trọng nó và tôn vinh theo cách thức hợp lý”, ông nói.  

Là cái tên đi đầu trong văn hóa trao tặng xa xỉ ở Việt Nam trong những năm gần đây, Hennessy cho thấy một nỗ lực không nhỏ trong việc tiếp cận người tiêu dùng bản địa. Dành cho Tết Nguyên đán 2024, thương hiệu đã đặc biệt ra mắt bộ sưu tập giới hạn đặc biệt được lấy cảm hứng từ một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số của nghệ sĩ Trung Quốc Yang Yongliang mang tên “Dragon’s Odyssey.” Lấy cảm hứng từ khẩu hiệu chiến dịch “Together we are unstoppable” của Maison Hennessy, bộ sưu tập phiên bản giới hạn mang đặc tính của năm 2024 – một năm để giải phóng năng lượng tích cực và tôn vinh những gì đã gắn kết chúng ta lại với nhau. Các chai được trang trí nghệ thuật hiện có sẵn ở VSOP, XO và các thị trường chọn lọc của Paradis, kèm với một chiếc decanter tinh tế và quý hiếm đựng trong hộp quà tặng bằng gỗ sồi tuyệt đẹp. Tất cả đủ hoàn hảo làm một món quà trong mùa lễ hội, hoặc một thức uống để đón năm mới cùng bạn bè và gia đình, thậm chí là một vật trang trí trong nhà. 

“Là một thương hiệu xa xỉ, chúng tôi luôn cố gắng để trở nên dẫn đầu. Thương hiệu xa xỉ nghĩa là bạn có một ít của di sản lâu đời và một ít của sự đổi mới. Những khách hàng hiện đại ngày nay thích sự cá nhân hoá, những thông điệp kỹ thuật số đến từ Hennessy. Vì vậy, chúng tôi gia tăng sự tinh tế bằng cách khắc tên lên thân chai, gửi chai kèm túi quà, hay một thiệp chúc mừng. Những nghệ sĩ kỹ thuật số, nghệ sĩ 3D cùng chúng tôi mong muốn tạo nên trải nghiệm với bao bì ngay khi chạm vào. Đây là một điều rất mới mẻ mà không phải năm nào chúng tôi cũng có thể thực hiện”, ông nói.  

Ông Sebastien Vilmot tiếp tục bày tỏ: “Rất khó để xác định mức giá hay chất lượng sản phẩm, đâu là nơi sự xa xỉ bắt đầu? Nhưng dù là yếu tố nào cũng sẽ được chúng tôi chăm chút để tạo nên những điểm đặc biệt và độc nhất. Tại Việt Nam, đó không chỉ là một sản phẩm mà còn là cách chúng tôi bày tỏ sự trân trọng. Việc tôi đưa cho bạn một chai rượu rồi rời đi sẽ rất khác với việc tôi gói ghém nó vào một chiếc hộp thật đẹp và trao bạn tận tay với lời chúc mừng. Đó là lý do chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi không bán đi sản phẩm, mà kiến tạo cảm xúc. Khi món quà trao đến tay người nào đó cũng là lúc chúng ta đang để lại cho đối phương một kỷ niệm, vì thế việc này cần được làm một cách đúng đắn, với một nụ cười tươi và ở một nơi phù hợp. Nếu vậy, tôi chắc chắn là bạn sẽ tạo được cảm xúc với món quà của mình”

Bài: Hải Yến Hồ
Ảnh: Hennessy 
 

Related Article