Triển lãm “Paramount” và hành trình vượt qua nỗi đau của Nhà thiết kế Cường Đàm

  • by Gia Hân
  • November 30, 2024

Qua triển lãm “Paramount” mang chủ đề “Đi tìm vị thần tối thượng bên trong mỗi bản thể”, Nhà thiết kế Cường Đàm đã khắc họa nên những cảm xúc của mình từ yếu đuối, đau đớn đến mạnh mẽ với cảm hứng từ cuộc sống, công việc, mối quan hệ cá nhân của anh để sáng tạo nghệ thuật.

Thông điệp của triển lãm mà Nhà thiết kế Cường Đàm muốn truyền tải là niềm tin để vượt qua những tổn thương, vấp váp trong cuộc sống. Và mỗi người trong chúng ta đều sẽ có một vị thần, một sự tối thượng riêng. Tại nơi đó, khi thực sự đối diện với thế giới nội tâm, mỗi người sẽ được câu trả lời cho riêng mình.

“Paramount” được thiết kế thành ba căn phòng với những sắc thái khác nhau. Đầu tiên là “Rebirth” – không gian của sự tái sinh. Các tín đồ nghệ thuật sẽ được chìm đắm vào những bức tượng điêu khắc về người mẹ đang mang thai đứa con của mình, ngụ ý cho sự khởi đầu  của một vòng đời. Tiếp đến là “The Versions” với hình dạng mái vòm tượng trưng cho bầu trời, thể hiện hình ảnh đứa trẻ đã lớn, bắt đầu hành trình trưởng thành và bước ra bầu trời để khám phá thế giới. Với 16 bức điêu khắc kết hợp thời trang, Cường Đàm đã kể nên câu chuyện cá nhân thông qua chất liệu nghệ thuật một cách độc đáo và sáng tạo.

Tiếp đó, anh kể về sự biết ơn với bậc sinh thành qua “The Source” (Thượng nguồn). Từ vẻ tươi sáng của sự sinh sôi, nảy nở, cảm giác bí bách và bối rối như bị giam cầm hiện lên, đó là giây phút nhà thiết kế nhận ra giới tính thật của mình, được thể hiện trong “The First Sense of Self” (Thức cảm đầu), “Eclipse” (Nhật thực), “Racing Heart” (Nhịp đập), “Dazed” (Bối rối), “Labyrintth” (Mê cung). Một hành trình đan xen giữa thức tỉnh, chấp nhận và những rối bời như thể lạc vào một mê cung không có lối ra.

Trong tình yêu, “Body Heat” (Nhiệt cảm) nói lên giai đoạn hạnh phúc khi khởi đầu tình yêu và đau đớn trong cảm giác chia tay của anh. Và với “The cut” (Lưỡi cưa), Cường Đàm đã dùng một hình ảnh đầy sắc nhọn để kể về giai đoạn khủng hoảng nhất trong cuộc đời mình – hành trình 8 năm anh chiến đấu với căn bệnh trầm cảm. Khi đứng giữa ranh giới giữa việc từ bỏ và cho mình một lối thoát với việc tiếp tục chiến đấu, Cường Đàm chọn bước về phía trước, đối mặt với những “lát cắt” trong “lưỡi cưa” để đi tiếp hành trình của mình.

Và cuối cùng, “Khắc kỷ” hiện lên ở cuối như một cái kết mở, một ý niệm đầy lạc quan khi đã tìm được “vị thần” trong tâm hồn mình. Người ta thường nghĩ đến những vị thần tối thượng ở trên cao, nhưng ít ai nhận ra, trong tâm tưởng chúng ta đều có một vị thần hiện diện sau khi đủ thức tỉnh. Và hiện tại, Cường Đàm đã hiện lên như một chiến binh đầy mạnh mẽ với tinh thần tự do, thách thức mọi khuôn khổ, dám làm điều mình muốn sau khi vượt qua tất cả.

Ở phòng cuối, Cường Đàm dành một không gian tĩnh lặng với ánh sáng chuyển động để người xem có thể bước vào, tự suy ngẫm, nhìn nhận về cuộc sống, những vấn đề của bản thân.

Mang theo nét đặc trưng của ngành nghề mình đang thực hành, điểm đặc sắc tại triển lãm “Paramount” của nhà thiết kế này còn nằm ở những bộ trang phục trên những bức tượng. Chất liệu được sử dụng cũng được xử lý với nhiều kỹ thuật khác nhau để có thể truyền tải được đa tầng cảm giác. Người xem sẽ được chiêm ngưỡng sự sắp đặt đằng sau chất vải gấp nếp, nhăn được draping, phối cùng phụ kiện kim loại và nhiều hình thức khác.

Ảnh: Tổng hợp

library