Unsung Hypemakers – Hoàng Quý Bình: “Hãy là điều mà bạn muốn thấy trên thế giới này”
LifestyleFeature

Unsung Hypemakers – Hoàng Quý Bình: “Hãy là điều mà bạn muốn thấy trên thế giới này”

“Hãy là điều mà bạn muốn thấy trên thế giới này” có thể chưa là sự đúc kết lý tưởng nhất cho nỗ lực suốt 10 năm qua của bạn trẻ Hoàng Quý Bình với các hoạt động vì cộng động và môi trường. Nhưng câu nói đó là tiền đề cho những tác động tích cực mà Bình đã và đang đem đến cho xã hội.

Xin chào Quý Bình, rất vui khi được trò chuyện với bạn trong một chuyên đề giàu cảm hứng. Trước hết, không khó để nhận thấy tình yêu của Bình dành cho các dự án cộng đồng và môi trường. Cụ thể thì bạn bắt đầu quan tâm đến những vấn đề này từ bao giờ?

Từ nhỏ, mẹ mình đã hướng dẫn cách chăm bón, tưới tắm cho khu vườn cạnh nhà; và mình thích thú ngắm nhìn sự phát triển của mỗi chiếc cây, những lúc hoa nở hay khi đàn bướm bay lượn. Thời gian chăm sóc cây cối là khoảng thời gian mình thích thú nhất trong ngày. Rồi khi lớn lên, mình cảm thấy rất hạnh phúc khi được nghe những âm thanh trong trẻo như tiếng chim hót vào mỗi sáng. Tình yêu thiên nhiên lớn lên trong mình như thế.

Sau này, mình ý thức rằng túi nilon thải ra môi trường có thể mất cả trăm đến nghìn năm mới có thể phân huỷ. Nhiều động vật và thực vật bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa, thậm chí tưởng chúng là thức ăn. Từ mong muốn bảo vệ thiên nhiên, môi trường, mình bắt đầu từ việc giảm tiêu thụ nilon, nhựa, trồng thêm cây xanh. Nhưng mình cần sức mạnh của cộng đồng để cùng thực hiện, thông qua hành động cụ thể, mong muốn giảm tác động tiêu cực của chúng ta.

Nói về môi trường, đâu là điều gì làm bạn quan tâm nhất?

Cụm từ biến đổi khí hậu có lẽ mọi người nghe nhiều rồi, từ khắp các bản tin thời sự. Mình rất sợ quá nóng hoặc quá lạnh, bởi thời tiết như vậy sẽ hạn chế năng suất làm việc. Thời tiết sẽ ngày một khắc nghiệt hơn, không khí ngày càng ô nhiễm hơn nếu chúng ta không tạo nên những tác động tích cực dành cho môi trường. Mình mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc tạo lối sống bền vững như giảm rác thải, phân loại rác tại nhà (để rác có thể trở thành tài nguyên), giảm nilon, nhựa một lần, mang túi cá nhân khi đi mua đồ. Chỉ có thể đạt được một lối sống bền vững nếu ta bắt đầu thay đổi từ suy nghĩ đến thói quen tiêu dùng.

Từ thời điểm thành lập Green Life đến nay đã bao lâu, và những dấu mốc đáng tự hào nào mà bạn muốn chia sẻ nhất?

Green Life hoạt động đến nay được hơn 5 năm. Mỗi dự án hoạt động đều có những tác động tích cực đến người dân đang theo dõi chúng mình, từ sự kiện “Đổi rác lấy cây” đầu tiên đã thu hút hơn 2.000 người tham gia. Chỉ trong năm đầu tiên, chúng mình đã đạt gần 100.000 người theo dõi. Sự kiện tổ chức tại Cầu Giấy đã thu hút 5.000 người tham gia thu gom được gần 6 tấn rác. Một bài viết kêu gọi mọi người không vứt rác bừa bãi vì sẽ tăng thêm sự vất vả cho các chú dọn cống đã tiếp cận đến hơn 20 triệu người dân. Sau hơn 5 năm, chúng mình đã thu gom hơn 1.000.000 chiếc vỏ hộp sữa, tổ chức 400 sự kiện thu gom, thu gom gần 600 tấn rác – con số này nghe có vẻ lớn nhưng thật ra chỉ bằng 1/10 lượng rác thải sinh hoạt người dân Hà Nội thải ra trong 1 ngày.

Khi vận hành một mô hình, đặc biệt là mô hình dự án vì cộng đồng, rất cần kế hoạch và phương hướng phát triển cụ thể. Bạn phát triển một cách có hệ thống như thế nào với Green Life?  

Thật ra chúng mình vừa làm vừa học. Xuất phát điểm của mình là chuyên ngành kỹ thuật, nên mình phải học mọi thứ để hỗ trợ cho công việc mình làm: cách làm việc với bản thân, quản lý thời gian, quản lý nhân sự, lên chiến lược, xây dựng hoạt động, vận hành, truyền thông, xây dựng văn hoá, quản trị rủi ro, kế hoạch phát triển… 

Triết lý hoạt động ở Green Life là “hướng thượng và hướng thiện”. Chúng mình luôn nhắc nhau việc học tập và hoàn thiện bản thân, luôn trau dồi và đổi mới, vì chỉ khi bản thân có nền tảng phát triển bền vững thì dự án hay kết quả hoạt động mới thực sự bềnvững.

Chúng mình áp dụng và học tập Nguyên lý 80/20 hay 7 thói quen làm việc hiệu quả trong công việc, hay các cuốn sách về tâm lý để có thể hiểu hành vi người dân từ đó tạo ra những hoạt động có tính bền vững và có những thay đổi kịp thời – linh hoạt. Chúng mình có văn hoá lắng nghe và xin đóng góp ý kiến của nhau, vậy nên chúng mình ít sai sót hơn, ít phải giải quyết vấn đề hơn, có thể tập trung cho việc phát triển dự án hơn.

5 năm tới của Green Life sẽ như thế nào? Bạn có kế hoạch phát triển gì chưa?

5 năm tới, chúng mình mong muốn lan toả hoạt động bảo vệ môi trường không chỉ tại Hà Nội và TP.HCM mà còn đến với các tỉnh/thành phố lớn khác, để các bạn thanh niên tại mỗi địa phương có thể góp phần bảo vệ môi trường, thể hiện tình yêu quê hương với nơi mình sinh sống. 

Song song đó, chúng mình sẽ phát triển hoạt động truyền thông đa kênh hơn để tiếp cận đến nhiều người dân hơn; kết hợp với các nhà trường, các chung cư triển khai hoạt động nâng cao nhận thức và phân loại rác; xây dựng một nền tảng để kết nối các doanh nghiệp tái chế, doanh nghiệp xanh-lành tại các địa phương đến gần hơn tới cộng đồng, thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Green Life mong muốn đồng hành trong việc thúc đẩy người dân phân loại rác tại nhà theo quy định của Luật bảo vệ môi trường.

Làm sao để những hoạt động vì cộng đồng và môi trường bền vững, thay vì sớm nở tối tàn, như rất nhiều hội nhóm dẫu có lòng nhưng không đủ sức duy trì? 

Đầu tiên, chúng mình cảm thấy rất may mắn vì hoạt động đến ngày hôm nay. Bên cạnh sự yêu mến và tham gia nhiệt thành từ người dân, chúng mình nhận được quan tâm và giúp đỡ từ các cấp chính quyền, các tổ chức, nhà trường, doanh nghiệp, các đơn vị báo đài. Sự đồng hành từ các bên liên quan là rất quan trọng. Cùng với đó trong suốt thời gian qua, chúng mình luôn lắng nghe, quan sát, học hỏi, đổi mới để duy trì và phát triển dự án một cách bền vững hơn.

Việc được đóng góp cho cộng đồng, cho môi trường, cho quê hương là một vinh hạnh lớn lao mà chúng mình luôn biết ơn vì điều đó. Chúng mình luôn nỗ lực để mỗi ngày hoạt động là mỗi ngày mang lại giá trị mà không cần chờ một dịp hay một sự kiện nào đó. Chúng mình hiểu rằng Green Life như một cái cây, mỗi ngày đều toả ra bóng mát, làm cho đời sống này dễ chịu và đẹp đẽ hơn.

Bên cạnh vận hành Green Life, bạn còn có những dự án hoặc hoạt động nào khác không?

Mình còn cùng những người bạn xây dựng một vài dự án liên quan đến văn hoá, nông nghiệp và giáo dục như là CLB Ngày mai tươi sáng ACE (CLB đã hoạt động được hơn 9 năm, giúp đỡ các bé có hoàn cảnh đặc biệt/khó khăn thông qua các buổi gia sư 0 đồng mỗi tối tại Làng trẻ em SOS Hà Nội, Làng trẻ em SOS Gò Vấp, một số ngôi chùa và một số phường tại Hà Nội); thư viện mượn sách “đặt cọc” bằng niềm tin D Free Book (thư viện có 2 cơ sở mở cửa hàng ngày, hơn 10.000 đầu sách đa dạng thể loại và mượn đọc không mất phí); Lớp học Dịu Dàng (mô hình lớp học dành cho các bạn sinh viên với các môn ngoại ngữ, nhạc cụ, sức khoẻ, kỹ năng, giúp các bạn có những hành trang cơ bản sau khi ra trường); Vườn cây chữa lành Lọ Mọ (vườn cây được xây dựng với mong muốn là nơi nuôi dưỡng và chăm sóc cây cối, người thừa cây có thể mang đến, người cần cây có thể nhận về, cây ốm có thể mang đến chữa trị); Không gian học tập và đóng góp cộng đồng Nhà nhiều Lá TP.HCM (tạo cho các bạn thanh niên thành phố có không gian học tập, đóng góp cộng đồng thông qua những sự kiện về văn hoá, giáo dục, môi trường được tổ chức đều đặn).

Tôi cũng khá tò mò về việc bạn gắn bó với Làng trẻ em SOS Hà Nội 9 năm, điều gì đặc biệt đã gắn bó bạn lâu đến vậy?

Cảm ơn câu hỏi của bạn. Năm lớp 6, mình có học bài Tết ở Làng trẻ em SOS Hà Nội trong sách Giáo dục công dân, lúc đó mình đã rất ấn tượng với làng trẻ và mong muốn sau khi trở thành sinh viên Đại học có thể qua chơi và giúp đỡ các em. Và khi trở thành sinh viên, mình đã bắt xe bus từ Bách Khoa sang Cầu Giấy để kèm các em học, mình yêu mến các em vô cùng, các em cũng rất quý mến mình. Nhờ các em, mình học được nhiều điều về cuộc sống. Mình dạy các em các môn cấp một và các môn Toán, Lý, Hoá sở trường của mình. 

Trong năm đầu tiên, mình đi dạy các em có một mình thôi, sau thấy có nhiều em cần được giúp đỡ nên mình kêu gọi bạn bè tham gia cùng rồi xây dựng CLB. Mỗi lần đến Làng, các em đều chạy ra đón rồi cầm tay, bá cổ, có em còn ngồi vào lòng, được điểm cao các em đều khoe mình. Các mẹ ở Làng trẻ còn tặng mình rau, củ quả Làng trồng được, các em rất tình cảm thi thoảng mình còn nhận được thư và thiệp do các em làm nữa. 

CLB hiện có gần 150 thành viên, mọi người đăng ký thay phiên nhau dạy kèm, đó là một hành trình rất ấm áp, nhiều khi ngồi trong nhà tại Làng trẻ mình vẫn không tin được mình đang thực sự có mặt ở đây, đồng hành, giúp đỡ các em, và được các em, các mẹ quý mến.

Bình được vinh danh ở rất nhiều giải thưởng (Giải Nhất giải thưởng Thanh niên Kiến tạo 2020, Giải Nhất giải thưởng Thanh niên Kiến tạo 2020, Giải 3 Sáng kiến giảm thiểu rác thải GreenTech 2021, Giải thưởng Youth for Community và Youth for Impact…), đây là áp lực hay động lực?

Mình vất vui và vinh dự đạt được những giải thường này. Đó là sự khích lệ, động viên lớn lao trong suốt hành trình 10 năm hoạt động cộng đồng. Mình không tạo áp lực cho bản thân và các bạn làm việc cùng mình, chúng mình tạo ra những động lực để giúp nhau cùng tiến bộ. Sự yêu mến, giúp đỡ, tin tưởng chính là động lực giúp bản thân mình, những người bạn và các dự án ngày càng hoàn thiện, mang lại nhiều giá trị tới cộng đồng, tới xã hội hơn.

Với những gì Bình và đội ngũ của bạn đã làm và lan toả đã tiếp thêm niềm tin vào việc dù chúng ta là ai, ta luôn có cách giúp thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, một người bình thường vẫn có thể làm nên những điều diệu kỳ, miễn là ta có sự nhiệt huyết, đam mê và bền chí. Với những người còn băn khoăn về khả năng tạo tác động của họ, Bình sẽ nói gì?

Đối với mình, bất cứ ai đều có thể tạo ra những điều tử tế hay diệu kỳ, từ bác tài xế lái xe thật an toàn, người làm đường đúng kỹ thuật, bác sĩ chăm sóc bệnh nhân chu đáo đến người nông dân chăm bón cây cối tốt lành… Mỗi người chỉ cần làm thật tốt, có trách nhiệm với việc mình đang làm đều đang góp phần giúp cho thế giới này tốt đẹp hơn. 

Một em nhỏ thu gom vỏ hộp sữa của cả tầng nơi em sống, một bạn học sinh đi chợ từ chối một túi nilon, một hành động tắt điện khi không sử dụng, không in hoá đơn khi rút tiền, hay dành cho nhau lời động viên, khích lệ khi cần… những điều giản dị trong cuộc sống cũng đủ làm chúng ta bất giác mỉm cười. 

Vì đời sống này cần lắm những dịu dàng, những mát lành. Hãy là điều mà bạn muốn thấy trên thế giới này.

Cảm ơn những chia sẻ của bạn.

—-

VỀ CHUYÊN ĐỀ “UNSUNG HYPEMAKERS”:

 

Chúng ta nhìn thấy, nghe thấy và đọc được rất nhiều câu chuyện kể về những “người hùng thầm lặng”, những người dùng chính hành động và sự chân thành của họ tạo nên những tác động tích cực cho xã hội – cộng đồng và những điều kỳ diệu cho đời sống này.

Vì lẽ đó, trong chuyên đề này, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc những câu chuyện “người thật việc thật”, đa góc nhìn từ tình yêu, nghệ thuật đến những dự án cộng đồng bền vững. Những điều diệu kỳ, tử tế luôn tồn tại trong những dáng hình bình thường nhất, và chúng ta, cũng có thể trở thành một phần trong sự hiện diện đó. Bởi đôi khi chỉ đơn giản: “Hãy là điều mà bạn muốn thấy trên thế giới này”.

(Chuyên đề được thực hiện trên ấn phẩm in Men’s Folio Vietnam #22, số tháng 4/2024)

Sản xuất: Văn Minh Thư 
Nhiếp ảnh: Andy Bui 
Support: Team 156 Studio 
Bài: Huyền My Trương
 

Related Article