Là người từng xem qua concert “Born Pink” nằm trong khuôn khổ World Tour của Blackpink ở Hàn Quốc, Thái Lan, và nay tiếp tục sở hữu tấm vé đến sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) thưởng thức show diễn, Lý Thành Cơ đã có những chia sẻ thú vị với Men’s Folio Vietnam, từ câu chuyện đặt vé hết sức… suôn sẻ của anh, lý do anh quyết định xem concert lần thứ 3, đến chuyện những điều đặc biệt mà chỉ có Blinks ở Việt Nam được trải nghiệm.
Trong quá trình săn vé tham dự show diễn “Born Pink”, người hâm mộ gặp nhiều khó khăn trong việc mua vé, lẫn việc tiếp nhận các thông tin xoay quanh show diễn, mà các bạn gọi vui là “kiếp nạn thứ n” vì không có điều gì chắc chắn cả. Còn quá trình săn vé của anh thế nào?
Tôi xác định sẽ đi với tâm thế ủng hộ ngay từ đầu nên khi có thông tin show diễn là tìm mua vé ngay. Tôi mua chung đợt với show diễn của Taylor Swift vào ngày 7/7, 11 giờ sáng săn vé show của Taylor Swift, 12 giờ săn vé show của Blackpink. Nhìn chung, tôi không gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc săn vé. Tôi cũng không có định nhượng lại vé, dù có nhiều thông tin chưa xác thực về khả năng diễn ra của show diễn. Chỉ là tôi chưa vội đặt phòng lưu trú vì muốn chờ xem thêm tình hình thế nào.
Anh có gặp phải tình trạng hỗn loạn về thông tin như đề cập bên trên ở các show diễn ở các quốc gia khác không?
Việc có quá nhiều luồng thông tin nổ ra xoay quanh show diễn của Blackpink ở Hà Nội thì tôi chưa gặp ở khi xem show ở các quốc gia khác. Có lẽ vì đây là lần đầu một nhóm nhạc mang tầm quốc tế đến Việt Nam trình diễn ngay trong thời hoàng kim của họ, đó là chưa kể đêm diễn nằm trong một khuôn khổ world tour nữa, nên nhiều báo đài tập trung ống kính của họ về phía các cô gái lẫn phía ban tổ chức, dẫn đến hỗn loạn thông tin.
Đã xem show diễn hai lần, vậy những lý do lớn nhất nào khiến anh quyết định trải nghiệm concert này ở Việt Nam?
“Thà xem concert ở nước ngoài còn hơn” là câu tôi thấy rất nhiều bạn chia sẻ trên trang cá nhân của họ, nhưng tôi vẫn quyết định đi xem lần thứ ba, vì sao? Thực ra buổi diễn ở sân vận động là những concert lớn và khâu tổ chức vô cùng phức tạp. Tôi đã đi ở Bangkok (Thái Lan) và không có trải nghiệm tốt trong cách họ tổ chức. Nên lần này tôi muốn đi để xem thử cách vận hành ở nước mình, vì nếu tổ chức tốt thì rõ ràng phía Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng trở thành điểm đến của các nghệ sỹ tên tuổi khác trong kế hoạch lưu diễn thế giới của họ.
Bên cạnh đó, khán giả Việt bị mang tiếng là chỉ thích nghe “chùa”, thường chọn cách tiêu thụ âm nhạc bằng Youtube miễn phí, Spotify miễn phí, xem TV. Nên tôi nghĩ rằng không rõ liệu với sức chứa 24.000 người, thì concert diễn ra trong hai ngày có bán hết vé của nó không, một phần vì giá vé khá cao và phần thì có quá nhiều bên bán, nhượng vé. Tôi đã rất lo lắng nên trước một ngày diễn ra show mới đặt phòng khách sạn.
Nhưng khi đến sân vận động, tôi vỡ oà và phấn khích khi thấy khán giả lấp kín sân, chỉ trống đôi chỗ ở những hàng ghế khán đài. Không khí bùng nổ mạnh mẽ, “fanchant” (cổ vũ cho nghệ sĩ bằng cách hô to một cụm từ hoặc hát theo thần tượng) cuồng nhiệt không sót một bài nào. Phải khen một điều là Blinks Việt có “fanchant” mạnh nhất trong 3 concert của Blackpink tôi từng tham gia.
Chứng tỏ rằng người Việt Nam vẫn sẽ sẵn lòng chi tiêu mạnh tay, mua trải nghiệm để tận hưởng âm nhạc, chứ không chỉ dừng ở việc “ủng hộ bằng tâm”. Các công ty giải trí sẽ thấy được tiềm năng của người hâm mộ Việt để mang nhiều nghệ sỹ lớn về biểu diễn hơn; và chúng ta không phải bay qua nước nào để đi concert cả. Chúng ta hoàn toàn xứng đáng được xem nghệ sỹ mình yêu thích ngay tại đất nước mình.
Còn trên thực tế thì sao, anh đã quan sát thêm được những gì ngay trong bầu không khí đêm diễn?
Tôi quan sát thấy có nhiều người nước ngoài đi xem nhạc, rất nhiều giọng của các nước Đông Nam Á, có tiếng Trung, tiếng Hàn. Có thể họ làm việc tại đây, cũng có thể họ bay tới để xem show diễn. Hãy xem thử Singapore đã biến concert trở thành một “cần câu” du lịch bằng cách hỗ trợ hết mức cho các nghệ sỹ quốc tế, mở thêm nhiều đêm diễn hơn ra sao. Bởi họ biết người yêu nhạc đến nước họ sẽ thuê phòng, ăn uống, mua sắm, vui chơi…
Tại sao Việt Nam không phải là một địa điểm như vậy? Nên tôi rất muốn ủng hộ concert lần này là vì vậy, biết đâu concert sẽ trở thành một hoạt động thu hút khách du lịch trong tương lai như các nước bạn thì sao? Và sau này, các sở, bộ sẽ mạnh mẽ hơn trong việc hỗ trợ nghệ sĩ để họ biểu diễn thuận lợi hơn, chứ không hỗn loạn như mấy ngày vừa qua.
Ngoài suy nghĩ “Thà xem concert ở nước ngoài còn hơn”, thì còn có một nỗi lo không tên về việc chỗ ngồi, đó là dù mua vé VIP thì đến cuối cùng khán giả ở những khu khác đều tràn vào khu trung tâm… Trải nghiệm của anh ở show lần này thế nào, có gặp những vấn đề nhức nhối về chỗ ngồi không?
Câu chuyện về chỗ ngồi xáo trộn trong đêm diễn thì tôi không thấy ở show diễn này. Để vào xem show, bạn phải trải qua hai bước, đầu tiên là đổi vòng tay trước giờ biểu diễn và cầm theo vòng tay khi đến xem, tiếp theo là trước khi vào sân vận động, bạn phải mở email để ban tổ chức kiểm tra xem có bạn có sổ hữu đúng số ghế ngồi không và đảm bảo phải ngồi đúng ghế. Tôi đến nơi khá muộn, 7 giờ mới xuất phát từ trung tâm đến sân vận động, và khi tôi bước vào thì vẫn thấy ghế mình sẵn đó chờ mình. Song song đó, các khu ghế ngồi được xếp giống như ở Seoul, dễ tìm và không bị chen lấn quá tải.
Nhìn chung, anh nhận thấy ban tổ chức cần cải thiện những vấn đề nào, để các show sau ngày càng chuyên nghiệp hơn?
Đầu tiên là khâu dọn dẹp rác. Hôm qua trời mưa, ban tổ chức có phát áo mưa cho khán giả, và khi hết mưa thì mọi người cởi áo ra và để tại chỗ, lúc đó thì không có thùng rác để bỏ vào được ngay, mặt khác thì thùng rác cũng quá tải, dẫn đến hình ảnh không đẹp.
Thứ hai là khâu tổ chức về mặt thông tin xoay quanh sự kiện chưa chặt chẽ, có nhiều thông tin trái chiều như show diễn bị hủy, hay không ai mua vé như mong đợi… Trường hợp này rất cần có sự can thiệp của ban tổ chức để trấn an người hâm mộ.
Thứ ba là khâu vận tải, chúng ta vẫn chưa đảm bảo được việc di chuyển thuận lợi cho khán giả. Phía Hàn Quốc và Thái Lan có tuyến metro ngay sân vận động nên khi show diễn kết thúc, người xem có thể sử dụng phương tiện công cộng để ra về dễ dàng. Tàu ở Hàn thậm chí còn tăng thêm chuyến để giải tỏa ùng tắc. Bên mình chỉ có phương tiện cá nhân thôi, không có xe bus đêm đón khách về, nên khá khó khăn trong việc ra về sau show.
Nếu kể 3 điều anh cảm thấy hài lòng/ấn tượng khi đến xem show ở các nước bạn, thì đó là gì?
Đặc biệt là ở Hàn, mọi người di chuyển dễ dàng; được phát thẻ/vé lưu niệm; người hâm mộ ở Hàn trật tự và khâu tổ chức của họ tốt. Vấn đề tổ chức ở Thái thậm chí còn đáng báo động hơn ở nước mình rất nhiều.
Nói riêng về màn trình diễn của các cô gái, những điều gì làm anh ấn tượng nhất?
Về phần trình diễn, vũ đạo là hết sẩy. Phần giao lưu với người hâm mộ cực cháy và rất vui, nhất là phần nhảy bài hát “See Tình”. Đây là điều tôi không thấy ở hai show ở Hàn và Thái, không có một điệu nhảy nào như vậy cả. Hiệu ứng âm thanh, ánh sáng tốt không thua kém các nước bạn, đặc biệt là màn bắn pháo hoa rất đẹp. Đây có lẽ là điều đáng nhớ nhất của đêm diễn. Ngoài ra, một điều mà ban tổ chức đã làm tốt là có để phụ đề tiếng Việt trên màn hình, tạo điều kiện cho người hâm mộ dễ dàng hưởng ứng các thử thách được đề ra hơn. Do đó bầu không khí càng cuồng nhiệt và càng vui.
Anh mong muốn những nghệ sĩ quốc tế nào sẽ đến Việt Nam?
Rất nhiều, nhưng tôi sẽ chọn những nghệ sĩ Âu Mỹ. Nghệ sĩ Hàn không nhiều thì ít cũng sẽ đến Việt Nam biểu diễn vì thị trường mình tiêu thụ âm nhạc K-pop rất lớn. Nhưng nghệ sĩ Âu Mỹ đôi khi lại… bỏ quên chúng ta trên bản đồ lưu diễn. Tôi vẫn rất mong có một ngày Taylor Swift sẽ đến Việt Nam và chúng ta được trải nghiệm thứ âm nhạc mang tầm quốc tế ngay tại sân nhà.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh!
Ảnh: NVCC