Từ “The Batman” của Robert Pattinson, có bao nhiêu phiên bản Batman?

  • by Huyền My Trương
  • March 5, 2022

Nếu nói về một người hùng phản anh hùng được yêu thích nhất thì không ai khác là Batman. Một lần nữa, anh chàng Người Dơi được khám phá dưới một góc nhìn hoàn toàn mới trong “The Batman” (2022) với màn sắm vai không thể quyến rũ hơn của mỹ nam Robert Pattinson. Dẫu Batman không còn là người hùng xa lạ trên màn ảnh nhưng để hiểu hết về siêu anh hùng này, có lẽ bạn cần biết có bao nhiêu phiên bản về chàng tỷ phú này trên màn ảnh.

“Batman: The Movie” (1966)

Batman là một nhân vật truyện tranh Mỹ do DC Comics xuất bản, từng xuất hiện trong nhiều phim điện ảnh và truyền hình, lần đầu trong hai phim tiếp nối vào thập niên 1940 – “Batman”“Batman and Robin”. Nếu bạn đã quen thuộc với bất cứ điều gì liên quan đến Người Dơi, bạn chắc chắn đã nghe đến cái tên Adam West. “Batman: The Movie” được chuyển thể từ loạt phim truyền hình Batman và ra rạp 2 tháng sau tập cuối mùa đầu tiên của loạt phim truyền hình. Bộ phim bao gồm hầu hết các thành viên của dàn diễn viên truyền hình, ngoại trừ Lee Meriwether, người thay thế Julie Newmar thủ vai Catwoman.

“Batman” (1989)

Việc Tim Burton đảm nhận cương vị đạo diễn giúp người xem sẽ có cái nhìn đầu tiên về thế giới của Người Dơi thực sự kỳ lạ như thế nào. Đây cũng là loạt phim Người Dơi đầu tiên do hãng Warner Bros. sản xuất. Dù là phiên bản ăn khách với doanh thu cao ngất ngưỡng, gấp 10 lần phí sản xuất (hơn 400 triệu đô la) nhưng phiên bản do Tim Burton vẫn chia dư luận thành hai luồng, khi chọn cây hài Michael Keaton vào vai Batman thay vì nhiều diễn viên hạng A khác. Ngoài Michael Keaton, phim có sự tham gia của Jack Nicholson (trong vai Joker) – kẻ thù truyền kiếp của Batman.

Nội dung phim xoay quanh việc Batman tìm cách ngăn chặn Joker khi hắn bắt đầu khủng bố thành phố Gotham thông qua việc sử dụng các sản phẩm vệ sinh có tẩm “Smylex” – một chất hóa học chết người khiến nạn nhân chết cười với nụ cười điên cuồng giống như Joker. Sự thành công về mặt thương mại của tác phẩm này đã giúp “Batman: The Animated Series” (1992-1995) thành công không kém, và ba phần tiếp theo là “Batman Returns” (1992), “Batman Forever” (1995) và “Batman & Robin” (1997) cũng lần lượt được phát hành.

“Batman Returns” (1992)

Là phần hai của bộ phim cùng tên “Batman” (1989), “Batman Returns” nối tiếp câu truyện của phần trước với motif quen thuộc: Người Dơi chiến đấu chống lại các thế lực xấu xa để bảo vệ thành phố Gotham. Đây là bộ phim đưa Batman trở thành một thương hiệu điện ảnh. Với màn thể hiện quá ấn tượng của Michelle Pfeiffer và Danny DeVito trong vai Catwoman và Penguin, phiên bản Batman của Michael Keaton không quá khó khăn để kéo người xem đến rạp phim.

“Batman Forever” (1995)

Bây giờ đến lượt Val Kilmer tỏa sáng trong vai Người Dơi. Lần này, anh gặp gỡ Harvey Dent (Tommy Lee Jones), một công tố viên bị bọn tội phạm tạt axid làm hỏng một bên mặt và Edward Nygma (Jim Carrey), một nhà khoa học tài giỏi nhưng hoá điên vì phát minh đọc suy nghĩ người khác do hắn tự phát minh ra. Với sự giúp đỡ của Robin (Chris O’Donnell) một chàng diễn viên xiếc nhào lộn trẻ tuổi mất hết gia và Chase (Nicole Kidman), một nữ bác sĩ tâm lý, Batman quyết ngăn chặn âm mưu phá hoại thành phố Gotham của 2 gã điên kể trên, ngăn bọn chúng trích xuất thông tin nhạy cảm từ tâm trí của tất cả mọi người ở thành phố Gotham.

“Batman & Robin” (1997)

Phiên bản lần này khai thác nhân vật Batman và Robin của DC Comics do Schumacher làm đạo diễn. Sở hữu dàn sao ấn tượng với những cái tên Arnold Schwarzenegger, George Clooney, Uma Thurman,… nhưng “Batman & Robin” lại gây thất vọng. Trong phần phim này, Batman của George Clooney và Robin phải đối phó với kẻ thù mới – Mr. Freeze, một bác sĩ tài ba vì quá thương vợ nên muốn trả thù thành phố Gotham, biến nơi đã gián tiếp gây ra cái chết cho vợ vĩnh viễn ngập trong băng giá. Năm 2010, khi công bố danh sách 50 bộ phim dở nhất mọi thời đại, Tạp chí Empire đã liệt kê liệt kê “Batman & Robin” và thậm chí còn đưa nó lên đầu danh sách. Nam diễn viên George Clooney đã rất xấu hổ khi cho rằng diễn xuất của mình đã hủy hoại nhân vật Batman.

“Batman Begins” (2005)

Christopher Nolan đã thật sự mang lại sự sống cho “Batman Begins” hồi năm 2005, phim được xem là một câu chuyện làm lại về nguồn gốc của Batman hay nhất trong mọi thời đại. Nói một cách khác, “Batman Begins” giúp người xem hiểu được bản chất của một trong những siêu anh hùng đích thực và diễn xuất của Christian Bale trong vai Người Dơi thì hoàn hảo không cần bàn cãi. Tuy cách kể chuyện của Nolan rất khác so với những bộ phim trước đấy, căng thẳng, phức tạp và đen tối hơn bao giờ hết nhưng lại là một tiền đề dẫn đến thành công và các sự kiện mới cho những phần phim sau. Bắt đầu với “Batman Begins”, Christopher Nolan xây dựng bối cảnh một thành phố Gotham ngập chìm trong tham nhũng và bạo lực ở mọi cấp độ.

“The Dark Knight” (2008)       

Sau thành công của “Batman Begins” (2005), Christopher Nolan tiếp tục kéo dài chuỗi chiến thắng với siêu phẩm “The Dark Knight” (2008) – bộ phim được xem là một kiệt tác của dòng phim siêu anh hùng. Diễn xuất của Christian Bale vẫn xuất thần như phiên bản trước nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng phiên bản Joker của Heath Ledger đáng kinh ngạc như thế nào. Tổ hợp diễn xuất của cả họ cùng bàn tay phù thủy của Christopher đem về doanh thu hơn 1 tỷ đô la sau khi “The Dark Knight” kết thúc công chiếu. Không những vậy, “The Dark Knight” còn thu về được 8 đề cử Oscar, trong đó chiến thắng 2 đề cử là “Biên tập anh thanh xuất sắc nhất”“Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất” cho Heath Ledger.

“The Dark Knight Rises” (2012)

Trong phần cuối cùng của kỷ nguyên “Người Dơi” Christian Bale, Bruce Wayne đang cố gắng cứu các công dân của Gotham khi họ bị bắt làm con tin bởi kẻ phản diện đeo mặt nạ Bane (Tom Hardy). Bước sang “The Dark Knight Rises”, Bane tuy chưa thể xuất sắc bằng “huyền thoại” Joker trước đó nhưng cũng khiến người ta sợ hãi, khiếp đảm trước những hành động táo tợn của mình. Về nhân vật trung tâm Bruce Wayne (Batman), Christopher Nolan tiếp tục khai thác nỗi sợ hãi từ quá khứ ám ảnh (cha mẹ bị giết hại, cái chết của người yêu) nhưng đi sâu hơn ở phần phim cuối này.

“Batman v. Superman: Dawn of Justice” (2016)

Những pha hành động mãn nhãn của siêu bom tấn “Batman v Superman: Dawn of Justice” là điều không phải bàn cãi nữa, nhưng cách xây dựng nhân vật và phát triển cốt truyện thì khiến fan cứng của Batman cảm thấy nuốt không trôi. Vì vừa muốn khắc họa màn đối đầu giữa hai anh hùng vừa giới thiệu những gương mặt khác trong Liên minh Công lý nên Ben Affleck (Batman), Henry Cavill (Superman) hay Gal Gadot (Wonder Woman)… xuất hiện trong tác phẩm này chỉ ở mức tròn vai. Màn “chào sân” của Ben Affleck với anh chàng “Người Dơi” vì vậy cũng có chút đáng tiếc, chưa thật sự để lại dấu ấn riêng như những đàn anh.

“Justice League” (2017)

Lấy bối cảnh sau các sự kiện của “Batman v. Superman: Dawn of Justice”, Batman (Ben Affleck) tập hợp nhóm siêu anh hùng của riêng mình để lấp đầy khoảng trống của Superman để lại. Bộ phim giới thiệu đến 3 siêu anh hùng mới là The Flash/Barry Allen (Erza Miller), Aquaman/Arthur Curry (Jason Momoa) và Cyborg/Victor Stone (Ray Fisher). Không những thế, phim còn phải tìm cách đưa họ đến với nhau thông qua cuộc chiến với Steppenwolf (Ciarán Hinds).  Trong phần phim này, Superman cũng được hồi sinh để gia nhập Liên minh Công lý. Tuy phim còn nhiều hạt sạn và được đánh giá là quá dài với thời lượng lên đến 4 tiếng, nhưng tác phẩm này đã làm tốt vai trò “debut” cho những phần phim riêng về các siêu anh hùng sau này.

“The Batman” (2022)                              

Robert Pattinson từng tuyên bố là nếu “The Batman” thất bại, anh sẽ chuyển hướng sang làm diễn viên cho phim “người lớn”. Nhưng có vẻ mỹ nam Ma-cà-rồng phải tạm gác lại mong muốn này vì “The Batman” đang nhận được cơn mưa lời khen của giới phê bình lẫn người yêu thích dòng phim siêu anh hùng, với 85% của các chuyên gia và 93% từ khán giả trên Rotten Tomatoes tính đến ngày 4/3/2022. Đạo diễn Matt Reeves đã tái hiện một Gotham sát với truyện tranh nhất mà chúng ta từng thấy, nơi ẩn chứa nhiều cám dỗ, tội lỗi và một thể chế chính trị đang thối rửa. Batman phiêu lưu vào thế giới ngầm của thành phố Gotham khi kẻ giết người tàn bạo để lại dấu vết của hắn. Do đó phần phim về Batman này có nhiếu yếu tố về trinh thám hơn là chỉ đánh đấm.

Robert Pattinson đã có sự tiến bộ vượt bậc, hoàn toàn đạp đổ hình ảnh “chàng thơ” trong “Twilight”. “The Batman” đã thành công trong việc biến Batman thành một tia sáng hy vọng hơn là một nỗi sợ, không chỉ đối với các công dân của Gotham, mà còn đối với nhiều khán giả. Phản ứng hóa học tuyệt vời giữa Batman và Catwoman (Zoë Kravitz) cũng là một điểm cộng khi chúng ta ít thấy điều này ở những phiên bản trước.

Ảnh: Tổng hợp

library