Triển lãm Retro: Lật lại ký ức về nét đẹp vang bóng một thời
LifestyleArts & Culture

Triển lãm Retro: Lật lại ký ức về nét đẹp vang bóng một thời

Triển lãm Retro trưng bày các bức tranh và hiện vật phản ánh văn hóa thưởng thức của giới trí thức Việt Nam thế kỷ 20. Bên cạnh việc trưng bày hiện vật, triển lãm còn nhằm tạo nên không khí tương tác “đồng chất” với người xem.

Retro là thuật ngữ được sử dụng từ những năm 1960 của thế kỷ 20 để mô tả những xu hướng, phong cách lấy cảm hứng sáng tạo từ quá khứ (Retro được cho là rút gọn của “retrospective” – hồi tưởng quá khứ). Triển lãm do The Muse kết hợp cùng diễn đàn Sartorial Guys tổ chức đang diễn ra tại The Muse Art Space, 47 Tràng Tiền, Hà Nội, kéo dài tới 23/5/2021.

Cảm hứng từ quá khứ

Trong không gian nghệ thuật The Muse, triển lãm Retro trưng bày khoảng 36 tác phẩm, chia thành 2 mảng chính. Mảng thứ nhất trưng bày các bức tranh và hiện vật xưa, đến từ các nhà sưu tập lâu năm trong giới sưu tập tranh, mà không phải lúc nào công chúng cũng có cơ hội được tận mắt xem các tác phẩm này. Mảng thứ hai được đặt bên cạnh là một số bức tranh, hiện vật của các nghệ sĩ mới, lấy cảm hứng từ quá khứ.

Đáng chú ý trong đó là những tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy như: Chân dung sáng tác năm 1978 của họa sĩ Nguyễn Ngọc Thọ (1925-2016); Chân dung nhà thơ Thanh Toàn sáng tác năm 1986 bởi họa sĩ Lưu Công Nhân (1929-2007); Hái hoa sáng tác năm 1966 của họa sĩ Vũ Cao Đàm (1908-2000); Chân dung Ái Nhi sáng tác năm 1994 của họa sĩ Trọng Cát (thế hệ học trò của họa sĩ Tô Ngọc Vân)…

Bên cạnh tác phẩm Hái hoa – Họa sĩ Vũ Cao Đàm (sáng tác năm 1966)

Tác phẩm Tiền kiếp của họa sĩ Phan Cẩm Thượng sáng tác năm 2019 cũng được trưng bày trong triển lãm. Nội dung tranh đề cập đến một nguyên lý tâm linh trong tôn giáo, với niềm tin rằng việc duy trì các kiếp sống trong tương lai liên quan đến những duyên nợ của kiếp sống hiện tại. Bên cạnh đó, những tác phẩm về Thủ đô Hà Nội cũng gây ấn thượng với người xem. Có thể kể đến: Phố Ô Quan Chưởng của họa sĩ Lê Văn Xương (1917-1988), Phố cổ Hà Nội của họa sĩ Mai Long…

Về Lê Văn Xương, nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt từng nhận xét: “So với Bùi Xuân Phái, Lê Văn Xương vẽ Hà Nội ở một xúc cảm khác: Đầy sinh khí, tươi vui, trong sáng mà cũng không kém phần thâm trầm. Vẽ về Hà Nội trong những năm tháng khốn khó, lửa đạn nhưng tranh Lê Văn Xương luôn lãng mạn, đậm chất thơ. Đây là điều hiếm có. Họa sĩ phải hiểu, phải yêu những cảnh vật ấy lắm, phải trải nghiệm tình cảm trước cũng nhiều lắm mới “chộp” được chúng trong cái vẽ bình thản và hồn nhiên đến vậy”.

Những hiện vật được trưng bày tại triển lãm

Một số bức tranh, hiện vật của các nghệ sĩ mới, lấy cảm hứng từ quá khứ, có thể kể đến: Sắc hương của họa sĩ Đoàn Quốc, Hoa hải đường của họa sĩ Đỗ Thị Kim Đoan, Hoa lê trắng của họa sĩ Trương Văn Ngọc, Bình yên của họa sĩ Nguyễn Thị Hòa, Vang bóng một thời của họa sĩ Huỳnh Quốc Bảo… Hiện vật được trưng bày trong triển lãm có: Tượng đồng của Đào Văn Can, Tượng đồng Biên Hòa (1944-1955), Bàn là con gà (1980-1945), Bình đồng Pháp Lam vẽ tay (1885-1945), Đèn dầu Đông Dương (1890-1900), Cối xay tiêu Đông Dương (1930-1954), Hộp sứ đựng bút Đông Dương (1920-1930), Postcard Đông Dương (1906), Cổ phiếu Đông Dương (1929)…

Kết hợp quá khứ với hiện tại

Triển lãm Retro do Vanvi (họa sĩ Vân Vi) giám tuyển. Theo chị, Retro là tái hiện lại một phong cách đã từng có trong quá khứ. Retro cũng là thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong thời trang, thiết kế nội thất và nghệ thuật. Phong cách Retro không nhất thiết phải rập khuôn theo lối cũ, đó là sự kết hợp giữa những nét hoài cổ đặc trưng với những điều mới mẻ của hiện tại.

Giám tuyển Vân Vi phát biểu trong buổi khai mạc

Triển lãm có sự tham gia của rất nhiều nhà sưu tập lâu năm, nhà sưu tập tranh và đồ cổ. Vốn dĩ, mỗi họa sĩ sáng tác theo phong cách riêng, giám tuyển Vanvi đã tuyển chọn những tác phẩm cùng phong cách. Điều quan trọng hơn, những sản phẩm đó phải thuộc về giới trí thức Việt Nam để công chúng nhận ra, giới trí thức Việt Nam thế kỷ 20 thưởng thức gì.

Ngoài những bức tranh của những họa sĩ bậc thầy, Vanvi tâm đắc giới thiệu trong triển lãm Retro những tác phẩm gốm của họa sĩ Phan Cẩm Thượng, sáng tác từ năm 2015-2019. “Đồ gốm Việt Nam từng có những thời kỳ phát triển rực rỡ với gốm sành nâu, gốm hoa nâu, gốm men ngọc thời Lý Trần, gốm Biên Hòa, gốm men lam và gốm men nâu… Các tác phẩm gốm của họa sĩ Phan Cẩm Thượng sử dụng men lam và men nâu, có tác phẩm kết hợp cả 2 loại men với hoa văn trang trí giống như những bức tranh với các điển tích trong văn hóa Việt” – họa sĩ Vân Vi chia sẻ.

Một góc nhỏ bình lặng của không gian triển lãm

Ở góc Retro, họa sĩ Vân Vi cũng giới thiệu: “Tác phẩm Vang bóng một thời của họa sĩ Huỳnh Quốc Bảo nằm trong series những bức tranh vẽ những kỷ vật xưa cũ thời kỳ Đông Dương, trong đó có chiếc đầu máy bánh răng chạy bằng hơi nước cổ… ” Bên cạnh việc trưng bày hiện vật, triển lãm còn nhằm tạo nên không khí tương tác “đồng chất” với người xem. Ở đó có sự góp mặt của các thành viên Sartorial Guys – cộng đồng theo đuổi phong cách thời trang Sartorial & Retro, mặc âu phục, thích xem và sưu tập đồ cổ.

Góc các tác phẩm Âu phục

Người quản trị cộng đồng Sartorial Guys – Lê Quốc Khánh chia sẻ: “Chúng tôi có cùng niềm đam mê về Âu phục, rồi sau đó chia sẻ những sở thích khác như giày da, đồng hồ, rượu vang, sưu tầm các đồ cổ khác. Không chỉ dừng lại ở thời trang, chúng tôi duy trì và đóng góp cho một văn hóa về các thú chơi và cung cách ứng xử văn minh lịch sự, hướng về một số giá trị tinh hoa trong quá khứ cần được giữ lại”.

Thành viên Sartorial Guys tại ngày khai mạc

Theo giám tuyển Vanvi: “Việt Nam đã trải qua chiến tranh, thời kỳ bao cấp, rồi bước vào thời kỳ đầu Đổi mới với những lo toan về kinh tế. Hiện giờ, khi kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, mọi người quan tâm hơn tới thời trang, những thú chơi, thưởng thức… và xu hướng phong cách Retro luôn có sức hút, luôn có chỗ đứng”.

Bài viết gốc: Báo Thể thao & Văn hóa

 

 

Related Article