“You” mùa 5: Hồi kết của kẻ sát nhân si tình

  • by Huyền My Trương
  • May 8, 2025

Mùa cuối của loạt phim “You” không đơn thuần là một cuộc đối thoại u tối với khán giả về bản chất thật của cái gọi là “cơ hội thứ hai”, về sự nguy hiểm khi những giấc mộng được xây bằng sự phủ nhận. Trên hết, đó là cách Joe Goldberg – biểu tượng cho sự quyến rũ đầy độc hại – buộc ta soi chiếu lại chính mình.

Joe Goldberg (Penn Badgley) – tay sát nhân với vẻ ngoài quyến rũ, với chất giọng độc thoại nội tâm đầy mê hoặc – từng khiến người xem loạt phim “You” vừa ghê sợ, vừa đồng cảm. Sau bốn mùa lang bạt từ New York đến Los Angeles rồi London, ở mùa cuối cùng, Joe khoác lên một “chiếc mặt nạ” mới: Người chồng tận tụy bên cạnh Kate Lockwood (Charlotte Ritchie), CEO của tập đoàn Lockwood. Tuy nhiên, quá khứ đen tối và bản năng giết người của hắn không dễ dàng bị chôn vùi.

Cao trào đến khi Joe bắt đầu bị thu hút bởi Bronte (Madeline Brewer), một nữ biên kịch xinh đẹp đang gặp nhiều trắc trở. Cùng lúc, mối quan hệ giữa Joe và Kate trở nên căng thẳng, khi cô phát hiện ra sự thật về quá khứ của hắn.

Không còn là lời tự sự của cái ác

Ngay từ mùa đầu tiên, loạt phim “You” đã tạo ra nhiều sự tranh cãi xoay quanh nhân vật chính Joe Goldberg. Hắn là chàng Hoàng tử bạch mã thông minh, lãng mạn, biết đọc sách, biết nấu ăn, quan tâm phụ nữ – và rồi, đột nhiên, hắn giết người. 

Song, cách dẫn truyện đầy duyên dáng và có phần “đúng lúc” của hắn khiến mọi tội ác được bọc đường: “Vì yêu”, “Vì bảo vệ”, “Vì bị tổn thương”,… Khía cạnh đó khiến Joe trở thành một hình tượng nam chính đặc biệt – không theo motif hoàn hảo kiểu cổ tích. 

Quả thật, Joe là hiện thân hiện đại của nhân vật chính Rodion Raskolnikov trong quyển “Crime and Punishment” (Tội ác và Trừng phạt): Một kẻ có học, mắc kẹt giữa lý trí và đạo đức, tự cho mình quyền giết người vì một mục tiêu cao cả hơn. Nhưng khác với Raskolnikov – người luôn tự vấn và bị dày vò, Joe che giấu sự khủng hoảng ấy bằng một vẻ ngoài bình thản và thái độ đổ lỗi tinh vi.

Kịch bản mùa 5 thay đổi cấu trúc kể chuyện truyền thống của “You”. Thay vì dựa trên mâu thuẫn với người khác, mùa này đi sâu vào mâu thuẫn bên trong Joe. Điều này khiến tiết tấu phim chậm hơn, nhiều đoạn dường như trôi qua như hồi tưởng, như ảo giác – và đó chính là dụng ý của ê-kíp: Để khán giả cảm nhận sự rạn nứt đang diễn ra từ bên trong nhân vật. Thế giới quan của Joe cũng sụp đổ dần. Joe tưởng rằng tình yêu có thể cứu rỗi hắn, rằng mình là sản phẩm của tuổi thơ bị bỏ rơi, nên đáng được tha thứ. Nhưng tác phẩm không để hắn dễ dàng thoát tội như vậy. 

Thay vì chỉ theo dõi dòng suy nghĩ của Joe, trong vài tập phim, ta được đặt vào vị trí của những người từng là nạn nhân – hoặc suýt thành nạn nhân – của hắn. Đây là một bước ngoặt quan trọng, khi biên kịch quyết tâm cắt bỏ đặc quyền “thấu cảm dễ dãi” mà khán giả từng có. Đột nhiên, Joe không còn là người kể chuyện đáng tin cậy, người xem không còn là đồng phạm vô tình.

Chuyển biến lớn về cấu trúc này khiến mùa 5 trở thành phần khó tiếp cận nhất với khán giả đại chúng, nhưng lại là phần có chiều sâu tâm lý mạnh nhất. Tác phẩm không còn kể một câu chuyện giật gân – mà giải phẫu một tâm hồn lệch chuẩn đã đến giới hạn cuối cùng. 

Thông qua cái kết thích đáng dành cho Joe Goldberg ở tập cuối, thông điệp chính của “You” cũng được nhấn mạnh: Quá khứ có thể giải thích hành vi, nhưng không thể xóa bỏ hậu quả. Một người có thể tổn thương, nhưng vẫn có thể đồng thời là kẻ gây tổn thương.

Khi truyền thông biến sự độc hại thành nội dung giải trí

“You” mùa 5 cho thấy cách mạng xã hội và truyền thông đã tạo ra một môi trường lý tưởng để những kẻ như Joe phát triển – không chỉ tồn tại, mà còn được tung hô. Việc hắn trở thành một nhân vật nổi tiếng – một “người sống sót”, một “biểu tượng truyền cảm hứng” – là một cú giễu nhại thông minh của bộ phim về hiện thực đáng báo động ở đời thực.

Joe biết cách kể chuyện. Và mạng xã hội là nơi tôn vinh những người biết kể chuyện. Không quan trọng câu chuyện đó thật hay giả, đạo đức hay độc hại – chỉ cần nó có tương tác, có sức lan tỏa. You khéo léo phê phán văn hóa tôn vinh “anti-hero”, nơi sự thật bị bóp méo, và công chúng trở thành khán giả bị dẫn dắt – hoặc đồng lõa.

Hình ảnh Joe xuất hiện trực tuyến, được khen ngợi, được người khác tin tưởng, là một cú đấm vào mặt khán giả từng “hiểu” và “thương” hắn. Bộ phim không chỉ nói về một kẻ sát nhân, mà nói về cả xã hội đã dung túng cho hắn – bằng sự tò mò, cảm thông và quên nhanh.

Một trong những thông điệp trung tâm là sự nguy hiểm của tính biểu tượng. Joe là hiện thân cho một mẫu đàn ông tưởng như lý tưởng: có học thức, biết cảm thông, luôn sẵn lòng “cứu” người khác khỏi chính họ. Nhưng thực chất, đó là sự chiếm hữu trá hình, là nhu cầu kiểm soát được ngụy trang bằng tình yêu và đạo đức.

Cũng giống như cách một số tội ác ngoài đời thực từng bị thương mại hóa thành phim tài liệu, thành tiểu thuyết bán chạy, thành meme trên TikTok, “You” đặt ra câu hỏi: Liệu chúng ta có thật sự muốn công lý, hay chỉ muốn tiêu thụ nỗi đau người khác như một món giải trí cao cấp?

Màn trình diễn khó rời mắt 

Đã 5 mùa trôi qua, và có lẽ không ai còn nghi ngờ rằng Penn Badgley là linh hồn của “You”. Mùa này, khi Joe không còn là một kẻ mâu thuẫn – mà trở thành hiện thân của cái ác đầy lý trí – Badgley phải thể hiện một thái cực mới: Lạnh, tỉnh, và không cần biện minh.

Điều ấn tượng nằm ở chỗ, anh gần như không cần nâng giọng hay thể hiện cảm xúc thái quá. Gương mặt ít thay đổi, giọng độc thoại đều đều, ánh mắt hầu như trống rỗng – nhưng tất cả đều được kiểm soát chính xác để tạo ra một cảm giác bất an dai dẳng. Khán giả biết Joe đang diễn – và điều kinh hoàng là hắn diễn ngay cả với chính mình.

Một vài phân đoạn trong phim – nơi Joe đối thoại nội tâm hoặc tưởng tượng những kịch bản không có thật – là đất diễn hiếm có cho Penn Badgley thể hiện chiều sâu nhân vật mà không cần đến lời thoại. Chỉ bằng nhịp thở, nhịp mắt, và khoảng lặng, anh khiến người xem cảm thấy như thể mình đang bước vào vùng não bộ vặn xoắn của một kẻ hai mặt.

Nổi bật không kém là Anna Camp trong vai cặp chị em sinh đôi Reagan và Maddie Lockwood. Cô thể hiện sự chuyển biến tâm lý linh hoạt giữa hai nhân vật: Reagan – lạnh lùng, tham vọng; và Maddie – dịu dàng, dễ tổn thương. Sự tương tác giữa hai nhân vật do cùng một diễn viên thủ vai mang đến chiều sâu và sự phức tạp cho câu chuyện, đặc biệt là trong những cảnh đối đầu giữa hai chị em.

Madeline Brewer, trong vai Bronte, “nàng thơ” mới của Joe, mang đến một nhân vật vừa quyến rũ vừa bí ẩn. Bronte là một nhân vật có chiều sâu, với sở thích đọc tiểu thuyết lãng mạn và khả năng điều tra trên mạng. Diễn xuất của Brewer giúp Bronte trở thành một đối trọng đáng gờm với Joe, khiến hắn phải đối mặt với những khía cạnh tăm tối nhất của bản thân.

Với kịch bản nhiều nút thắt cùng cái kết hợp lý, mùa 5 gần như không có điểm trừ. Chỉ hơi đáng tiết là một vài chuyển biến tâm lý được đẩy quá nhanh, như thể bộ phim muốn đảm bảo mọi thứ phải kết thúc đúng thông điệp, thay vì để chúng diễn ra tự nhiên.

“You” mùa 5 không phải là lời chuộc tội cho Joe Goldberg, mà là tấm gương phản chiếu sự thật mà hắn và chúng ta luôn né tránh. Một sự thật không dễ chịu, nhưng cần thiết: Đôi khi điều tăm tối nhất không nằm ở hành động, mà nằm ở cách ta biện minh cho nó. Joe Goldberg không chỉ là một nhân vật hư cấu. Hắn là biểu tượng, và là cảnh báo, rằng đôi khi điều đáng sợ nhất không phải là kẻ giết người, mà là một xã hội đã thôi sợ hắn.

Ảnh: Tổng hợp
Bài: Phúc Logic

library