Một trong những biểu tượng danh giá của văn hóa và thể thao Hoa Kỳ, áo khoác bóng chày dần vượt xa khỏi những giá trị ban đầu của mình, để trở thành một trong những món thời trang nền tảng không thể thiếu cho thời trang và thế giới đại chúng.
Áo khoác bóng chày là một biểu tượng, có mối liên hệ mật thiết đến nền văn hóa đại chúng nước Mỹ. Trang phục này len lỏi qua cuộc sống hàng ngày và trở thành món đồ chủ chốt trong văn hoá mặc của mọi độ tuổi, tầng lớp, từ những cô cậu học trò tuổi teen cho đến cộng đồng sành sỏi thời trang, ai ai cũng đều có-hoặc-muốn sỡ hữu chúng. Thật khó để nêu rõ một lý do cụ thể cho sự thịnh hành của áo khoác bóng chày, trải qua hơn cả một thể kỷ tồn tại nay đã xuất hiện với muôn hình vạn trạng, đa dạng sắc màu, mẫu mã, chất liệu.
Áo khoác bóng chày: từ biểu tượng danh giá đến tâm điểm streetwear
Letterman – tiền thân của “áo khoác bóng chày”
Áo khoác bóng chày xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1865, tại trường Đại học Harvard ở Masachusetts, Hoa Kỳ. Khi ấy, chiếc áo không có phom dáng cản bản như hiện tại, và cũng chưa có cái tên varsity jacket. Dựa vào hình ảnh còn lưu trữ, các thành viên đội tuyển bóng chày trường Harvard đã mặc một chiếc áo len dày có thêu ký tự H lớn bằng vải nhung ngay phía trước. Các huấn luyện viên đã đặt tên cho trang phục hoàn toàn mnới lúc bấy giờ là letterman.
Năm 1981, các thành viên đội tuyển bóng chày Harvard mặc những chiếc áo len đen với ký tự H nằm ở phía ngực trái cho buổi thi đấu và mau chóng được chú ý và tiếp theo sau đó là kiểu áo pullover và cardigan.
Phải đến thập niên 1930, phom dáng căn bản của chiếc áo khoác bóng chày mới dần được hình thành. Kiểu dáng đầu tiên ngày càng cao trong việc giữ ấm cơ thể cho đội tuyển, kiểu dáng áo len wool với hai tay áo từ da được giới thiệu và áp dụng. Dầ dà, không chỉ các trường đại học Ivy League, mà nhiều trường đại học lẫn trung học khác cũng bắt đầu đem kiểu áo này sử dụng cho đội tuyển trường mình. Từ đó, chiếc áo được gọi với cái tên phổ biến như ngày nay – varsity jacket.
Chiếc áo khoác danh giá của Hoa Kỳ
Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, áo khoác bóng chày trở thành biểu tượng cho sự danh giá, nể trọng hay thậm chí là thể hiện cấp bậc tại các trường đại học Mỹ. Tại Harvard, chiếc áo khoác chỉ được lưu hành nội bộ dành riêng cho đội tuyển bóng chày, sau đến đội tuyển bóng bầu dục vào đầu 1900. Thậm chí, bạn phải là một thành viên ưu tú tham gia nhiều trận đấu quan trọng cho nhà trường thì mới có quyền sở hữu vĩnh viễn chiếc áo letterman và ký tự đi kèm.
Ngoài ra, các chi tiết thêu đính kèm còn mang ý nghĩa phân chia cấp bậc thành viên: các đường sọc hai bên tay áo sẽ cho biết số ký tự mà người mặc nhận được thêm, và dấu hiệu ngôi sao thêu trên phần ngực chỉ có ở áo khoác của đội trưởng. Về sau, khi mang phom dáng mới như ngày nay, chiếc áo khoác không còn manh các chi tiết sọc, mà thay vào đó là các chi tiết thêu lên trên ký tự áo, và nhiều dấu hiệu khác cũng bằng chất liệu vải nhung hoặc nỉ.
Từ “áo khoác bóng chày” đến “áo khoác quốc dân”
Từ nửa sau thế kỷ 20, tầm ảnh hưởng của áo khoác bóng chày đã khỏi phạm vi nhà trường và trở nên phổ biến hơn. Áo letterman trở thành xu hướng thời trang cho thế hệ thanh-thiếu niên nước Mỹ và trở thành một món đồ thiên biến vạn hoá, khi có thể kết hợp thành nhiều phong cách khác nhau. Nữ thì mặc cùng quần lửng và váy xoè; nam thì diện cùng quần jean xanh. Áo varsity cũng được ưa chuộng không kém, đây còn được xem là biểu tượng cho mối quan hệ của các đôi trẻ thời bây giờ. Khi một người nam để người nữ mặc chiếc áo khoác varsity của mình, điều đó tức là họ đang yêu nhau.
Không những vậy, áo khoác bóng chày còn là một trong những món đồ được ưa chuộng nhất của các nghệ sĩ thời bấy giờ. Từ James Dean, Elvis Presley đến Michael Jackson, sự lựa chọn của những tượng đài âm nhạc và thời trang thế giới là yếu tố quan trọng cho sự thịnh hành sau này. năm 1983, Michael Jackson từng “làm mưa làm gió” với chiếc áo khoác bóng chày màu đỏ mang ký tự thêu M trên ngực trong MV đình đám một thời Thriller.
Năm 1972, Quốc hội Hoa Kỳ ban hành Điều luật IX nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt giới tính nhắm đến vận động viên nữ. Sự kiện là bàn đạp quan trọng đưa chiếc áo khoác bóng chày càng được phổ biến rộng rãi ở các đội tuyển và vận động viên nữ cấp trường.
Bước sang thập niên 1980, áo khoác bóng chày trở thành “biểu tượng quốc dân” của giới thể thao toàn cầy. Thiết kế varsity bắt đầu được phát hành rộng rãi tại các giải đấu bóng hàng đầu, đơn cử như bóng chày và bóng bầu dục. Không những thế, áo khoác bóng chày còn cải cách thành món trang phục bán cho người hâm mộ với chất liệu satin mỏng nhẹ, và có giá thành phải chăng hơn. Không lâu sau, chiếc áo còn thâm nhập vào thời trang của các giải đấu bóng rổ, khi các đội tuyển nổi tiếng như New York Knicks, Boston Celtics và Chicago Bulls đều lựa chọn kiểu trang phục này để xuất hiện trước công chúng.
Stüssy, Homeboy Jacket và con đường tiến vào lãnh địa streetwear
Với mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn, áo khoác bóng chày dần trở thành thiết kế mang tính xu hướng mà nhiều thương hiệu thời trang nhắm tới. Thực tế, đã có không ít các nhãn hàng ra mắt dòng sản phẩm varsity của riêng mình. Tuy nhiên, Stüssy mới là thương hiệu khiến dòng áo này trở thành tâm điểm của giới thời trang, qua thiết kế Homeboy Jacket huyền thoại vào năm 1987. Chiếc áo được thiết kế theo kiểu dáng và chất liệu truyền thống, tô điểm bởi mảng logo thêu cỡ lớn, rực rỡ ở phía sau lưng.
Sự thành công của Homeboy Jacket đã mở đường cho dòng áo varsity trứ danh tại Stüssy, bao gồm những cái tên nổi bật như One Love, International Stüssy Tribe, Tokyo Varsity, COMME des GARÇONS x Stüssy 40th-Anniversary… Cũng từ đó, chiếc áo trở thành một trong những món đồ không thể thiếu của cộng đồng streetwear nói riêng và giới mộ điệu thời trang nói chung.
Ngày nay, áo khoác bóng chày xuất hiện ở khắp mọi thương hiệu từ bình dân cho đến high-end. Chúng trở thành món trang phục bất ly thân của nhiều nam nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, từ Pharrell William, A$AP Rocky, G-Eazy hay đến cả Công nương Diana… Chiếc áo giờ đây là biểu tượng cho sự năng động và ngông cuồng của tuổi trẻ, không còn mang sức nặng về cấp bậc và trình độ thể thao như thời xưa.
Áo khoác bóng chày tại Việt Nam
Với sự phát triển của thời trang đường phố từ năm 2010, áo khoác bóng chày đã nhanh chóng trở thành một trong những món đồ được săn đón nhiều nhất của giới trẻ yêu thời trang. Thật không khó để tìm những kiểu áo mang phom dáng khác nhau tại các thương hiệu nội địa như Dirty Coins, Leninn Skatewear, Clownz Streetwear, T-REDX, The Collectors… Thậm chí, một số thương hiệu còn sản xuất cả cardigan mang âm hưởng áo letterman ngày xưa.
Với một số người mới, áo khoác bóng chày thường bị nhầm lẫn với áo khoác bomber. Sở dĩ, cả hai kiểu áo đều mang phom và kiểu dáng áo na ná nhau bởi đều có chung một nguồn đến từ châu Âu cùng với chiều dài áo thường ngang hông cùng kiểu tay áo phồng (puffy sleeves). Một chi tiết để nhận diện khác là áo khoác bomber thường được làm từ chất liệu dù hoặc gore-tex để chống thẩm thấu nước cùng với chi tiết tay bo chun co giãn, trong khi đó, áo khoác bóng chày chủ yếu làm từ len wool, da hoặc satin. Nếu tinh ý hơn, áo khoác bóng chày thường có hàng nút bấm, còn áo khoác bomber sử dụng khóa kéo.
Trong năm 2020 vừa qua, hai cuộc thi Rap Việt và King of Rap đánh dấu sự trổi dậy mạnh mẽ của cộng đồng hip hop Việt Nam. Sự hiện diện của chiếc áo khoác bóng chày trở thành phong cách thời trang tâm điểm trong chương trình khi nam rapper MCK mặc áo khoác Scarface trong màn trình diễn Giàu Vì Bạn-Sang Vì Vợ và Lăng LD mặc áo Fear Of God tại đêm Chung Kết 2 cùng Rhymastic, hay mẫu áo T-REDX Varsity 1st Anniversary của Datmaniac.
Tất cả dấu ấn của hai chương trình đã tạo nên cơn sốt hip hop với thế giới đại chúng, khiến tên tuổi của nhiều rapper không chỉ gây chú ý qua các bản nhạc trên Youtube, mà còn tạo nên làn sóng “săn đón” mạnh mẽ ở cả các merchandise thời trang. Và người đại diện phù hợp nhất cho nhận định này, không ai khác, chính là 16 Typh.
Bước ra từ cuộc thi Rap Việt, 16 Typh được biết đến rộng rãi là một rapper có ngoại hình, chất giọng nam tính và gu thời trang ưa nhìn. Đặc biệt, trên trang cá nhân, anh luôn gắn bó với rất nhiều chiếc áo khoác bóng chày. Bộ sưu tập varsity jacket đã được thể hiện rõ rệt trong MV Walk On Da Street, và cả những lúc anh đi diễn.
Đặc biệt, cuối tháng 1/2021, 16 Typh còn cho thấy độ “chịu chi” của mình khi cop hẳn chiếc áo khoác bóng chày kỷ niệm 40 năm thành lập thương hiệu Stüssy kết hợp cùng COMME des GARÇONS, và đăng trên Instagram. Gu thời trang của 16 Typh, và nhiều rapper khác, chính là yếu tố cực kỳ quan trọng cho sự thịnh hành của varsity jacket tại Việt Nam những năm gần đây.
Gợi ý phối đồ cùng áo khoác bóng chày
Với kiểu varsity, chiếc áo khoác mang phom dáng đậm cá tính năng động và thể thao. Chính vì vậy, những trang phục đi chung với áo khoác cũng nên hướng tới sự khỏe khoắn, trẻ trung. Ngoài ra, bạn nên xác định phom dáng outfit mà mình muốn hướng tới: ôm vừa vặn (slim fit) hay ngoại cỡ (oversized). Dù là phom nào, bạn sẽ cần chọn áo, quần và giày đi kèm có chung phom dáng đó.
Áo thun
Thông thường, bạn nên chọn một chiếc áo thun trơn hoặc ít họa tiết để phối cùng với áo khoác. Màu sắc đơn giản để phối đồ thường là trắng hoặc màu trung tính. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chọn áo nhiều màu, màu sặc sỡ hay nhiều họa tiết. Tuy nhiên, khi ấy, bạn cần cân nhắc độ tương thích giữa các màu. Tránh để outfit bị quá nhiều màu sắc chói mắt, hoặc kết hợp những tông màu “không ăn nhập”, ví dụ như xanh lá-xanh dương, đỏ-hồng hay đỏ-xanh dương.
Đối với phần nửa dưới, bạn có khá nhiều lựa chọn, tùy thuộc vào phong cách yêu thích. Nếu yêu thích phong cách ngoại cỡ thì lựa chọn như quần túi hộp, quần ống rộng và quần jogger đi cùng các phom giày to như chunky boots, giày bóng rổ sẽ khá phù hợp. Ngược lại, với phong cách vừa vặn, bạn sẽ chọn phom quần ôm dáng, dù là là chất liệu denim hay kaki, và các kiểu giày gọn chân như derby, brogue, chelsea boots, các dòng sneakers nhỏ gọn như Vans, Converse…
Với cách phối đồ áo khoác-áo thun, việc lựa chọn sơ-vin hay không cũng ảnh hưởng ít nhiều đến phong cách của bạn. Thả áo ngoài mang đến cảm giác tự do, thoải mái, trong khí sơ-vin áo với quần và dây nịt sẽ tạo cảm giác cổ điển, như cách người Mỹ thường mặc vào những năm 1950.
Sơ mi
Ngoài ra, phối áo khoác bóng chày cùng một chiếc áo sơ mi cũng là xu hướng thịnh hành. Với cách phối đồ cùng sơ mi, phom dáng ôm vừa vặn sẽ thích hợp hơn. Trước hết, chiếc áo sơ mi cần dài ít nhất đến ngang hoặc qua mông một chút. Khi phối cùng áo khoác bóng chày, độ dài của áo sơ mi sẽ tạo cảm giác gọn gàng hơn cho áo khoác và thân trên.
Về phần màu sắc, lưu ý sẽ tương tự khi phối cùng áo thun: chọn màu dễ phối, hoặc cân nhắc kỹ màu sắc và họa tiết của áo sao cho phù hợp. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn phong cách preppy cổ điển với chiếc áo sơ mi trơn cùng chiếc cà vạt thể hiện cá tính riêng. Vào mùa lạnh, bạn hoàn toàn có thể phối thêm một lớp cardigan để tạo sự tinh tế cho outift.
Ở phần thân dưới, hãy chọn các phom dáng quần ôm vừa vặn để tiệp với thân trên. Với những ai có phần đùi không quá to, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn phom dáng quần skinny, giúp tôn phần chân thêm “dài” và tạo cảm giác bóng bẩy hơn cho outfit. Các lựa chọn giày đa dạng bao gồm derby, brogue, chelsea boots và các dòng giày sneakers phom nhỏ gọn.
Hoodie
Ngoài sơ mi và áo thun, hoodie cũng là một lựa chọn thú vị để phối cùng áo khoác bóng chày. Với hai món thời trang này, outfit phần thân trên của bạn sẽ khá dày, nhưng lại có xu hướng ôm người, do cả hoodie lẫn áo khoác bóng chày đều có phần vạt áo bằng vải thun co giãn. Chính vì vậy, phần quần-giày sẽ quyết định phom dáng chung của outfit là vừa vặn hay ngoại cỡ. Chọn các mẫu quần và giày theo phong cách bạn mong muốn khi mặc cùng hoodie nhé.
Bạn có thể tham khảo thêm một số cách phối đồ với áo khoác bóng chày:
Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!