5 bí quyết giúp bạn thoát khỏi căng thẳng về tài chính
Business

5 bí quyết giúp bạn thoát khỏi căng thẳng về tài chính

Lo lắng về tài chính là một trong những căng thẳng lớn nhất trong cuộc sống mà mỗi người sẽ trải qua. Nhất là khi chúng ta đang ở trong một giai đoạn đặc biệt khó khăn khi phải đối mặt với những sự bất ổn định như việc làm, tình hình dịch bệnh, nền kinh tế biến động, các khoản đầu tư đầy rủi ro… Nhưng điều cần làm lúc này là tách khỏi cảm xúc lo lắng đó và bắt đầu hành động.

Nhìn lại ngân sách của bạn

Đây là viêc đầu tiên bạn cần làm khi đối mặt với những khủng hoảng tài chính nói chung hay những trăn trở bất kỳ liên quan đến chuyện tiền bạc. Bạn cần rà lại xem số tiền đã chi tiêu trong một tháng là bao nhiêu dựa trên số dư báo về, để có cái nhìn tổng quát về mức tiêu pha trung bình của mình. Sau đó, bạn bắt đầu xem xét lại nên cắt giảm chi tiêu ở những khoản nào. Mỗi khoản chi bạn tiết kiệm một tí cũng đủ để dư ra một số tiền kha khá.

Hoạch định lại kế hoạch tiết kiệm ngắn hạn và dài hạn

Sau khi review ngân sách thật kỹ lưỡng, tiếp theo chúng ta cần cụ thể hơn về mục tiêu ngắn hạn (từ 3-5 năm) và mục tiêu dài hạn (trên 10 năm). Nhắc về khoản tiết kiệm dài hạn, bên cạnh khoản tiền học cho con cái, khởi nghiệp, đầu tư bất động sản,… quan trọng nhất là khoản tiền nghỉ hưu. Mục tiêu chính của một kế hoạch hưu trí thành công là đảm bảo bạn sẽ có đủ nguồn tài chính để duy trì cuộc sống của mình trong những năm an dưỡng tuổi già. Nếu bạn muốn đi du lịch và mua sắm nhiều hơn khi nghỉ hưu, bạn sẽ phải tiết kiệm nhiều hơn. Theo đó, đầu tư hoặc kinh doanh là một trong những cách giúp bạn rút ngắn thời gian nhằm đạt được mục tiêu dài hạn. Còn các khoản tiết kiệm ngắn hạn bao gồm quỹ khẩn cấp, thuê nhà, thanh toán nợ thẻ tín dụng, du lịch, đám cưới, mua sắm, sửa chữa nhà… Theo các chuyên gia tài chính, 20-30% là con số lý tưởng nhất cần tiết kiệm sau khi đã trừ ra các khoản phí như ăn uống, giải trí, đi lại, tiền thuê nhà.

Hạn chế chi trả bằng thẻ

Có một thực tế mà chúng ta chẳng bận tâm mấy nhưng tác động trực tiếp đến tài chính của mỗi người đó là sự phát triển như vũ bão của Fintech (công nghệ tài chính). Chi trả bằng thẻ ngân hàng thậm chí có vẻ hơi lỗi thời khi các ứng dụng thanh toán trực tuyến khác ra đời. Nó giúp đa dạng hóa các phương thức thanh toán, tạo nên sự tiện dụng nhưng cũng từ đó khiến người ta khó lòng kiểm soát ví tiền của mình. Thậm chí, những thông báo trừ tiền đối với những khoản chi nhỏ như một cốc cà phê, vé xem phim… còn chẳng khiến bạn bận tâm vào kiểm tra số dư. Chúng ta trả tiền nhưng không “nhìn thấy” nên cảm giác xót tiền dần dà cũng “ngủ yên”. Thế nên bảo sao cuối tháng nhìn vào số dư tài khoản lại rơi vào khủng hoảng. Lời khuyên để bạn có thể kiểm soát được dòng tiền của mình, đó là không chỉ lên kế hoạch chi tiêu, mà còn là nắm rõ từng khoản chi của mình.

Bên cạnh đó, để tối đa hóa số tiền tiết kiệm của bạn, hãy tập mua sắm khôn ngoan và có lý trí hơn. Hãy ưu tiên chọn mua những thứ mình cần, đừng để bị cuốn vào những cảm giác thích thú nhất thời. Một là bạn sẽ mua về nhưng ít khi dùng tới, hai là sẽ hối hận rất nhanh với quyết định mua sắm của mình.

Chia sẻ thách thức tài chính với những người tin cậy

Sự căng thẳng về tài chính có thể kiểm soát mọi phương diện trong cuộc sống, khiến bạn luôn đau đầu nghĩ về nó đến mức gia tăng thêm áp lực cho mình. Nếu cảm thấy mình đang quá bối rối, không biết bắt đầu từ đâu, bạn hãy chia sẻ với bạn đời/người yêu hoặc người thân của mình. Hãy nói những điều bạn bận tâm và cùng người bạn tin tưởng thảo luận để tìm ra những phương án tốt nhất. Đừng một mình “vẫy vùng trong vũng lầy”, hãy tìm thêm sự giúp đỡ để thấy rằng mọi chuyện không tệ như bạn nghĩ.

Nghĩ về những cơ hội cải thiện tài chính

Bạn đang cảm thấy tiền lương hằng tháng là chưa đủ và bạn còn dư dả thời gian. Thay vì lo lắng, hãy nghĩ xa hơn về các dự án/công việc khác có thể giúp gia tăng thu nhập. Bạn cần hành động chứ không phải là ngồi đó “ôm cây đợi thỏ”. Đây là một bước đi nhiều thử thách nhưng hoàn toàn nằm trong khả năng của bạn. Hãy tìm thêm các dự án freelance có liên quan đến việc bạn đang làm trên các trang mạng xã hội, hoặc chủ động tham khảo thêm với các đồng nghiệp hoặc bạn bè để mở rộng cơ hội công việc. Nếu làm tốt và có trách nhiệm, bạn sẽ trở thành người cộng tác dài hạn của đối tác, thậm chí là được họ giới thiệu cho các đối tác tiềm năng khác. Ngoài ra, làm thêm bên ngoài cũng thôi thúc bạn không ngừng cải thiện kỹ năng, trau dồi thêm kiến thức, cũng như bước khỏi vùng an toàn của mình.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article