Từ những video nhảm nhí và mua vui, nhưng cũng kèm theo những phê phán, trào phúng đến với xã hội hiện đại, George Miller, được các cư dân mạng biết đến lần đầu tiên với biệt danh “Pink Guy” vì bộ đồ bó toàn thân màu hồng đặc trưng của mình. Anh còn được biết đến như là “kẻ đầu têu” trend Harlem Shake đã khuynh đảo khắp mọi miền thế giới vào năm 2013. Nhưng biết đâu bất ngờ, “Pink Guy” giờ được cả thế giới biết đến với cái tên Joji, và anh lan tỏa một nỗi buồn tuyệt đẹp đến với thế giới. Lần này là với “Glimpse of Us” (Bóng hình đôi ta)
Từ một hiện tượng Internet meme đến những bản tình ca tuyệt tình
Joji tên thật là George Miller. Anh sinh 18/9/1992 và là một người Úc gốc Nhật, anh sinh tại Osaka và hoàn toàn có thể nói tiếng Nhật trôi chảy như tiếng Anh. Sự nổi tiếng của Joji bắt đầu từ khi anh đặt mua 1 bộ đồ hồng bó toàn thân và khi ảnh vừa lấy nó ra khỏi hộp, Joji đã nói với bạn mình rằng : “Anh bạn, tôi sẽ trở thành hiện tượng Internet sớm thôi!”.
Từ đó “Pink Guy”, hay “Filthyfrank” (Fan còn gọi là Papafraku) đã nổi tiếng và được lưu truyền khắp nơi trên Internet, cụ thể là youtube vào thời bấy giờ. Các video đời đầu của anh hầu như không liên quan tới âm nhạc mấy mà thay vào đó là than phiền, đùa nghịch và nhảm nhí hết sức có thể để mua vui. Các video khi anh còn làm video trên YouTube khá nổi tiếng như “Weeaboo”, “Haircake” và có lẽ nổi tiếng nhất là “Do Your Harlem Shake”…
Trong giai đoạn này, Joji cũng sản xuất âm nhạc, hầu hết cũng khá nhảm nhí và vô cùng giải trí và yêu đời. Các bản nhạc nổi tiếng của Joji thời này có thể biết tới như “STFU”, “Fried Noodle” và “FRIENDZONE SONG”. Sau đó anh từ bỏ nhân cách Pink Guy vì lý do sức khỏe và tâm lý không ổn định. Để làm Pink Guy, anh phải dùng giọng rất khàn, điều đó làm hư giọng Miller trong một thời gian dài.
Sau đó, Joji bắt đầu ra nhạc nghiêm túc hơn và trưởng thành hơn, mang phong cách Lo-fi, Ballad, R&B. Album “Chloe Burbank” của Joji là một trong những album đầu tiên đánh dấu phong cách này. Nhưng phải đến khi Joji tham gia vào đại gia đình 88rising, hoạt động của Joji mới lên đến đỉnh cao, nhất là sau khi phát hành các track như “Slow Dancing in the Dark”, lúc này tên tuổi Joji mới thật sự nổi tiếng và vươn xa hơn bao giờ hết. Chất giọng, âm nhạc, hòa âm phối khí, live stage và các MV của Joji đều là những con gà đẻ trứng vàng cho 88rising và là những bản thu “It’s a hit” trên Spotify.
Một kẻ yêu đương phức tạp và rối ren
Joji đang dần trưởng thành hơn, phức tạp hơn. Đã quá thời gian chơi đùa và cợt nhả về những thứ nhảm nhí. Pink Guy đã biết mất và bị thay thế hoàn toàn bởi Joji. Dù đôi lúc anh ta có nhớ các trò chơi khăm và video hài của mình, quá khứ là quá khứ, và Joji đang hạnh phúc với những gì mình có. Anh và Rich Brian (trước đây là Rich Chigga) vẫn hay collab và ra những track vô cùng thú vị như “Introvert”, “Midsummer Madness”… Thậm chí anh còn collab với Jackson Wang, Higher Brother, Swae Lee, Getter, Kris Wu, NIKI… Joji đã phát hành được 3 album phòng thu: “In Tongue” (2017), “Ballad 1” (2018) và “Nectar” (2020). Cả 3 album khi ra mắt đều công phá rộng rãi đến các bảng xếp hạng uy tín như Billboard, Spotify,…
Ở Việt Nam, người biết đến Joji không nhiều do thể loại nhạc của anh không phải loại nhạc mà đa số người Việt thường nghe. Tuy nhiên, qua single mới nhất của mình “Glimpse of Us” và nhờ có sự lan tỏa rộng rãi qua TikTok, bài hát đang dần trở thành viral trong lòng của công chúng.
“Hình bóng đôi ta” – Bạn thấy gì trong mình qua một bản sầu ca?
“Glimpse of Us” kể về câu chuyện của một chàng trai đang mắc kẹt ở quá khứ, khi mà anh ta đã có người yêu mới, dù tuyệt vời và hoàn hảo, anh vẫn đang tìm kiếm hình bóng của người anh ta chưa từng hết thương thầm nhớ. Anh yêu cô gái mới này với hy vọng tìm kiếm được hình bóng người cũ trong mối quan hệ này, và anh cũng nhận thức được mình đang rất tệ bạc với mối quan hệ này. Anh tự dối mình rằng anh đã bước qua, anh đang ổn, nhưng thâm tâm, chưa bao giờ anh đang vui vẻ. Anh trách mình rằng nếu cô gái mình thương quá đỗi hoàn hảo như vậy, tại sao anh vẫn ước gì người cũ đang là người anh yêu?
‘Cause sometimes I look in her eyes
(Đôi khi anh nhìn vào mắt cô ấy)
And that’s where I find a glimpse of us
(Và đó là khi anh thấy hình bóng đôi ta)
And I try to fall for her touch
(Anh đã cố ngả vào vòng tay cô ấy)
But I’m thinking of the way it was
(Nhưng anh vẫn nhớ về những thứ đã là)
Said I’m fine and said I moved on
(Nói rằng anh vẫn ổn, nói rằng anh đã bước tiếp)
I’m only here passing time in her arms
(Anh chỉ ở đây với cô ấy để giết chết thời gian)
Hoping I’ll find
(Với hy vọng mỏng manh anh sẽ tìm ra)
A glimpse of us
(Hình bóng chúng mình)
MV của bài hát cũng là một mớ hỗn loạn. Nó giống như một ai đó dùng một chiếc camera rẻ tiền để quay lại mọi thứ, ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống của những thanh niên quậy phá, bất cần đời, nghịch ngợm, bừa bộn. Nhưng với giọng ca tha thiết và sầu thương của Joji, nó giống như những chàng trai này dường như chỉ quậy phá để quên đi sự đau thương của thực tại hơn là họ thật sự muốn quậy. Những cảnh rượt đuổi, đốt pháo, chơi khăm nhau ngày càng nặng nề hơn và đen tối hơn, cho thấy một khung cảnh vừa tức giận, vừa buồn rầu và dường như tất cả chỉ để xua đi sự nhớ nhung cùng cực của một trái tim đã tan vỡ. Trong MV, không có một cô gái nào cả, cũng không có cảnh yêu đương thân mật, tất cả chỉ đều như vậy, ngày qua ngày, vô phương hướng.
Nó cũng giống như một cuộc đời thiếu “em” vậy. Không có em, mọi thứ hợp lý, đều rõ ràng vô lý và mọi lý lẽ đều vô dụng. Rồi ngay sau đó, người con trai lại lo lắng khi nghĩ về mối quan hệ mới của người yêu cũ. Anh ta tự hỏi mình những câu hỏi đớn đau và chỉ biết đứng nhìn như liệu người mới có đối xử với em tốt không? Có trân trọng em không? Có là một người tốt hơn anh hay không. Anh ta tự hỏi liệu cô ấy có tìm hình bóng anh ta ở người mới, như anh ta đang làm với người thương hiện tại của mình. Đó là những cảm xúc đớn hèn đầy sâu lắng. Cũng như Lou Hoàng cũng có từng hát, rằng:
“Nếu như có đôi lúc cảm thấy cô đơn
Đừng nên cố gắng tay nắm sai người
Nếu như có đôi lúc mọi thứ tốt hơn
Đừng nên nhắm mắt yêu lấy hai người”
Và tương tự, “Glimpse of Us” đã viết tiếp:
Tell me he savors your glory
(Nói anh nghe, rằng anh ta có mến thương hào quang nơi em?)
Does he laugh the way I did?’
(Rằng anh ta cũng cười đùa như cách anh từng?)
Is this a part of your story?
(Phải đây là một phần câu chuyện em đè nén)
One that I had never lived
(Nơi anh không hề sống động trong ký ức vô chừng)
Maybe one day you’ll feel lonely
(Có khi ngày nào đó khi em sẽ thấy mình đơn côi)
And in his eyes, you’ll get a glimpse
(Và trong mắt anh ấy, em sẽ thấy một bóng hình)
Maybe you’ll start slipping slowly
(Có khi em sẽ chầm chậm trôi đi)
And find me again (again)
(Và đi tìm anh lại một lần nữa vô tình)
Một loạt những câu hỏi chất vấn không bao giờ sẽ được đối phương đáp lời, một loạt những trông mong không hề thực tế. Chàng trai đang tìm hình bóng của người cũ ở người mới, cũng mong người ấy thấy điều tương tự như vậy. Nó đem lại cảm giác buồn bã và dường như anh ta là một người rất độc hại. Nhưng công bằng mà nói, trong tình yêu, đặc biệt là những lần yêu sâu đậm, việc cảm thấy như vậy đôi khi lại là lẽ đương nhiên. Yêu một ai đó chỉ vì người ấy có dáng hình ở miền ký ức tươi đẹp đang dần phổ biến hơn trong xã hội. Ai cũng biết đây là một “Red Flag”, nhưng mọi người dường như vì yêu lại đâm đầu để rồi khổ cả đôi bên. Joji đã phác họa cảm giác bất lực của một mối quan hệ “độc hại” nhưng cũng vô cùng đáng thương. Bài hát khắc họa một kiểu yêu không mới, tuy nhiên sẽ chẳng ai lại cổ xúy cho một tình yêu tạm bợ. Dẫu vậy, tình yêu là một thứ khó đoán. Đôi khi có thể đã gặp được đúng tri kỷ của mình, nhưng duyên lại chưa đến đúng lúc đành phải rời xa cũng là một nỗi đau. Nó có thể là một “Red Flag” với người mới. Tuy nhiên người trong cuộc lại đang tự cảm thấy tình cảm của mình dành cho nửa kia thực sự dồi dào thế nào. Glimpse of us cũng có một kiểu ý nghĩa như vậy.
Nỗi buồn của tình yêu
“Red flag” là một từ lóng nhằm ám chỉ ai đó vô cùng không thích hợp để có một mối quan hệ lành mạnh, phát triển cho đôi bên mà chỉ gây ra buồn đau, tan vỡ và hụt hẫng. Những dấu hiệu của một mối quan hệ có “Cờ đỏ” thường là đối phương có vấn đề về tâm lý, thích kiểm soát, thích gaslighting, bất cần, lợi dụng – đào mỏ hoặc thích đóng vai nạn nhân. Thường những chàng trai/cô gái có red-flag nhìn chung có vấn đề về tâm lý, hoặc chính họ đã từng ở trong mối quan hệ có red flag khác trong quá khứ, hay về cơ bản họ chỉ là những con người tâm thần thích làm như vậy. Dù sao thì, tùy vào lý do chúng ta có thể giúp đỡ, hoặc bỏ mặc họ. Có những người, những tình yêu đáng để cứu vãn, có những thứ cần nên bỏ đi dù đau đớn vô cùng. Đơn phương một người đã có tình yêu khác hoặc yêu phải người chưa quên được tình cũ đều cho người ta bị đớn đau về tinh thần, bằng cách này hoặc cách khác.
Chẳng ai muốn mình là thế thân của người khác. Đôi khi, chỉ vì quá lỡ yêu một ai đó sẽ dẫn tới tình trạng như “Glimpse of us”. Đối với người mới đến, đây có thể được coi là một chiếc “cờ đỏ” to đùng và cần phải né. Người còn chìm đắm trong tình cũ không có quyền được đòi hỏi cảm thông từ người mới, nhưng họ cũng rất đáng thương vì họ đang mắc phải những cạm bẫy ở cuộc đời mình. Thật ra, mô-tuýp tỏ ra tiếc nuối vì người thương cũ có người mới và bản thân mình vẫn bước tiếp để rồi hoài niệm về ngày xưa khá phổ biến trong âm nhạc, điện ảnh và văn học. Vì những tình tiết này dễ gây cảm thông cho người nghe, người đọc, rằng đó là một cuộc tình bi đát. Ở trên bàn bar cũng vậy, một người đàn ông kể rằng họ yêu người cũ của mình thế nào dễ gây mủi lòng cho cô gái đối diện hơn, sau đó họ sẽ cảm thấy thương hại, dần dà họ tự nhiên cảm thấy có lỗi và phải lòng gã đàn ông đó lúc nào không hề hay biết. Lúc này, họ là những người đáng trách nhất.
Những cũng có những câu chuyện bi thương về một cuộc tình, bởi cả 2 đã rất yêu nhau nhưng vì nhân duyên mà không còn có thể bên nhau nữa, để rồi cả 2 phải đến với bến đỗ mới. Thường trong một cuộc tình tan vỡ, sẽ có kẻ thắng – người thua, ai yêu nhiều hơn người đó nắm phần thiệt thòi. Vì sau khi tan vỡ, cả thế giới của họ sẽ bỗng vắng mặt. Có một câu nói về nghệ thuật của sự vắng mặt, đó chính là “Sự hiện hữu của hư vô” (The presence of absence). Đó là sự khao khát một ai đó hoặc điều gì đó mà bạn nhớ mãi nhưng biết rằng bạn không bao giờ có thể trải nghiệm lại được nữa. Đó là nhận thức về sự vắng mặt của một người hoặc một vật, khiến bạn rơi vào trạng thái cảm xúc buồn bã sâu sắc. Trong Phim Ruby Sparks (2012), Calvin Weir-Fields đã tự thoại rằng : “Anh đã không thể nhìn thấy em trong lúc em đã ở đây. Mà giờ khi em đi mất rồi, em lại ở mọi nơi.” (I couldn’t see you when you were here and, now that you’re gone, I see you everywhere).
Nó cũng giống như câu nói chúng ta hay truyền miệng. Nó đưa người ta vào một trạng thái mờ ảo, mệt mỏi và rũ rượi vì cứ bị khơi gợi bởi gần như bất cứ điều gì quen thuộc. Đó có thể là một ngã tư, một tòa nhà, một quán ăn, một cây bút, một loại đồ uống ưa thích, cũng có thể là sự trống trải của một căn phòng, ngôi nhà, là chiếc ghế sofa mà 2 người đã ngồi cùng nhau hằng ngày. Khi yêu đến mức như thế, khi bất chợt gặp lấy một điều gì đó tương đồng với mối tình trước, thường người ở lại sẽ bám víu lấy rất nhanh, để tìm lại “hình bóng” năm xưa mình đã từng yêu điên cuồng đến thế. Ban đầu, người mới sẽ cảm thấy rất vui vì mình được thương yêu nhiều đến vậy, cho đến khi người ở lại dần nhận ra không gì có thể thay thế được người cũ, mối quan hệ sẽ rơi dần vào bế tắc. Người cũ thì trở lại sự chán chường, người mới thì hốt hoảng không hiểu mình đã làm gì sai để bị lạnh nhạt như thế. Cứ như thế, cả hai đều trượt dài, trong khi người rời đi đã đang hạnh phúc với những sự mới mẻ, hoặc, có khi họ cũng đang trải qua những chuyện như vậy.
Vì vậy, nếu đang yêu nhau điên cuồng, yêu mãnh liệt, yêu đến hao mòn trái tim, hãy giữ nhau nếu có thể, hãy cố gắng vì cả hai. Khi bỗng chợt cảm thấy muốn buông xuôi, hãy nhớ tới lý do bắt đầu, hãy nhớ những tháng ngày tươi đẹp.Vì không một ai có thể cho bạn “hình bóng đôi ta”, như chính người đã cho chúng ta ký ức gốc ấy được. Nhưng dù vậy, dù có đang mắc kẹt trong tình cảnh ấy hay không, Joji đã mang đến một bản nhạc u sầu tuyệt đẹp đến chúng ta, và chúng ta nghiền ngẫm những ý nghĩa của câu từ, giai điệu nó mang lại. Mong rằng trong chúng ta, không ai phải đi tìm hình bóng của người không hiện hữu ở hiện tại và tương lai.