Với hơn 10 năm kinh nghiệm giảng dạy fitness, tôi cho rằng không ai phù hợp hơn Hana Giang Anh để thảo luận về dinh dưỡng. Hơn cả việc chỉ ra những ngộ nhận về dinh dưỡng, chị còn bật mí cách để xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh trong một thế giới đa thông tin.
Ngành công nghiệp sức khỏe đang thay đổi và chị có thể khái quát về bức tranh này một chút không?
Ngành công nghiệp sức khoẻ tại Việt Nam đã và đang phát triển hơn rất nhiều trong vòng 10 năm trở lại đây, một minh chứng cho thấy mọi người có nhu cầu quan tâm tới sức khoẻ và nâng cao chất lượng sống. Còn nhớ ngày tôi mới bước chân vào ngành fitness hồi năm 2010, người ta vẫn chưa biết nhiều về tập luyện, phát triển cơ bắp, mà chỉ biết tới thể dục nhịp điệu. Tôi muốn mua sport bra, quần tập legging cũng rất khó khăn vì không có nơi nào bán (cười). Khi ấy, các nguồn thông tin về tập luyện, dinh dưỡng cũng rất ít, gần như chỉ tham khảo được trên một số kênh YouTube nước ngoài và thông tin cũng không chính thức. Các loại thực phẩm dinh dưỡng, bổ sung vẫn xa lạ và rất khó để tiếp cận tại Việt Nam. Những bất cập nói trên đã không còn là vấn đề của ngày hôm nay nữa. Hơn thế, phòng tập cũng đa dạng về mô hình hơn như phòng tập fitness cao cấp, boutique fitness, private gym, boxing studio, pilates studio…
Vậy trong bức tranh này, vị trí của dinh dưỡng đã được đặt đúng tầm quan trọng của nó chưa?
Dinh dưỡng đang trong đà phát triển tự nhiên. Mọi người đã bắt đầu tìm hiểu về dinh dưỡng và áp dụng rất nhiều chế độ ăn đã trở thành xu hướng như ăn theo chế độ macro (macronutrients), eat-clean, vegan, plant-based, ăn thô, keto, low-carb, intermittent fasting… Theo quan điểm của tôi, không có chế độ ăn nào là tốt nhất, một thị trường phát triển là một thị trường cởi mở với nhiều quan điểm và những phong cách khác nhau. Tuy nhiên, tôi mong rằng mọi người sẽ tìm hiểu sâu hơn về khoa học dinh dưỡng để tránh chạy theo các chế độ ăn trào lưu dẫn tới ảnh hướng sức khoẻ hoặc gặp phải chứng bệnh rối loạn ăn uống.
Chế độ dinh dưỡng nên điều chỉnh như thế nào trước và sau khi bị Covid?
Dù có mắc các triệu chứng hậu Covid hay không, bạn nên có một chế độ dinh dưỡng đủ chất vì nó là nhiên liệu cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Nếu nạp nhiên liệu tốt thì “cỗ máy” cơ thể sẽ hoạt động bền bỉ lâu dài, ngược lại nạp nhiên liệu kém chất lượng, “cỗ máy” sẽ hay hỏng hóc, xập xệ và giảm tuổi thọ. Một chế độ ăn hoàn chỉnh với tôi là đầy đủ 3 nhóm chất đa lượng bao gồm đạm, chất béo, tinh bột, nhiều vitamin, khoáng chất và đa dạng thực phẩm. Một chế độ dinh dưỡng hoàn chỉnh cần được đầu tư thời gian chuẩn bị hoặc tiền bạc cho nó. Vì vậy, các bữa ăn nhanh, gọn, tiện lợi và không được tính toán về thành phần sẽ là những bữa ăn không đủ chất.
Chị nhận thấy chế độ ăn “tăng cơ giảm mỡ” cho một tuần có khả thi không?
Thực ra, chế độ ăn giữ gìn sức khoẻ và chế độ ăn tăng cơ giảm mỡ là một. Một chế độ ăn đủ chất với hàm lượng chất đa lượng cân bằng: Protein 35% – Carbohydrate 35% – Fat 30% vừa giúp khoẻ mạnh và vừa giúp phát triển cơ bắp. Khi bạn kết hợp với việc tập luyện hàng ngày, bao gồm rèn luyện khả năng chịu đựng của cơ bắp (các bài tập kháng lực) và rèn luyện tim mạch (các bài tập cardio), tự nhiên sẽ dẫn tới tăng cơ giảm mỡ trong cơ thể.
Tôi luôn khuyên mọi người nên ăn uống cân bằng, đa dạng thực phẩm và giữ tâm lý thoải mái. Các bạn nên tránh áp dụng một chế độ ăn khắc nghiệt nào đó, mà nên ăn thoải mái nhưng trong “tỉnh thức”. Tức là bạn cần có kiến thức về thực phẩm và nhận biết mình đang nạp vào những chất nào. Dần dà bạn sẽ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, chất lượng mà không phải gò ép bản thân theo một chế độ nào hết.
Nhưng làm thế nào để xây dựng một chế độ ăn phù hợp trong một thế giới đa thông tin?
Một xã hội phát triển đi cùng với một nguồn thông tin “khổng lồ” là điều tốt. Hai từ khoá tôi nghĩ các bạn cần là: “kiến thức dựa trên cơ sở khoa học” và “hiểu rõ bản thân”. Các bạn nên tìm hiểu những kiến thức khoa học dinh dưỡng từ các trường học, hoặc có thể theo dõi Website, YouTuber, Influencer có bằng cấp và am hiểu lĩnh vực này. Ngoài ra, hãy luôn giữ sự cởi mở khi đọc các thông tin khác nhau để không cực đoan cho rằng điều này mới đúng, điều kia là sai. Chúng ta đọc để biết và sau đó áp dụng thử để hiểu rõ mình phù hợp với cái gì, từ đó xây dựng một chế độ dinh dưỡng đúng đắn.
Chị nhận thấy thế nào về hai trường hợp – “thở thôi cũng mập” và ăn thoải mái nhưng vẫn giữ được cân nặng lý tưởng?
Đúng là có nhiều bạn ăn ít nhưng cơ thể vẫn to, khoẻ, đủ sức tập, nạp cùng lượng calories như người khác, tương đồng về các chỉ số về chiều cao và cân nặng nhưng dễ tăng cân hơn. Ngược lại, có những bạn ăn nhiều, tập nhiều nhưng có vẻ khó tăng cân và dễ giảm cân hơn. Điều này do tính chất cơ thể tự nhiên của mỗi người vốn khác nhau hoàn toàn từ thói quen tập luyện, chế độ dinh dưỡng, tuổi tác, tâm lý, chất lượng giấc ngủ… nên dẫn tới trao đổi chất cũng khác biệt. Chìa khoá nằm ở tập luyện nhiều và ăn nhiều, đủ chất sẽ dẫn tới tăng trao đổi chất; và khi quá trình trao đổi chất tăng sẽ thúc đẩy ăn nhiều, tập nhiều mà cơ thể vẫn săn chắc và phần trăm mỡ thấp.
Vậy hình thể đẹp chưa chắc là biểu hiệu của một sức khỏe tốt?
Sức khoẻ tổng quan được xây dựng dựa trên các yếu tố như dinh dưỡng, vận động, lối sống, giấc ngủ, hormone, tâm lý… Nên tôi có thể khẳng định, hình thể đẹp thôi chưa chắc đã là người khoẻ mạnh.
Mọi căn bệnh đều bắt nguồn từ thức ăn và cách chúng ta ăn uống. Có phải xuất phát từ sự dễ dãi ta dành cho bản thân?
Tôi không nghĩ vấn đề xuất phát từ thói quen “dễ dãi” hay “nuông chiều” bản thân mà nằm ở kiến thức chưa đủ sâu. Dễ dãi là khi bạn đặt ra một chế độ nào đó và không tuân theo kỷ luật. Nhưng phàm đặt bản thân vào một khuôn khổ quá khắc nghiệt thì sẽ nảy sinh suy nghĩ muốn thoát ra. Tôi cho rằng tốt hơn hết là ăn uống có sự hiểu biết về thực phẩm thay vì tự làm khó chính mình.