Thị trường phim Việt đang chứng kiến nhiều bước chuyển mình đáng kể, không chỉ từ khu vực tư nhân mà còn từ chính những đơn vị sản xuất Nhà nước. Những năm gần đây, dòng phim do Nhà nước đầu tư – vốn gắn với hình ảnh nghiêm trang, giàu tính tuyên truyền – đã dần chuyển mình với sự tham gia của các đạo diễn trẻ, diễn viên nổi tiếng và cách tiếp cận gần hơn với thị hiếu khán giả đại chúng.
“Đào, phở và piano” đã viết lại định nghĩa về phim Nhà nước đặt hàng. Không quảng bá rầm rộ, không ngôi sao phòng vé, không suất chiếu rộng khắp – thế nhưng bộ phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn lại trở thành hiện tượng khi chính khán giả trẻ chia sẻ và viral bộ phim trên TikTok, Facebook.
Lấy bối cảnh những ngày cuối cùng của trận chiến Hà Nội 1946, phim tái hiện hình ảnh con người Hà Nội trong lúc chiến tranh cận kề. Nhưng thay vì bi thương, “Đào, phở và piano” mang đến một Hà Nội hào hoa, lãng mạn, sống tử tế và đầy nhân văn. Chất “người Hà Nội” ấy lại là điều khiến người xem trẻ xúc động.
Cú hích truyền thông cho thấy phim không cần chiến dịch PR khổng lồ, chỉ cần đúng người chạm vào đúng điểm. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia thậm chí phải tăng suất từ 3 lên 20, xếp hàng lấy vé là chuyện hiếm gặp với một phim lịch sử.
Phim là câu chuyện tình yêu nhiều trắc trở giữa Jenny (Lý Hồng Ân) – một Việt kiều, họa sĩ chuyên nghiên cứu trang phục dân tộc – và Dũng, chàng trai trẻ là con của một nghệ nhân thêu may cổ phục nổi tiếng. Họ gặp nhau khi Jenny trở về Việt Nam tham gia hoạt động từ thiện và khám phá văn hóa truyền thống. Mối quan hệ dần trở nên sâu đậm, nhưng cũng từ đó đối mặt với sóng gió khi mẹ của Dũng phát hiện cha của Jenny chính là người từng liên quan đến cái chết của mẹ bà năm xưa.
Phim đặt mâu thuẫn chính vào tội lỗi thời chiến và lòng tha thứ. Người mẹ mất mát không thể tha thứ cho con của kẻ thù cũ, nhưng cuối cùng, tình yêu – và cả cái chết – đã mở đường cho sự hòa giải. Thông điệp ấy rất thời đại: Người trẻ Việt đang khao khát đối thoại, chữa lành, vượt qua chia cắt quá khứ để hướng đến tương lai.
Không gian làng nghề ngoại thành Hà Nội, cổ phục được nghiên cứu bài bản, bối cảnh được dàn dựng tinh tế… tất cả giúp “Vũ khúc mưa xuân” vừa mang tính điện ảnh cao, vừa như một thước phim tư liệu văn hóa sống động. Điều này dễ dàng chạm đến những bạn trẻ yêu bản sắc, mê retro, đam mê tìm về cội nguồn.
Tác phẩm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đưa khán giả trở lại Củ Chi năm 1967, khi lòng đất không chỉ là nơi trú ẩn mà là không gian sống, chiến đấu, sinh tồn của hàng nghìn con người. Địa đạo trong phim không phải là kỷ vật bảo tàng, mà là một nhân vật sống, nơi thử thách ý chí, nuôi dưỡng lòng dũng cảm và gắn kết cộng đồng.
Kịch bản phim theo chân một nhóm du kích kiên cường bám trụ tại vùng đất thép Củ Chi sau cuộc càn quét Cedar Falls của quân đội Mỹ năm 1967. Dưới sự chỉ huy của đội trưởng Bảy Theo (Thái Hòa thủ vai), họ được giao trọng trách giữ vững địa bàn, tạo điều kiện cho lực lượng tình báo chiến lược hoàn thành một nhiệm vụ tối quan trọng. Tuy nhiên, khi hành tung bị lộ, cả đội rơi vào vòng vây nguy hiểm, liên tiếp đối đầu với những đợt truy quét ác liệt từ kẻ thù.
Điểm mạnh của “Địa đạo” là không sa đà vào diễn ngôn chiến thắng, mà đi sâu vào con người giữa bóng tối. Những người du kích không phải anh hùng phi thường, mà là người bình thường, mang những mảnh đời, nỗi đau, ước mơ. Sự bình dị ấy mới chính là ánh sáng trong lòng đất.
“Mưa đỏ” là dự án phim chiến tranh có quy mô lớn nhất của Điện ảnh Quân đội nhân dân trong 10 năm qua. Cái “lớn” không chỉ nằm ở bối cảnh rộng 50ha, hàng nghìn người tham gia, mà ở khát vọng kể lại những ngày bi tráng của 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị bằng ngôn ngữ điện ảnh hiện đại.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền không đi theo lối kể hùng biện, mà dung hòa giữa sử thi – chiến tranh và cảm xúc – con người. Phim không ngần ngại thể hiện mất mát, nước mắt, nỗi đau, nhưng cũng làm nổi bật khát vọng sống, sự hy sinh thầm lặng và tình yêu đôi lứa trong bão đạn.
Điều đáng nói: “Mưa đỏ” thu hút sự tham gia của rất nhiều diễn viên trẻ, từ sân khấu kịch đến sinh viên điện ảnh, nghệ sĩ trong quân đội… Họ đến với vai diễn không chỉ vì cơ hội nghề nghiệp, mà vì sự thôi thúc muốn hiểu, muốn sống lại, muốn kể lại câu chuyện của ông cha mình. Đó chính là cây cầu sống động nhất giữa Nhà nước, điện ảnh và người trẻ.
Nếu các phim Nhà nước trước đây thường nghiêng về chất sử thi hoặc tình cảm văn hóa, thì “Tử chiến trên không” là cú đột phá về thể loại: phim hành động – tâm lý nghẹt thở dựa trên sự kiện có thật.
Lấy cảm hứng từ các vụ cướp máy bay sau 1975, bộ phim tái hiện lại cuộc đối đầu sinh tử giữa lực lượng an ninh và tội phạm trong không gian kín – bầu trời. Sự xuất hiện của các gương mặt như Thái Hòa, Thanh Sơn, Kaity Nguyễn càng khiến bộ phim có sức hút đại chúng.
Phim đi theo nhịp kể nhanh, kỹ thuật dựng phim và quay hành động được nâng tầm, nhưng vẫn không bỏ qua tính nhân văn: Trong cuộc đối đầu thiện – ác, vẫn còn những mảnh đời cần cứu rỗi, những người không phải “người hùng”, nhưng chọn hành động đúng trong khoảnh khắc quyết định.
Với sự tham gia của Galaxy Group và Điện ảnh Công an Nhân dân, “Tử chiến trên không” cho thấy khả năng mở rộng đề tài lịch sử theo cách hiện đại, hấp dẫn hơn với giới trẻ – mà vẫn không đánh mất mục tiêu giáo dục, định hướng giá trị xã hội.
MEN’S FOLIO, tạp chí quốc tế về thời trang và phong cách sống dành cho Quý Ông sành điệu, có bề dày hơn 25 năm kể từ ngày thành lập đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Men’s Folio mang sứ mệnh quảng bá tài năng châu Á, cũng như xu hướng thời trang nổi bật nhất qua các mùa. Hiện ấn phẩm đã có mặt tại đa quốc gia, hoạt động mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á, và chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 11/2020. Ấn phẩm Men’s Folio Vietnam hội tụ những bài viết tinh hoa, hình ảnh bắt mắt, giới thiệu những nhân vật danh tiếng của ngành công nghiệp thời trang và giải trí Việt Nam. Cùng cái nhìn tổng quan về xu hướng, thời trang và phong cách sống nổi bật nhất dành cho phái mạnh theo từng mùa/năm.
Copyright © 2024 Luxuo Media Vietnam. All Rights Reserved. Website Developed by Tony Toàn