5 “kỹ năng mềm” cần phát triển nếu không muốn bị tụt lại phía sau
Lifestyle

5 “kỹ năng mềm” cần phát triển nếu không muốn bị tụt lại phía sau

Kỹ năng mềm có rất nhiều bao gồm kỹ năng thuyết phục, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng lãnh đạo… và nếu bạn đang sở hữu được kha khá các kỹ năng được liệt kê trên và cảm thấy hài lòng về bản thân, thì bạn chính là đối tượng cần đọc bài viết này.

Vì sao lại nói như vậy? Chúng ta đã bước qua một thời đại mới, thời mà chúng ta bất chấp những rủi ro về sức khỏe chấp nhận sống và làm việc dưới sự bất ổn định của dịch bệnh. Những thách thức của Covid-19 vẫn còn đó và nếu các doanh nghiệp không tìm cách nâng mình lên, thì tất cả cùng chết. Bối cảnh đại dịch đã làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta giao tiếp và giải quyết vấn đề tại nơi làm việc và nó đòi hỏi các kỹ năng như tư duy phản biện hay giao tiếp mạnh mẽ. Do đó nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, bạn nên nhìn xa hơn về cái gọi là “kỹ năng mềm” và phải trau dồi chúng ngay lập tức. Đây đều là các kỹ năng nếu không đặt chúng ở đúng tầm quan trọng, bạn sẽ không đời nào phát hiện ra mình cần, chứ đừng nói đến chuyện bạn nghĩ chúng sẽ giúp ích cho sự phát triển nghề nghiệp của mình.

Sự tò mò

Một người nhân viên biết phát huy và ứng dụng sự tò mò của mình trong công việc thường được ví như một nhân tố X đáng mong đợi. Vì họ sẽ nêu ra những câu hỏi ít ai ngờ tới giúp mở rộng phạm vi của một ý tưởng hoặc dự án. Người tò mò có thể nhìn thấy những tiềm năng ẩn sau sự mờ mịt của công việc và cuộc sống hàng ngày. Rèn luyện kỹ năng tò mò sẽ giúp bạn đưa ra các giải pháp tuyệt vời, nhanh hơn, sáng tạo hơn và táo bạo hơn.

Cách phát triển kỹ năng: Bạn có thể tự học về chủ đề mà bạn không quen thuộc. Gần đây, khi bắt đầu tò mò về cách đưa ra quyết định của mình, đồng thời đặt dấu chấm hỏi về tiềm năng và tính ứng dụng của những quyết định được dẫn dắt bằng cảm xúc, tôi quyết định tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động của não bộ. Tôi đã đọc hai cuốn sách “Não bộ kể gì về bạn” (David Eagleman) và “How We Decide – Cách chúng ta đưa ra quyết định như thế nào?” (Jonah Lehrer) để có được cái nhìn sâu sắc về cách con người xử lý thông tin và đưa ra lựa chọn. Và kết quả thu về đã đem đến những cái nhìn hoàn toàn mới, vượt xa khỏi những kiến thức hạn hẹp của tôi.

Sự đổi mới

Sự tò mò có thể giúp bạn tạo ra những ý tưởng mới nhưng bấy nhiêu là chưa đủ để bạn đưa ra những phương án hoặc lựa chọn hấp dẫn. Bạn phải luôn ở trong tâm thế muốn cách tân, muốn thay mới những điều đã cũ thì mới có thể thúc đẩy những hợp tác tiềm năng, thậm thí là thu hút được một đối tác bất kỳ. Tôi nhận thấy rằng người tìm ra giải pháp sáng tạo cho các vấn đề của khách hàng thường thúc đấy mối quan hệ hợp tác đó bền chặt hơn và mọi người luôn hào hứng làm việc cùng nhau.

Cách phát triển kỹ năng: Đồng nghiệp và khách hàng là những đồng minh tốt nhất của bạn trong việc đưa ra những ý tưởng độc đáo. Hãy làm việc cùng nhau và trao đổi nhiều hơn để biến chúng trở nên khả thi và thực sự hiệu quả.

Tốc độ

Tốc độ liên quan đến khả năng tiếp thu kiến thức nhanh chóng, áp dụng và truyền đạt nó. Nhờ công nghệ và sự phong phú của thông tin, các quyết định trước đây phải mất hàng tuần nay chỉ cần thời gian vài ngày,thậm chí là vài giờ. Một nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy an tâm và tự tin hơn khi thuê một người có thể vượt qua những thử thách trong công việc hoặc ứng biến tốt tình huống xảy ra bất ngờ dưới áp lực thời gian.

Cách phát triển kỹ năng: Nếu có một dự án hấp dẫn và dù chưa từng có kinh nghiệm nhưng với những kiến thức sẵn có, bạn biết mình có thể thử chinh phục nó, thì đừng chần chừ nhận nhiệm vụ đó. Để hoàn thành nhiệm vụ đúng deadline, bạn cần thật sự tập trung, biết quản lý thời gian, sắp xếp công việc và chịu được áp lực thời gian.

Giao tiếp

Trong những năm trước đại dịch, giao tiếp hiệu quả nhất không nằm ngoài một cái bắt tay thân tình, những cái nhìn trìu mến và đầy trân trọng và sự chú ý lắng nghe một cách tuyệt đối. Nhưng nay, chúng ta đã có một số hạn chế nhất định. Chúng ta thực hiện phỏng vấn qua ứng dụng, làm việc từ xa, họp trực tuyến,… tất cả đều hỏi kỹ năng giao tiếp phải được nâng lên một tầm cao mới sao cho hiệu quả hơn.

Cách phát triển kỹ năng: Bạn có thể tham gia một khóa học hoặc câu lạc bộ/hội nhóm rèn kỹ năng nói trước công chúng. Tuy nhiên, sẽ hiệu quả hơn nếu bạn tập tư duy phản biện. Trong cuộc sống, tôi tin là bạn sẽ không ít lần đương đầu với những câu hỏi hóc búa, hãy tập trả lời và đặt câu hỏi ngược lại cho mình. Bạn sẽ phải điều chỉnh cách lập luận của chính mình, hướng bản thân phải tìm hiểu thật kỹ gốc rễ của vấn đề. Một khi bạn biết mình cần gì ở một nội dung, bạn sẽ biết cách để diễn giải nó. Từ đây, khả năng giao tiếp của bạn sẽ tốt hơn dù bằng hình thức nào chăng nữa.

Chấp nhận chúng ta dễ bị tổn thương

Trong cuốn sách “Braving the Wilderness”, tác giả Brené Brown viết: “Nền tảng của lòng dũng cảm nằm ở việc chấp nhận mình dễ bị tổn thương – khả năng cảm nhận nguy cơ, sự bất an và bộc lộ cảm xúc.” Nghe có vẻ trái ngược với trực giác và lý tính, nhưng kỹ năng mềm này đặc biệt phù hợp trong bối cảnh xu hướng chuyển đổi công việc liên tục và không có gì là chắc chắn. Những người không cho phép bản thân dễ bị tổn thương sẽ hạn chế khả năng học hỏi của họ. Chúng ta chỉ có thể phát triển khi sẵn sàng cho phép mình tổn thương và vượt ra ngoài vùng an toàn. Cũng giống như khi cố gắng kiểm soát đại dịch, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những tổn thương của mình, thể hiện lòng trắc ẩn và xem đây như một cơ hội để học hỏi và phát triển.

Cách phát triển kỹ năng: Một câu chuyện chỉ lay động được trái tim của người khác khi người trong cuộc chia sẻ cả những vấp ngã hay sự mong manh dễ vỡ của họ. Bạn sẽ không muốn nghe câu chuyện chỉ có mặt tốt của nó, chẳng thực chút nào. Vì vậy, hãy cởi mở về những thiếu sót của bản thân, đừng ngần ngại bày tỏ nguyện vọng muốn trở nên tốt hơn. Nó giúp ích cho sự phát triển cá nhân bạn và truyền cảm hứng cho người khác.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article