Young At Heart – Phùng Khánh Linh: Từ những vết nứt của sự mất mát, ánh sáng đã tràn vào

  • by Huyền My Trương
  • January 17, 2025

Những ca khúc của Phùng Khánh Linh hiếm khi thể hiện sự hân hoan, mà thường là một thế giới hỗn độn, nơi nỗi buồn và sự mất mát là khởi nguồn của tất cả. Nhưng hành trình theo đuổi âm nhạc 6 năm qua của Linh đã có chuyển biến rõ rệt. Từ trong những vết nứt, những đoá hoa đã nở rộ, ánh sáng tràn vào và sưởi ấm mọi ngóc ngách tăm tối nhất. Linh của hiện tại đã biết cân bằng mọi thứ, biết chấp nhận và buông bỏ, biết nhìn cuộc đời bằng một trái tim rộng mở, tự do hơn.

TỪ NƠI GÓC TỦ BƯỚC RA NGOÀI THẾ GIỚI

Hồi bé, Linh từng có biệt danh là “cô bé trốn trong tủ” vì tự ti nên thường nấp trong ngăn tủ để hát một mình. Ngày nay, Linh không chỉ hát cho nhiều người, mà còn tự mình sáng tác những ca khúc mình hát. Giờ nhìn lại quãng thời gian hát trong tủ hồi bé, có những cảm xúc đặc biệt nào mà Linh tuổi 30 muốn chia sẻ không?

Tủ quần áo như một thế giới bí mật của Linh, mỗi lần trốn trong tủ hát cảm giác như tôi đang lặng lẽ xếp từng viên gạch cho ước mơ. Tình yêu âm nhạc lớn dần theo năm tháng, đến mức tôi không chỉ muốn hát, mà còn muốn tự tạo ra những giai điệu, những ca khúc mang dấu ấn của chính mình. Tôi đã bắt đầu tự học sáng tác, học hát, học nhạc cụ và nghiên cứu về hoà âm phối khí. Không có một lộ trình cụ thể, chỉ có âm nhạc dẫn đường.

Giờ đây, khi được sáng tác, được hát và dần dần đang được khán giả yêu thương và đón nhận, tôi cảm nhận sâu sắc rằng, hành trình này không chỉ là của riêng mình nữa, mà còn là câu chuyện cho những ai cũng đang giống như mình ngày ấy, luôn tự ti và hoài nghi về bản thân. Chỉ cần dũng cảm nuôi dưỡng giấc mơ, bất kể là bắt đầu từ đâu, dù đến từ một góc tủ nhỏ, sẽ có một ngày bạn cũng có thể toả sáng theo cách của riêng mình.

Tạm lấy cột mốc “Hôm Nay Tôi Buồn” (2018) đến nay là “EM ĐAU” (2025), 6 năm rồi và… vẫn buồn. Trên lý thuyết là vậy, còn sự dịch chuyển trong suốt 6 năm qua quả thực chỉ có người trong cuộc mới có thể chia sẻ. Mạn phép hỏi Linh trong 6 năm qua, thời điểm bạn được biết đến nhiều hơn với “Hôm Nay Tôi Buồn” và tới thời điểm hiện tại, thế giới âm nhạc của Linh đã đi qua những giai đoạn và trạng thái nào? Và về riêng bản thân Linh, bạn nhận thấy sự thay đổi mạnh mẽ nhất của bạn là ở phương diện nào?

Mỗi kỷ nguyên âm nhạc đều là những dấu mốc ghi lại những khoảnh khắc trưởng thành của Linh. Từ album đầu tay “yesteryear” – những trang nhật ký tuổi trẻ, đến “CITOPIA” – một thế giới hoàn hảo đầy mộng tưởng từ những nỗi buồn của thành thị, và sắp tới là album thứ 3 sẽ được phát hành vào mùa hè năm nay: “GIỮA MỘT VẠN NGƯỜI” sẽ… vẫn buồn nhưng gai góc hơn.

Sự chuyển mình lớn nhất của bản thân Linh gói gọn trong một chữ “dám”. Dám đối diện với bản thân, những nỗi sợ sâu thẳm, những khuyết điểm từng né tránh. Dám chấp nhận rằng không ai hoàn hảo, kể cả bản thân mình và dám tha thứ cho những lỗi lầm của quá khứ.

Quan trọng hơn, tôi đã dám thay đổi – thay đổi suy nghĩ, thói quen và cả cách nhìn nhận thế giới. Linh nhận ra, chỉ khi dám bước ra khỏi cái vỏ an toàn, Linh mới thực sự sống trọn vẹn và trưởng thành.

“EM ĐAU” nhận được sự đón nhận rất tốt vì sự phức tạp trong cách xử lý giai điệu và cả thể loại mà nó đang bao hàm. Sự tiếp nối đầy hấp dẫn sau “ƯỚC ANH TAN NÁT CON TIM” được làm nên từ những “chất liệu” riêng tư và khách quan nào?

“ƯỚC ANH TAN NÁT CON TIM” và “EM ĐAU” đều là những trải nghiệm rất riêng tư của chính bản thân Linh. “ƯỚC ANH TAN NÁT CON TIM” là tâm trạng của cô gái trong một mối quan hệ mập mờ (situationship), không có cam kết. Đó như một lời trách cứ nhẹ nhàng nhưng đầy yếu đuối khi tổn thương. Bài hát như một câu hỏi cô gái tự dành cho chính mình, liệu rằng chàng trai có tan nát con tim, có đánh mất chính mình vì yêu như những gì cô ấy đang trải qua. Với cá nhân Linh, giận dữ là một giai đoạn cần thiết trong hành trình tự chữa lành mà chúng ta phải đối mặt và bước qua.

“EM ĐAU” ra đời từ những cuộc đối thoại nội tâm sau đó, là lúc bản thân tự hỏi rốt cuộc nỗi đau thực sự đến từ đâu. “Ai đã làm tôi đau đớn đến thế? Người yêu, bạn bè hay cả thế giới ngoài kia?” Rồi khi tất cả mọi thứ xung quanh dường như lặng thinh, ta tự hỏi chính mình: “Liệu ta có phải là một phần trong nỗi đau này?” Có phải chính chúng ta đã để cho những quyết định sai lầm, những lời nói chưa thấu đáo, hay những mong đợi quá lớn trở thành nguyên nhân của sự tổn thương mà ta đang trải qua? Dù là những câu chuyện hay cảm xúc rất cá nhân, Linh mong rằng khi nghe bài hát, khán giả có thể thấy mình trong đó, không ngại đối diện các cảm xúc tiêu cực, cho phép bản thân được khóc, được đau đớn, được giận dữ và cùng Linh giải thoát chúng.

Những tưởng Phùng Khánh Linh sẽ tiếp tục theo đuổi dòng nhạc City Pop để gia tăng độ nhận diện tại thị trường khó tính này, thế nhưng Phùng Khánh Linh bất ngờ lựa chọn Alternative, Pop Rock cho đĩa đơn “ƯỚC ANH TAN NÁT CON TIM”. Ca khúc mà theo tôi thì thú vị ngay từ cái tên! Thực tế thưởng thức nó, sự thú vị còn nhân đôi. Tôi thấy nó cho thấy một Khánh Linh mới mẻ, lôi cuốn và có chút ma mị. Đây có phải là tất cả những điều mà tôi cần biết không? Có gì đặc biệt trong lần thử nghiệm đầy thú vị này của Linh?

Linh thích khám phá, tìm hiểu mọi ngóc ngách của âm nhạc, và may mắn là Linh có một ekip rất thấu hiểu mình và cùng Linh thoải mái sáng tạo bất kỳ ý tưởng điên rồ nào loé lên. Với Linh, điều cần thiết khi khai thác bất kỳ một chất liệu âm nhạc nào, đó chính là sự phù hợp.

“CITOPIA” là một lối thoát tạm thời, nơi Linh tìm kiếm sự an ủi, thoát ly khỏi guồng quay thực tại khắc nghiệt để tìm về một thế giới lý tưởng. Vì thế city pop là chất liệu phù hợp nhất cho “CITOPIA”. Có thể Linh sẽ trở lại với city pop một ngày nào đó.

Lần trở lại này như mọi người đã nghe qua 2 đĩa đơn đã ra mắt: “ƯỚC ANH TAN NÁT CON TIM” và “EM ĐAU” thì album “GIỮA MỘT VẠN NGƯỜI” sẽ là một không gian rất dream pop kết hợp indie rock – một trải nghiệm hoà quyện giữa mơ màng và gai góc, giữa hy vọng và tuyệt vọng, giữa giấc mơ và thực tế. Hãy cùng Linh chờ đến mùa hè năm nay để khám phá thêm nhé!

Lần đầu tôi nghe ai đó ước trái tim ai đó tan nát mà… hát bằng sự bình thản và ung dung như vậy. Từ đây, tôi muốn biết cách Linh nghĩ về niềm đau của sự tan vỡ, của những sự bất thành trên đời này…?

“ƯỚC ANH TAN NÁT CON TIM” là giận dữ nhưng đầy yếu đuối của cô gái. Tựa đề mới nghe qua sẽ thấy như một sự “nguyền rủa” nhưng bản chất chỉ là một câu hỏi đau đáu của cô gái rằng: Liệu anh có từng tan nát con tim vì yêu như những gì em đang trải qua. Bài hát từ tâm trạng buồn bã, chiêm nghiệm ở nửa đầu cho đến sự giải thoát mãnh liệt và đầy bình thản ở nửa sau.

Sự tan vỡ hay những điều bất thành là trải nghiệm ai cũng phải đối mặt trong đời. Linh của ngày xưa hay né tránh, tìm kiếm những sự an ủi bên ngoài nhưng giờ đây tôi hiểu rằng mình cần bình tâm sống trong nỗi đau, quan sát và chấp nhận sự tồn tại của nó và tìm cách giải phóng. Nỗi đau sẽ giúp chúng ta ngộ ra nhiều điều về bản thân và thế giới xung quanh; nỗi đau không phải là kẻ thù, mà là một người thầy.

Linh hy vọng rằng, qua những bài hát của mình, khán giả cũng có thể đi qua hành trình: Bắt đầu bằng việc đối diện với nỗi đau, hiểu rằng nó là một phần của cuộc sống, rồi tự mình làm lành những vết thương và cuối cùng buông bỏ nó. Tan vỡ không phải là dấu chấm hết, mà là khởi đầu cho một hành trình – nơi chúng ta tìm lại sự bình an và trưởng thành hơn qua từng trải nghiệm.

NHỮNG VẾT NỨT KHÔNG LÀM TA YẾU ĐUỐI

Từ “yesteryear”, “CITOPIA” và giờ là “GIỮA MỘT VẠN NGƯỜI”. Không gian âm nhạc của bạn dường như được trải rộng hơn chăng, về chiều kích của sự cô đơn và mất mát? “A love and loss from the mind of Phùng Khánh Linh”, tôi nghĩ đúng không?

Wow, Linh cảm ơn sự quan sát của quý báo đã dành cho hành trình âm nhạc của Linh. Quả thật, từ “yesteryear”, “CITOPIA” đến “GIỮA MỘT VẠN NGƯỜI” đúng là chiều kích của sự cô đơn và mất mát được trải rộng hơn và đậm nét hơn. Đó cũng chính là hành trình trưởng thành của cảm xúc thông qua việc Linh đối diện với sự cô đơn và mất mát.

Từ sự non nớt của những trang nhật ký tuổi trẻ, là những trang thư tay gửi vội trong “yesteryear” cho đến đến sự khao khát về một thế giới lý tưởng để ủi an cho những tổn thương, mất mát trong “CITOPIA”. Và cho đến “GIỮA MỘT VẠN NGƯỜI” là hình ảnh cô gái cầm thanh kiếm hiên ngang kiêu hãnh đã đủ mạnh mẽ đối diện với hiện thực phũ phàng đến tàn khốc. Âm nhạc thực sự là tấm gương phản chiếu tâm hồn tôi, nơi có đầy những giằng xé nội tâm về thế giới xung quanh.

Linh là một “cá tính âm nhạc” đặc biệt, dũng cảm bước đi với lựa chọn của mình, ngay từ những ngày đầu tiên, thiết lập của Linh về phương hướng sẽ theo đuổi âm nhạc, và các hoạt động nghệ thuật như thế nào?

Linh của những ngày đầu tiên khá non nớt trong việc định hướng con đường âm nhạc của mình và cách nhìn nhận ngành công nghiệp âm nhạc cũng có nhiều thiếu sót. Đó là giai đoạn mà Linh chỉ có đam mê, nhưng thiếu những kinh nghiệm và kiến thức quan trọng để phát triển dài lâu. Sau bài hit “Hôm Nay Tôi Buồn” vô cùng may mắn và đến rất “bất thình lình”, Linh không làm gì cả, không một kế hoạch gì để phát triển âm nhạc và bản thân, chỉ tận hưởng thành quả để rồi lạc trôi luôn.

Thật may mắn, sau đó Linh gặp được những người đồng đội thấu hiểu âm nhạc của mình để cùng nhau gắn bó và phát triển đến hiện tại. Trải qua nhiều bất đồng nhưng Linh rất trân trọng ekip của mình vì đã luôn tôn trọng, bao dung, khuyến khích, thúc đẩy sự sáng tạo bên trong mình; giúp Linh không ngừng phát triển và vượt qua những giới hạn của bản thân. Để rồi giờ đây Linh tin và vững bước hơn với lựa chọn của mình.

Hầu hết những ca khúc của Linh đều mang màu sắc tự sự, trần tình. (Tôi mạn phép cho rằng) dường như Linh kết nối với chính mình dễ hơn (và thường xuyên hơn) với thế giới bên ngoài. Có giai đoạn nào Linh mất kết nối với chính mình không?

Linh cảm thấy bản thân rất may mắn khi có thể viết ra được mọi cảm xúc hỗn loạn bên trong mình; đó như một cách giải thoát những cảm xúc tiêu cực và nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực. Không ít lần, Linh cũng đã mất kết nối với chính mình vì theo đuổi thế giới bên ngoài quá nhiều. Có một giai đoạn dài tôi rất sợ bị bỏ rơi, sợ ở một mình, nên cố gắng kết bạn rất nhiều và nỗ lực duy trì tất cả các mối quan hệ. Sau nhiều biến cố Linh nhận ra mình đã để cảm xúc phụ thuộc vào thế giới bên ngoài quá nhiều, để rồi khiến mình lạc lối. Tất nhiên, hệ quả của những khủng hoảng đó rất sâu sắc, nhưng cũng để lại những bài học đáng giá.

Nhờ vậy, Linh có được những buổi đối thoại rất chân thành cùng những đồng đội và học cách lắng nghe tiếng nói bên trong mình. Linh tập “hẹn hò” với chính mình, dành thời gian ở một mình để quan sát cảm xúc và dần dần học cách đón nhận mọi thứ xung quanh như một thông điệp, thay vì cố gắng lao ra ngoài tìm kiếm sự an ủi hay thuộc về. Khi không còn phụ thuộc vào bất kỳ ai hay điều gì bên ngoài, Linh nhận ra mình thu hút những điều tích cực và trở nên bình thản hơn, thay vì những hỗn độn trước kia.

Giờ đây, thỉnh thoảng Linh vẫn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài, bởi vì chúng ta đều là con người và sống trong một thế giới đầy tương tác. Nhưng điều quan trọng là Linh đã học được cách nhận diện cảm xúc, tự đặt cho mình nhiều câu hỏi, ngồi lại và làm việc với chính mình để vượt qua.

Với Linh, kết nối với bản thân không phải là đích đến, mà là một hành trình dài – một hành trình mà mình luôn cần học cách kiên nhẫn, yêu thương và bao dung nhiều hơn.

Tuổi 30 đã mở ra cho Linh những luồng tư duy và sự khai mở nào?

Trước 30, Linh thường hay lý tưởng hoá niềm vui và bi kịch hoá nỗi buồn, chắc là vì tâm hồn nghệ sĩ sẽ luôn như vậy. Ở hiện tại, Linh đã biết cân bằng mọi thứ hơn, biết chấp nhận và buông bỏ, biết nhìn cuộc đời bằng một trái tim rộng mở, tự do hơn.

Trước 30, mọi lời từ chối dành cho Linh đều có nghĩa là nghịch cảnh, là thất vọng, là ê chề và khiến mình thầm trách bản thân. Ở hiện tại, những lời từ chối đều là cơ hội để Linh tiến nhanh hơn đến với vùng năng lượng khác mà mình thuộc về. Mọi thứ nhẹ nhàng, không sao cả.

Một sự khai mở tuyệt vời khác là đó là tìm lại giọng hát. Sau “CITOPIA”, có thời điểm Linh mất cảm giác và mất cả sự rung động với giọng hát của chính mình. Linh cũng rơi vào khoảng không vô định không biết phải làm gì và phải từ chối rất nhiều cơ hội, trong đó phải kể đến như những chương trình truyền hình thực tế đầy sức hút.

Linh rất biết ơn vì mình đã vượt qua được rào cản tâm lý đó, tự tin hơn, và tình yêu âm nhạc cũng ngày một lớn hơn để mình có thể sáng tạo và cống hiến nhiều hơn cho khán giả.

“Vạn vật đều có vết nứt, đó là nơi ánh sáng sẽ tràn vào”. Một “vết nứt” của Linh mà ánh sáng đã tràn vào?

Có lẽ mất mát chính là “vết nứt” của Phùng Khánh Linh. Mỗi mất mát là một khoảng trống cho mình những suy nghĩ, những sự thấu hiểu về bản thân và thế giới xung quanh mà Linh chưa từng nhận ra khi mọi thứ còn nguyên vẹn.

Dù vậy, nơi nào có vết nứt nơi đó có ánh sáng tràn vào sưởi ấm mình, giúp mình mạnh mẽ hơn, và giúp mình chấp nhận rằng vết nứt không làm ta yếu đuối, mà làm ta trở nên chân thật và hoàn thiện hơn.

Câu hỏi tràn đầy hình ảnh này như một thông điệp nhắc lại cho Linh cái cách đối diện với những biến cố ở góc nhìn tích cực hơn. Đó cũng là thông điệp âm nhạc của Linh muốn dành cho khán giả của mình.

Vừa mềm mại, nhẹ nhàng, song vô cùng kiên định và mạnh mẽ. Điều gì đã định hình nên Phùng Khánh Linh của hôm nay?

Linh rất vui vì thông qua âm nhạc mọi người có thể cảm nhận như vậy về Linh. Đó là kết quả của rất nhiều sự hỗn độn cả về tinh thần lẫn thể xác. Linh rất thích một câu nói của Haruki Murakami trong cuốn sách “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”, đó là “Khổ đau là không thể tránh khỏi nhưng chìm đắm trong đau khổ là một sự lựa chọn”. Hy vọng chúng ta đều có thể kiên định và mạnh mẽ đứng dậy sau vấp ngã, bước tiếp và không ngừng học hỏi, trau dồi và tin tưởng vào bản thân mình.

Mỗi lần đón một năm mới sắp đến, Linh thường chiêm nghiệm và nói những gì với mình? 

Hãng đĩa và Linh có duy trì một truyền thống rất hay (với Linh) là mỗi cuối năm chúng mình sẽ có những buổi trò chuyện thân mật để lắng nghe và hoạch định lại những tâm tư, vướng bận. Qua những buổi này, chúng mình có thời gian ngồi lại chiêm nghiệm năm cũ, cảm ơn, tự nhắc nhở và truyền động lực cho năm mới đến. Biết ơn và trân trọng sẽ là những điều Linh luôn ghi nhớ. Nhìn lại một năm đã qua, Linh cảm thất rất vui và xúc động vì âm nhạc của mình ngày càng được đón nhận hơn.

Linh rất bất ngờ khi một bài hát alternative pop với một chủ đề giận dữ gai góc có thể được đón nhận nhiều như vậy giữa “tâm bão” cả nghĩa đen và nghĩa bóng. 2025 sẽ là một năm bận rộn với nhiều ấp ủ, trong đó Linh hy vọng được gặp khán giả thường xuyên hơn qua mini tour vào mùa hè này để được gần hơn và được hát cho các bạn nghe. Cảm ơn Men’s Folio đã tạo điều kiện cho Phùng Khánh Linh được trò chuyện và chia sẻ âm nhạc của Linh đến với độc giả.

Cảm ơn những chia sẻ của Phùng Khánh Linh.

Creative & Visual Director: UIN (DLMA)
Photographers: Wuan Minh Nguyen (DLMA), Nhi Ngờ
Stylist: Harry Võ
Make-up Artist: Đức Võ Minh (DLMA)
Hair Artist: Hiền Korea
Words: Huyền My Trương

————

FEATURE YOUNG AT HEART

Thời gian chỉ có một chiều duy nhất (cho đến nay được biết đến) đó là từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Chính vì sự vận động tuyến tính đó, chúng ta đặc biệt có nhiều cảm xúc mỗi khi bước qua vòng lặp của 365 ngày (một trong những ý tưởng định thời gian do ta tạo nên). Do đó, để khởi động năm mới nhiều điều mong chờ, xua đi nỗi muộn phiền về những nuối tiếc của năm cũ, và cổ vũ bạn đọc xa rời những âu lo về một tương lai bất định, Men’s Folio Vietnam lan tỏa câu chuyện của những con người luôn hết lòng và dũng cảm với điều mình chọn để sống trọn với một lần sống. Dù ở độ tuổi hay ở vai trò nào, họ vẫn không ngừng dấn bước, luôn luôn khát khao và tin vào một tương lai rực sáng, bằng ngọn lửa rực cháy thôi thúc từ bên trong. 

library