#ValentineinBloom: Youth of May, My Liberation Notes, Mr. Plankton… và ngôn ngữ tình yêu trong phim Hàn 

  • by Huyền My Trương
  • February 12, 2025

Những năm trở lại đây, phim Hàn dường như đang có sự chuyển mình trong việc xây dựng cách thể hiện ngôn ngữ tình yêu của các nhân vật. Không còn quá ưu ái kiểu thể hiện say đắm và lãng mạn, các nhà làm phim đã để nhân vật của mình có những bức phá nhất định. Cùng với “Youth of May” (2021), “My Liberation Notes” (2022) “Mr. Plankton” (2024), chúng ta sẽ tìm hiểu một chút về những ngôn ngữ tình yêu vừa đặc biệt vừa sâu sắc này.

Tuổi trẻ của tháng Năm (Youth of May)

“Tuổi trẻ của tháng Năm” lấy bối cảnh là một giai đoạn khốc liệt trong lịch sử hiện đại Hàn Quốc, cuộc biểu tình phản đối luật giới nghiêm vào năm 1980 tại tỉnh Gwangju – sự kiện đặt nền móng cho nền chính trị dân chủ, góp phần đưa Hàn Quốc phát triển thành cường quốc hiện tại. Xoay quanh các vấn đề lịch sử chính trị, bộ phim không hề khô khan mà được ví như một bản tình ca đẹp nhưng đau thương bởi tình yêu giữa Hwang Hee Tae (Lee Do Hyun) và Kim Myung Hee (Go Min Si). 

Khác với các tác phẩm hiện đại, nhịp điệu và tiết tấu của nửa đầu phim có phần nhẹ nhàng, chậm rãi. Những mảng màu, trang phục, biển hiệu, âm nhạc cổ điển hiện lên xuyên suốt đều tạo cho người xem cảm giác hoài niệm. Giữa vòng xoáy thời cuộc, những người trẻ tuổi nhiệt huyết như Hee Tae và Myung Hee vô tình tìm thấy nhau.  

Hee Tae dù không nói ra nhưng trong thâm tâm vẫn luôn khẳng định mình hoàn toàn cô độc. Anh lựa chọn cho mình “một gia đình giả tạo” để phòng hờ một lúc nào đó mình qua đời vì bệnh tật mà không ai biết. Để rồi khi Myung Hee – cô y tá mạnh mẽ, đầy nghị lực bước đến, trở thành “gia đình duy nhất” của anh. 

Duyên số đưa đẩy hai con người cô độc – với cuộc sống vô thanh, gặp nhau vào tháng năm năm ấy. Với cả sự hy sinh, đánh đổi để bảo vệ người mình yêu và sự yếu đuối, nỗi sợ hãi đánh mất người còn lại, đoạn tình yêu chân thành vỏn vẹn trong một tháng đó đủ để trở thành nỗi đau khắc khoải cả phần đời còn lại. 

Tìm người mất tích

Vào mùa xuân, ngày 23, tháng 5, năm 1980,

Cô ấy trên đường đi tìm em trai thì đột nhiên biến mất

Nếu nhìn thấy ai đó dù giống một chút với cô gái trên hình thì tôi cũng hy vọng hãy liên lạc cho tôi biết

Cô ấy là gia đình duy nhất đối với tôi. Xin hãy giúp tôi tìm cô ấy. Tôi đang rất lo lắng đợi tin của cô ấy”.

 

Nếu ai đó hỏi ngôn ngữ tình yêu của Hwang Tae Hee là gì, chắc hẳn đó là sự chờ đợi. 

Trong tình yêu, chờ đợi thường là sự mong ngóng hạt giống tình yêu lớn dần, chờ đợi ngày đơm hoa kết trái, chờ đợi ngày ước mơ thành hiện thực, chờ đợi đến lúc được gần kề nửa còn lại.

Hee Tae cũng không ngoại lệ. Sự chờ đợi của anh không bắt đầu từ khoảnh khắc hai người chia ly mà đã âm thầm trỗi dậy từ buổi xem mắt định mệnh ấy. Hee Tae đã chờ đợi một cô gái mà biết chắc cô sẽ “đóng kịch” để gạt mình. Hee Tae cũng chờ đợi Myung Hee gạt bỏ những định kiến xã hội đặt ra để thật sự mở lòng, để tình cảm thuần khiết kia được đơm hoa, nảy nở. Hee Tae đứng dưới ngọn đèn vàng, lẩm nhẩm “Quay đầu lại đi em”, lòng thầm mong Myung Hee một lần nhìn lại để anh được ngắm khuôn mặt cô lần cuối. 

“Mùa xuân năm ấy về Gwangju là lựa chọn của anh, và anh đã quyết định yêu em bằng tất cả trái tim mình. Ở bên em, mỗi ngày anh đều nguyện cầu rằng ông trời hãy đổ hết mọi khó khăn lên anh, chứ không phải em. 

Những ngày tháng mà anh đã đi qua chính là câu trả lời cho những lời cầu nguyện của anh trong suốt 41 năm qua. Khoảng thời gian độc ác ấy tất thảy là tình yêu của anh dành cho em”.

Dẫu có thêm bao nhiêu niềm đau và nước mắt, Chúa đã để Hee Tae chờ đợi tình yêu đời mình, cho anh sức mạnh và dũng khí sống tiếp dù Myung Hee không còn. Nếu như tại ngã rẽ đó, Myung Hee là người may mắn ở lại thì có lẽ cô đã phải một mình nếm trải qua tất thảy khổ đau mà Hee Tae phải chịu đựng. Cuối cùng vẫn là một cái kết đẹp cho họ, vì Chúa chưa hề chối bỏ lời nguyện cầu của bất kỳ ai. 

Nhật ký tự do của tôi (My Liberation Notes)

“Nhật ký tự do của tôi” là bộ phim kiệm lời, các nhân vật chính trong phim dường như đã sớm bị “sự bình thường” ăn mòn cả tinh thần và thể xác. Mở đầu và kết thúc của phim với nhiều người có lẽ là hơi mơ hồ nhưng vẫn đủ để cho người xem tìm được bóng dáng của mình ở đâu đó trong các nhân vật. Không có một tình yêu vào sinh ra tử, không mơ mộng viển vông, “Nhật ký tự do của tôi” vừa day dứt vừa nguôi ngoai.

Nổi bật trên phông nền hết sức bình dị của phim là tình yêu của Yeom Mi Jeong (Kim Ji Won) và Mr. Gu (Son Seok Koo) – với những ngôn ngữ tình yêu mà có thể lần đầu bạn biết đến. Cuộc sống bình thường, công việc bình thường, không có quá nhiều bạn bè và thú vui khiến Mi Jeong cảm thấy mình chỉ đang tồn tại chứ không thực sự sống. Cạnh bên cô lúc này là Mr. Gu – người đàn ông không rõ tên tuổi, lai lịch. Chẳng ai thích một kẻ nghiện rượu sống ẩn dật trong căn phòng chật hẹp, nhưng dường như Gu cũng không quan tâm đến điều đó.  

“Hãy tôn thờ em đi”

Câu nói này của Mi Jeong có phải là để tìm kiếm tình yêu mãnh liệt? Hơn cả tình yêu, Mi Jeong tìm kiếm cảm giác được giải phóng và bày tỏ khao khát được trân trọng.  

Đứng bên ngoài nhìn vào câu chuyện, tưởng như cách giải quyết rất đơn giản nhưng chính bản thân người đang trải qua mới hiểu nó khó khăn như thế nào. Khi Mi Jeong trải lòng cho Mr. Gu biết những nỗi buồn đang đeo bám mình ra sao, anh không khuyên nhủ cô như cách người thường vẫn hay đối xử với người hướng nội: Hãy vui lên, mở lòng, mạnh mẽ hơn, đừng trở nên lầm lì, trầm ngâm nữa. Mr. Gu hiểu mọi thứ với Mi Jeong là phải cố gắng gom từng chút ít sức lực mới có thể dần dần thực hiện được. 

Rõ ràng Mr. Gu cũng là một người muốn chạy trốn khỏi hạnh phúc, hay đúng hơn là từ chối để hạnh phúc. Men rượu là chuyến tàu mà anh bước lên hằng đêm để thoát khỏi những tiếng chửi rủa cùng khuôn mặt những kẻ anh từng làm tổn thương xuất hiện mỗi buổi sáng ngày hôm sau. Nhưng sau khi Mi Jeong “yêu cầu” anh tôn thờ mình, dần dà Gu không còn chờ tàu nữa. Gu bật cười trước sự tức giận của Mi Jeong. Một kẻ bị dao đâm vào dạ dày không chớp mắt mà giờ đây lại vui vẻ với mấy chuyện tình cảm đời thường. Mr. Gu dần rũ bỏ, cóp nhặt từng giây hạnh phúc, tuy khó khăn nhưng vẫn từng bước vững chắc về phía trước, chắp cánh cho sự giải phóng của riêng mình. 

Ngôn ngữ tình yêu không nhất thiết phải là lời nói hay cử chỉ âu yếm, đó cũng có thể là sự biến chuyển tâm lý bên trong mỗi người và chính sự biến chuyển ấy đã sưởi ấm cho trái tim Mr. Gu, cho trái tim của Mi Jeong. 

“Càng trưởng thành, càng thích những câu chuyện có kết quả, thích những người nói được làm được.”

Có lẽ từ biến chuyển trong suy nghĩ đó đã dẫn Mr. Gu đến loạt hành động lãng mạn sau này với bạn gái của mình. Ngay sau khi nhận được lương, anh liền nhắn tin hỏi Mi Jeong muốn ăn gì rồi chạy thật nhanh đến bến tàu đón cô. Gu mua kem và nước chờ Mi Jeong tan làm về ở ga tàu mỗi chiều, đưa Mi Jeong đến trạm xe buýt trên chiếc xe tải cũ dù quãng đường không dài, nhường cho cô miếng đồ ăn cuối cùng còn trong dĩa…

Tình yêu của Mr. Gu và Yeom Mi Jeong không có nhiều đặc điểm thường thấy ở những cặp đôi khác. Không náo nhiệt, không hờn ghen, không cãi vả, không có những câu chúc ngủ ngon mỗi đêm và chào nhau mỗi sáng mà chỉ có nhiều khoảnh khắc bình yên ngồi cạnh nhau. Đơn giản là cùng ăn bữa cơm, cùng xem một bộ phim, cùng nhìn về một hướng.

Dù không nói những lời hoa mỹ nhưng Mr. Gu – người nói được làm được, đã âm thầm sùng bái Mi Jeong theo cách mà cô mong muốn.

Phim đã khắc họa rõ nét hai giai đoạn cuộc đời của nữ chính: Trước và sau khi gặp Mr. Gu đã có những thay đổi to lớn. Nhưng Mr. Gu không đứng ngoài câu chuyện đó, anh cũng là nhân vật tìm thấy sự tự do bằng ngôn ngữ tình yêu thầm lặng của mình. 

Mr. Plankton

Ngay từ tựa đề phim, “Mr. Plankton” đã khơi gợi được sự tò mò của khán giả. Tại sao lại gọi nhân vật chính bằng danh từ đó? Bắt nguồn từ trong tiếng Hy Lạp, “plankton” được định nghĩa là trôi dạt hoặc sinh vật phù du – những sinh vật nhỏ bé nhất sống trong lòng đại dương và là nguồn thức ăn cho các động vật khác. Chỉ vì sự tồn tại quá nhỏ bé nên chúng dễ dàng bị lãng quên nếu bị dòng chảy và thủy triều mang đi. Và đây là cách bộ phim dẫn dắt người xem đến với số phận của Hae Jo (Woo Do Hwan) – một kẻ sống phiêu du, bất cần đời không cần biết ngày mai ra sao. 

Hae Jo được sinh ra bởi sự cố y khoa, hoàn cảnh nghiệt ngã hơn khi anh phát hiện mình mắc bệnh di truyền về não không thể chữa. Anh tự nhận mình trúng “vé số độc đắc” khi trải qua quá nhiều bất hạnh mà lớn nhất phải kể đến là bị gia đình bỏ rơi. Về bản chất, không chỉ riêng Hae Jo là sinh vật phù du mà Jo Jae Mi (Lee Yoo Mi) cũng vậy. Bạn gái cũ của Hae Jo phát hiện mình bị mãn kinh sớm ở tuổi 28, chỉ vài ngày trước đám cưới với Eo Heung – bạn trai hiện tại của cô.

Ngay từ xuất phát điểm, ngôn ngữ tình yêu giữa Hae Jo và Jae Mi có lẽ là sự đồng cảm. Hae Jo ý thức được cả hai đều bất hạnh khi họ cùng thiếu mái ấm gia đình trọn vẹn, bị bỏ rơi và sống lạc lõng trong thế giới này. Chính sự giống nhau đó khiến cặp đôi thấu hiểu đối phương đến tận tâm can, cả hai cứ như sinh vật phù du lênh đênh giữa biển. Trong khoảnh khắc mơ hồ đó, Hae Jo và Jae Mi tìm thấy ý nghĩa của việc cùng nhau tồn tại. 

Dù có nhỏ bé và yếu đuối, họ trở thành điểm tựa và nguồn sống cho nhau, giống cách các “plankton” là nền tảng cho cả đại dương bao la. 

Tuy nhiên, điểm chung ban đầu lại trở thành lý do để cặp đôi chia xa. Họ đều là trẻ mồ côi và Hae Jo khẳng định những người như vậy thì không thể xây dựng gia đình. Họ từng chọn cách gạt bỏ nhau ra khỏi cuộc sống với hy vọng rời xa nhau sẽ có hạnh phúc. Khi câu chuyện bước đến giai đoạn Hae Jo quyết tâm đi tìm “người cha sinh học” của mình, ngôn ngữ tình yêu của nam chính có sự thay đổi. Anh xông thẳng đến đám cưới của Jae Mi để “bắt cóc” cô dâu cùng đi tìm người thân, bất chấp sự phản kháng quyết liệt của cô. 

Vì Hae Jo sắp phải ra đi nên mới quyết định làm liều hay do tình yêu của anh vẫn vẹn nguyên dù có chia xa?

Ngôn ngữ tình yêu từ Hae Jo đặc biệt hơn so với sự quan tâm trực tiếp của nam phụ Eo Heung, Hae Jo cho Jae Mi sự lựa chọn mà cô muốn dù anh đang đứng trong cuộc giằng xé nội tâm giữa việc sợ bị tổn thương với khao khát được yêu.

Một trong hai chúng ta phải chết thì mới không dính vào nhau nữa. Hoặc anh để tôi đi hoặc giết tôi ngay bây giờ. Không thì để tôi sống hạnh phúc đi

Được rồi, thế thì chọn. Để anh chết, đổi lại chưa chết thì anh sẽ không buông tay em”.

Ở thời khắc đó, sự đồng cảm ban đầu đã được nâng lên thành sự hy sinh. Hae Jo biết trước kết cục của mình từ những phút giây đầu nhưng anh chọn cách giấu nhẹm, mặc cho Jae Mi cảm thấy khó hiểu và làm loạn. Ngẫm lại mới thấy, Hae Jo dạy Jae Mi cách lái xe, tạo dựng cho Jae Mi một gia đình, có đồng nghiệp của Hae Jo, có người chị lớn cưu mang anh lúc khó khăn và người “chồng hụt” của cô. Đây dường như là gia tài mà anh chàng “xui xẻo” để lại cho người anh yêu thương nhất trên đời. Người thiếu thốn tình cảm nhất lại là người hiểu rõ cái giá của nó nhất. 

Với “Mr. Plankton”, người xem hình dung được số phận bi kịch của Hae Jo nhưng đồng thời nhận ra được hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống sâu sắc của tất cả nhân vật. Dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tình yêu vẫn luôn tồn tại và dày lên theo năm tháng. 

Bài: Nhựt Chi
Ảnh: Tổng hợp

library