Tùng Monkey: “Tôi nhìn thấy ở VJ những khả năng vô tận”
Arts & CultureFeature

Tùng Monkey: “Tôi nhìn thấy ở VJ những khả năng vô tận”

Là một VJ lão làng, nghệ sĩ thị giác Tùng Monkey có những chia sẻ thú vị xoay quanh quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình với Men’s Folio Vietnam.

Tùng Monkey (Lê Thanh Tùng) từng kể những ngày đầu đi VJ, anh chỉ được trả công bằng những lon bia. Giờ đây có lẽ chưa ai vượt qua được Tùng Monkey trong lĩnh vực đặc thù này. Bí quyết ư? Tùng Monkey chỉ đơn giản nhìn thấy những khả năng bất tận từ chính những gì mình có thể làm được với sáng tạo thị giác, và làm rất tốt nó, và tiếp tục sáng tạo từ những yếu tố gắn bó với anh.

Những tác phẩm của Tùng Monkey là tổng hòa của yếu tố văn hóa truyền thống kết hợp với những thể nghiệm liên tục với công nghệ, kèm thêm sự nhạy cảm với âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung. Kèm thêm sự say mê của anh với những kĩ thuật công nghệ hiện đại để mang đến giao diện mới cho nghệ thuật thị giác.

Tiếng nói cá nhân của anh khi thực hành sáng tạo có phải lúc nào cũng nhất quán? Hay nó thay đổi theo sự thay đổi cá nhân?

Ví dụ trong sự kiện ở Pháp, khi tôi được ở trong một tập thể nhiều nghệ sĩ trên khắp thế giới, tôi mới nghiệm ra rằng việc đưa bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc vào tác phẩm của mình vô cùng quan trọng. Khi tôi cảm thấy mình đang thiếu một chất liệu gì đấy để tạo nên sự khác biệt, tôi thấy tất cả mọi concept khác như hình học, màu sắc đều là một thứ ngôn ngữ quốc tế. Thế là tôi quay về dùng ngôn ngữ dân tộc, quay sang dùng các họa tiết dân tộc, đưa màu sắc dân tộc vào các tác phẩm của anh. Sau sự kiện ở Pháp, tôi mới bắt đầu gắn bó hẳn với chủ đề đấy. Lúc nào tôi cũng sẽ thấy thích làm các sản phẩm liên quan tới văn hóa, truyền thống hơn, và ngay cả sự nhất quán cũng vô cùng đơn giản với tôi, nằm ở yếu tố duy nhất mà tôi còn giữ lại chính là ánh sáng.

Tôi rất thích các thể loại nghệ thuật trình chiếu ánh sáng, sử dụng đèn LED, và yếu tố ánh sáng chính là cảm hứng và đi cùng tôi từ đầu cho tới giờ. Còn lại thì các chủ đề hay tiếng nói đều thay đổi theo từng năm. Chẳng hạn như năm ngoái khi làm dự án về Lotus, tôi xoáy vào các chủ đề như Covid19, năm nay thì tôi lại làm một dự án nghệ thuật cộng đồng, và sử dụng thiết bị để track sóng não của người xem. Khi họ đọc những câu chuyện về tình yêu, tôi sẽ xem được những rung động trong cảm xúc của họ. Chủ đề vì thế thay đổi theo từng năm. Tôi không có chủ đề hay một câu chuyện nào xuyên suốt cả.

Thường anh sẽ mất bao lâu để sáng tác?

Tôi không có mốc thời gian nào cụ thể. Thứ nhất là vì tôi không phải là người làm việc theo kiểu nghệ sĩ. Tôi tự gọi mình là nghệ sĩ nửa mùa, một nửa nghệ sĩ thôi. Khi làm một dự án nghệ thuật thì tôi tự đưa ra deadline và cố gắng không để một deadline nào kéo dài quá. Dự án nghệ thuật lâu nhất có thể là Lotus, từ lúc lên ý tưởng cùng nghệ sĩ Thí Minh đến trình diễn ở viện Goethe phải mất cả năm trời.

Hiệu ứng trình diễn còn áp dụng trên những lĩnh vực nào? Còn lĩnh vực nào anh muốn thử sức và khám phá?

Điều đó còn phụ thuộc vào người nghệ sĩ. Nếu người nghệ sĩ dám thử, thì họ sẽ bê cái loại hình đấy cho nhiều nền tảng khác nhau. Còn xuất phát cơ bản của VJ thì nó rất đơn giản và  hơi giống DJ ở việc đơn giản là pha trộn nhiều yếu tố khác nhau. Tôi kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như múa, thời trang, quay video music MV, quảng cáo,. Nó phụ thuộc vào người nghệ sĩ và việc người thực hành cái đấy để làm đa dạng hóa công cụ như thế nào. Tôi định thử chạy một dự án vào năm sau, ở đó tôi tạo một nhân vật ảo, VJ trong môi trường ảo, người VJ ảo đấy chính là phiên bản của tôi trên môi trường ảo như vậy.

Anh nghĩ chỗ đứng của mình là do thị trường vẫn còn quá ít VJ hay do khán giả tiếp cận nhiều hơn với trình diễn thị giác?

Chỗ đứng của tôi trước tiên là do thiên thời địa lợi nhân hòa. Khi tôi bắt đầu làm nghề này, tôi không có dự định sẽ tái khẳng định hay tái định nghĩa nghề này ở Việt Nam. Nhưng trong quá trình tìm hiểu, tôi nhận ra có rất nhiều người ở Việt Nam đang làm công việc mà tôi đang làm tại thời điểm đó. Chỉ có điều họ không biết họ đang làm gì, chỉ tạm gọi là âm thanh ánh sáng, mặc dù nghề này đã được định nghĩa rất rõ ràng trên thị trường thế giới. Vì vậy khi tôi làm mà có ai hỏi, tôi đều bảo đó chính là VJ. Dần dần mọi người nhớ tới tôi như một VJ. Thời điểm đó cách đây 7 năm rồi.

Thời điểm bây giờ thì không thiếu VJ đâu. Có rất nhiều bạn trẻ đang làm và sản phẩm chất lượng đạt chuẩn. Thứ làm tôi đứng được lâu là vì tôi không dừng lại ở trong mỗi khái niệm cơ bản của một VJ mà lồng ghép cả nghệ thuật vào, để được nhìn nhận như một nghệ sĩ. Tôi cũng đưa nó vào nhiều loại hình nữa như múa, thời trang,…. Tôi mang ngôn ngữ đấy đi khắp các triển lãm tại Anh, Pháp, Đức, Nhật. Đó mới là cái quan trọng nhất.

Và tôi luôn nói với những bạn muốn trở thành nghệ sĩ VJ là cái cách họ nhìn vào nó thế nào mới là quan trọng. Như tôi lúc đầu nhìn vào VJ, tôi không nghĩ nó đơn thuần là VJ mà là một khả năng, để tôi có thể phát triển nó ra thành nhiều kiểu khác nhau. Đến tận bây giờ tôi vẫn chưa thấy nó hết khả năng mà cực kì nhiều là đằng khác.

Tôi tự gọi mình là nghệ sĩ nửa mùa, một nửa nghệ sĩ thôi.

Nếu không làm VJ thì anh sẽ làm gì?

Cũng có thể là tôi sẽ làm DJ, hoặc người thợ thủ công liên quan đến nghệ thuật, liên quan đến màu sắc, hình dáng.

Anh chịu ảnh hưởng hay thích phong cách của nghệ sĩ nào?

Tôi thích team VJ của Tokyo: BRDJ. Ngôn ngữ về nghệ thuật thị giác của Nhật Bản cực kì khác thường, nguyên bản và đầy tính công nghệ. Tôi cũng thích nhóm nhạc nữ Perfume của Nhật Bản, người đứng sau những hình ảnh trong các sản phẩm âm nhạc của họ là giám đốc công nghệ Daito Manabe. Định hướng của ông ấy cũng là điều tôi muốn làm với công việc của mình.

Sự kiện nào trong sự nghiệp mang tính bước ngoặt đối với anh?

Lúc tôi được mang dự án của mình đi Đài Loan trình diễn. Cả quá trình trước tôi đều có cảm giác VJ không phải là thứ được người có chuyên môn nhìn nhận đúng đắn. Những gì tôi làm có hàng trăm hàng nghìn bạn trẻ thích, tôi hài lòng với chuyện đó. Nhưng những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật để ý đến cái tôi làm thì lại là một chuyện hoàn toàn khác. Tôi được mời mang tác phẩm của mình đến bảo tàng National Science and Technology Museum Đài Loan cùng ANNAM (Dustin Ngô & Mess) để biểu trình diễn VJ và nhạc điện tử, là những cái tôi tự hào nhất. Sau đó, họ mời tôi đến lần hai chỉ sau một năm. Lúc ấy tôi rất là vui, đó là Festival có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng mà tôi rất thích. Đó là một sự kiện thú vị trong sự nghiệp của tôi. Bởi vì khi tôi trình diễn và nhận được phản hồi tích cực, tôi cảm thấy tự tin là thứ ngôn ngữ của mình mang tính nghệ thuật và nó được cảm nhận đúng cách hàn lâm.

Để là một VJ chuyên nghiệp đòi hỏi yếu tố gì?

Cần cù, chịu khó và ham học hỏi. Tôi hay gọi VJ là nghề minh họa âm nhạc. Khi bạn có độ nhạy cảm âm nhạc hoặc là người làm nhạc luôn, thì khi bạn chuyển qua VJ là một lợi thế lớn. Vì tất cả chúng đều liên quan đến tiết tấu. Nếu muốn tiến xa trong công việc này ở cả thị trường Việt Nam lẫn quốc tế, thì bạn phải tạo ra được những nội dung riêng, mang tiếng nói cá nhân. Ngay cả DJ đến một mức độ nhất định, họ cũng chuyển hóa thành nhà sản xuất âm nhạc, họ không thể là DJ mãi được. Một yếu tố khác là phải nắm bắt được xu hướng.

Anh thường tìm thấy cảm hứng sáng tạo ở đâu?

Cảm hứng khác với ý tưởng, nên cách tôi có được ý tưởng thì rất đa dạng. Nhưng cảm hứng thì nằm ở chính là qui trình khi tôi làm việc nhiều hơn. Khi làm việc tôi tiếp cận với nhiều nghệ sĩ khác nhau, hợp tác với những nghệ sĩ về âm thanh về múa, về ánh sáng, máy chiếu,… Cách họ tiếp cận nghệ thuật sẽ đem lại nhiều cảm hứng với tôi. Với mỗi dự án tôi lại có qui trình làm việc khác nhau, nhiều ảnh hưởng khác nhau.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị!

Tham gia MEN’s FOLIO Fashion Clubhouse tại Facebook để cập nhật tất cả thông tin, hình ảnh mới nhất về thời trang thế giới và nội địa!

Bài: Vân Anh
Ảnh: NVCC
 

Related Article