Từ Ngô Hoàng Anh đến vấn nạn “nam tính độc hại”!
Lifestyle

Từ Ngô Hoàng Anh đến vấn nạn “nam tính độc hại”!

Nam tính độc hại (toxic masculinity hoặc harmful masculinity) là một thuật ngữ chung để mô tả các khía cạnh tiêu cực trong hành vi của nam giới, mà nhiều nền văn hóa đã chấp nhận hoặc tôn vinh rộng rãi. Nó được nhìn thấy rất rõ qua các sự kiện làm chấn động dư luận vừa qua, mà điển hình là scandal quấy rối tình dục mới đây của “Thuyền trưởng tí hon” Ngô Hoàng Anh.

 

Ngô Hoàng Anh là người trẻ nhất được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách Forbes 30 Under 30 với những cống hiến của mình trong vai trò là trưởng đơn vị nhóm chuyên gia công nghệ thông tin dự báo Phòng chống Covid-19. Sau khi thông tin này được công bố, nhiều bạn nữ cho hay họ từng bị người này quấy rối tình dục và cảm thấy tổn thương khi anh ta được mô tả như một trong những người truyền cảm hứng sống tốt đẹp.

Động thái đầu tiên của Hoàng Anh là khóa trang Facebook và giữ im lặng. Vài người thuộc cùng danh sách này thể hiện sự bất bình, có người còn thẳng thừng xin rút khỏi Forbes 30 Under 30, không muốn đứng chung với Hoàng Anh, cụ thể trường hợp của Đặng Quang Dũng (Mèo Mốc) mới đây. Đứng trước làn sóng dư luận mạnh mẽ, Hoàng Anh cũng bày tỏ nguyện vọng muốn rút khỏi đề cử để tránh làm cho các bên khó xử. Hành động của Hoàng Anh một lần nữa khiến dư luận phẫn nộ khi những nạn nhân – người cần xin lỗi nhất, lại không hề nhận được bất kỳ lời xin lỗi nào (theo phát ngôn chính thức của Hoàng Anh gửi đến Forbes).

Để hiểu rõ hơn thì trường hợp của Hoàng Anh là hành vi quấy rối tình dục bằng tin nhắn, hiểu nôm na là sexting (chat sex) nhưng không có sự đồng thuận từ phía người nữ (tức là cả hai đều nhận thức, đồng ý, thoải mái với việc chat sex tại thời điểm đó). Đây được cho là một trong những hành vi gây hấn tình dục với phụ nữ – một trong những biểu hiện của người đàn ông sở hữu tính nam độc hại. Người này thường đưa ra những bình luận hoặc những trò đùa phân biệt giới tính đối với phụ nữ, bình thường hóa quấy rối tình dục, chấp nhận những câu chuyện hoang đường về hiếp dâm và cư xử như thể họ được vui đùa với cơ thể của phụ nữ,… Không riêng người trong cuộc có những dấu hiệu cho thấy tính nam độc hại, chúng ta cũng đang thấy điều này ở hầu hết cánh đàn ông… lẫn phụ nữ.

Cụ thể, nạn nhân kể lại khi cô đưa tin nhắn của Hoàng Anh cho các bạn nam xem qua, để chắc rằng mình không phải đang phức tạp hóa vấn đề, và “Giỡn thôi mà!” là câu trả lời khiến nạn nhân chưng hửng. Thậm chí, từ việc là một nạn nhân cần được xã hội cổ vũ và cảm thông, cô lại trở thành mục tiêu hứng chịu đả kích, bị đổ lỗi. Chúng ta vẫn thấy có rất nhiều bình luận cổ xúy tính nam độc hại khi người ta thản nhiên công kích nạn nhân và bào chữa cho kẻ thủ ác, đại loại: “Đàn ông thường khó kiềm chế ham muốn hơn”, và phần lớn đàn ông tự cho mình cái quyền bỡn cợt, quấy rối phụ nữ như cái cách Hoàng Anh đã làm.

Trước khi bóc tách chi tiết hơn về nam tính độc hại, điều quan trọng mỗi người phải hiểu rằng nam tính vốn dĩ không xấu hoặc độc hại như thế.

Nam tính độc hại là gì?

Thật khó để xác định nguyên nhân cụ thể biến nam tính trở nên độc hại, có thể nói phần lớn do quan niệm về nam tính khác nhau giữa các nền văn hóa, tôn giáo và tầng lớp khác nhau. Ngay cả trong một nền văn hóa, tôn giáo hoặc giai cấp, lý tưởng nam tính cũng có thể khác nhau giữa các nhóm tuổi. Ở Hoa Kỳ, nam tính độc hại thường được củng cố bởi thái độ xã hội. Ví dụ, trong một cuộc khảo sát năm 2018 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, những người tham gia phỏng vấn cho biết “khả năng bảo vệ” là đặc điểm cần có ở nam giới. Tuy nhiên, quá tình cảm hoặc dễ dàng bộc lộ sự yếu đuối được xem là kém nam tính.

Khái niệm nam tính độc hại phóng đại tầm quan trọng của các đặc điểm dựa trên: sức mạnh, ít thể hiện cảm xúc, khả năng độc lập, sự thống trị, bạo lực tình dục, khả năng cạnh tranh… Theo đó, nếu một người đàn ông không có đủ những đặc điểm trên không được xem là một “người đàn ông thực thụ”. Việc chú trọng quá mức những đặc điểm này có thể dẫn đến sự mất cân bằng trong lối sống và tư duy lệch lạc, ví dụ như phớt lờ cảm xúc của bản thân, cần thống trị/kiểm soát người khác, có xu hướng hướng/tôn vinh bạo lực, thiếu sự đồng cảm, phân biệt giới tính,…

Nam tính độc hại gây ra những vấn đề gì cho nam giới?

Lý tưởng hóa nam tính rất nguy hiểm vì nó hạn chế sự phát triển của một người và định nghĩa về một người đàn ông của người đó. Khái niệm này gây xung đột về vai trò giới, gia tăng áp lực và sự căng thẳng cho đàn ông (nhất là khi anh ta không đáp ứng được những đặc điểm nói trên). Nhìn thế giới qua lăng kính hẹp được cung cấp bởi những đặc điểm nam tính phóng đại, nam giới sẽ cảm thấy rằng họ sẽ chỉ được chấp nhận nếu sống theo những tiêu chuẩn đó.

Nam tính độc hại có thể ngăn cản một số nam giới tìm kiếm sự trợ giúp khi gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần và các vấn đề tiềm ẩn khác. Đối với một số cánh mày râu, yêu cầu sự giúp đỡ có thể dẫn đến cảm giác hụt ​​hẫng, yếu đuối và nhận thức mình là một “người đàn ông kém cỏi”. Điều này lý giải một số vấn đề mà nam giới rất hay gặp phải như phiền muộn kéo dài, tự ti về hình thể, lạm dụng chất kích thích,…

Làm sao để loại bỏ?

1. Dừng ngay suy nghĩ “Đàn ông thì có quyền…”

Niềm tin rằng một người đàn ông nên tập trung phát triển sự nghiệp của mình, còn phụ nữ thì lập gia đình mới là ưu tiên hàng đầu, đã cổ vũ đàn ông tự do sống theo cách mà họ muốn, làm điều mà họ thích và trao cho họ quyền trói buộc người phụ nữ bên cạnh. Suy nghĩ này không chỉ cổ xúy trọng nam khinh nữ, mà còn làm cho nam giới mặc định vị thế của mình cao hơn một bậc. Nam tính chưa bao giờ được định nghĩa bằng việc kiểm soát, áp đặt, sử dụng bạo lực, bỡn cợt, hay quấy rối tình dục,… Thay vào đó, hãy học cách cư xử lịch thiệp và tôn trọng phụ nữ như cái cách bạn cũng mong được nhận điều tương tự.

2. Hãy chấp nhận bản thân cũng có lúc yếu đuối

Những bé trai được dạy rằng không được khóc, nước mắt đàn ông là vàng là kim cương. Và chỉ có bé gái mới có thể thoải mái làm điều đó, đơn giản bé gái là “phái yếu”. Sự gò ép vào khuôn khổ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của nam giới. Hãy học cách chấp nhận rằng bạn thực sự dễ bị tổn thương và không cần lúc nào cũng phải giả vờ mình ổn. Hãy chủ động chia sẻ cảm xúc và nói lên kỳ vọng của mình. Phải biết rằng khả năng phục hồi không đến từ sự phớt lờ nỗi đau hay cảm xúc, mà đến từ sự dũng cảm dám đối diện với chính mình.

3. Bỏ ngay câu nói cửa miệng: “Đàn ông là vậy, em còn muốn thế nào nữa?”

Đôi khi, đàn ông không cần kiểm soát cơn nóng giận của họ trong các mối quan hệ. Hãy tưởng tượng một cặp đôi đang cãi nhau. Người phụ nữ cảm thấy bị tổn thương khi bạn trai cô ấy quên mất cuộc hẹn của họ, khiến cô ấy phải đợi ở một nhà hàng trong một giờ đồng hồ. Nhưng khi than phiền với bạn trai, anh ta chỉ nhún vai xin lỗi qua loa. Cô ấy nói rằng đây không phải là một lời xin lỗi thực sự. Anh ta mới bực tức gằn giọng: “Đàn ông là vậy đó, vốn không giỏi thể hiện cảm xúc, em còn muốn thế nào?”. Trên thực tế, giao tiếp hiệu quả (bao gồm cả khả năng đưa ra một lời xin lỗi có thành ý) là một kỹ năng mà tất cả mọi người đều cần và luôn có thể cải thiện, không riêng gì phụ nữ.

Ảnh: Tổng hợp
 

Related Article